LỜI GIỚI THIỆU
Chào các bạn thân mến. Quan hệ Nga-Trung trong hơn 300 năm lịch sử chưa bao giờ đơn giản. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, mối quan hệ này ngày càng phức tạp hơn.Tôi xin phép tiếp tục loạt bài về nước Nga trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Vừa qua trong chuyến đi thăm Nga đầu 06/2017, Tập Cận Bình chia sẻ nhiều điều đúng đắn, về sự lỗi thời của một thế giới đơn cực. Ông cũng nhấn mạnh rằng Moskva là nơi ông ghé thăm nhiều nhất trong những năm qua, rằng quan hệ Nga-Trung chưa bao giờ nồng ấm như hiện nay.
Đáp lại Putin lại một lần nữa khẳng định, là quan hệ Nga-Trung hiện tốt đẹp chưa từng có trong lịch sử bang giao hai nước, rằng hai nước luôn kề vai sát cánh. Ông cũng trực tiếp lên án việc Mỹ tìm mọi cách đẩy Huawei ra khỏi thị trường truyền thông quốc tế và công nghệ 5G, và coi đó là một tiền lệ xấu trong tự do thương mại quốc tế.
Trên thực tế đúng là quan hệ thương mại Nga- Trung ngày càng phát triển. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Nga và China là 108 tỷ USD (tăng 27% so với năm 2017. Trong đó, nhập khẩu từ China sang Nga tăng 12% lên 43,45 tỷ USD và xuất khẩu từ Nga sang China tăng 44,3% lên 53,78 tỷ USD. Tức là khác với Việt Nam và Mỹ đang nhập siêu rất lớn từ China, hàng năm Nga xuất siêu sang China khoảng 10 tỷ USD.
Công ty Huawei và công ty MTS một trong những nhà mạng di động lớn nhất Nga đã ký một thỏa thuận cấp chính phủ về phát triển công nghệ 5G và ra mắt thí điểm các mạng truyền thông thế hệ thứ năm ở Nga vào năm 2019-2020. Lễ ký diễn ra hôm 07/06/2019 tại Điện Kremlin trước sự chứng kiến của Putin và Tập Cận Bình.
Hai công ty sẽ cùng triển khai ở Nga các công nghệ và giải pháp kỹ thuật 5G và IoT (Internet of Things) của Huawei trên cơ sở hạ tầng hiện có của MTS, cùng phát triển mạng LTE thương mại hiện có của MTS lên mức tương thích với công nghệ 5G.
Theo Alexey Kornya Chủ tịch MTS, hợp tác giữa MTS và Huawei góp phần đưa quan hệ thương mại và kinh tế Nga-Trung lên một tầm vóc mới. Ngoài MTS, các nhà mạng di động Nga hàng đầu khác như Beeline. Megaphon cũng đã ký kết ghi nhớ với Huawei. Đồng thời hiện nay, hàng chục đại học hàng đầu Nga đã và đang ký hợp đồng hợp tác R&D với tập đoàn Huawei trong nhiều lĩnh vực.
Tóm lại, hai bên đã trình diễn trước công chúng toàn thế giới, đặc biệt là công chúng Nga, China và Mỹ một mối quan hệ nồng ấm chưa từng có. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Người Nga biết rất rõ người China và người Mỹ muốn gì ở họ, và cái giá của mình.
Đồng thời người Nga cũng hiểu rõ ràng đầy đủ, rằng China luôn là đối tác rất khó chơi và phải hết sức cảnh giác. Tôi xin phép chia sẻ một vài suy nghĩ của người Nga về “bạn vàng” China.
CHINA QUÁ THỰC DỤNG
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà quan sát kinh tế chính trị Moskva bắt đầu dự đoán về sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Trung. Đương nhiên những kỳ vọng như vậy, không chỉ căn cứ vào những phát biểu của Putin hay Tập Cận Bình, mà chủ yếu vào bối cảnh quốc tế đối với Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng.
Theo quan niệm của các nhà quan sát chính trị Moskva, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, tuy trên thực tế, Bắc Kinh luôn ủng hộ một thế giới đa cực và các quy tắc của cuộc chơi này, nhưng Bắc Kinh lại giữ một vị trí qúa thực dụng và hành xử kiểu “thao quang dưỡng hối”, nên Bắc Kinh chưa bao giờ ra mặt ủng hộ và bỏ mặc Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây ở Ukraina, Syria, Venezuela và Iran.
Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi Bắc Kinh ủng hộ Moskva ở Hội đồng Bảo an LHQ, nói chung Bắc Kinh luôn giữ vị thế người quan sát, như một con Khỉ khôn ngoan ngồi trên đồi ăn chuối, tích tụ công lực và thản nhiên nhìn Gấu Nga vật lộn với Ó Mỹ, báo châu Âu dưới thung lũng.
Kể từ năm 2013, Putin và Tập Cận Bình đã gặp nhau tổng cộng gần ba chục lần, mặc dù quan hệ hai quốc gia và cá nhân các nguyên thủ rất thân thiện, Putin vẫn không thuyết phục được Tập Cận Bình thay đổi thái độ thực dụng và tụt xuống từ đỉnh đồi. Đúng ra, Putin phải cảm ơn Donald Trump vì ông này đã làm được điều không tưởng này.
Những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho thấy cả Mỹ và China đều hiểu sai về nhau. China không lường hết được quyết tâm “chiến” của Trump, còn Trump và cộng sự không đánh giá được khả năng chịu đòn của China và ảnh hưởng tàn phá toàn cầu của cuộc chiến này.
Về phía Bắc Kinh, vì cho rằng China chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực, lúc đầu Bắc Kinh đã cố gắng nhân nhượng, trấn an Trump bằng mọi cách, Bắc Kinh không những nhượng bộ về kinh tế, mà còn tự nguyện rời khỏi Venezuela.
Tuy nhiên, những đỏi hỏi ngày càng tăng của Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đặc biệt là cuộc tấn công trừng phạt đối với Huawei đã cho Bắc Kinh thấy rõ ý đồ Mỹ, là bằng mọi cách người Mỹ đang cố gắng ngăn chặn China không cho trở thành cường quốc công nghệ, kể cả với cái giá là phải phá vỡ trật tự thế giới hội nhập, tự do thương mại và toàn cầu hóa hiện hành.
Rõ ràng Trump đã chẳng để lại cho China nhiều lựa chọn. Và nếu China sẵn sàng “phản công tự vệ”, thì tại sao họ lại không đứng cùng chiến tuyến với nước Nga, một quốc gia đã nhiều năm đứng trên “tuyến đầu chống Mỹ” nhỉ? Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Sự thực dụng quá mức của người China chính là “hạt sạn” tiềm ẩn thứ nhất trong quan hệ hai nước.
Có thể sẽ có một vài sáng kiến hợp tác chính trị Nga-Trung, nhưng giữa hai nước chắc chắn sẽ không có triển vọng hợp tác, không có những dự án chính trị chung lâu dài, còn quan hệ đồng minh thì lại càng không thể. Đơn giản là vì quan hệ hợp tác rất chặt chẽ giữa Nga và China hiện thời, chủ yếu dựa trên một nguyên tắc – lợi ích chung là chống Mỹ.
Nếu Trump, hoặc tổng thống Mỹ mới nào khác hiểu được rằng, chẳng việc gì phải chiến đấu cùng lúc đồng thời chống lại cả China lẫn Nga, và như vậy mặc định đưa họ vào vòng tay nhau, ông sẽ bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và mở lại thị trường Mỹ cho hàng hóa từ China.
Chắc chắn, trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo China sẽ lập tức vui vẻ chấp nhận hòa hoãn với Mỹ, để có điều kiện tiếp tục “thao quang dưỡng hối” tích tụ công lực cho một cuộc chiến thực sự với Mỹ trong tương lai về sau.
NGA VÀ CHINA ĐỊNH HƯỚNG KHÁC NHAU
“Hạt sạn” thứ hai, là khả năng hợp tác Nga-Trung bị giới hạn về địa lý và văn hóa. Tuy là hàng xóm, nhưng đã vài trăm năm nay, Nga và China ngoảnh mặt sang những hướng khác nhau. Đối với người Nga, hướng chính trong chính sách đối ngoại và quốc phòng là phía Tây. Đó là việc ngăn chặn NATO, và tạo ra một hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu. Trong định hướng này của Nga, China chẳng có vai trò gì đáng kể.
Trong khi đó, hướng ưu tiên của Bắc Kinh, là việc bành trướng sang Đông Nam Á và Đông Á. Trong những cuộc xung đột này, nước Nga chẳng có lý do gì để đứng về phía China, vì nước Nga không thể mất quan hệ tốt đẹp với Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Thực tế, lợi ích chung của Nga và China chỉ có ở khu vực Trung Á. Nơi cả Moskva lẫn Bắc Kinh, đều cùng quan tâm đến việc duy trì ảnh hưởng (sự phụ thuộc của các nước này vào mình) trong khu vực, cũng như bảo vệ các quốc gia khu vực này, chống lại các mối đe dọa xuất phát ra từ Afghanistan.
Thực tế hiện nay Nga và China chưa có xung đột ở khu vực này và đang hợp tác làm việc. Lý do là vì người China hiểu rõ rằng, việc kéo khu vực này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga là vô nghĩa, vì tiềm ẩn nguy hiểm bất ổn cho China. Vì vậy, dù người China có thể tìm mọi cách mua và thao túng nền kinh tế các nước này, nhưng thôn tính thì không. Đơn giản là vì ở dân chúng địa phương Trung Á, tình cảm chống China rất mãnh liệt.
Tình cảm này vừa có tính lịch sử truyền thống, vừa xuất phát từ việc dân chúng khu vực này, lo ngại rơi vào số phận của những người anh em Uyghur ở Khu tự trị Tân Cương. Đồng thời cũng liên quan đến thái độ kẻ cả, thiếu tôn trọng đối tác của các doanh nghiệp China đang làm việc ở đây. Tóm lại, trong tương lai gần, người China chưa thể nghĩ đến việc kéo khu vực này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga, vì họ chưa sẵn sàng chiến đấu cùng lúc với cả Mỹ lẫn Nga.
HỢP TÁC LÀM ĂN NGA-TRUNG KHÔNG DỄ
“Hạt sạn” thứ ba, là quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung không dễ dàng. Bề ngoài triển vọng hợp tác kinh tế Nga-Trung có vẻ rất hấp dẫn. Putin hồ hởi nói về việc kim ngạch thương mại giữa Nga và China đã tăng hơn 100 tỷ USD, còn các doanh nhân China tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersbur luôn gợi ý, rằng họ có thể chuyển một phần sản xuất ở China sang Nga, để tránh 25% thuế hàng hóa nhập khẩu từ China vào Mỹ. Đồng thời giá thành hàng hóa sản xuất một số mặt hàng ở Nga có thể thấp hơn, nhờ giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu thấp.
Về nguyên tắc mọi sự rất ok. Tiếc rằng thực tế hợp tác kinh tế Nga-Trung đầy những vướng mắc, sự không tương thích xuất phát từ cả hai phía. Thứ nhất, đó là sự thiếu quan tâm, quan liêu, chây ỳ và phá bĩnh của các quan chức địa phương Nga. Các doanh nhân Trung Quốc thường xuyên kể những câu chuyện sống động, về việc quan chức chính quyền địa phương Nga rất biết cách phá bĩnh các dự án đầu tư.
Những quan chức địa phương Nga không hề quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, họ không tìm cách tạo ra những điều kiện hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. Tóm lại, họ chẳng làm bất cứ điều gì, để các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thoải mái, an toàn và có lợi cho mình.
Thứ hai, bản thân người Trung Quốc có một sơ đồ kinh doanh ở nước ngoài rất quái dị. Xin đơn cử sơ đồ kinh doanh du lịch China ở Nga. Người ta đã từng báo cáo lên tận Điện Kremlin, về một cuộc xâm thực chưa từng có của khách du lịch China đến St. Petersburg. Các công ty du lịch China đã từng bao tiêu toàn bộ một chuyến tầu Moskva-St. Petersburg. Sau đó, một đoàn hàng ngàn du khách China đã lũ lượt diễu hành qua các phố thủ đô phương Bắc.
Tuy nhiên lúc đó trong báo cáo, chính quyền St. Petersburg quên đề cập đến một chi tiết quan trọng, là thực tế thành phố St. Petersburg không có thu nhập đáng kể từ các vị khách này. Lý do là vì phần lớn du khách China đến Nga theo tour của các công ty lữ hành China. Ở Moskva và St. Petersburg, họ ở trong các khách sạn China, ăn uống và mua sắm đồ lưu niệm trong các nhà hàng, cửa hàng China trong một chu kỳ khép kín sử dụng đồng Yuan.
Thực ra, điều này không có gì mới, người Trung Quốc đã quen làm việc ở nhiều nước khác theo đúng một sơ đồ như vậy, nếu họ được phép. Thậm chí, người China còn đưa công nhân China sang các doanh nghiệp nước ngoài của mình. Tóm lại, nước Nga sẽ chỉ có thể tận dụng được lợi thế có từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nếu biết bảo vệ nghiêm nhặt lợi ích của mình trong những dự án kinh tế với China.
Ở đây vấn đề không phải ở chỗ sử dụng công nhân China, mà là phải đạt được giá trị gia tăng đáng kể trong các dự án sản xuất có vốn China. Nếu không, những dự án này rất dễ trở thành các cơ sở chế biến thô, đơn thuần góp phần gia tăng khối lượng nguyên liệu xuất khẩu sang China.
So sánh quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung với hợp tác kinh tế với Nga-Phương Tây, các nhà phân Moskva nhận định, rằng hiện nay thực tế quan hệ kinh tế Nga-Trung đang cân bằng. Nhưng trong mối quan hệ này, China hiện đang đóng vai trò dẫn dắt, điều làm giới kinh doanh Nga và Điện Kremlin rất khó chịu, nhưng không làm gì được.
Vì khác với phương Tây trước 2014 (Nga sáp nhập Crimea), đối với nước Nga, China chẳng phải là nguồn cung ứng công nghệ mới, cũng chẳng hề là nguồn tín dụng rẻ và dài hạn.
THAY CHO LỜI KẾT
Tóm lại đối với nước Nga, China tuyệt nhiên không thể thay thế phương Tây. Bây giờ điều này đã trở thành hiển nhiên đối với tất cả mọi người. Nếu năm 2014 (Nga sáp nhập Crimea), một số người Nga vẫn còn đôi chút ảo tưởng về điều này, thì hiện nay những ảo tưởng này đã hoàn toàn biến mất.
Theo các nhà phân tích chính trị kinh tế Moskva, tuy việc xoay chuyển tình thế không dễ dàng, nhưng không có nghĩa là nước Nga nhất thiết phải trở thành một chư hầu cung ứng nguyên liệu thô cho China. Trong Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang hiện nay và trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung dự kiến sắp tới, nền kinh tế Nga có vẻ không có nhiều CƠ, nhưng cũng lại ít NGUY.
Vậy nước Nga phải làm gì để có thể hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột Mỹ-Trung đang leo thang? Thứ nhất, theo các ẩn sỹ Moskva, người Nga phải nhận thức rõ ràng, đầy đủ và dứt khoát là hiện nay China đang cần Nga hơn, là Nga cần China. Tất cả các giao dịch và đàm phán với China nhất thiết phải tiến hành trên nền tảng tương quan này. Thứ hai, tuyệt đối không để bị lôi cuốn vào các cuộc chiến không cần thiết cho mình.
Thứ ba quan trọng nhất, là có lẽ đã đến lúc chú Gấu Nga dù bị thương, nhưng vẫn đủ sức bảo vệ lợi ích của mình, phải leo lên đồi dành lấy quả chuối từ tay con Khỉ, đuổi con Khỉ xuống thung lũng chiến đấu với Ó Mỹ, xem nó giỏi tự bảo vệ đến đâu? Tốt nhất là phải bắt Khỉ chiến đấu với Ó Mỹ, không những để bảo vệ quyền lợi của mình, mà phải bảo vệ cả quyền lợi của Gấu.
PS. Thật là ngây thơ khi nghĩ rằng “PUTIN LÀM CHƯ HẦU TẬP CẬN BÌNH”, như một tác giả đã đặt tên cho bài viết của mình hiện đang lan truyền và được chú ý trên MXH Việt ngữ.
Thứ nhất theo định nghĩa, Chư hầu là một từ xuất phát từ chữ Hán (諸侯), trong nghĩa hẹp của chữ Hán dùng từ thời Tam Đại ở Trung Quốc (gồm nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu) để chỉ tình trạng các vua chúa của các tiểu quốc bị phụ thuộc, phải phục tùng một vua chúa lớn mạnh hơn làm thiên tử thống trị tối cao. Các nước nhỏ có sự thừa nhận chính thức vị thế chư hầu trước một nước lớn và được gọi là “nước chư hầu”.
Tại châu Âu trong chế độ phong kiến thời trung cổ mối quan hệ chư hầu (vassal) tồn tại ở dạng các lãnh chúa địa phương tuyên thệ trung thành với vua. Trong thời đại hiện nay chư hầu được sử dụng theo nghĩa bóng, dùng để chỉ tình trạng nước nhỏ phụ thuộc lộ liễu vào nước lớn nào đó, với mức độ phụ thuộc khác nhau.
Chẳng hạn, trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, có thể gọi Hàn Quốc, Thái Lan, Philippenes là những chư hâu của Mỹ, các nước này đã phải “chiều” Mỹ, cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự ở nước mình và đưa quân vào tham chiến ở Việt Nam (dù trường hợp Thái Lan, Philippenes chỉ tượng trưng). Nhưng Singapore nhỏ bé tránh được việc này.
Hay là trong thờ kỳ Chiến tranh Lạnh, những nước Đông Âu thành viên khối Hiệp ước Warszawa đã phải “chiều” Liên Xô đưa quân vào Hungary 1956 và Tiệp Khắc 1968.
Thứ hai, theo các tiêu chí trên, việc khẳng định Putin (Nga) làm chư hầu cho Tập Cận Bình (China) là không đúng về mặt định nghĩa, và lại càng không đúng về mặt thực tế. China chẳng có con bài tẩy nào để ép, “dụ” được người Nga làm chư hầu của mình.
Đồng thời, người Nga chẳng yêu, mà lại càng chẳng sợ China đến mức “tự nguyện” làm chư hầu, như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, như tôi đã trình bầy trong bài “Những lựa chọn lich sử của Mông Cổ”, 3 triệu dân Mông Cổ không có ý định làm chư hầu cho ai cả, và hình như Nga và China cũng không ép được họ.
Cuối cùng là sự lưa chọn văn minh. Trong các câu chuyện riêng tư, các bạn Nga của tôi luôn khẳng định, rằng đối với họ, khác với các giá trị văn minh China xa lạ, vừa rất “khó hiểu, vừa rất khó tiêu hóa”, những giá trị của văn hóa Châu Âu, kể cả tự do dân chủ nhân quyền, cũng như văn hóa chính trị và thể chế, đều gần gũi và dễ tiếp nhận hơn rất nhiều.
Vì vậy, họ tuyên bố rằng, trong thời gian vài năm trước mắt có thế (?) Nga sẽ hợp tác chiến thuật với China để chống lại bá quyền của nước Mỹ ”ngạo mạn”.
Nhưng về lâu dài, Nga sẽ hợp tác chiến lược với Mỹ và Phương Tây để chống lại sự trỗi dậy “không hòa bình” của China, bảo vệ các giá trị phổ quát của nhân loại về tự do dân chủ và nhân quyền. Thật là tiếc cho tác giả bài viết “PUTIN LÀM CHƯ HẦU TẬP CẬN BÌNH”.
TAM TRAN
- Kết quả của cuộc họp ở Paris: núi ảo vọng bị xua tan
- KASPAROV: NƯỚC ĐỨC PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO NHỮNG HÀNH ĐỘNG TÀN BẠO CỦA PUTIN
- Putin đã không được người ta mời đến dự lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandy
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
- Zelensky trả lời Putin rất đanh thép và thâm túy!
Trả lời