NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG

LỜI GIỚI THIỆU

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những bất đồng trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Châu Âu, Canada, Mehico. Xung đột địa chính trị giữa Mỹ với Nga, Iran. Chỉ là những những biểu hiện bên ngoài của việc phá vỡ trật tự thế giới hội nhập, tự do thương mại và toàn cầu hóa. Một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ cùng các nước Phương Tây thiết lập, và do Mỹ dẫn dắt sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu chính trị kinh tế Nga và Phương Tây, Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là khúc dạo đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ- Trung và xa hơn nữa là một cuộc đối đầu cạnh tranh toàn diện giữa 2 nền văn minh Phương Tây và Trung Hoa. Một trong những dự báo mà Samuel Huntington đã phát biểu từ lâu, đặc biệt là trong tác phẩm “The Clash of Civilizations?” (1993) nổi tiếng của mình.

Về ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tôi đã trình bầy trong bài “Kinh tế Nga và ảnh hưởng từ Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” ngày 28/05/2019. Những nhà quan sát tỉnh táo và những chuyên gia phân tích Nga nghiêm túc cho rằng, ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới sẽ rất lớn. Nhưng đối với nền kinh tế đang “chững lại” chủ yếu vì những nguyên nhân nội tại của Nga, ảnh hưởng trước mắt của cuộc chiến này đối với Nga không lớn (no CƠ and no NGUY). Người Nga, đặc biệt là cư dân Siberia băng giá cảm thấy chẳng có gì đáng để xúc động, còn “xoắn và hoắng” thì lạy Chúa.

Tuy nhiên, việc Trump và chính quyền Mỹ có vẻ nhất quyết (?) đưa Huawei vào danh sách đen và đang tìm mọi cách ngăn cản China vươn lên trong công nghệ kỹ thuật số, truyền thông và AI thì có khác. Điều này quả thực có làm họ xúc động hơn đôi chút.

Vì trước hết, đây là một chỉ dầu khá rõ ràng, về sự kết thúc có thể xảy ra đối vói trật tự thế giới tự do thương mại và toàn cầu hóa hiện nay, cũng như sự khởi đầu của việc phát triển song hành 2 thế giới công nghệ cao, tiền đề cho Chiến tranh Lạnh với những hậu quả khó lường cho toàn thế giới và cho cả nước Nga.

Sau nữa, điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải chọn phe, một điều mà nước Nga và người Nga chưa sẵn sàng. Đồng thời trong cuộc chiến hủy diệt Huawei của Mỹ, như nhiều cư dân Châu Âu khác, người Nga không có lòng tin tuyệt đối rằng Mỹ sẽ thành công. Còn trong cuộc đối đầu công nghệ kỹ thuật số, truyền thông nói chung và AI nói riêng, theo họ, trước mắt Mỹ có nhiều ưu thế hơn (chiến thuật), nhưng lâu dài (chiến lược) thì không.

Để ủng hộ Trump, giới phân tích kinh tế công nghệ Nga tuyên bố rằng, hàng ngày họ sẽ cầu nguyện Chúa Kito Orthodox phù hộ ông Trump Kito hữu Tin Lành, để sau 3 tháng nữa, ông này vẫn quyết tâm hủy diệt Huawei. Một sự kiện mà họ đang chống mắt ngóng xem. Còn để ủng hộ Huawei, hàng chục đại học hàng đầu Nga đã và đang ký hợp đồng hợp tác R&D với tập đoàn này trong nhiều lĩnh vực.

Về những vấn đề này, tôi xin phép trao đổi trong một bài khác. Ở đây, tôi xin phép chỉ trao đổi về những ảnh hưởng (có thể có) từ cuộc đối đầu Mỹ-Trung lên các vấn đề chiến lược địa chính trị nước Nga.

Hiện nay Nga vẫn là một quốc gia có sức mạnh quân sự rất đáng kể, lãnh thổ bao la, tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng trí tuệ to lớn. Về mặt văn hóa, nước Nga có thể ví như con khủng long Giraffatitan, với một cái đầu nhỏ ngoảnh sang Châu Âu, và một tấm thân khổng lồ mắc ở Châu Á.

Còn về các phương diện quân sự chính trị, khoa học và công nghệ, nước Nga luôn một cường quốc thuộc loại hàng đầu thế giới về khả năng gây đột biến “không tưởng”. Ngoài ra, tâm thế kiên định chấp nhận hy sinh, tìm lối đi riêng, bằng mọi giá phải giữ được tư thế cường quốc của người Nga, sẽ cũng là một yếu tố quan trọng trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Nước Nga sẽ đứng ở vị trí và có vai trò nào trong đối đầu cạnh tranh Mỹ-Trung? Phần lớn các nhà phân tích chiến lược Nga cho rằng, nước Nga phải tìm mọi cách đứng ngoài cuộc đối đầu này (dù đó là một điều không dễ ngay đối với Nga). Một vài người thậm chí còn suy diễn, là cuộc đối đầu cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay, là do giới tài phiệt Do Thái quốc tế dàn dựng.

Vì vậy, nước Nga nhất quyết không bao giờ được phép để mình bị giới tài phiệt Do Thái quốc tế lôi cuốn vào cuộc đối đầu cạnh tranh kiểu này một lần nữa. Lý do là vì, hồi Thế Chiến 2, trong cuộc chiến đối đầu giữa Phương Tây và nước Đức Hitler. Chính giới tinh hoa Do Thái quốc tế, đã đẩy Liên Xô vào cuộc chiến tranh với nước Đức Hitler.

Tuy nhiên, cũng không ít nhà phân tích chính trị kinh tế Nga nhìn nhận cuộc đối đầu Mỹ-Trung hoàn toàn khác. Họ cho rằng, đây là một cơ hội để nước Nga lấy lại vị thế cường quốc toàn cầu của mình.

NƯỚC NGA KHÔNG NÊN ĐỂ MẤT CƠ HỘI CỦA MÌNH

Đó là ý kiến của GS Emil Avdaliani, hiện đang dạy lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Tbilisi và Đại học Ilya ở Cộng hòa Georgia thuộc Liên Xô cũ. Người trong nhiều năm đã làm việc trong các tổ chức tư vấn quốc tế. Đặc biệt, từ 2014-2017, là chuyên viên phân tích khu vực của Cơ quan phân tích tình báo tư nhân Mỹ STATFOR. Bài viết được đăng ngày 07/07/2018, trên trang mạng Nga nổi tiếng svpressa.ru, ít lâu sau khi Trump tuyên chiến với Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ có các lợi ích địa chính trị khác nhau, do đó giữa hai cường quốc, căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng. Trong cuộc đối đầu đang phát triển này, việc lưu ý đến quan điểm của nước Nga là rất cần thiết. Lý do là vì hiện nay, Nga vừa bị áp lực từ phương Tây, đồng thời lại đang phải ở trong cái bóng của quyền lực kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, nhiều khả năng cuộc đối đầu cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ được Nga coi như một yếu tố quan trọng tạo cơ hội cho họ củng cố vị thế địa chính trị của mình.

Nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đồng thời với sự phát triển sức mạnh quân sự đáng kể. Trung Quốc đang bộc lộ ý đồ trở thành một tay chơi hàng đầu trong chính trị quốc tế. Trung Quốc có những lợi ích chiến lược, xung đột với những lợi ích của Mỹ. Bắc Kinh cần đảm bảo nguồn cung cấp dầu và khí đốt cho mình, mà hiện nay đang được cung cấp, chủ yếu thông qua eo biển Malacca. Đối với Trung Quốc, trong kỷ nguyên Mỹ thống trị trên biển, lợi ích sống còn là phải chuyển hướng sự phụ thuộc nền kinh tế của mình, cũng như các tuyến đường cung cấp nguyên liệu thô, sang các điểm khác.

Đó chính là động lực cốt lõi, đằng sau sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường”. Một dự án được ước tính giá trị khoảng một $1000 tỷ. Mục tiêu của sáng kiến này, là kết nối lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với Châu Âu thông qua Nga, Trung Đông và Trung Á. Đồng thời Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ sự thống trị đại dương của Mỹ, ở ngay ngoài khơi bờ biển của mình. Bản thân Trung Quốc cũng sẽ có tham vọng thống trị đại dương toàn cầu ngày một lớn hơn. Tác động của tất cả những yếu tố này, sẽ dẫn đến một thực trạng, là trong những năm tới và nhiều thập niên về sau, sự nghi ngờ lẫn nhau không tránh khỏi trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, chỉ có ngày một gia tăng.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế đưa ra nhiều kịch bản chính trị thế giới khác nhau, về khả năng một cuộc đụng độ quyết định giữa hai cường quốc trong tương lai gần. Tuy nhiên, hầu hết những công trình phân tích này (một số công trình trong số này rất khá), đã bỏ qua vai trò của Nga. Trong khi nước Nga, trải dài từ vùng biển Baltic đến Thái Bình Dương, có một vị trí đặc biệt giữa Phương Tây và Phương Đông. Ngoài ra, nhờ những khả năng địa chính trị, quân sự và kinh tế của mình. Nước Nga có tiềm năng đóng vai trò mấu chốt làm thay đổi cân bằng đáng kể trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Moskva tin rằng, cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể giúp nước Nga thúc đẩy những tham vọng địa chính trị của mình. Những tham vọng, mà trong ba thập niên qua, phần lớn đã bị Châu Âu và Mỹ kiềm chế.

Cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Nga và phương Tây là kết quả của rất nhiều sự khác biệt và bất đồng cơ bản. Cả trong không gian hậu Xô Viết lẫn ở các nơi khác. Vì vậy trong một tương lai rất xa, những căng thẳng trong quan hệ hai bên có thể vẫn sẽ tồn tại ở trạng thái âm ỷ. Điều này không cho phép bất cứ bên nào có một nhượng bộ lớn.

Việc Phương Tây bành trướng thành công vào những khu vực lãnh thổ, từng luôn được coi là “sân sau” của Nga, cũng đã thu hẹp đáng kể không gian triển khai sức mạnh của Moskva, và làm giảm mạnh khả năng tiếp cận của nước Nga, đến khu vực phía Bắc lục địa Á Âu. Hiện nay nước Nga đang bị “bó chặt” trong không gian giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, các nước châu Á khác và Châu Âu hiện đại công nghệ kỹ thuật cao.

Nước Nga luôn tuyên bố rằng, hiện nay biên giới phía Tây của Nga dễ bị tổn thương, vì NATO và EU đang tích cực di chuyển về phía đông. Trên thực tế, Nga có nhiều vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn nhiều. Chẳng hạn như khu vực Bắc Caucasus và Trung Á “lỏng lẻo”.

Xét về một phương diện nào đó, có đầy đủ cơ sở để kết luận rằng, người Nga đang lãng phí quá nhiều sức lực và tài nguyên quốc gia để giải quyết những vấn đề của mình với Phương Tây. Và ngân sách của Nga, đang phải “oằn lưng” gánh những chi phí quá nặng. Như chương trình hiện đại hóa quân đội rất tốn kém và những chi phí, để bảo trợ các chế độ ly khai thân Nga ở Moldova (Tránnistria), Ukraina (Donbass) và Georgia (Abkhazia, Nam Osetia).

Những người Nga bỉnh thường hoàn toàn có lý khi chất vấn, tại sao chính quyền Nga lại dành nhiều tiền đến thế để giải quyết những vấn đề ở các nước thuộc Liên Xô cũ, trong khi, hiện tại phần lớn biên giới nước Nga là ở Châu Á? Tại sao nước Nga lại bỏ ra quá nhiều sức lực và tiền bạc, vào một công việc vô vọng, là ngăn chặn sự lan tỏa ảnh hưởng Phương Tây đến các nước thuộc Liên Xô cũ? Câu hỏi này sẽ bức xúc gấp bội, khi chúng ta nhìn vào bản đồ nước Nga, với những vùng đất rộng lớn chưa khai phá ở Siberia, hay đúng hơn là còn đang bỏ hoang.

Ngày nay, châu Âu là một trong những trung tâm chính của tiến bộ công nghệ thế giới, cũng như Nhật Bản và Trung Quốc. Trong toàn bộ lịch sử của mình, nước Nga chưa bao giờ từng có cơ hội phát triển Siberia, và biến nó thành nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế toàn thế giới.

Vị trí địa lý này của Nga là đặc biệt duy nhất và sẽ tiếp tục là như vậy trong vài thập niên tới. Bởi vì theo nhiều dự báo, lớp băng che phủ Bắc Băng Dương sẽ giảm đáng kể. Bắc Băng Dương sẽ biến thành một đại dương của các tuyến vận chuyển hàng hóa thương mại. Điều này sẽ mang lại cho Nga một cơ hội lịch sử trở thành cường quốc hàng hải.

Nguồn nhân lực và công nghệ của Trung Quốc, Nhật Bản ở Viễn Đông, cũng như nguồn vốn và công nghệ của Châu Âu ở miền Tây nước Nga, có thể biến nước Nga thành một vùng đất của những cơ hội.

Vị trí địa lý của Nga phải được tính đến, khi phân tích vai trò của Moskva trong cuộc đối đầu cạnh tranh Mỹ-Trung. Dù rằng áp lực từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên các tỉnh phía đông nước Nga ngày một tăng, nhưng hiện thời, áp lực này vẫn chỉ có tính chất kinh tế và địa lý thuần túy. Tuy vậy, giới tinh hoa chính trị Nga vẫn nên coi cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang bùng lên, như một cơ hội tăng cường vị thế địa chính trị đang ngày càng yếu đi của mình trong toàn bộ không gian hậu Xô Viết.

Dù sao có một điều mà người Nga đã tính hoàn toàn đúng. Đó là cả Washington lẫn Bắc Kinh, đều sẽ rất cần sự ủng hộ của Nga. Và đó chính là logic đứng đằng sau thái độ gần đây của Moskva đối với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Một thái độ được đặc trưng bởi sự lảng tránh và không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ nghĩa vụ nào. Theo đúng tinh thần quan hệ quốc tế lý trí sắc lạnh, Nga muốn tạo cho mình một vị thế, mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải đua nhau cầu cạnh.

Nếu chọn phía Trung Quốc, Nga hoàn toàn có thể trông mong được, vào việc gia tăng ảnh hưởng của mình ở Trung Á. Nơi mà sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1992, ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng theo cấp số nhân. Phải nói rằng mặc dù một cách chính thức, Moskva chưa bao giờ bày tỏ sự lo ngại về điều này. Nhưng không ai có thể phủ nhận được sự thực, là những mối lo ngại như vậy, thực tế luôn “lởn vởn” trong đầu giới tinh hoa chính trị Nga.

Tuy nhiên, nếu Moskva chọn phía Mỹ. Thì so với nhượng bộ từ phía Trung Quốc, những nhượng bộ từ phía Mỹ, đối với Nga rất có thể sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Ukraina và Nam Caucasus có thể sẽ là những phần thưởng lớn nhất, Còn việc mở rộng NATO có thể sẽ bị đình chỉ. Ngoài ra, các nhượng bộ cơ bản khác còn có thể đến từ Trung Đông. Chẳng hạn ở Syria, nếu xung đột ở đất nước này vẫn đang tiếp diễn.

Ngoài tư duy chiến lược địa chính trị quy mô toàn cầu, đối với người Nga, quyết định này cũng sẽ là một lựa chọn bản sắc văn minh văn hóa. Người Nga đã vài trăm năm nay “chìm đắm” trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết, về việc liệu nước Nga của họ là châu Âu, châu Á hay là Âu Á.

Về mặt địa lý, nước Nga không thể tránh khỏi bị kéo sang phía Đông, nhưng bản sắc văn hóa lại kéo nó sang phía Tây. Dù có dự kiến rằng, những quyết định loại này, dứt khoát chủ yếu sẽ phải được dựa trên các tính toán địa chính trị thuần túy. Nhưng sự gần gũi về mặt văn hóa cũng vẫn đóng vai trò quan trọng.

Cùng gắn liền với yếu tố văn hóa, còn có nỗi sợ của người Nga (và cả thế giới còn lại), là không biết thế giới trông sẽ ra sao, sẽ vận hành như thế nào, dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc. Mỹ có thể là một mối đe dọa thực sự đối với Nga. Nhưng đối với giới tinh hoa chính trị Nga, thì dù sao, Mỹ vẫn được coi là đã “quá biết nhau”. Còn không gian lục địa Âu Á do Trung Quốc dẫn dắt, rất có thể sẽ là một thách thức lớn đối với nước Nga, nếu xét đến thực trạng là những đường biên giới ở các tỉnh phía Đông Nga hiện đang “rộng mở” với người Trung Quốc.

Cách tiếp cận của Nga trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang diễn ra, nhiều phần sẽ mang tính chất cơ hội và có điều kiện. Việc nước Nga đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc, chủ yếu phụ thuộc vào việc, bên nào sẽ có thể giúp Moskva nhiều hơn, hiệu quả hơn trong việc nước Nga giải quyết những vấn đề của mình trong không gian hậu Xô Viết.

THAY CHO LỜI KẾT

Tức là khác với ảnh hưởng không quá lớn từ cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến nền kinh tế, cuộc đối đầu toàn diện Mỹ-Trung có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ nước Nga, và càng lớn hơn nữa đến vị thế địa chính trị của Nga. Cuối cùng rất có thể, cuộc chiến này sẽ thúc đẩy nước Nga sớm làm một cuộc lựa chọn văn hóa.

Trong các cuộc nói chuyện riêng tư với tôi, người Nga, đặc biệt là giới tinh hoa chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật, đều tỏ ra rất tức giận trước thái độ “ngạo mạn xem thường” đối với họ của Mỹ và Châu Âu. Cũng như việc Phương Tây muốn “áp đặt” những giá trị các giá trị tự do dân chủ và nhân quyền Châu Âu cho họ, cho những người anh em Ukraina, Belorus. Dù rằng người Nga không bao giờ phủ nhận những giá trị này. Cùng lắm, họ chỉ coi là không (chưa) phù hợp với nước Nga hiện nay.

Ngược lại, giới tinh hoa Nga luôn bầy tỏ sự lo ngại (có phần bản năng) trước sự bành trướng của Trung Quốc. Họ luôn hiểu một cách rõ ràng, minh bạch và sâu sắc rằng, Trung Quốc và Nga không bao giờ có thể là đồng minh thực sự. Vì Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử của mình, chưa bao giờ có (cần) đồng minh. Ngoài ra, Trung Quốc luôn có những tham vọng thầm kín (công khai) thu hồi những lãnh thổ Đông Siberia và Viễn Đông, mà họ từng phải “cắn răng nuốt nước mắt” nhượng cho Nga theo các hiệp ước “bất bình đẳng, thua thiệt” ở thế kỷ 19.

Ngoài ra, khác với các giá trị văn hóa Trung Quốc xa lạ, rất “khó hiểu, khó tiêu hóa”, người Nga cũng luôn khẳng định, rằng đối với họ, những giá trị của văn hóa Châu Âu, kể cả tự do dân chủ và nhân quyền, cũng như văn hóa chính trị và thể chế, đều gần gũi và dễ tiếp nhận hơn rất nhiều.

PS. Nhận định về Donald Trump. Giới tinh hoa Nga cho rằng, Trump đang phá hủy trật tự thế giới hội nhập, tự do thương mại và toàn cầu hóa, mà cả thế giới dầy công xây dựng mấy chục năm nay. Còn riêng người Nga phải trả giá bằng sự sụp đổ ”trước hạn” của Liên Xô. Đồng thời, “cậu bé lớn” Trump giống như cô gái Pandora đã mở ra chiếc hộp Zeus của thế kỷ 21, hứa hẹn sẽ đầy biến động và hỗn loạn. Họ cho rằng, Trump là một nhà chiến thuật khá, nhưng với tư cách nhà chiến lược, ông chẳng hơn gì Putin và thua xa Ronald Regan.

Hình 1 bản đồ nước Nga đương đại. Một con khủng long Giraffatitan, với một cái đầu nhỏ ngoảnh sang Châu Âu, và một tấm thân khổng lồ mắc ở Châu Á.

Hình 2 – hồ Baykal một tài nguyên thiên nhiên độc đáo, một thắng cảnh tuyệt diệu của nước Nga ở Đông Siberia. Nằm ở độ cao 455.5m, Baykal có diện tích bề mặt 31.722km2 (dài nhất 636km và rộng nhất 79km), độ sâu TB là 744m, chố sâu nhất là 1642m. Với 23.615,39 km3 nước ngọt, Baykal là hồ có dự trữ nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 22-23% tổng lượng nước ngọt (không bị đóng băng quanh năm) trên bề mặt thế giới. Baykal không chỉ là hồ sâu nhất, mà còn được coi là một trong số những hồ trong và sạch nhất thế giới. Ngoài ra, Baykal hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm, nên được coi là hồ tối cổ trên thế giới.

Không có mô tả ảnh.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, đại dương, ngoài trời, thiên nhiên và nước
Trần Công Tâm


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề