Tinh hoa Nga và tinh hoa phương Tây (tiếp theo)

TINH HOA NGA HIỆN NAY

Trong những năm sau 2000 (khi TT Putin lên nắm chính quyền), quyền lực nhà nước Nga ngày càng tập trung vào tay tổng thống. Thống đốc các tỉnh, đều do tổng thổng chỉ định và bổ nhiệm (trong đó có nhiều người từng thuộc đội ngũ thân cận Putin, kể cả vệ sỹ). Việc bầu cử và ứng cử tự do các thống đốc thời TT Yeltsin bị bãi bỏ. Đồng thời, quan hệ giữa chính quyền và giới kinh doanh đã trở thành gắn bó hơn rất nhiều so với thời TT Yeltsin.

Sau năm 2000, bản thân chính quyền Nga đã quốc hữu hóa nhiều tập đoàn tư nhân (hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí) và thành lập mới những doanh nghiệp nhà nước, ở cả cấp trung ương lẫn các địa phương. Nếu năm 2000, khu vực nhà nước chỉ chiếm 30% nền kinh tế Nga, thì năm 2016, tỷ lệ này là 70% (để so sánh, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiểm 60% nền kinh tế Trung Hoa và tạo ra 80-85% công ăn việc làm mới).

Về mặt ngành nghề, nếu năm 2000, dầu khí mới chiếm 35% cơ cấu hàng xuất khẩu ở Nga, thì đầu năm 2016, tỷ lệ này là gần 65%. Có thể nói, hầu hết các tỷ phú mới xuất hiện sau những năm 2000 (Gennady Timchenko, anh em Rosenberg và những người khác), đều gắn kết chặt chẽ với chính quyền hoặc các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu.

Ở nước Nga đã hình thành ”Một chế độ tư bản nhà nước độc quyền”. Đây là kết luận của ông Igor Artemiev Tổng Cục trưởng Cục Phòng chống Độc quyền Liên bang trong một báo cáo đầu 2016, về tình trạng độc quyền thương mại trong kinh tế Nga.

Còn giới bình luận chính trị kinh tế quốc tế đặt cho hệ thống này thêm một tên khác, là chế độ tư bản thân hữu (crony capitalism). Một chế độ giống như ở các nước Châu Mỹ Latin những năm 1950-1970. Những biểu hiện đầu tiên của chế độ này, có ở Nga từ những năm 1990 thời TT Yeltsin. Khi đó
người ta bắt đầu không ngạc nhiên, về việc một thống đốc địa phương được một ngân hàng hoặc nhóm công nghiệp nào đó “đỡ đầu”.

Tuy nhiên, sau những năm 2000, luật chơi đã hoàn toàn thay đổi. Thường là một hoặc hai năm sau khi thống đốc một tỉnh hoặc một bộ trưởng mới được bổ nhiệm, người thân hoặc bạn bè của ông sẽ kiểm soát một phần quan trọng mọi hoạt động kinh doanh trong tỉnh, hoặc trong lĩnh vực ngành nghề (đối với bộ trưởng), để chia “miếng bánh ngân sách”.

Nghĩa là thay cho (nhà cửa, xe cộ, cửa hàng công vụ…) là những đặc quyền đặc lợi của giới tinh hoa chính trị Xô Viết, việc kiểm soát kinh doanh, hưởng các “bổng lộc” từ đó và chia “miếng bánh ngân sách”, là đặc quyền đặc lợi của giới tinh hoa chính trị Nga hiện nay.

Sau những năm 2000, thời TT Putin cũng có thể được đặc trưng bởi sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của giới tinh hoa an ninh và quân đội, đối với chính quyền và trong xã hội. Một giới đã từng bị “bỏ quên và bỏ đói” những năm 1990 thời TT Yeltsin. Giống như giới tinh hoa chính trị, hiện nay ở Nga, giới tinh hoa cảnh sát và an ninh cũng có những lãnh thổ và lĩnh vực là khu vực cai quản “ưu tiên” của riêng họ. Còn dối với giới tinh hoa quân đội, rõ ràng việc tư nhân hóa và thanh lý các tài sản quân đội, cũng như các hợp đồng cung ứng trang thiết bị và vật tư quốc phòng, phải là khu vực “ưu tiên” hiển nhiên của họ.

Có thể nói tầng lớp tinh hoa Nga (trừ một bộ phận rất nhỏ tinh hoa trí tuệ của hàng ngũ tinh hoa khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật) khá đồng nhất và không có cấu trúc phân tầng, tách biệt thành những nhóm xã hội với những giá trị của riêng mình như tinh hoa Phương Tây. Mà là sự hoà trộn của tinh hoa chính trị, kinh doanh, an ninh và quân đội, truyền thông, khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật vào cùng một guồng quay duy nhất (như một cơ thể sống bậc thấp), và phần nào đó giống tầng lớp tinh hoa Xô viết.

Tuy nhiên khác với tinh hoa Xô Viết, trong tầng lớp tinh hoa Nga hiện nay, có sự chuyển đổi tự do từ tiền bạc thành quyền lực và ngược lại. Đồng thời, tiền bạc và quyền lực có thể chuyển đổi thành phẩm hàm, quân hàm và danh hiệu, cũng như phẩm hàm, quân hàm có thể sinh ra tiền bạc.

Vì vậy hiện nay ở Nga, đối với nhiều người Nga bình thường không thuộc diện “quan hệ, hậu duệ”, chỉ còn một cách cửa rất hẹp là “trí tuệ” và một cánh cửa rộng hơn là “tiền tệ” (khác với thời Xô Viết) để bước vào tầng lớp tinh hoa Nga. Đồng thời, tuy tiền tệ là một chìa khóa vạn năng, một giá trị cốt lõi trong xã hội Nga hiện nay, nhưng lại không được tuyên ngôn công khai, mà chỉ là giá trị “ngầm hiểu” của lớp tinh hoa và cả xã hội.

Có thể nói, là đây cũng là điều khác biệt cốt lõi giữa tinh hoa Nga hiện nay so với tinh hoa Nga Sa Hoàng, Nga Xô Viết, cũng như so với tinh hoa Phương Tây. Đồng thời so với tinh hoa Xô Viết, tinh hoa Nga hiện nay tuy đồng nhất về thành phần và giá trị, nhưng ngoài lợi ích vật chất tiềm ẩn xung đột, chẳng hề có tư tưởng nào gắn kết bên trong tầng lớp này như thời Xô Viết.

Cũng như hiện nay chẳng có một tư tưởng nào gắn kết xã hội Nga. Những tư tưởng mờ nhạt kiểu “Thế giới Nga”, “nền dân chủ có chủ quyền” gần với chủ nghĩa dân tộc chẳng làm ai xúc động. Còn những tư tưởng kiểu “nước Nga là một pháo đài bị các thế lực thù địch bao vây”, “tư thế cường quốc Đai Nga vĩ đại” và “thế giới không là gì thiếu nước Nga”, thì lại đỏi hỏi thường xuyên phải có những cuộc “phô trương sức mạnh” ở Caucasus, Ukraina, Trung Á, Syria… và đi tìm kẻ thù trong nước Nga.

Với hệ giá trị, cơ cấu và cơ chế vận hành như trình bầy ở trên, tầng lớp tinh hoa Nga (như một cơ thể sống bậc thấp) đã tỏ ra không hiệu quả và không tương xứng trong vai trò dẫn dắt xã hội.

Trước hết xin phép điểm qua vài nét về phương diện kinh tế. Trong giai đoạn 10 năm từ 2007-2016, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình/năm của Nga là 1,72% (so với Ba Lan là 3.55%, Trung Hoa là hơn 10% và thế giới là 2.48%). Còn nếu tính toàn bộ giai đoạn 1990-2016, trong khi GDP toàn cầu tăng gần 2 lần, thì GDP của Nga chỉ tăng 1.2 lần.

Ngoài ra, mô hình kinh tế “độc canh” khai thác xuất khẩu dầu khí tài nguyên và cơ chế độc quyền nhà nước (tuy lạc hậu, nhưng lại dễ cho tinh hoa Nga điều khiển chi phối) đã làm khối doanh nghiệp tư nhân, trước hết là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng teo tóp. Làm giảm động lực phát triển, làm suy giảm mạnh mẽ khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như làm cho tình trạng bất bình đẳng thu nhập trở thành rất nhức nhối.

Kết quả là nước Nga hiện nay có một nền kinh tế xơ cứng, kém hiệu quả và rất dễ bị tổn thương trước các biến động đến từ phía bên ngoài (giá dầu khí, nguyên liệu sụt giảm, bị cấm vận…). Kinh tế Nga đã bắt đầu chững lại từ khá lâu (đầu 2013) trước khi Nga chiếm Crimea, can thiệp vào Ukraina, bị Phương Tây trừng phạt (2014) và giá dầu sụt giảm mạnh (2015). Việc nước Nga bị Phương Tây trừng phạt và giá dầu hỏa tụt dốc, chỉ làm bộc lộ rõ hơn những nhược điểm cốt tử và thúc đẩy nhanh quá trình khủng hoảng tất yếu của mô hình kinh tế này.

Mô hình kinh tế này cũng là cản trở chính, khiến nước Nga trong gần 20 năm qua đánh mất rất nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng kinh tế toàn cầu. Cũng như “để vuột” cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế Nga, sử dụng những khoản thu nhập rất lớn từ xuất khẩu dầu khí (xấp xỉ 1000 tỷ USD thu được từ việc giá dầu khí tăng đột biến những năm đầu 2000).

Vào năm 2008 sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khác với Trung Hoa, nước Nga đã định hướng phát triển sai. Lãnh đao Nga cho rằng không nên đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số “hậu công nghiệp” với thực tế ảo, mà nên đầu tư vào các ngành kinh tế truyền thống như khai thác dầu khí và tài nguyên.

Kết quả là nếu 03/2008, Tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom Nga có giá trị vốn hóa thị trường 360 tỷ USD, thì 03/2018, giá trị vốn hóa của Gazprom chỉ còn là 49 tỷ USD. Cùng trong khoảng thời gian đó, giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn tư nhân kỹ thuật số bán hàng trực tuyến Trung Hoa Alibaba tăng từ một vài tỷ, lên hơn 460 tỷ USD.

Đồng thời, theo những khảo sát gần đây, trong top 25 nước hàng đầu trên thế giới sẵn sàng cho việc tiếp nhận Cách mạng công nghiệp 4.0 có Trung Hoa, nhưng không hề có Nga. Về tình hình kinh tế Nga hiện nay, tôi đã trình bầy khá đầy đủ trong bài viết “TẠI SAO ĐỐI VỚI NGA CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ NHẤT” ngày 20/08/2018 trên FB này.

Về phương diện xã hội. Việc tiền tệ trở thành giá trị cốt lõi của xã hội Nga hiện nay, đã dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, dẫn đến lệch chuẩn trong lựa chọn nghề nghiệp. Theo các thăm dò dư luận xã hội gần đây, một trong những nguyện vọng ưu tiên hàng đầu của học sinh và sinh viên Nga là được phục vụ trong ngành cảnh sát thuế, trong lực lượng an ninh. Một điều hoàn toàn khác so với xã hội Xô Viết trước đây.

Mặt khác, việc nhiều người Nga bình thường không thuộc diện “quan hệ, hậu duệ”, chỉ còn một cách cửa rất hẹp là “trí tuệ” và một cánh cửa rộng hơn là “tiền tệ” (khác hẳn so với thời Xô Viết) để bước vào tầng lớp tinh hoa Nga, như đã nói ở trên. Điều này cũng đã dẫn đến tình trạng các chuyên viên kỹ thuật cao cấp, các doanh nhân Nga di cư ồ ạt sang Phương Tây. Quá trình bắt đầu từ những năm 1990, kéo dài đã nhiều năm và không có dấu hiệu suy giảm.

Chẳng hạn, trong một báo cáo của Nikolai Dolgushkin Thư ký khoa học Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, là “số lượng chuyên gia có trình độ cao di cư sang Phương Tây, đã tăng từ 20 nghìn năm 2013 lên 44 nghìn vào năm 2016”. Riêng năm 2015, con số người di cư ra khỏi nước nói chung là hơn 350 ngàn. Cũng năm 2015, kết quả thăm dò của Viện Thăm dò Dư luận Xã hội Nga (VCIOM) cho thấy, số người muốn di cư khỏi Nga là 13% dân số trưởng thành.

Một nguyên nhân khác của tình trạng di cư ồ ạt các nhà khoa học Nga, là việc khoa học Nga (trước hết là khoa học cơ bản (một trong những niềm tự hào hàng đầu của nhà nước Xô Viết) bị “bỏ đói”. Năm 2016, kinh phí dành cho toàn bộ nền khoa học Nga là 336 tỷ rúp ($5.4 tỷ) xấp xỉ Đài Loan. Trong đó, riêng khoa học cơ bản chỉ được đầu tư tổng cộng 105 tỷ rúp ($1.6 tỷ), nghĩa là 1.1% GDP, đứng hàng thứ 35 trên thế giới về tỷ lệ này, và còn có xu hương giảm trong những năm gần đây. Để so sánh, ngân quĩ hàng năm của riêng Harvard University là khoảng $4.8 tỷ.

Về phương diện chính trị đối ngoại, những hành động “phô diễn sức mạnh”, thể hiện “tư thế cường quốc Đại Nga vĩ đại” của giới tinh hoa Nga (như việc chiếm Crimea và can thiệp vào Ukraina), là những hành động chỉ mang lại hiệu quả đối nội nhất thời, nhưng để lại rất nhiều hệ lụy trực tiếp trước mắt và lâu dài cho nước Nga.

Hệ lụy trực tiếp là nền kinh tế Nga vốn không mạnh khỏe, phải gánh thêm rất nhiều chi phí thường xuyên và những thiệt hại do bị Phương Tây cấm vận và cô lập. Hệ lụy lâu dài là nước Nga sẽ ngày càng bị lạc hậu về công nghệ do cấm vận, là sự căng thẳng không đáng có với các nước thuộc Liên Xô cũ và quan hệ thù địch với người anh em thực sự ruột thịt Ukraina (một điều chưa từng có trong lịch sử nước Nga).

Cuối cùng, về phương diện tinh thần đạo đức. Trong giới tinh hoa Nga hiện nay, không có một nhân vật nào có thể coi là tiêu biểu cho chuẩn mực tinh thần đạo đức xã hội (tương tự như Lev Tolstoy thời kỳ nước Nga Sa Hoàng hay Alexandr Solzhenitsyn, Andrei Sakharop thời Xô Viết).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là giới tinh hoa Nga trong gần 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, đã đưa nước Nga vào một tình trạng bế tắc nặng nề. Thứ nhất, điều này thể hiện ở việc nước Nga hiện nay không hề có một dự án chiến lược sáng sủa, rõ ràng và khả thi thực sự nào cho tương lại.

Thứ hai, mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, mà giá cả tài nguyên lại không phải do nước Nga quyết định, khiến nước Nga không thể tự định đoạt được tương lai và số phận của mình.

Thứ ba, toàn bộ hệ thống chính trị Nga hiện nay phụ thuộc rất lớn vào những phẩm chất trí tuệ, uy tín và thể trạng của TT Putin. Thế nhưng trên chính trường Nga hiện nay, chúng ta không nhìn thấy bóng dáng rõ ràng nào của người kế thừa TT Putin.

Thứ tư, do chính quyền cần có một tầng lớp xã hội trung thành đông đảo, bao gồm các quan chức, nhân viên an ninh, những nhân viên nhà nước. Nhân viên nhà nước bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, lực lượng an ninh duy trì trật tự và bảo vệ chính quyền trước các hành vi chống đối, và các quan chức quản lý được đất nước.

Vì vậy, theo GS Vladislav Inozemtsev, hiện nay lực lượng công nhân viên chức Nga đã lên đến gần 8 triệu người, tỷ lệ là 11% của 72.4 triệu người trong độ tuổi lao động (để so sánh ở Mỹ lực lượng này chỉ là 1.86 triệu người và tỷ lệ là 1.21% của 123 triệu người trong độ tuổi lao động). Chi phí thường xuyên cho đội ngũ này cũng tăng khá nhanh. Nếu năm 2000, lương đại biểu Duma (quốc hội) Nga là khoảng 2000 USD, thì năm 2017, đã tăng lên đến hơn 5000 USD.

Tóm lại, trong tình trạng hiện nay của nước Nga, xét thuần túy khía cạnh kỹ thuật, không thể tiến hành bất cứ cuộc cải tổ hành chính, cải cách chế độ hưu trí nào, mà không dẫn đến những hậu quả chính trị xã hội khó lường (về vấn đề này xin đề cập sau trong một bài riêng).

PS. Tóm lại, về mọi phương diện (trước hết là về chất lượng, theo định nghĩa đã trình bầy ở đầu bài viết) hệ thống tinh hoa của nước Nga hiện nay, không những khác rất xa hệ thống tinh hoa Phương Tây đương thời, mà còn khác xa hệ thống tinh hoa Xô Viết (một bộ phận của Châu Âu muốn cải tạo Châu Âu) và nước Nga Sa Hoàng (một bộ phận của Châu Âu).

Đó là một bước thụt lùi lịch sử rất lớn. Điều này có thể dễ dàng nhận biết qua việc so sánh nước Nga hiện nay với Phần Lan (một “thuộc quốc” trước đây của Đế quốc Nga. Xem bài viết 03/10/2018 trong FB này).

Con đường đi đến (tìm về) với những giá trị phổ quát Châu Âu của nước Nga, xem ra khó khăn chông gai hơn rất nhiều, so với các nước Đông Âu XHCN cũ và các nước Baltic (Estonia, Litva và Latvia). Có những lý do truyền thống lịch sử (nước Nga luôn tìm cách đối đầu và thách thức Châu Âu), tư tưởng Đại Nga tự tôn dân tộc thái quá của người Nga và cả những lý do khách quan.

Những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà cải cách Nga (Gaida, Chubais…) đã đưa những giá trị phổ quát Phương Tây về tự do dân chủ và nhân quyền vào Nga theo cách áp đặt, rất vội vàng và vụng về. Việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường bằng liệụ pháp “Shock”, làm cho hàng loạt người Nga bỗng chốc mất hết tài sản.

Đồng thời, tình trạng bần cùng hóa phổ biến và hốn loạn ghê gớm trong xã hội Nga lúc đó, việc phải cúi đầu ”xin xỏ” Phương Tây “ngạo mạn”, cùng với việc phá vỡ và phủ nhận “không thương tiếc” tất cả mọi các giá trị Xô Viết (mà người Nga dầy công xây dựng và tự hào), đã khiến người Nga chán ghét “đến tận cổ” các giá trị tự do dân chủ và nhân quyền Phương Tây. Căng thẳng gần đây giữa Nga và Phương Tây “ngạo mạn”, chỉ càng làm cho sự việc tồi tệ hơn.

Vì vậy theo tôi, có lẽ con đường đi đến (tìm về) với những giá trị phổ quát Châu Âu của nước Nga hiện nay, phải xuất phát từ một hướng khác, hợp lý nhất là từ hướng các tổ chức và xã hội dân sự. Rất mừng là ở Nga hiện nay, xã hội dân sự phát triển khá tốt, trước hết là những tổ chức thiện nguyện và thanh niên tình nguyện (volunter). Những tổ chức này ngày càng được sự hưởng ứng rộng rãi của toàn thể xã hội Nga và được chính quyền tích cực ủng hộ.

(hết).

Trần Công Tâm 

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Tinh hoa Nga và tinh hoa phương Tây (tiếp theo)”:

  1. Cao Nam viết:

    Vấn đề chính là giới lãnh đạo Nga hậu Yeltsin đề cao vai trò sức mạnh nhà nước, sức mạnh trung tâm hơn là thịnh vượng của người dân cùng các thiết chế xã hội dân chủ văn minh. Do đó, nguồn lực nội tại cùng đường hướng đối ngoại đều phục vụ cho mục đích này. Khi khấm khá do giá dầu tăng cùng quan hệ kinh tế với phương Tây thuận lợi, Nga đã chi quá mạnh cho mục tiêu siêu cường. Riêng điều này cũng đã buộc Phương Tây phải cài đặt lại với Nga; và thời cơ Trời cho là sự kiện Crime. Nút thắt kinh tế từ đây, như cấm vận và giá dầu giảm sâu, đồng nghĩa mộng siêu cường Nga tan như bọt biển. Nhưng, Putin không hiểu vậy, vấn đề Syri, Ucraina, rồi Venezuela, Bắc Hàn, Biển Đoing, thậm chí cả Trung Quốc cùng con bài đe dọa hạt nhân để cứu vãn tình thế. Nhưng có lẽ sau DJ. Trump xuất hiện, vía Putin mới xẹp xuống và tội ác cùng âm mưu bẩn của Putin và Tập mới bị thế giới văn minh hành động phản đối, loại trừ. Thật nguy hiểm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề