Liên-xô đã cùng Đức chia chác châu Âu như thế nào?

Châu Âu sẽ ra sao nếu không có “cuộc chiến vệ quốc vĩ đại” của Liên Xô – cuộc chiến được đề cao như một công trạng giải phóng châu Âu thoát khỏi hiểm họa Đức quốc xã? Liên Xô và chỉ khi có sự tham dự Liên Xô mới có thể cứu châu Âu và kết thúc Thế chiến thứ hai? Trong khi câu hỏi rằng vai trò phe Đồng minh lớn hơn Liên Xô hay ngược lại trong việc kết liễu Đức quốc xã có thể gây tranh cãi thì vai trò Liên Xô trong mối quan hệ với Đức quốc xã là sự kiện lịch sử không thể phủ nhận. Chỉ một tuần trước khi Thế chiến thứ hai bắt đầu, Liên Xô còn ký với Đức quốc xã một hiệp ước bán đứng châu Âu và chính Hiệp ước này là một phần nguyên nhân khiến châu Âu trở nên tan nát!

Đó là Hiệp ước Ribbentrop-Molotov (đặt theo tên Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov và Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop), ký ngày 23-8-1939. Hiệp ước bất tương xâm này qui định một trong hai bên không được làm đồng minh hay trợ giúp kẻ thù của bên kia. Quan trọng hơn, Hiệp ước có một điều khoản mật mang nội dung chia chác lãnh thổ, liên quan Romania, Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia và Phần Lan, thành những khu vực nằm trong ảnh hưởng của Liên Xô hoặc Đức.

Khi Hiệp ước được công bố, thế giới đã bị sốc. Tờ Time gọi đó là “Hiệp ước Communazi” (Cộng sản-Đức quốc xã). Ngày 1-9-1939, Đức tấn công Ba Lan. Chiến dịch oanh kích được Liên Xô hỗ trợ bằng cách cho phép không quân Đức dùng trạm phát sóng vô tuyến tại Minsk. 17 ngày sau, Liên Xô ra tay. Stalin đưa vào Ba Lan hơn 400.000 quân, hơn 3.700 xe tăng, 380 xe bọc thép, 1.200 chiến đấu cơ, 600 oanh tạc cơ… Ngày 21-9-1939, Đức và Liên Xô ký hiệp ước hợp tác quân sự tại Ba Lan. Thậm chí một cuộc duyệt binh Đức-Liên Xô còn được tổ chức tại Lvov và Brest-Litovsk. 11 ngày sau khi Liên Xô chiếm Kresy (Ba Lan), một điều khoản mật của Hiệp ước Ribbentrop-Molotov được bổ sung gọi là “Hiệp ước phân định ranh giới-hợp tác-hữu nghị”, cho phép Đức hưởng một phần đất Ba Lan rộng hơn, đồng thời “sang tay” một vùng Lithuania từ Đức cho Liên Xô.

Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov trong lễ ký Hiệp ước  Ribbentrop-Molotov dưới sự chứng kiến của Stalin (Moscow Times)

Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov trong lễ ký Hiệp ước
Ribbentrop-Molotov dưới sự chứng kiến của Stalin (Moscow Times)

Ngày 10-1-1941, Đức và Liên Xô ký tiếp “Hiệp ước hữu nghị và biên giới” để phân chia lãnh thổ cai trị. Hiệp ước chính thức thiết lập biên giới Đức-Liên Xô, được phân định bằng dòng Igorka và Biển Baltic. Cần biết, từ tháng 9-1939, Đệ tam quốc tế cộng sản Liên Xô đã ngưng tất cả chiến dịch tuyên truyền chống Đức quốc xã, khi nói rằng cuộc chiến ở châu Âu là vấn đề nội bộ của các quốc gia tư bản. Tháng 2-1940, Đức và Liên Xô ký thêm hiệp ước giao thương. Đức nhận thực phẩm còn Liên Xô nhận vũ khí. Liên Xô còn giúp Đức thoát nút chặn hàng hải của Anh bằng cách cung cấp căn cứ tàu ngầm Nord gần Murmansk…

Quan hệ Đức quốc xã-Liên Xô chỉ xấu đi sau khi Liên Xô xâm chiếm Phần Lan và các nước Baltic. Đức nghi rằng Liên Xô bí mật thiếp lập một khối chống họ từ chính những vùng đất-quốc gia mà Liên Xô chiếm đóng. Sau khi Đức ký hiệp ước tay ba với Ý và Nhật, Stalin cử Ngoại trưởng Molotov đến Berlin đàm phán gia nhập phe Trục. Tiến trình đàm phán (11-1940) bất thành do các bất đồng chia chác phân định vùng ảnh hưởng. Để minh thị “lòng thành”, ngày 13-4-1941, Liên Xô ký một hiệp ước trung lập với Nhật. Tuy nhiên, Berlin đã không còn tin Moscow. Từ mùa hè 1940, Hitler đã bí mật lập kế hoạch tấn công Liên Xô. Cuối cùng, Hiệp ước Ribbentrop-Molotov bị xóa sổ vào lúc 3g15 sáng 22-6-1941, khi chiến dịch tấn công Liên Xô của Đức bắt đầu.

Trong nhiều thập niên, Liên Xô – sau Thế chiến thứ hai – chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại điều khoản mật liên quan chia chác châu Âu trong Hiệp ước Ribbentrop-Molotov. Tháng 12-1989, một ủy ban dưới chủ trì Mikhail Gorbachev mới chính thức kết luận sự tồn tại của điều khoản này. Và mới đây, trong chuyến kinh lý Moscow đặt hoa tưởng niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai ngày 10-5-2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “vặn” Vladimir Putin trong buổi họp báo, khi nói: “Hiệp ước Ribbentrop-Molotov không thể hiểu nếu không xem xét điều khoản mật bổ sung. Nếu phớt lờ nó, tôi nghĩ như thế là sai, là nó được thực thi bất hợp pháp”. Putin trả lời: “Liên Xô đã thực hiện nhiều nỗ lực dữ dội để đặt nền móng cho cuộc kháng chiến chung chống Đức quốc xã, cố gắng liên tục tạo ra một khối chống phát xít tại châu Âu. Tất cả nỗ lực trên thất bại… Và khi nhận ra không thể nói chuyện với Hitler, Liên Xô đã tiến hành những bước đi nhằm tránh đối mặt trực tiếp. Đó là lý do tại sao Hiệp ước Ribbentrop-Molotov ra đời (The Moscow Times 11-5-2015).

Cách lấp liếm trên dĩ nhiên không thể giải thích được những màn tắm máu mà Liên Xô đã thực hiện trong cũng như sau Thế chiến thứ hai tại các quốc gia châu Âu mà họ chiếm đóng. Nó cũng không giải thích được phát biểu của chính Putin trong chuyến công du Ba Lan năm 2009 với tư cách thủ tướng, rằng Hiệp ước Ribbentrop-Molotov “là một sự thông đồng để giải quyết những vấn đề của người này bằng sự tổn hại của người khác”; rằng “Tất cả nỗ lực từ 1934-1939 để hòa hoãn với Đức quốc xã bằng đủ loại hiệp ước đều không thể chấp nhận, xét theo góc độ đạo đức. Từ góc độ chính trị thì nó cũng vô nghĩa, gây tổn hại và nguy hiểm”. Và cũng chính Putin, một lần nữa, lại đổi giọng tức thì vào tháng 11-2014, khi sự kiện Ukraine nổ ra: “Liên Xô đã ký một hiệp ước bất tương xâm với Đức. Người ta nói: Ồ, điều đó thật tệ hại. Nhưng điều gì mới thật sự tệ hại nếu Liên Xô không muốn lâm chiến?”. Nói thêm: không lâu trước lễ kỷ niệm 70 năm “cuộc chiến vệ quốc vĩ đại”, Bộ trưởng văn hóa Vladimir Medinsky cũng khẳng định: Hiệp ước Ribbentrop-Molotov là một “thành tựu khổng lồ của chính sách ngoại giao Stalin”.

Nhắc lại để thấy sự tráo trở của Putin, dù vậy, thật ra không phải là vấn đề lớn đến mức cần được quan tâm mà để thấy rằng, khi nói đến “cuộc chiến vệ quốc vĩ đại” và vai trò Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, cần phải được tham chiếu thêm nhiều dữ liệu. Sự “hào hùng” của cuộc chiến “giải phóng châu Âu” có còn “vĩ đại” nữa hay không, nếu nó được đặt dưới lăng kính nguyên nhân cuộc chiến và bản chất man trá của những kẻ phía sau? Sự hy sinh hàng chục triệu người Liên Xô thật ra cũng là sự hy sinh bởi một chính sách của giới chóp bu Moscow mà vai trò (tội ác) Stalin không thể không tính. Nói như Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna, sự kiện kết thúc Thế chiến thứ hai lý ra không nên được “ăn mừng” tại Nga, vì đó là một trong những nước mà cuộc đại chiến thế giới bắt đầu.

Mạnh Kim  Facebooker

Bài chỉ thể hiện quan điểm của tác giả


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề