Tiếp theo những cuộc thương thuyết cấp tập trong vài ngày, các nhà lãnh đạo Châu Âu ngày hôm qua loan báo một thỏa thuận để cung cấp cho Hy Lạp một khoản tiền cứu nguy khác nữa. Đây là khoản tiền cứu nguy thứ 3 trong vòng 5 năm và có mục đích làm cho Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khối 19 nước dùng đồng euro. Tuy nhiên, dù có những dấu hiệu nhẹ nhõm tại Châu Âu và thị trường tài chánh—các chuyên gia nói bây giờ là bắt đầu những chuyện khó khăn. Thông tín viên Mil Arcega của đài VOA tường thuật.
Dựa trên phản ứng của thị trường tài chánh, thì đây là một thỏa thuận tốt. Tiền cứu nguy lần thứ ba của Châu Âu dành cho Hy Lạp trị giá gần 90 tỉ euro. Tuy nhiên các nhà lập pháp Hy Lạp chưa phê chuẩn các điều khoản của thỏa thuận – trong đó có việc cắt giảm thêm chi tiêu, tăng thuế và tư hữu hóa các tài sản của chính phủ.
Ông Cristino Arroyo, giáo sư Kinh tế Quốc tế trường đại học Johns Hopkins, cho đài VOA biết rằng đây là phần dễ:
“ Phần thực sự khó là bên cạnh những cải cách được yêu cầu thực hiện, Hy Lạp còn phải tìm kiếm những con đường để tăng trưởng và đó chính là thách thức thực sự.”
Ngay cả trong trường hợp quốc hội Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận, đây cũng là một việc làm vô cùng khó khăn đối với một nước vẫn còn phải cố gắng thoát ra khỏi cuộc suy thoái trầm trọng. Nhà phân tích thị trường Mike Ingram của công ty tài chánh BGC nói cắt giảm thêm chi tiêu sẽ không mang lại tăng trưởng đủ để giảm bớt khoản nợ đang gia tăng một cách nhanh chóng của Hy Lạp.
“Chúng ta sẽ thấy việc cắt giảm thêm nữa các khoản công chi. Sẽ có thêm rất nhiều những biện pháp thắt lưng buộc bụng, có thể là kéo dài mãi mãi.”
Kinh tế gia Robert Kahn thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói nếu không có kế hoạch để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế thiếu tiền mặt của Hy Lạp, khoản cứu nguy mới nhất chỉ là một biện pháp vá víu, tạm bợ.
“Ngay cả khi chúng ta có được một thỏa thuận, tôi e rằng đây không khác gì một hành động ‘đá cái lon lăn về phía trước’ và mua thêm thời gian, thay vì thật sự áp dụng những chính sách có thể giúp Hy Lạp tăng trưởng trở lại.”
Đức, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đã bị chỉ trích vì đòi Athens cắt giảm chi tiêu thêm nữa để đổi lấy khoản tiền cứu nguy. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vẫn còn có chỗ để thỏa hiệp.
“Trong trường hợp cần thiết, khối sử dụng đồng Euro sẵn sàng cho vay những món nợ với thời hạn ưu đãi dài hơn và thời hạn trả nợ lâu hơn. Chúng tôi sẽ thảo luận về điều này, sau khi cuộc duyệt xét lần thứ nhất đối với chương trình mới cho Hy Lạp được thành công.”
Tuy các ngân hàng Hy Lạp vẫn đóng cửa trong tuần này – một số bộ trưởng tài chánh đã thở phào nhẹ nhỏm vì những cuộc thương thuyết đã tạm thời làm cho Hy Lạp không rời khỏi khối euro, một diễn tiến có thể gây ra nhiều sự bất ổn. Một số bộ trưởng cho rằng thách thức lớn nhất trong những tuần lễ tới đây là làm thế nào để xây dựng sự tin tưởng giữa Athens và 18 nước khác của khu vực đồng euro.
Theo Voa tiếng Việt
- KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2019. DỰ BÁO CỦA CHUYÊN GIA MỸ
- Jacob Rothschild cảnh báo nước Nga và Ukraina về “những khó khăn nghiêm trọng»
- FSB Nga: nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay tại Ai Cập là do khủng bố
- Thắng lợi của đảng Syriza: Hy vọng cho Hy Lạp và Châu Âu
- Người dân Hy Lạp đi tổng tuyển cử
- Tại sao EU cứu trợ cho Hylap nhiều hơn Ukraina?
Trả lời