KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2019. DỰ BÁO CỦA CHUYÊN GIA MỸ

LỜI GIỚI THIỆU

Càng gần năm mới 2019, càng nhiều nhà phân tích và chuyên gia kinh tế đưa ra dự đoán kinh tế toàn cầu năm nay. Dự báo phổ biến và tầm thường nhất là tính chu kỳ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tương tự các cuộc khủng hoảng năm 2008 và 1998. Tuy nhiên, có những dự báo dựa trên cơ sở những tiền đề, những sự kiện thực tế đã diễn ra và tích lũy trong những năm vừa qua.

Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ tuần cuối năm 2018, là một trong những tuần cuối năm tồi tệ nhất trong mười năm qua. Tuần trước Giáng Sinh đã kết thúc bằng sự sụt giảm mạnh các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq. Giá vật tư nguyên liệu cũng đang sập, vì giới kinh doanh toàn cầu cho rằng, sản xuất kinh doanh trên thế giới sẽ suy giảm, nguyên liệu và năng lượng sẽ cần ít hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất chiết khấu, để ngăn chặn sự gia tăng lạm phát. Người tiêu dùng Mỹ nhìn nhận tiêu cực tình hình kinh tế năm 2019. Sự lạc quan của doanh nghiệp vừa và nhỏ về cải thiện tình hình kinh tế ở mức mức thấp trong vòng hai năm, họ dự kiến sẽ có lợi nhuận thấp hơn trong năm 2019.

Alain Greenspan nhà tài chính huyền thoại, cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ giai đoạn 1987-2006 đã cảnh báo về một nguy cơ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2019, như chúng tôi đã trình bầy trong bài “SẮC ĐỎ CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN ĐÃ KẾT THÚC. ĐẾN LÚC THÁO CHẠY” đăng trên FB này, ngày 25/12/2018.

Ngoài sự bất ổn chính trị ở khắp thế giới, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tiềm ẩn nhiều bất ổn rủi ro, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu trầm trọng năm 2019. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán năm 2019, tăng trưởng tổng khối lượng thương mại toàn cầu chỉ là 4%, so với 4.2% năm 2018 và 5.2% năm 2017.

Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, kịch bản diễn biến kinh tế toàn cầu 2019 sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc Mỹ và China có đạt được thỏa thuận về thương mại trước 01/03/2019 không.

Dưới đây chúng tôi xin phép giới thiệu những ý kiến của một nhà báo người Nga – bên thứ ba (thứ tư?) có liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Những ý kiến này được trình bầy trong một bài viết, tổng kết nhận định của các chuyên gia phân tích Mỹ, về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2019. Bài viết với tựa đề “Các chuyên gia phân tích Mỹ đánh giá khả năng khủng hoảng kinh tế toàn cầu” của nhà báo Nga Ilya Baranikas đăng trên trang mạng Nga rất nổi tiếng mk.ru ngày 01/01/2019.

Các chuyên gia phân tích Mỹ đánh giá khả năng khủng hoảng kinh tế toàn cầu

“Khi lục lọi trong các nguồn thông tin Mỹ, và cố tìm kiếm những triển vọng lạc quan cho năm 2019, tôi chỉ tìm được một vài phác thảo lạc quan về sự xuất hiện những các công nghệ mới, liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Nhưng lại không tìm được bất kỳ dự đoán nào, về các triển vọng lạc quan trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Ngược lại, những dự báo thảm khốc đang tràn ngập. Dự báo khó chịu nhất nhưng cũng hiện thực nhất, là mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện mới. Nếu điều này trở thành sự thật, cuộc khủng hoảng sẽ không “quên” bất cứ ai trên thế giới, bao gồm cả Nga.

Các nhà phân tích nhất trí dự đoán rằng, đối với nước Mỹ, năm 2019, sẽ còn hỗn loạn hơn so với năm 2018. Một năm đã kết thúc bằng việc từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và việc chính phủ Mỹ phải tạm nghỉ làm việc một phần, do không dàn xếp được ngân sách. Ngòi nổ cho sự hỗn loạn này hiển nhiên là Donald Trump. Chẳng ai nghi ngờ về việc ông này sẽ tiếp tục “ngồi lên” lên các qui phạm và các quy tắc, bỏ qua ý kiến của các chuyên gia.

Đồng thời, ngày càng ít người Mỹ nghi ngờ rằng, Trump đang tiến thẳng đến cuộc luận tội (đàn hạch-impeachment). Trên trang mạng quora.com, Douglas Anderson nhà tư vấn kinh doanh quốc tế, khi trả lời câu hỏi: “Năm 2019, liệu Trump có sẽ bị luận tội không? Ông tuyên bố: “Tất nhiên là có!”. Nhưng khi được hỏi liệu Trump có bị cách chức hay không, ông trả lời ngược lại: “Chắc chắn là không!”.

AI SẼ CỨU THẾ GIỚI THOÁT KHỎI TRUMP?

Lý do là vì không chỉ các đảng viên Đảng Cộng hòa của Trump, mà cả các đối thủ ở Đảng Dân chủ đều không muốn thực hiện quá trình luận tội. Quá trình này tốn rất nhiều thời gian và thực ra sẽ không mang lại lợi ích chính trị cho ai cả, mà có khi còn ngược lại. Ở những bang nơi Trump có sự ủng hộ mạnh mẽ, các nhà lập pháp có thể gặp phải sự giận dữ của cử tri trong cuộc bầu cử thường kỳ (bầu lại tất cả các nghị sĩ và một phần ba thượng nghị sĩ) sẽ diễn ra vào năm 2020.

Nhưng có lẽ, họ sẽ vẫn phải tiến hành công việc vô nghĩa này. Vào tháng 01/2019, Quốc hội Hoa Kỳ khóa mới sẽ bắt đầu hoạt động, trong đó Hạ Viện sẽ nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ (sau kết quả của cuộc bầu cử tháng 11/2018), trong khi Thượng Viện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa.

Trong tay các nhà dân chủ sẽ có những đòn bẩy mạnh mẽ, bao gồm việc lãnh đạo tất cả các ủy ban Hạ viện, khả năng đưa ra bất kỳ quyết định nào trong các phiên họp toàn thể, bằng đa số đơn giản (mà họ đang có, thậm chí là thừa). Các cử tri Mỹ không ủng hộ Trump sẽ yêu cầu Ban lãnh đạo Đảng Dân Chủ sử dụng những đòn bẩy này, để loại bỏ vị tổng thống đáng ghét, căn cứ vào những kết luận của Ủy ban Muller mà dự kiến sẽ tạo thành các điều kiện tiên quyết, đủ để luận tội Trump.

Mọi chứng cứ đều chỉ ra rằng, công tố viên đặc biệt Muller và ủy ban của ông, trước hết sẽ xác quyết việc để giành chiến thắng, Trump đã thông đồng với Moskva trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Và thứ hai, là xác quyết việc Trump tìm cách ngăn cản thực thi công lý.

Nguyên một băng các trợ lý cũ của Trump, bao gồm cả cựu luật sư riêng của ông là Michael Cohen, đã hợp tác với cơ quan điều tra xét hỏi. Họ đã có nhiều lời khai rất có giá trị đến mức, chẳng hạn, các công tố viên đã yêu cầu tòa án không kết án tù đối với Michael Flynn, một tướng lĩnh về hưu chỉ làm Trợ lý an ninh quốc gia cho tổng thống trong thời gian ngắn.

Hẳn là rất ít người sẵn sàng vào tù vì Trump, một người dễ dàng từ bỏ các đồng minh hôm qua của mình, và gọi họ là những kẻ dối trá và đồ vô lại (Trump gọi luật sư Cohen, là một “con chuột cống”), ngay khi họ bắt đầu phát biểu một điều gì đó không hợp ý ông.

Hai cáo buộc chủ yếu nói trên không phải là những chứng cứ duy nhất, có khả năng đưa Trump đến việc bị luận tội. Ngoài những chứng cứ này, các nghị sĩ Dân chủ hàng đầu trong Quốc hội Mỹ đang nói về việc cần thiết phải điều tra Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) về mối liên hệ của ngân hàng này với Doanh nghiệp Trump (Trump Organisation). Theo họ, mối hợp tác này có liên quan đến nghi vấn rửa tiền “bẩn”, đặc biệt là từ Nga.

Trước đây Deutsche Bank vì tội rửa tiền, đã từng bị buộc phải trả cho tiểu bang New York một món tiền phạt khổng lồ. Hiện nay ở Mỹ vì nghi vấn tội đó, người ta đang tìm cách xử lý ngân hàng này ở cấp liên bang. Xin lưu ý rằng người khổng lồ tài chính Đức, có quan hệ kinh doanh rộng lớn ở Hoa Kỳ, là ngân hàng duy nhất muốn giao dịch với Doanh nghiệp Trump (cấp tín dụng). Và có một nghi vấn, là Doanh nghiệp Trump đã cộng tác Ngân hàng Đức trong việc rửa tiền “bẩn”.

Nhưng ngay cả khi Trump bị nguyên một toa hàng các buộc tội được chứng minh “đè nghiến”, và Hạ Viện quyết định luận tội, Trump vẫn chưa chắc đã bị bãi nhiệm. Lý do là vì bước thứ hai của quy trình này do Thượng viện tiến hành, nơi hiện nay Đảng Cộng hòa chiếm đa số (53 đại biểu so với 47 đại biểu của Đảng Dân chủ). Mà để loại bỏ vị tổng thống đã bị Hạ Viện buộc tội, cần đến những 67 phiếu thuận ở Thượng Viện.

Tóm lại, kịch bản năm 1998 sẽ lặp lại, tuy Bill Clinton bị buộc tội nói dối khi tuyên thệ, nhưng vẫn ngồi lại được ở ghế của mình và kết thúc nhiệm kỳ tại Phòng Bầu dục, vì Thượng Viện Mỹ lúc đó không đủ đa số cần thiết cho việc bãi nhiệm.

Vì vậy, quy trình luận tội này sẽ không thể cứu nước Mỹ và thế giới thoát khỏi một người tự ngưỡng (Narcissus) kiểu trẻ thơ với tâm lý không ổn định. Dù rằng vì ông này, mà tất cả các nền móng của trật tự chính trị và kinh tế thế giới đang sụp đổ. Cũng không thể loại bỏ Trump vì lý do không đủ khả năng đảm đương được trách nhiệm tổng thống (như Bổ chính thứ 25 của Hiến Pháp Mỹ cho phép), vì chắc gì Đảng Cộng hòa sẽ chấp thuận.

Nghĩa là chỉ còn cách chờ đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Và hy vọng rằng để chống lại Trump, Đảng Dân chủ sẽ đưa ra được một ứng viên lôi cuốn, có kinh nghiệm và miệng lưỡi “sắc nhọn”, một người có khả năng không kém Trump trong việc “vùi dập” đối thủ chỉ bằng một từ khủng, chế diễu và dán cho đối thủ những cái mác lố bịch.

Cựu phó Tổng thống Joe Biden chính là một người như vậy. Nhiều người có uy tín ở Mỹ đang thuyết phục ông đứng ra làm ứng cử viên. Nhưng đến bầu cử năm 2020, ông sẽ đã 76 tuổi, và chắc chắn ông sẽ phải nghĩ rất kỹ, rằng điều đó có đáng không?

Còn một ứng cử viên tiềm năng khác, đủ khả năng “đè bẹp” Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, đó là Michael Bloomberg, một trong những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên khác với Trump, ông là một người “tự thân thành tỷ phú”, và không dựa vào sự ma mãnh, mà chỉ nhờ suy nghĩ sáng tạo và khả năng làm việc tuyệt vời. Michael Bloomberg đã tạo ra một đế chế thông tin kinh doanh khổng lồ mang tên mình. Hàng loạt các tập đoàn và sàn giao dịch chứng khoán trên tất cả các châu lục đang sử dụng các gói dịch vụ của Bloomberg.

Bloomberg cũng từng là thị trưởng New York thành phố lớn nhất nước Mỹ trong 12 năm. Người ta cũng đang thuyết phục Bloomberg ứng cử tổng thống để loại bỏ Trump, vì ông thực sự không muốn thấy Trump tiếp tục ở trong Nhà Trắng. Nhưng vào năm 2020, ông thậm chí sẽ sẽ 78 tuổi già hơn cả Biden. Nghĩa là tham chiến chỉ toàn người già.

SUY THOÁI KINH TẾ PHÍA TRƯỚC

Chủ đề chính thứ hai của năm tới là kinh tế. Gần một nửa (48,6%) giám đốc tài chính của các tập đoàn lớn Mỹ bày tỏ sự lo ngại, rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2019. Cuối 2018, một cuộc khảo sát do Đại học Duke tiến hành cho thấy, phần lớn (82%) các nhà điều hành tài chính doanh nghiệp coi suy thoái là không thể tránh khỏi, nếu không diễn ra năm 2019, thì sẽ vào năm 2020.

Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về khởi đầu của sự kết thúc chu trình phục hồi kinh tế, diễn ra trong gần một thập kỷ, là việc các chỉ số thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh vào cuối năm 2018. Cuộc họp tháng 12/2018 của lãnh đạo các cơ quan quản lý Cục Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ, đã chứng thực rằng, việc các nhà môi giới chứng khoán Phố Wall tỏ ra lo lắng không hề vô cớ.

Trong năm 2018, lãi suất chiết khấu cơ bản đã được nâng thêm (0.25%) lần thứ tư, và trong năm 2019, dự kiến sẽ chỉ có hai đợt tăng lãi suất chiết khấu. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ hiện đang hoạt động không tốt, và nó cần được kích thích tăng tốc bằng sự hỗ trợ của “tiền rẻ” (lãi suất chiết khấu thấp).

Mặc dù rất thận trọng, nhưng FED vẫn phải dự đoán việc giảm tốc phát triển kinh tế Mỹ. Dự kiến năm 2018, GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 3%, và năm 2019 tăng trưởng GDP sẽ là 2,3%. Đồng thời, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn là 2% vào năm 2020 (nhiều nhà kinh tế thậm chí còn tin rằng, sẽ có tăng trưởng âm- suy thoái).

Việc sụt giảm tốc độ tăng trưởng, theo đánh giá của các chuyên gia FED, liên quan khá nhiều đến những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động. Khảo sát đã được đề cập đến ở trên của Đại học Duke cho thấy, các nhà lãnh đạo tài chính chủ chốt của 212 tập đoàn hàng đầu tỏ ra bi quan về triển vọng lợi nhuận trong năm 2019, dành cho các tập đoàn của họ. Nếu vào 09/2018, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là 13%, thì năm 2019 dự kiến tốc độ này sẽ chỉ là 4,5%. Đồng thời, người ta cũng dự kiến việc sụt giảm nhịp độ tăng trưởng thu nhập, tăng trưởng đầu tư và mở rộng các tập đoàn, cũng như một vài chỉ số khác đặc trưng cho hoạt động Cty.

Tháng 12/2018, Cty xếp hạng tín nhiệm S&P Global ước tính khả năng suy thoái kinh tế năm 2019 ở mức 15-20%. Trong khi hồi 08/2018, Cty này đã đưa ra ước tính thấp hơn: từ 10% đến 15%. Tập đoàn JPMorgan Chase Banking Corp đã nâng dự báo của mình về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ năm 2019 từ 25% (09/2018) lên 36% (12/2018).

Nhìn chung, theo nhận định của phần lớn các chuyên gia phân tích kinh tế Mỹ, năm 2019, suy thoái kinh tế Mỹ là điều khó tránh. Trong cuộc khảo sát do Đại học Duke tiến hành, chỉ 18% các nhà tài chính nghĩ rằng, sẽ không có suy thoái trước năm 2020.

Trong khi đó, không chỉ ở Mỹ, mà còn ở các nước Phương Tây phát triển khác, mọi thứ đang không phải đều tốt. Ở Châu Âu, sau cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp là sự bất ổn của kinh tế Ý, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, do quy mô lớn của nền kinh tế Ý (thứ tư ở EU).

Có thể nói, bối cảnh chung trên toàn thế giới không làm chúng ta thêm lạc quan. Hiện nay quá trình Brexit đang bế tắc vì những bất đồng, vẫn không rõ Vương quốc Anh sẽ ly dị EU ra sao?. Paris đã thực sự bùng nổ hồi tháng 12/2018, những tổn thất từ các cuộc bạo loạn là rất lớn, và hiện vẫn có nhiều lo ngại rằng, điều này có thể lặp lại.

Nhật Bản đang kích thích nền kinh tế của mình, giữ không để kinh tế quay trở lại suy thoái, bằng những khoản đầu tư khổng lồ. Chiếc cặp cổ phiểu chứng khoán được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua, đã lớn đến mức vượt quá GDP nước Nhật. Nếu Ngân hàng Trung ương bắt đầu thoát khỏi gánh nặng này, Nhật Bản có thể trở lại suy thoái. Còn nếu Chính phủ Nhật tiếp tục kích thích, nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng lạm phát. Và như vậy, kiểu gì cũng sẽ dở tệ” (hết trích).

PS. Trên đây là những đánh giá của các nhà phân tích Mỹ về khả năng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, được tiếp nhận dưới lăng kính của một nhà báo Nga. Bài báo này của Ilya Baranikas đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả Nga (gần 13.000 người đọc trong hơn một ngày). Phần còn lại của bài viết về các cơ hội của nước Nga trong cuộc khủng hoảng toàn cầu tiềm ẩn này, chúng tôi xin phép chia sẻ trong một status riêng.

Trần Công Tâm (theo mk.ru)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề