Cây cầu “Anh Tèo Sài Gòn”…

Cách đây hơn một tháng, báo Tuổi Trẻ đã đăng chùm ảnh về người dân bản vùng cao Cu Pua, thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), phải đi qua suối bằng hai sợi dây cáp.

Nay, đọc bài này như đi nắng về được uống ly nước mát.

Cảm ơn anh Tèo Saigon. (May mà người ta không gọi Tèo HCM là coi như… tèo!)

“Người Sài Gòn làm việc nghĩa bằng tấm lòng chứ không phải bằng cái tên. Dù không biết tên, nhưng để ghi công người đàn ông lạ cho mình chiếc cầu, dân bản đã đặt tên cây cầu đó là cầu Anh Tèo Sài Gòn”.

Và không hiểu nổi chính quyền tỉnh, huyện, xã ở đâu mà không xây được những cây cầu như thế này cho người dân, cứ chăm chăm tượng với đài!

 

Mưa liên tiếp mấy ngày, nước sông Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) đỏ ngầu, cuồn cuộn đổ về xuôi. Cách đây khoảng 1 tháng, nếu thời tiết như thế này, tan học ở trên lớp là mấy học sinh người đồng bào Vân Kiều trú tại thôn CuPua (xã Đak Rông, huyện Đak Rông) méo mặt vì sợ “cầu sợi cáp” ngập, không về nhà được.

Do nhà ở bên kia sông, ngày ngày các em học sinh phải đánh đu trên một cây cầu tự chế bằng hai sợi dây cáp để đến trường. May mắn sao, hình ảnh chiếc cầu tự chế này được đăng tải trên báo, rồi lọt vào mắt của một người đàn ông ở Sài Gòn.

Chiếc “cầu” bằng hai sợi dây cáp mà dân bản Cu Pua đã dùng để vượt suối hơn 20 năm qua - Ảnh: Quốc Nam

Chiếc “cầu” bằng hai sợi dây cáp mà dân bản Cu Pua đã dùng để vượt suối hơn 20 năm qua – Ảnh: Quốc Nam

Cách đây hơn một tháng, báo Tuổi Trẻ đã đăng chùm ảnh về người dân bản vùng cao Cu Pua, thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), phải đi qua suối bằng hai sợi dây cáp. Ngay sau đó, một người đàn ông ở TP.HCM đã tức tốc tìm về tận nơi đây mang theo số tiền 30 triệu đồng vào thẳng nhà trưởng bản Hồ Văn Phoi, đề nghị cùng dân bản xây một cây cầu tạm bằng bêtông để qua suối cho an toàn.

Chiếc cầu “lạ”

Không khó để tìm thấy cây cầu “Anh Tèo Sài Gòn”, dù tính cả chiều dài cây cầu này chỉ xấp xỉ chục mét, rộng hai mét. Bởi giờ đây cây cầu này đã quá “nổi tiếng” trong vùng.

Toàn bộ cây cầu này không có gì đặc biệt. “Điều đặc biệt nằm ở cách làm nên cây cầu ấy” – ông Phoi nói.

Bản Cu Pua chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, quanh năm chỉ biết cặm cụi lên nương kiếm miếng cơm qua ngày nên sự xuất hiện của người đàn ông nói giọng miền Nam ấy ngay từ đầu đã khiến tất cả tò mò.

Đó là buổi trưa 28-12-2015. Một cuộc thỏa thuận nhanh đã diễn ra ngay bên bờ suối.

“Tui không giàu có, chỉ có khoảng 30 triệu đồng. Nếu dân bản đồng ý thì góp công, tui sẽ mua vật liệu ximăng, sắt thép. Nếu chúng ta hợp tác, ít ra cũng sẽ xây được một chiếc cầu bằng bêtông bắc qua đoạn suối này để đem lại sự an toàn hơn cho dân bản” – ông Phoi kể về lời đề nghị của người đàn ông lạ.

Trưởng bản nhận rằng đúng là mình có hơi bối rối vì quá ngạc nhiên với lời đề nghị thật bất ngờ của người đàn ông lạ. Ông Phoi quyết định dẫn người đàn ông lên gặp chủ tịch UBND xã Đakrông Trần Văn Chạy.

Ông Chạy kể mình cũng không tin vào tai khi nghe chuyện. “Mấy năm rồi tui đề xuất khắp các cấp để xin làm cầu cho dân bản Cu Pua mà không có. Nay lại có người tự nguyện về làm cầu. Không ngạc nhiên sao được” – ông Chạy nói.

Nhưng ông Chạy lại chợt chột dạ vì sợ nhiều thủ tục quá người đó sẽ không còn muốn xây cầu nữa.

Hít một hơi thật sâu, ông Chạy đưa người đàn ông lạ tới phòng kinh tế hạ tầng của huyện. Tại đây, sau khi nói qua ý tưởng, cán bộ phòng này cho biết có thể làm cầu theo cách tự phát.

Ngay tối hôm đó, người đàn ông lạ ngược trở lại Sài Gòn để chuẩn bị, còn trưởng bản Hồ Văn Phoi về tổ chức họp dân để lập ra đội xây cầu.

Nghe có người góp vật liệu cho xây cầu, cả bản duyệt luôn mỗi hộ cử ra hai người vào đội này. Bản có 26 hộ. Tức mỗi ngày có 52 người sẵn sàng.

Đúng trưa 5-1, người đàn ông lạ từ Sài Gòn về lại Cu Pua. Và lần này anh không đi một mình mà đi cùng với hai người bạn.

Theo anh giới thiệu thì một người là kỹ sư cơ khí phụ trách phần hàn sắt cho cầu. Người còn lại là kỹ sư cầu đường. Cả hai người đều là bạn của anh, được nhờ ra để cùng với dân bản làm cầu.

“Dù là cầu tạm nhưng cũng nên có chút kỹ thuật vào cho an toàn hơn” – người đàn ông lạ giải thích.

Ngay buổi chiều hôm đó, việc xây cầu được thực hiện. Cầu được xây ngay chỗ trước đây người dân buộc hai sợi dây cáp để qua suối. Cả ba người đàn ông từ Sài Gòn đều mặc áo quần công nhân cùng dân bản trộn vữa, đan rá sắt…

“Xây cầu, đáng ra phải có báo cáo kỹ thuật để đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước. Nhưng họ đã có ý tốt, cầu bê tông cốt sắt, rộng 2 mét, dài dưới 10 mét, nên chúng tôi cứ xem như đây là cây cầu dân tự phát. Dù sao thì cầu bê tông vẫn an toàn hơn cầu bằng hai sợi dây cáp hoen gỉ trăm lần” – ông Chạy nhớ lại. Thế là, sáng hôm sau, việc xây cầu được tiến hành. Anh Tèo bỏ 30 triệu đồng mua vật liệu xây dựng, vận chuyển đến CuPua thì 26 người dân ở thôn tự nguyện đóng góp ngày công đã đợi sẵn. Để tiết kiệm chi phí, ông Chạy chỉ đạo xã đi mua gạo, thực phẩm để tổ chức nấu ăn tập thể.

Đúng 1 tuần sau, 26 người dân CuPua và 2 kỹ sư của anh Tèo đã hoàn thành công đoạn cuối cùng của cây cầu. Thấy đoạn đường từ cầu lên đến Quốc lộ 9 dốc đứng, toàn đá lởm chởm, anh Tèo tiếp tục huy động mọi người san nền, đổ luôn bê tông. Vẫn còn một đoạn đường dài từ mố cầu đến bờ bên kia, anh Tèo hứa với bà con là qua Tết Nguyên đán Bính Thân sẽ trở lại và có phương án hỗ trợ khác.

Làm việc nghĩa không cần để tên

Khi cầu hoàn thành sau một tuần, ba người đàn ông uống với dân bản vài chén rượu rồi xin phép về lại Sài Gòn.

Ai cũng xúc động, hỏi anh tên đầy đủ là gì, để còn kể lại cho con cháu. Nhưng anh Tèo chỉ cười, nói có gì to tát đâu mà bà con phải kể lại. Giúp được bà con là thấy vui rồi. “Cứ gọi tôi là Tèo Sài Gòn cho đơn giản” – anh nói vậy, rồi cùng hai kỹ sư bắt xe khách về thành phố để vào Sài Gòn ngay trong đêm.

Trưởng bản Hồ Văn Phoi là người đầu tiên trong bản gặp người đàn ông lạ. Hỏi trưởng bản có nhớ người đàn ông đó như thế nào không? Trưởng bản gật gật nói không chỉ bây giờ mà mấy chục năm nữa cũng không thể quên.

Tuy nhiên, tất cả những gì trưởng bản Phoi nhớ cũng chỉ là cái tên Tèo cùng với hình dung về một người đàn ông ngoài bốn mươi, dáng người thấp, mập và gương mặt rất hiền. Hỏi ông có biết gì thêm về anh Tèo ngoài cái tên thường gọi đó không?

Trưởng bản lắc đầu: “Miềng cũng có hỏi mấy lần mà anh Tèo nhất định không nói. Anh Tèo nói dân bản cứ gọi anh là Tèo”.

“Người Sài Gòn làm việc nghĩa bằng tấm lòng chứ không phải bằng cái tên. Dù không biết tên, nhưng để ghi công người đàn ông lạ cho mình chiếc cầu, dân bản đã đặt tên cây cầu đó là cầu Anh Tèo Sài Gòn”.

Có một người biết tên thật của anh Tèo, đó là ông chủ tịch xã Trần Văn Chạy. Chỉ có ông biết cụ thể về nhân thân của anh Tèo. Tuy nhiên ông kiên quyết không lộ ra vì: “Anh Tèo đã dặn kỹ lắm rồi. Anh ấy không muốn mọi người biết việc mình làm”.

QUỐC NAM


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề