Đừng có lắm lời

Anh ta sinh vào năm 1915. Ở nhà người ta không cho khóc. Mẹ giơ ngón tay dọa:

-Im đi !

Cười không được, khóc không được. Cha ra lệnh:

-Khẽ mồm !

Nếu nhà có khách, người ta đe trước:

-Ngồi yên, đừng có làm ồn !

Nếu mẹ ở nhà một mình, bà nói:

-Im đi, cho mẹ ngồi yên một lúc !

Cứ tiếp tục như thế cho tới khi bảy tuổi.

Tới trường học. Anh ta mới thốt ra một lời trong giờ học là thầy giáo đã la:

-Không được nói chuyện !

Gọi lên bảng, người ta đe trước:

-Chỉ nói cái gì người ta hỏi thôi. Đừng có lắm lời !

Cứ tiếp tục như thế cho tới mười hai tuổi.

Lên học cấp hai. Vừa mới mở miệng, người ta đã ngăn lại:

-Đâu có hỏi anh.

Hiệu trưởng nhắc nhở câu châm ngôn: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”.

Thầy giáo dạy môn quốc văn nói:

-Hãy nghe hai lần,trả lời một lần. Người ta có hai tai và một miệng.

-Khẽ chứ !

-Im đi !

-Đừng có lắm lời !

Cứ tiếp tục như thế cho tới mười lăm tuổi.

Vào trường trung học. Điều đầu tiên anh ta nghe thấy là:

-Im lặng tốt hơn là lắm lời !

-Đừng có bẻm mép !

-Ngậm miệng lại !

-Không được nói chuyện !

Cứ tiếp tục như thế cho tới năm mười chín tuổi.

Thi đậu vào trường đại học. Ở nhà dặn dò anh ta:

-Khi người lớn nói, người ít tuổi phải lắng nghe.

Mẹ dạy:

-Lời nói dành cho người lớn, nước uống dành cho người ít tuổi.

Vị giáo sư nhiều lần nói:

-Hãy giữ mồm giữ miệng !

Cứ tiếp tục như thế cho tới năm hai mươi ba tuổi.

Vào quân đội. Chỉ huy đơn vị ra lệnh:

-Câm mồm, đồ chó đẻ !

Trung sĩ:

-Chấm dứt chuyện ba láp !

Đại úy:

-Không nói chuyện !

Gọi lên cơ quan cảnh sát. Viên cảnh sát thét lên:

-Người ta không hỏi mày !

Viên thanh tra nói:

-Suỵt !

Ra làm việc. Các bạn bè để tay vào môi:

-Suỵt !

-Xin hãy vì chúa mà ngậm miệng lại giúp cho ! Lại gây vạ cho mình bây giờ ! Hãy thận trọng !

Thủ trưởng răn đe:

-Đừng có thọc vào chuyện người khác !

-Không liên quan đến anh !

-Đâu có dính dáng gì tớí anh ?

-Đừng có can thiệp vào !

Lấy vợ. Vợ bảo:

-Em xin anh, đừng có dính dáng vào !

Sinh con đẻ cái. Lũ trẻ lớn lên. Chúng nói:

-Cha ơi, chuyện này cha không hiểu được đâu. Cha hãy lánh qua một bên thì hơn.

Con người ấy là một phần tôi, một phần là các bạn, một phần là tất cả chúng ta.

Thuở xưa người ta bảo phụ nữ trộn lẫn cúc gai vào thức ăn để làm chồng mất lưỡi. Vậy thì các bạn hãy coi là người ta cũng đã cho chúng ta ăn cúc gai rồi. Hãy coi thử xem các bạn còn lưỡi không ? Chúng ta đã nuốt mất lưỡi rồi ! Chúng ta có miệng, nhưng lưỡi thì không.

Bây giờ chính con người ấy, cái người mà một phần giống tôi, một phần giống các bạn, đang đòi tự do ngôn luận. Anh ta muốn nói.

Nhưng người ta ra lệnh cho anh ta:

-Im đi !

Tôi muốn nói với anh ta:

-Hãy nói đi ! Hãy nói đi ! Nói đi nào ! Nhưng nói về cái gì ? Nói thế nào ? Mà lưỡi của chúng ta ở đâu kia chứ ?

Azit Nexin


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề