Trung Quốc lo âu về kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên

Nhiều chuyên gia hàng đầu Trung Quốc tin rằng Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20 đầu đạn hạt nhân và sẽ tăng gấp đôi con số này trong năm tới, tạo nên mối đe dọa an ninh lớn trong khu vực.

Số liệu mới nhất về năng lực hạt nhân Triều Tiên được công bố trong một phiên họp của Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc diễn ra hồi tháng hai vượt xa những dự đoán mà Mỹ từng đưa ra. Tham dự cuộc họp có các chuyên viên kỹ thuật, chính trị gia, nhà ngoại giao và đại diện lực lượng quân đội Trung Quốc.

Chuyên gia ước tính Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20 đầu đạn hạt nhân, đồng thời có thể sản xuất đủ lượng uranium để mở rộng gấp đôi kho vũ khí vào năm tới. Phía Trung Quốc đánh giá Triều Tiên hiện có nhiều nguồn lực để làm giàu uranium hơn trước đây. Những con số này cũng dần phù hợp với các dữ liệu mà Mỹ công bố.

“Tôi e rằng với con số 20 đầu đạn, họ thật sự sở hữu một kho vũ khí hạt nhân”, ông Siegfried Hecker, giáo sư tại Đại học Stanford, cựu lãnh đạo Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Mỹ, người từng tham gia cuộc họp kín với các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc hồi tháng hai, cho biết. “Triều Tiên càng tin rằng họ có một kho vũ khí hạt nhân mạnh mẽ với đầy đủ chức năng thì chúng ta càng khó để thuyết phục họ từ bỏ”, ông bình luận.

Những dự đoán mà Trung Quốc đưa ra đang phản ánh mối lo âu ngày càng tăng ở Bắc Kinh về chương trình vũ khí của Triều Tiên cũng như việc Mỹ không có động thái can thiệp nào mà chỉ tập trung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo Wall Street Journal.

Trung Quốc là nhà đầu tư, nhà tài trợ, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên trong thập kỷ qua, nhưng nước này chưa bao giờ đề cao năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, bao gồm cả khả năng sản xuất vật liệu phân hạch.

Bắc Kinh luôn “đánh giá thấp những gì Triều Tiên có thể làm”, ông David Albright, chuyên gia về vũ khí hạt nhân Triều Tiên, viện trưởng Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, trụ sở ở Washington, nhận xét. “Nhưng đến thời điểm hiện tại, họ đã bắt đầu lo lắng”, ông nói thêm.

Theo WSJ, một thông báo về việc sức mạnh quân sự của Triều Tiên đang phát triển có thể sẽ là lời nhắc nhở từ Trung Quốc để Mỹ chủ động hơn trong việc tìm kiếm những biện pháp đối phó.

Bên cạnh đó, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng đang làm gia tăng những mối lo ngại an ninh đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ ở châu Á. Thực tế trên buộc các quốc gia này phải đẩy mạnh sản xuất, chế tạo những loại vũ khí hạt nhân của riêng mình để đề phòng.

Biện pháp đối phó

Tầm bắn của tên lửa đạn đạo KN-08 Triều Tiên (vùng màu đỏ) có thể lên tới 5.600 dặm (9.000 km), đủ sức vươn tới bờ tây nước Mỹ. Đồ họa: WSJ

Tầm bắn của tên lửa đạn đạo KN-08 Triều Tiên (vùng màu đỏ) có thể lên tới 5.600 dặm (9.000 km), đủ sức vươn tới bờ tây nước Mỹ. Đồ họa: WSJ

Theo Đô đốc William Gortney, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, các quan chức quốc phòng ở Washington nhận định Triều Tiên hiện có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 và bắn xa hơn 9.000 km, đủ sức vươn tới bờ tây nước Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tên lửa này vẫn chưa được thử nghiệm chính thức.

“Chúng ta chỉ biết họ có một nhà máy, chúng ta không rõ họ còn nhà máy nào khác hay không”, ông Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ, bàn về mối nguy hiểm tiềm tàng của kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời thêm rằng số lượng vũ khí hạt nhân tăng nhanh đến đâu còn phụ thuộc vào thiết kế của các đầu đạn và khả năng làm giàu uranium của Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đã và vẫn dành sự quan tâm đặc biệt với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng chúng tôi cho rằng Bắc Kinh nên dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn những hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng”, WSJ dẫn lời Patrick Ventrell, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay.

Theo ông, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước khác để áp những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm đưa Bình Nhưỡng “trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa và có những bước đi cụ thể để thúc đẩy tiến trình giải trừ hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên.

Washington không tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao thường xuyên với Bình Nhưỡng kể từ năm 2012 sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa. Mỹ thay vào đó thúc giục Trung Quốc sử dụng kinh tế để kìm hãm Triều Tiên.

“Khoảng 8, 9 hay 10 năm trước, họ có khả năng chế tạo bom nhưng không đủ nhiều để trở thành một kho vũ khí hạt nhân”, ông Hecker nói. “Tôi từng hy vọng họ sẽ không phát triển theo hướng đó, nhưng đấy lại là những gì diễn ra trong suốt 5 năm qua”, ông nhấn mạnh.

   Hoàng (theo VNE, WSJ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề