‘Văn hóa quay cóp’ – lỗi của học sinh hay lỗi của nền giáo dục?

Tôi nhớ cách đây gần 6 năm, tức là khi mới bước chân vào lớp 6, tôi vẫn là một học sinh “nghiêm túc” và hơi khác thường: tôi không quay cóp trong giờ kiểm ra.

Mỗi lần nhìn thấy bạn mình làm hành động đấy, tôi không thể cho qua vì thấy nếu bạn mình còn làm thế được, kết quả học tập cao sẽ tạo ra sự bất công trong lớp. Tôi báo cáo hành vi đó với cô chủ nhiệm, và rồi bị chính lớp mình cô lập cho đến hết năm. Về sau, quan hệ của tôi với lớp trở nên bình thường, thậm chí là thân thiết rất nhiều, vì tôi không còn phản ứng trước những hành vi quay cóp đấy nữa, thậm chí còn đồng lõa với bạn mình làm điều mà trước đây tôi cho là sai trái. Càng lớn lên, chúng tôi càng thấy quay cóp là chuyện bình thường.
Trước khi trả lời câu hỏi “Tại sao lại quay cóp?”, tôi muốn nói về bản chất của việc học trước, đó không chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức đơn thuần, mà còn tạo ra sự cân bằng trong xã hội. Mỗi người, dù ở bất kì vùng miền hay hoàn cảnh nào cũng đều phải được tạo đủ điều kiện để học hết cấp 3, để có nền tảng kiến thức vững chắc và cơ hội bước vào đời gần như bằng nhau. Để kiểm chứng và đánh giá chất lượng học, người ta tạo ra những bài kiểm tra, những bài thi.

Học sinh phải vượt qua những bài thi lớp như thi 9 lên 10, thi đại học,… gạt hết những “cuộc chiến lớn lao” đó sang một bên, họ còn phải vượt qua những bài kiểm tra lớn nhỏ: từ kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 1 tiết, 90 phút và kiểm tra học kì, tất cả nhân lên với 13 môn học (đã tính cả môn thể dục). Với số lượng kiến thức khổng lồ như vậy, gian lận là một lựa chọn tốt, vừa đỡ tốn công sức, vừa có nhiều thời gian tập trung vào các môn “chính”.

Sau bao nhiêu năm trôi qua, quay cóp từ một việc bị đánh giá là vô cùng hệ trọng, đã trở nên quá bình thường đối với mỗi học sinh. Một trong những hình ảnh mà tôi nhớ nhất trong đời học sinh của mình chính là cảnh tượng sân trường sau khi kì thi nghề lớp 9 (lấy làm điểm cộng cho kì thi 9 lên 10), thí sinh thi xong bước ra khỏi cổng trường, để lại một khoảng sân “trắng đầy tài liệu”.

Quay lại câu hỏi “Tại sao ta quay cóp?”, đọc hết những thực trạng ở phía trên, có lẽ nhiều người cũng hiểu vì sao. Nhưng tôi muốn đi sâu vào một nguyên nhân sâu xa hơn nữa: Các bạn hãy nhớ lại những ngày đầu bạn được tiêp cận với kiến thức, với những môn học phân loại như ngày nay. Đã có người thầy giáo nào giải thích được vì sao bạn phải học môn học đó hay chưa? Đã có ai truyền đủ nhiệt huyết khiến bạn cảm thấy “yêu” môn học đó hay chưa? Chắc là ít! Vì thế, đối với nhiều người, học không còn vì tình yêu kiến thức, vì tính tò mò, không còn để tạo dựng nên một con người tốt hơn nữa. Học là một nhiệm vụ: vượt qua những bài thi, những bài kiểm tra.

Tôi từng thấy có nhiều người coi trọng bằng cấp, danh hiệu hơn kiến thức, kinh nghiệm. Tôi từng thấy một bà mẹ cầm mũ bảo hiểm đập vào mặt con trai học lớp 6 chỉ vì tổng kết toán của con được 7 phẩy. Tôi từng thấy nhiều người thi vào những trường đại học, vào những chuyên khoa mà không vì một đam mê nào cả, mà chỉ vì đó là một ngôi trường danh giá, một cái ngành “hot” và số điểm đủ yêu cầu. 24 tờ giấy khen học sinh giỏi sau cùng cũng chỉ để ẩm mốc ở một góc tủ. Trước tình thế phải đối mặt này, học sinh phải quay cóp.

Nhiều người giải thích hiện trạng đáng báo động này được gây ra bở các phụ huynh, các nhà trường đã lơ là giáo dục đạo đức từ nhỏ. Quả đúng vậy, ngay từ trước khi bước vào lớp 1, nhiều học sinh đã phải đối đầu với những cuộc chiến lớn để bước chân vào những trường tiểu học trọng điểm. Thời gian học kiến thức hàn lân đã nhiều thế rồi thì còn lấy đâu ra thời gian học về đạo đức, đạo lý làm người? Tệ hơn, nhiều bậc phụ huynh còn dạy con về những tiêu cực xã hội từ bé, kết quả là, để bản thân không chịu thiệt, những chiếc áo trắng ngay từ nhỏ đã bị bôi bẩn. Từ ý thức hệ này, nhiều học sinh đã “bằng mọi cách và bằng mọi giá để được điểm cao”.

Nguyên nhân thứ hai, nhiều học sinh ngồi dưới mái trường hơn một thập kỉ vẫn không hiểu nổi tại sao họ cần phải học. Có người nói đừng đổ lỗi cho giáo viên, vì ngoài nguồn cảm hứng từ người nhà giáo ra, người học cũng phải tự tìm nguồn cảm hứng cho riêng mình. Nhưng nếu như ngay từ đầu, nhiều giáo viên bước vào lớp cũng chỉ dạy vì đó là nhiệm vụ của họ, thì điều này phải giái thích thế nào?

Kiểu đánh giá học sinh như ngày nay cũng không phải công bằng cho tất cả mọi người. Mỗi người sinh ra đều có một thiên hướng khác nhau, một niềm đam mê khác nhau, vậy mà họ đều phải vượt qua những kì thi nặng như nhau. Albert Einstein nói: “Đừng đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó”, ngày nay, con cá ấy vừa phải học thuyết lượng tử ánh sáng, vừa phải học phân tích một bài thơ mà đến đọc ra thành lời còn khó.

Quay cóp để lại hậu quả không hề tươi sáng cho xã hội: đó là những kì thi không công bằng nay lại bất công bằng hơn. Có ai còn nhớ câu chuyện cách đây 10 năm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa- người đứng lên tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Hà Tây. Thầy được Bộ trưởng tuyên dương, được báo chí ca tụng, nhưng cũng phải đối mặt với trù dập, khủng bố, đánh đập. Theo phóng viên Đức Hoàng: “Có lần, những đồng nghiệp còn ép học sinh ký vào một lá đơn ông Khoa đánh học sinh, thầy kể”. Và tôi cũng nhớ đến câu nói của một người thầy khác “Cuộc đời vốn dĩ không công bằng, chúng ta chỉ góp phần làm nó đỡ không công bằng hơn mà thôi”. Vì lí tưởng này, thầy nhất quyết nói không với quay cóp, gian lận. Những hành động đó, dù về lí là tôn trọng luật pháp, tôn trọng đạo đức ngành giáo, nhưng ở một góc nhìn khác, nhờ hành động tố cáo của thầy, một số học sinh đã không thể tốt nghiệp trung học phổ thông và có cơ hội việc làm tốt như những bạn bè cùng trang lứa, cùng trình độ. Việc đánh giá hành vi này là đúng hay sai, có lẽ tôi xin để ngỏ.

Và tôi thiết nghĩ, phải chăng từ bé ta đã không có thói quen sống tuân theo pháp luật, theo nội quy, để rồi khi một giáo viên bước vào lớp, nghiêm khắc tuân thủ theo đúng nội quy của nhà trường, ta sợ họ, rồi ghét họ. Chính vì vậy, một trong những biện pháp tốt nhất có thể được đưa ra để đẩy lùi tiêu cực chính là mỗi chúng ta nên biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng những người xung quanh và tôn trọng chính mình. Hiện nay, nhiều trường học đã ban hành những biện pháp “khắc nghiệt” hơn để chống gian lận thi cử, đơn cử như trường THPT An Dương Vương- TP HCM, xếp bàn và cho thí sinh làm bài kiểm tra ở sân trường. Theo tôi, biện pháp này là mạnh, nhưng không tối ưu, bởi lẽ điểm cốt lõi để chống gian lận ở đây phải là thay đổi cách thi cử, kiểm tra. Những kì thi đặt nặng thành tích nên được thay đổi cũng như số lượng kiến thức mà mỗi người phải đạt yêu cần nên được phân hóa cho phù hợp với khả năng, sở trường riêng. Người ta có câu: “Môn nào cũng xứng đáng để học, nhưng không phải môn nào cũng xứng đáng để thi”. Cuối cùng, giáo viên khi bước vào lớp, nên dạy học sinh yêu môn học của họ, bởi lẽ một khi ta đã khao khát được học một phạm trù kiến thức nào đó, ta sẽ không học nó vì thành tích.

Ngày hôm trước, được xem chương trình thời sự về đổi mới giáo dục, tôi đã nghe một lời hứa hẹn rằng nền giáo dục cải tiến sẽ tập trung vào kĩ năng thực tế nhiều hơn là nhồi nhét kiến thức kiểu cũ. Tôi và hàng triệu học sinh khác, chúng tôi đang đợi chờ.

Trí Lê (Theo Reds.vn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề