Vì sao các ông bố bà mẹ Hà Lan không bao giờ quát con?

“Sau 7 năm sống cùng người dân ở đây, tôi nhận ra họ là những bà mẹ thảnh thơi, thư giãn nhất hành tinh”.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ em Hà Lan là những em bé hạnh phúc nhất trên thế giới và mẹ của trẻ cũng rất vui vẻ. Sau 7 năm sống cùng người dân ở đây, tôi nghĩ họ cũng là những bà mẹ thảnh thơi, thư giãn nhất hành tinh.

Tôi chuyển tới Hà Lan với hai con, 3 tuổi và một tuổi, rồi nhanh chóng có thêm một bé nữa. Tôi không chỉ kém nổi bật về thể chất so với các bà mẹ Hà Lan cao, mảnh dẻ, tóc xoăn vàng mà còn trông bơ phờ, kiệt sức trong khi họ thì vui tươi, tràn đầy năng lượng.

Cho dù là để các con tự chơi trò cân bằng trên xe đạp hay mặc cho trẻ 3 tuổi tự nín cơn ăn vạ, các bà mẹ Hà Lan luôn kiểm soát để giữ tâm trạng bình tĩnh, hiền hòa. Tôi chưa từng thấy bà mẹ nào lớn tiếng quát con. Thoải mái không có nghĩa là họ không quan tâm, chăm lo cho con hay mặc kệ con. Các bà mẹ Hà Lan tận hưởng niềm vui khi ở bên con, lắng nghe ý kiến của trẻ, dành cho con những hướng dẫn và ưu tiên cho thời gian sinh hoạt gia đình. Và họ hầu như chẳng bao giờ căng thẳng.

Vậy bí mật của họ là gì? Và đâu là điều chúng ta có thể học hỏi?

Sống ở một trong những nước có mật độ dân số cao nhất châu Âu, người Hà Lan khó mà phớt lờ những người hàng xóm của mình, chưa kể mối ác cảm từ lâu của người dân ở đây với chiếc rèm cửa. Dù có ít sự riêng tư như vậy, các bố mẹ ở đây hầu như không có tâm lý ganh đua. Tức là, họ không bị cuốn vào cơn lốc phải làm sao cho bữa tiệc sinh nhật lần sau phải hoành tráng hơn lần trước hay coi quần áo là thứ quyết định đẳng cấp của trẻ ở trường. Các bữa tiệc dành cho trẻ tại đây rất đơn giản và điều được coi trọng nhất là sự ấm cúng. Họ thường tổ chức tiệc tại nhà với số ít bạn bè thân thiết và dành khoảng 10 EU (hơn 300.000 đồng) cho một món quà là khá ổn.

Một trong những điều lớn nhất tôi chú ý từ khi chuyển tới Hà Lan là cách ăn mặc của trẻ em ở đó không phản chiếu điều kiện gia đình trẻ hay bố mẹ trẻ. Người ta cũng không đánh giá bố mẹ dựa trên các thiếu sót hay thành tích con cái họ có. Tôi khá sốc khi một bà mẹ Hà Lan vô tình kể rằng con trai chị thông minh hơn bạn của bé. Không phải thực tế người mẹ ấy nhắc về thông tin này làm tôi ngạc nhiên mà là cách chị truyền tải vấn đề: đúng nội dung thực tế, không có sự tự đắc cá nhân và không có một chút ẩn ý nào về việc con trai chị tốt hơn bạn bé.

Câu nói đúc kết đúng nhất quan điểm sống của người Hà Lan là “chỉ cần hành động bình thường thôi, đã đủ điên rồ rồi”. Ở một nền văn hóa mà mọi người không khuyến khích sự nổi bật hay khác biệt, áp lực buộc đứa trẻ phải thật nổi trội cũng được giảm đi. Trẻ tiểu học Hà Lan thường không có bài tập về nhà và học sinh cứ mỗi tuần được nghỉ học một buổi chiều. Điều đó có nghĩa là trẻ có nhiều thời gian và không gian để vui chơi. Trẻ Hà Lan phần lớn được tự quản và tự do khám phá, trong khi bố mẹ không bị áp lực kỳ vọng con phải trở thành người giỏi nhất để có được thành công.

Ngoài ra, các bà mẹ Hà Lan cũng tìm được cách khác để không quá kiệt sức với việc đi làm và chăm con: Làm việc bán thời gian. Hơn 70% phụ nữ Hà Lan làm việc bán thời gian và họ cũng hài lòng với việc này. Công việc bán thời gian có thể là yếu tố giúp họ luôn giữ được sự điềm tĩnh và thư giãn khi làm mẹ. Điều đó giúp họ có thể kiếm tiền, theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn trong khi vẫn có thời gian gặp gỡ bạn bè. Làm việc bán thời gian giúp họ dễ dàng tận hưởng thời gian bên con cái hơn.

Phúc lợi xã hội của Hà Lan cũng là yếu tố giúp giảm bớt các áp lực lên bố mẹ và trẻ. Đến trường không mất tiền, bảo hiểm y tế bắt buộc chi trả hầu hết các chi phí y tế và bố mẹ Hà Lan thậm chí còn nhận được một khoản hỗ trợ theo quý từ chính phủ để giúp trang trải các khoản nuôi dạy con.

Một lý do khác khiến các bố mẹ Hà Lan luôn điềm tĩnh và thoải mái khi nuôi dạy con có lẽ do họ đã thấm nhuần tư tưởng này từ trong dòng máu của mình. Người Hà Lan bản tính rất ôn hòa về cảm xúc. Bạn sẽ không thấy những biểu cảm kiểu bùng nổ ở đây. Họ cũng không có kiểu khen ngợi bốc lên trời. Họ luôn bình tĩnh đối phó với những cơn nóng giận, bốc đồng của trẻ.

Trí Lê (Theo VNEXPRESS)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề