Nhật và “nô lệ tình dục” thời Thế chiến II

Bảy mươi năm sau khi Đại chiến Thế giới II kết thúc, chủ nghĩa xét lại tại Nhật đang ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong vấn đề phụ nữ bị buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong cuộc chiến.

Một trong những người lên tiếng mạnh mẽ về chủ nghĩa xét lại là Toshio Tamogami.

Ông là người có học, có kiến thức và khi gặp thì tôi thấy là ông người rất lịch sự.

Người từng tổng tham mưu trưởng không lực Nhật hồi năm ngoái đã chạy đua chức thị trưởng Tokyo. Ông về thứ tư, đạt được 600 ngàn phiếu của cử tri.

“Là một quốc gia bại trận, chúng tôi chỉ dạy sử theo những gì bên chiến thắng bắt chúng tôi phải theo,” ông nói.

Trong lịch sử “thực sự” ở thế kỷ 20, theo ông Tamogami thì Nhật Bản không phải là kẻ hiếu chiến mà là người giải phóng. Binh lính Nhật đã dũng cảm chiến đấu để đánh đuổi những kẻ thực dân da trắng bị căm ghét, những kẻ đã nô dịch hóa nhân dân Á châu trong suốt 200 năm.

Nội dung môn sử cũng không có chỗ nào nói về việc Nhật Bản đã tiến hành các vụ thảm sát người Á châu.
Ông Tamogami tin rằng Nhật Bản không xâm lược bán đảo Triều Tiên, mà là “đầu tư vào Triểu Tiên và cả Đài Loan, Mãn Châu nữa”.

Tôi hỏi ông về cuộc xâm chiếm Trung Quốc hồi 1937 và vụ thảm sát dân thường ở thủ đô Nam Kinh.

“Tôi có thể tuyên bố rằng chả hề có vụ Thảm sát Nam Kinh,” ông nói.

Khi tôi hỏi về chuyện phụ nữ Triều Tiên phải làm nô lệ tinh dục cho lính Nhật, ông Tamogami bác bỏ.
Ông tuyên bố rằng đó là “một sự thêu dệt khác” và nói: “Nếu như điều đó là đúng, thì bao nhiêu binh sĩ đã được huy động để dùng vũ lực lôi các phụ nữ đó đi?”

Đây là một cách hiểu lịch sử mà nhiều người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tin vào.

Hồi đầu năm, tại một phiên họp chung tại Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington DC, Thủ tướng Shinzo Abe đã tỏ ý hối tiếc sâu sắc về những đau khổ mà Nhật đã gây ra trong thời Đại chiến Thế giới II.

Ông Abe không bác bỏ chuyện đã có những phụ nữ Triều Tiên phải làm nghề mua vui ở các chiến tuyến tại Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nhưng ông nói đi nói lại rằng không hề có bằng chứng cho thấy những phụ nữ này bị ép buộc hoặc quân đội Nhật có liên quan tới việc tuyển mộ, giam hãm họ, với ý nói đó là những người làm nghề mại dâm.

Đây là một lĩnh vực khá mù mờ.

Các cô gái từ các gia đình nghèo đã bị bán đi để làm nghề mãi dâm tại Nhật Bản, Bắc Hàn và Trung Quốc trong hàng thế kỷ, và chuyện này rõ ràng là vẫn diễn ra trong thời thập niên 1930-1940.

Tuy nhiên, điều đó không loại trừ trách nhiệm của quân đội Nhật.

Điều rõ ràng là vấn đề phụ nữ làm nghề mua vui đang được chính phủ Nam Hàn dùng vì các mục đích chính trị. Nhưng cũng có đủ những bằng chứng khác cho thấy quân đội Nhật đã tổ chức ra cả hệ thống phụ nữ hành nghề này.

‘Chối cãi là lố bịch’

Masayoshi Matsumoto hiện 93 tuổi và sống cùng con gái ở rìa Tokyo. Ông có gương mặt cởi mở, ấm áp và đôi mắt sắc sảo như của thanh niên.

Thời 20 tuổi, ông làm trong đơn vị cứu thương ở vùng tây bắc Trung Quốc.

“Có sáu phụ nữ làm nghề mua vui chỗ chúng tôi,” ông nói với tôi. “Mỗi tháng một lần tôi lại kiểm tra họ xem có bị bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục không.”

“Các phụ nữ Triều Tiên này chủ yếu là phục vụ các sỹ quan,” ông nói. “Cho nên lính trơn khi tấn công các ngôi làng thường hét to, ‘Có gái ngoan nào ở đây không?’ Họ cướp bóc, hãm hiếp hoặc giết chết những người không chịu nghe lời.”

Những người bị bắt được đưa tới đơn vị của ông Matsumoto để làm các phụ nữ mua vui.

Sau cuộc chiến, ông Matsumoto trở thành tu sỹ. Trong nhiều thập niên, ông đã không hề nói gì về những điều ông từng chứng kiến.

Nhưng khi những tiếng nói chối bỏ ngày càng vang lên mạnh mẽ, ông đã cảm thấy giận dữ và quyết định lên tiếng.

“Thật lố bịch… Ông Abe nói như thể đó là điều ông ấy chứng kiến, nhưng ông ấy không hề. Tôi thì có,” ông Matsumoto nói.

“Có người nói với tôi thế này, ‘Người thất bại trong việc nhìn lại và nhận thức được quá khứ thì rồi sẽ lặp lại sai lầm’. Nhưng ông Abe nghĩ rằng chúng ta nên xóa bỏ đi mọi thứ xấu xa mà Nhật đã làm trong quá khứ và giả đò như chả hề có chuyện gì xảy ra. Tôi không tha thứ cho ông ấy được,” ông nói thêm.

RUPERT WINGFIELD-HAYES / Theo BBC News, theo bizlive


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề