Lễ Phục sinh của Giáo hội Công giáo

1. Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Phục sinh

Theo lịch sử giáo hội, Lễ Phục sinh của người Công giáo giáo dựa vào nguồn gốc lễ Vượt qua của người Do Thái. Lễ Vượt qua (Pessah) của người Do Thái để tưởng nhớ ngày dân Do Thái được giải thoát ách nô lệ Ai Cập, gợi nhớ biến cố vượt biển đỏ và gắn liền với lễ bánh không men.

Người Do Thái mừng lễ Vượt qua vào buổi chiều ngày 14 tháng Nisan, tức là ngày cuối cùng trước tuần trăng tròn kế tiếp ngày Phân Xuân. Lễ Vượt qua kéo dài 8 ngày bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 22 tháng Nisan. Thời Chúa Giêsu, bữa cơm lễ Vượt qua được sửa soạn từ trưa ngày 14 tháng Nisan và người Do thái không ăn bánh dậy men trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, mỗi gia đình còn giết một con vật để làm của lễ hiến tế tại đền thờ.

Phục sinh là một từ âm hán có nghĩa là sống lại dịch từ tiếng Pháp (Pâques) hay La ngữ (Paschae) và tất cả phiên âm từ tiếng Hy Lạp (Paskha) có nghĩa là vượt qua. Lễ Phục Sinh được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo (Công giáo và Tin lành), thường diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 mỗi năm để tưởng niệm sự kiện phục sinh (sống lại) của Chúa Giêsu từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá, diễn ra vào khoảng năm 30 – 33 công nguyên. Biến cố Phục sinh cũng được Thánh Phaolo tóm lược “… Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với Ông Keepha, rồi với nhóm Mười Hai, rồi sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt…”. Cho đến thế kỷ IV, Lễ Phục sinh vẫn là đại lễ duy nhất trong Giáo hội Kitô giáo; sang thế kỷ V Lễ Chúa Giáng sinh (ngày 25/12) mới trở thành đại lễ.

Người Công giáo tổ chức lễ Phục Sinh để tượng niệm Chúa Giêsu vượt qua cái chết để giải thoát mình khỏi tội lỗi. Các tín đồ tin rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã hoàn thành những gì mà biến cố Xuất Hành đã tiên báo: giải phóng con người khỏi tội lỗi và đưa họ vào cuộc sống do Thiên Chúa trao ban.

Phục Sinh cũng được dùng để chỉ một mùa trong năm phụng vụ Công giáo gọi là Mùa Phục Sinh, kéo dài 50 ngày, từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Lễ Hiện Xuống. Năm phụng vụ được tổ chức thành 2 chu kỳ xoay quanh hai trung tâm là Phục sinh và Giáng sinh. Theo quan niệm của người Công giáo chu kỳ Giáng sinh vươn lên từ đêm tối đến ánh sáng (như mùa đông qua mùa xuân) còn Phục sinh thì trong ánh sáng chan hoà.

2. Cách tính ngày Lễ Phục sinh

Việc cử hành lễ Phục sinh giữa giáo hội Đông phương và Tây phương khác nhau.

Giáo hội Đông phương: Chủ yếu ở miền Tiểu Á như Êphêxô, Smyrne… vẫn theo truyền thống Do Thái giáo. Giáo hội Đông phương dùng lịch từ thời hoàng đế Julien (là lịch mà người ta tính dựa theo sự vận hành của mặt trời và mùa). Vào năm 46 trước công nguyên, Hoàng đế La Mã César ra lệnh cho nhà thiên văn Sosigene thành Alexandria cải cách lịch La Mã. Ông xếp đặt lại mốc đầu là năm 46 có 445 ngày. Sau đó, cứ ba năm liền có 365 ngày và năm thứ tư có 366 ngày tức là cộng thêm một ngày nhuận. Cuộc cải cách này đưa đến niên lịch mang tên hoàng đế Cesar là lịch theo Julien. Niên lịch được áp dụng trong toàn cõi đế quốc La Mã và được Giáo hội Kito dùng cho tới thế kỷ thứ 16. Theo niên lịch Julien, người ta khám phá ra cứ bốn thế kỷ, ta sẽ bị mất 3 ngày đối với các mùa. Trong khi các lễ tôn giáo lại được tính theo mùa như Lễ Phục sinh với mùa xuân, lễ Giáng sinh với mùa đông. Theo đó giáo hội Đông phương mừng Lễ Phục sinh vào ngày 14 tháng Nisan, cho dù ngày này rơi vào một ngày trong tuần chứ không bắt buộc phải là ngày chủ nhật.

Khi mừng Lễ Phục sinh vào ngày 14 Nisan, các giáo hội Đông phương mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và sống lại, nhưng họ đánh dấu trọng tâm vào cái chết của Chúa nhiều hơn.

Giáo hội Tây phương:

Giáo hội Tây phương mừng lễ Phục sinh vào ngày chủ nhật, theo họ Chúa Giêsu sống lại ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật này có thể rơi vào ngày 14 Nisan của Do thái, hay là chủ nhật kế tiếp nếu như ngày 14 Nisan không phải là ngày chủ nhật. Trong suốt thời Trung Cổ, cách tính này được diễn đạt ngắn gọn là Lễ Phục Sinh diễn ra vào Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên vào đúng hoặc sau ngày xuân phân và họ đặt trọng tâm vào sự sống lại của Chúa nhiều hơn.

Sự khác nhau giữa Đông phương và Tây phương đã tạo nên các cuộc tranh luận quyết liệt giữa hai bên và ngày chính xác của lễ Phục Sinh vẫn còn là đề tài tranh luận suốt nhiều năm. Đến Công đồng Nicêa năm 325, Giáo hội đã tách biệt Lễ Vượt qua của người Do Thái và Lễ Phục sinh của Kitô giáo. Đồng thời Lễ Phục sinh được quyết định tổ chức vào cùng một chủ nhật trong toàn giáo hội, nhưng chưa có phương pháp tính nào được chỉ định bởi Công đồng. Trước khi chuyển sang tính Lễ phục sinh theo phương pháp Alexandria, thì trong suốt nhiều thể kỷ đầu giáo hội Tây phương tính ngày Phục sinh theo lịch Julius của giáo hội Đông phương nên ngày Lễ phục sinh không giống nhau.

Vào thế kỷ 16, thì ngày Phân xuân để định lễ Phục sinh rơi vào ngày 11 tháng 3, nhưng nếu tính theo mùa theo quyết định từ Công đồng Nicêa năm 325 thì ngày Phân xuân được định là 21 tháng 3. Bấy giờ, Công đồng Trente trao cho Giáo hoàng Grêgôriô XIII giải quyết sự khác biệt giữa giáo hội Đông phương và giáo hội Tây phương và làm cuộc cải cách năm 1582 với niên lịch mới mang tên Giáo hoàng là niên lịch Gregorien. Phương pháp tính ngày Phục sinh tham khảo từ giáo hội ở Alexandria, một thành phố nổi danh về sự thông thái tính Lễ Phục sinh theo lịch Gregory.

Các nhà Thiên văn do Giáo hoàng Grêgôriô đề nghị đã tính lại. Chỉ giữ lại những năm nhuận với bội số 400 như 1600, 2000, 2400, 2800…; còn những năm cuối thế kỷ khác như 1700, 1800, 1900, 2100, 2200 và 2300… không còn là năm nhuận nữa. Mục đích để sửa lại cho chính xác tổng số ngày trong năm được ước chừng là 364 ngày. Với lối tính này cứ 11.000 năm sẽ làm lệch đi hết 7,5 năm và cho đến năm 2600 giải pháp này đã bỏ đi hết 8 ngày. Ngoài ra, các nhà cải cách đưa các mùa cho phù hợp theo chu kỳ mặt trời theo như bối cảnh mà các nghị phụ công đồng Nicêa đã đặt định những qui tắc tính về các lễ tôn giáo. Vì thế, từ năm 325 đến năm 1582, chênh lệch niên lịch với mặt trời là 9,427 ngày và các nhà thiên văn đã phải bỏ đi hết 10 ngày.

Như vậy, muốn hiểu rõ cách tính ngày lễ Phục sinh, nên cần biết ngày Phân xuân 21.3, sau đó phải biết ngày trăng tròn đầu tiên của mùa xuân, rồi lấy ngày Chúa nhật tiếp theo đó. Với ba yếu tố đó, giáo hội có được ngày chính xác của lễ Phục sinh, tức là ngày chúa nhật đầu tiên của tuần trăng tròn đầu mùa xuân. Với cách tính như thế, nên ngày lễ Phục sinh thay đổi tùy theo năm. Ví dụ, nếu như năm nào ngày trăng tròn mùa xuân rơi vào ngày 22.3 và ngày 23.3 là ngày Chúa nhật, thì lễ Phục sinh sẽ là ngày 23.3 (ngày Chúa nhật). Ngược lại, nếu như trăng tròn đầu xuân rơi vào 29 ngày sau ngày Phân xuân tức là khoảng ngày 19.4 và lại là ngày thứ hai, thì lễ Phục sinh chỉ được cử hành sáu ngày sau là ngày 25.4 (ngày Chúa nhật). Vì thế, lễ Phục sinh được mừng sớm nhất là Chúa nhật 23.3, hoặc trể nhất là 25.4 với 1 tháng cách biệt nhau.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Aleppo, Syria năm 1997, Hội đồng các giáo hội thế giới đề nghị cải cách phương pháp tính ngày lễ Phục Sinh dựa trên các tính toán theo quan sát thiên văn trực tiếp; điều này giúp loại bỏ khác biệt giữa các giáo hội Tây phương và Đông phương. Cải cách này được đề nghị áp dụng từ năm 2001, nhưng cuối cùng nó không được các thành viên sử dụng.

Ngày nay, Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn không mừng lễ Phục sinh cùng ngày.

3. Tổ chức Lễ Phục sinh

Lễ Phục Sinh của tín đồ Công giáo được đánh dấu việc kết thúc 40 ngày chay tịnh, hay còn gọi là Mùa Chay. Mùa chay với con số 40 nhắc nhở tín đồ nhớ lại 40 ngày Chúa Giêsu sống trong nơi hoang địa và 40 năm dân Do Thái đi trong sa mạc trên đường đi về đất hứa. Trong những ngày này Giáo hội khuyên mọi người sống trong chay tịnh để cùng tham dự vào sự thương khó của Chúa Giêsu. Trong các giáo xứ thường tổ chức tuần làm phúc tĩnh tâm và thi giáo lý kinh bổn trong mùa chay. Đây cũng là mùa bốn mươi ngày để cầu nguyện, thanh luyện tâm hồn, bỏ lối sống ích kỷ. Giáo hội luôn đề cao và kêu gọi tinh thần chay tịnh, hãm mình đặc biệt là thứ 4 lễ tro và thứ 6 tuần thánh phải tuyệt đối kiêng thịt, ăn chay để chuẩn bị cho Lễ Phục sinh.

Để chuẩn bị cho Lễ Phục sinh, Giáo hội Công giáo thường tổ chức lễ trọng vào chủ nhật trước đó, còn gọi là Chúa nhật Lễ Lá và ba ngày cuối cùng trước ngày Phục Sinh gọi là Tam Nhật Thánh, bao gồm: Thứ năm Tuần Thánh (thứ năm rửa chân), Thứ sáu Tuần Thánh (thứ sáu tốt lành) và Thứ bảy Tuần Thánh (thứ bảy yên tĩnh). Trong Chúa nhật Lễ Lá, Thứ năm Tuần Thánh và Thứ sáu Tuần Thánh tín đồ chú tâm vào việc tưởng nhớ đến các sự kiện Chúa Giêsu vào thành Jerusalem, bữa Tiệc Ly và Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Ba ngày kế tiếp Thứ sáu Tuần Thánh, Thứ bảy Tuần Thánh và Chúa nhật Phục Sinh còn được gọi là Tam Nhật Phục Sinh (hay Tam Nhật Vượt Qua). Năm 2014, Chúa nhật Lễ lá rơi vào ngày 13/4 và thứ 6, thứ 7 tuần thánh rơi vào ngày 18 và 19/4 và Chủ nhật Phục sinh đầu tiên là ngày 20/4.

Năm nay Lễ Phục sinh của người Công giáo ở Việt Nam được tính từ chủ nhật 20/4 và kéo dài đến 25/5. Một trong những hoạt động quan trọng trong lễ Phục sinh của người Công giáo là tham gia các buổi nguyện ngắm “15 sự thương khó Chúa Giêsu”. Để tham dự trọn vẹn buổi nguyện ngắm truyền thống của giáo hội trong mùa Phục sinh, sau buổi tưởng niệm cuộc thương khó Chúa Giêsu, giáo dân tập trung tại nhà thờ để tham dự tiếp buổi ngắm. Theo giáo hội việc ngắm này là việc làm đạo đức trong giáo hội mang lại những lợi ích như: giúp cộng đoàn có thời gian tĩnh tâm, suy niệm và hiệp thông vào thương khó của Chúa Giêsu. Vào Lễ Phục sinh người Công giáo có truyền thống tặng nhau những món quà, những quả trứng Phục sinh được làm từ chocolate, biểu tượng từ xưa về sự sinh sản. Cũng có truyền thống là vào buổi sáng lễ Hiện xuống (một phần của Lễ Phục sinh), người ta thức dậy sớm để ngắm mặt trời lên và dùng bữa trưa đặc biệt, như tổ chức một chuyến giã ngoại cho cả gia đình./.

Phương Liên (ban TGCP)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề