“Chính trị ký ức” và sóng ngầm quan hệ Đức – Israel

Tháng 6 này là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Israel. Mối quan hệ song phương vốn được thiết lập sau khi Đức Quốc xã hủy diệt người Do thái ở châu Âu nay đã phát triển đến một tầm vững chắc. Nhưng gần đây, những ký ức đang phai nhòa về vụ thảm sát Holocaust giữa những người Đức trẻ tuổi, cùng với vị thế quốc tế đang suy giảm của Israel, đang thách thức dòng quan điểm chính thức về mối quan hệ “đặc biệt” giữa hai nước.

David Ben-Gurion, cha đẻ của Israel và là nhà kiến tạo nên sự hòa giải giữa Israel với Đức, hoàn toàn là một người thực dụng. Ông biết rằng việc thiết lập mối quan hệ đối tác với Đức, bao gồm cả khoản tiền bồi thường giúp đẩy mạnh năng lực của Israel, sẽ rất có ích cho việc đảm bảo sự tồn vong của Israel.

Dĩ nhiên, khoản bồi thường – bắt đầu được thực hiện vào năm 1952 – cũng nhằm phục vụ lợi ích của Đức. Cách tốt nhất để khôi phục tính chính danh quốc tế sau Thế chiến II là công khai chuộc lỗi cho những tội ác của Đức Quốc xã, và hòa giải với người Do thái trên thế giới.

Nhưng lý do cho việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ (giữa Đức và Israel) thì không rõ ràng đến thế. Lo sợ một động thái như vậy sẽ làm suy yếu các mối quan hệ của Đức với các nước Ả Rập, và từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu duy trì một chính sách trung lập ở Trung Đông, Chính phủ Thủ tướng Ludwig Erhard đã chống lại sức ép của Israel muốn thiết lập quan hệ đầy đủ cho tới năm 1965. Ngay cả đến lúc đó, chính sách của Đức ở Trung Đông vẫn tiếp tục phản ánh sự đồng thuận trong nước rằng trách nhiệm của Đức đối với an ninh của Israel phải được cân bằng với một nỗ lực duy trì sự trung lập trong các vấn đề khu vực.

Vậy mà trong suốt nửa thế kỷ qua, mối quan hệ song phương giữa hai nước vẫn trở nên lớn mạnh. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở châu Âu, và là đối tác nói chung lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, Đức cũng là một trong số những đồng minh đáng tin cậy nhất của Israel, thể hiện ở vai trò là nhà cung cấp vũ khí lớn. Thủ tướng Angela Merkel đã nổi lên như một người bảo hộ đáng tin cậy của đất nước, thể hiện ở bài diễn văn năm 2008 đọc trước Knesset (Quốc hội Israel), trong đó bà chỉ rõ an ninh của Israel là một bộ phận thiết yếu trong lợi ích quốc gia của Đức.

Nhưng Đức cũng tỏ ra ngày càng không thoải mái với việc tiếp tục hỗ trợ Israel ngay cả khi các chính sách của nước này rõ ràng là rất đáng phê phán. 70 năm sau khi Auschwitz được giải phóng, liệu mối quan hệ song phương này có thể chống đỡ được làn sóng tư tưởng chống Israel đang dâng lên ở châu Âu hay không?

Lịch sử thật trớ trêu. Nước Đức hậu chiến tranh chỉ có thể giành lại được tính chính danh quốc tế thông qua việc hòa giải với người Do thái. Ngày nay, tính chính danh của Israel lại đang bị các thể chế quốc tế và công luận phương Tây thách thức chính vì sự ngược đãi của họ đối với người Palestine.

Sự đảo lộn vai trò đã trở nên rõ rệt. Cả người Do thái và người Đức từ sau Thế chiến II đều là những dân tộc thất bại và lụn bại, nhưng người Do thái có ưu thế chính nghĩa (moral high ground), còn người Đức thì không. Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò dư luận toàn cầu do BBC Word Service thực hiện năm 2013, Israel được xếp hạng là một trong những nước ít được ưa chượng nhất – chỉ trên Triều Tiên, Pakistan, và Iran – trong khi Đức nổi lên thành một trong những nước được ưa chuộng nhất.

Nhưng phạm vi của sự đảo nghịch này được minh họa rõ nhất trong sự so sánh “tục tĩu” ngày càng lan rộng giữa chính sách của Israel với người Palestine và sự đối xử của Đức Quốc xã với người Do thái. Một nghiên cứu do Quỹ Bertelsmann thực hiện hồi tháng 1 năm nay cho thấy 35% người Đức dễ dàng đón nhận sự liên hệ đó. Trong một dấu hiệu có thể báo trước sự thay đổi trong mối quan hệ song phương, cuộc thăm dò cũng cho thấy 58% người Đức tin rằng quá khứ nên được giao phó cho lịch sử, và 62% không tán thành với chính sách của Israel ngày nay.

Dĩ nhiên, việc Đức háo hức muốn thoát khỏi gánh nặng lịch sử không phải là mới. Năm 1998, học giả nổi tiếng Martin Walser đã công khai tấn công sự phổ biến của sự kiện Auschwitz trong văn hóa tưởng niệm của người Đức, tuyên bố rằng nạn thảm sát Holocaust đã trở thành “cây dùi cui đạo đức” hăm dọa toàn bộ người Đức và giữ họ “trong trạng thái tội lỗi vĩnh viễn.”

Quan điểm của Walser là một lời kêu gọi tuyệt vọng việc cho phép đất nước của ông định hình một bản sắc dân tộc mới – một bản sắc phản ánh sự kiên quyết chối bỏ chủ nghĩa phát xít và tiếp nhận nền dân chủ, chứ không phải một lịch sử hết sức đáng tiếc (và đầy ân hận) của họ. Và quan điểm này đã nhận được sự tung hô không ngớt từ gần như toàn bộ 1.200 thính giả nổi tiếng có mặt tại Nhà thờ thánh Paul ở Frankfurt, nơi Walser được trao Giải thưởng Hòa bình của Hiệp hội Phát hành sách nước Đức. Ngoại lệ duy nhất là Ignatz Bubis, lãnh đạo cộng đồng người Do thái ở Đức.

Trong khi các chính sách của Israel ngày càng trở nên không thể biện bạch được thì ý chí của người Đức trong việc định hình lại chính sách quốc gia tách khỏi tội lỗi trong cuộc thảm sát Holocaust đang không ngừng lớn mạnh. Bài thơ “Điều cần phải nói,” được viết năm 2012 bởi chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1999 Günter Grass, có thể chỉ là phù phiếm và đầy sáo rỗng, nhưng nó rõ ràng bộc lộ sự mệt mỏi đang lớn dần lên trong xã hội Đức đối với ký ức gây hiệu ứng tê liệt về vụ thảm sát Holocaust. Grass không chỉ định nghĩa Israel là “mối đe dọa cho hòa bình thế giới”; ông còn thừa nhận rằng mình đã im lặng trong một thời gian dài chỉ vì tin rằng gốc gác của chính ông (người Đức – NBT), “bị hoen ố bởi một vết nhơ không bao giờ có thể xóa bỏ,” đã khiến ông không có quyền nói lên sự thật.

Cũng như Grass, người dân Đức – đặc biệt là thế hệ trẻ, những người cảm thấy tách biệt sâu sắc hơn nữa với các sự kiện của Thế chiến II – đang ngày càng trút bỏ quan niệm cho rằng họ nợ Israel nên phải tiếp tục làm những người hỗ trợ thầm lặng và kiên định. Quả thật, khi chính phủ cánh hữu của Israel có hành động chôn vùi giải pháp hai quốc gia (cho cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine – NHĐ) mãi mãi, người Đức đã tham gia cùng người châu Âu để lên tiếng phản đối chính sách của Israel ở Palestine.

Nói một cách đơn giản, tội lỗi trong lịch sử không còn là lý do thích hợp để buộc nước Đức phải hỗ trợ cho những chính sách sai lầm của Israel – đặc biệt là khi những chính sách đó đang nhằm ngược đãi một nhóm người khác, người Palestine. Các nhà lãnh đạo hiện tại của Israel nên lưu ý điều này.

Shlomo Ben-Ami, nguyên Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy (Vết sẹo chiến tranh, vết thương hòa bình: Bi kịch Israel-Ả Rập).

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Quốc tế)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề