Chống tham nhũng sẽ không chấm dứt đói nghèo

Các quốc gia nghèo khó là bởi chính phủ của họ tham nhũng. Và, trừ khi những nước này đảm bảo được rằng tài nguyên quốc gia không bị đánh cắp, và quyền lực công không bị sử dụng cho mục đích cá nhân, thì họ sẽ còn nghèo mãi, đúng không?

Quả là một ý tưởng hấp dẫn để chúng ta tin vào. Suy cho cùng, đây là dòng quan điểm cho rằng triển vọng về sự thịnh vượng cũng đồng nghĩa với việc đấu tranh chống lại bất công. Như Giáo hoàng Francis đã nói trong một chuyến thăm châu Mỹ Latinh gần đây: “tham nhũng là sâu mọt, là chứng hoại tử của loài người.” Những kẻ tham nhũng xứng đáng bị “buộc vào đá rồi ném xuống biển.”

Có lẽ họ đáng bị thế thật. Nhưng điều đó không nhất thiết giúp các quốc gia trở nên thịnh vượng hơn.

Hãy xem xét dữ liệu. Có lẽ biện pháp đo lường tham nhũng tốt nhất là Chỉ số Kiểm soát Tham nhũng (CCI) của Ngân hàng Thế giới, được công bố từ năm 1996 cho hơn 180 quốc gia. CCI chỉ ra rằng trong khi các nước giàu có xu hướng ít tham nhũng hơn các nước nghèo, các nước tương đối ít tham nhũng so với trình độ phát triển của họ, chẳng hạn như Ghana, Costa Rica, hay Đan Mạch, lại không hề tăng trưởng nhanh hơn các nước khác.

Cũng không quốc gia nào tăng điểm trên thang bậc của CCI, chẳng hạn như Zambia, Macedonia, Uruguay, hay New Zealand, phát triển nhanh hơn. Ngược lại, Chỉ số Hiệu quả Chính phủ của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng những quốc gia có mức thu nhập tương đương với những ví dụ kể trên nhưng nếu có được một chính phủ tương đối hiệu quả hoặc có sự cải thiện về năng lực thì sẽ có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn.

Bởi một số lý do – có lẽ liên quan đến bản chất của thứ mà nhà tâm lý Jonathan Haidt từ Đại học New York gọi là “tư duy chính nghĩa” – những tình cảm đạo đức thường khiến chúng ta đồng cảm khi đối mặt với nguy hại hay bất công. Vận động chống lại sự bất công thì dễ hơn vận động vì công lý. Chúng ta nhiệt tình khi chiến đấu với cái xấu – ví dụ như nạn đói và sự nghèo khổ – hơn là khi đấu tranh cho những thứ như các mô hình tăng trưởng và phát triển nhằm tạo ra lương thực dồi dào và sinh kế ổn định.

Đôi khi việc chuyển từ “cái xấu” sang “cái tốt” tương ứng đơn giản chỉ là vấn đề ngữ nghĩa: đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tức là đấu tranh chống phân biệt đối xử. Nhưng đối với tham nhũng, nơi cái xấu được tạo ra bởi sự thiếu vắng của cái tốt, thì việc tấn công cái hủ bại khác xa việc tạo nên điều thiện lương.

Cái tốt trong trường hợp này là một nhà nước hữu hiệu: một hệ thống hành chính có thể bảo vệ đất nước và người dân, gìn giữ hòa bình, đảm bảo các luật lệ và khế ước, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ xã hội, điều tiết hoạt động kinh tế, thực hiện các nghĩa vụ dài hạn một cách uy tín, và dùng tiền thuế để chi trả cho mọi hoạt động. Sự thiếu vắng một nhà nước hữu hiệu đã tạo ra tham nhũng (tức là không đủ khả năng để ngăn chặn nhân viên công quyền, thường là khi họ cấu kết với những thành viên khác trong xã hội, khỏi bóp méo các chính sách công để tư lợi), cũng như đói nghèo và tụt hậu.

Một số người có thể lập luận rằng việc giảm thiểu nạn tham nhũng đòi hỏi phải có một nhà nước hữu hiệu; cái tốt được tạo ra trong cuộc chiến chống lại cái xấu. Nhưng có đúng thế không? Giáo viêny tá thường không đến cơ quan khi không có lớp hay ca trực, nhưng không có nghĩa là chất lượng công việc của họ sẽ tốt hơn nếu họ đến. Cảnh sát có thể thôi đòi hối lộ, nhưng chuyện đó cũng chẳng khiến họ xuất sắc hơn trong việc ngăn ngừa và bắt giữ tội phạm. Cắt giảm những khoản chung chi cũng không phải là dấu hiệu chứng tỏ khả năng kiểm soát các hợp đồng nhượng quyền hay khả năng thu thuế.

Bên cạnh việc truy tố những phần tử hủ bại, những biện pháp chống tham nhũng thường bao gồm cải cách các quy định mua sắm công, các hệ thống quản lý tài chính công, và luật phòng chống tham nhũng. Giả định ở đây là những luật mới, khác với những luật cũ, sẽ được thực thi.

Đó không phải là những gì mà Uganda đã trải nghiệm. Năm 2009, dưới áp lực của cộng đồng các nhà viện trợ, chính phủ nước này đã ban hành một đạo luật được xem là luật phòng chống tham nhũng tốt nhất thế giới ở thời điểm đó; thế nhưng mọi chỉ số tham nhũng của họ vẫn cứ trở nên tệ hại hơn.

Uganda không phải phải là ngoại lệ. Đồng nghiệp của tôi ở Harvard, Matt Andrews, đã ghi nhận sự thất bại của các chương trình cải cách quản lý tài chính công trong việc ngăn chặn tham nhũng. Và những lý do dẫn đến sự thất bại này lại chẳng liên quan nhiều đến quản lý tài chính.

Mọi tổ chức đều muốn được nhìn nhận là hợp pháp. Họ có thể khiến mình được nhìn nhận như vậy bằng cách hoạt động thực tế đúng như mục đích thành lập, một điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, họ có thể vay mượn từ thế giới tự nhiên một chiến lược gọi là sự bắt chước đẳng cấu (isomorphic mimicry): cũng như các loài rắn vô hại cố gắng ngụy trang để trông giống những đồng loại có nọc độc của chúng, các tổ chức cũng có thể khiến họ có vẻ giống như những thể chế có tính chính danh ở những nơi khác.

Và đây là những gì mà các nghị trình chống tham nhũng rốt cuộc thường khuyến khích: sự thành lập của các tổ chức bị ám ảnh quá mức với việc tuân thủ các quy trình mới và nặng nề, hơn là chú trọng vào việc đạt được các mục tiêu đặt ra ban đầu. Như Lant Pritchett, Michael Woolcock, và Andrew ở Harvard đã lập luận, khi những tổ chức không phù hợp áp dụng “các cách làm tốt nhất” (best practices) như các hệ thống quản lý tài chính công và các quy định mua sắm công, thì họ sẽ bị những thủ tục vốn làm méo mó quá trình ra quyết định này đẩy ra xa mục đích thành lập ban đầu.

Như Francis Fukuyama từng chỉ ra, sự phát triển của một nhà nước hữu hiệu có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật là một trong những thành tựu đỉnh cao của văn minh nhân loại. Nó bao hàm sự cấu thành một ý niệm chung về “chúng ta,” một cộng đồng tưởng tượng mà các quốc gia hành động nhân danh họ.

Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng khi các xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc bởi các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, và địa vị xã hội. Rốt cuộc thì ai sẽ được nhà nước đại diện cho? Tất cả dân chúng Iraq hay chỉ là cộng đồng người Shia ở quốc gia này? Mọi cộng đồng ở Kenya hay chỉ là sắc dân Kikuyu? Điều gì ngăn cản một nhóm nhỏ cầm quyền hiện tại thu vén lợi ích về phía họ bằng lập luận rằng “giờ thì đến lượt chúng tôi thụ hưởng?” Tại sao những nhân vật đang vận hành quốc gia không nên biến nó thành gia sản của họ, như ở Venezuela, nơi mà đã hơn 2 năm kể từ khi cựu Tổng thống Hugo Chávez qua đời, các con gái ông vẫn bám trụ trong dinh tổng thống?

Cuộc chiến chống tham nhũng kích thích tất cả chúng ta bởi mọi người đều muốn diệt trừ cái ác và bất công. Nhưng nên nhớ rằng ném cái xấu xuống biển không có nghĩa là cái tốt mà chúng ta cần sẽ đột ngột xuất hiện.

Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế.

Hình: rejuvenationmedia.com

Copyright: Project Syndicate 2015 – Fighting Corruption Won’t End Poverty

Nguồn: Ricardo Hausmann, “Fighting Corruption Won’t End Poverty,” Project Syndicate, 24/07/2015.

Biên dịch: Vũ Đình Khanh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề