NHỮNG KHÓ KHĂN, NGUY CƠ TIỀM ẨN VÀ SỰ SUY THOÁI ĐƯỢC LẬP TRÌNH CỦA NƯỚC NGA

LỜI GIỚI THIỆU

Việc kinh tế Nga hiện đang trì trệ và suy thoái từ lâu đã không còn là một điều mới đối với cộng đồng quốc tế. Trong một bài viết gần đây “Tại sao đối với Nga các biện pháp trừng phạt không phải điều đáng sợ nhất” (FB Tam Tran ngày 20/08/2018), chúng tôi đã trình bầy khá đầy đủ những nguyên nhân nội tại chủ yếu của quá trình suy thoái này. Xin phép không nhắc lại ở đây.

Tuy nhiên, trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” về mọi phương diện, trước hết là về kinh tế của nước Nga hiện nay, tâm thức đế quốc Đại Nga và hoài niệm Liên Xô đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc tìm hiểu sâu hơn những biểu hiện trong thực tế của tâm thức này, giúp chúng ta hiểu đúng hiện trạng và tương lai gần của nước Nga.

Đồng thời cũng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn những khó khăn và cách hành xử của giới tinh hoa chính trị, của những người lãnh đạo nước Nga hiện nay và trong tương lai gần.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết về những vấn đề này của Andrei Movchan Giám đốc Phân ban “Chính sách kinh tế” của Quĩ Carnegie Moskva, một chuyên gia tài chính, một nhà phân tích chính sách kinh tế danh tiếng ở Nga và nổi tiếng cả ở Phương Tây. Andrei Movchan cũng từng là một CEO lẫy lừng và một doanh nhân rất thành công.

Bài viết dưới dạng phỏng vấn do Elena Arakelian tiến hành, được đăng trên báo Sự thật Thanh niên (Комсомольская правда) với tiêu đề “Sẽ không có những quầy hàng trống rỗng nhưng chúng ta sẽ sống nghèo hơn nhiều” ngày 03/09/2018.

Bài phỏng vấn lập tức nhận được cộng hưởng lớn trên mạng xã hội trong và ngoài nước Nga. Một số ý kiến phản biện bài viết này, đã được Andrei Movchan tổng kết và đưa lên FB Andrei Movchan của mình 04/09/2018. Chúng tôi xin phép giới thiệu những ý kiến này ở phần cuối bài này.

Andrei Movchan biết rất rõ câu cách ngôn: “Ai đúng sớm qúa là sai”. Nhưng vì cả đời sống ở nước Nga, nên ông vẫn quyết định nói về những vấn đề bức xúc nhất của nước Nga.

CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT THỰC SỰ NGUY HIỂM KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG BIỆN PHÁP ỒN ÀO

PV: Hiện thời người ta đang nói nhiều về các biện pháp trừng phạt. Một gói, gói hai… gói thứ 25… Thị trường đang sốt, đồng rúp mất giá. Và người ta còn nói, mọi chuyện rồi sẽ tệ hơn nữa. Vậy chúng ta nên ở tư thế sẵn sàng đối măt với những điều gì?

MOVCHAN: Nói chung, tôi sẽ chia các lệnh trừng phạt thành các loại sau đây. Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt cá nhân. Đó là những biện pháp có thể gây khó chịu và thiệt thòi cho một vài cá nhân cụ thể, nhưng không hề ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước bao gồm hơn 146 triệu người khác.

Thứ hai, lệnh trừng phạt đối với các tập đoàn cụ thể. Chỉ có vài tập đoàn trong số những tập đoàn thuộc danh sách trừng phạt này, thực sự là những động lực quan trọng của nền kinh tế Nga. Trước hết, đó là những tập đoàn có liên quan đến nhôm và kim loại quý hiếm. Các biện pháp trừng phạt có thể gây thiệt hại đáng kể cho chúng, và những tập đoàn này chắc chắn sẽ mất một phần không nhỏ doanh thu của mình. Nhưng họ vẫn tồn tại được.

Khi chúng ta nói rằng các doanh nghiệp bán nhôm mất 30% doanh thu của mình, do bị trừng phạt và sẽ phải cắt giảm sản lượng. Về nguyên tắc, điều này cũng chỉ tương đương với tình huống khi nhôm sập giá 20%. Đối với thị trường nhôm, đây chẳng phải là một sự kiện gì quá đặc biệt, các tập đoàn đã sẵn sàng cho sụt giảm như vậy. Họ sẽ tìm được những khách mua hàng khác, không có gì thay đổi đáng kể. Ngoại trừ những điều khó chịu, những biện pháp trừng phạt loại này, không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Nga.

Thứ ba, những biện pháp trừng phạt hướng tới việc hạn chế khả năng nhà nước Nga và một số tổ chức tài chính Nga vay tiền. Về mặt lý thuyết, các biện pháp trừng phạt loại này có thể rất khó chịu. Tuy nhiên, thực tế nước Nga hiện đang kiếm được những món tiền khổng lồ từ việc bán dầu khí, và có một tài khoản giao dịch ngoại tệ thặng dư thường trực rất lớn. Và vì vậy, xét toàn cục thì chúng ta không cần vay tiền. Ngoại tệ dành cho nền kinh tế được đảm bảo. Những biện pháp trừng phạt loại này, cũng không gây ra thiệt hại đáng kể cho kinh tế Nga.

PV: Vậy điều gì có thể thực sự gây thiệt hại nghiêm trọng?

MOVCHAN: Là những biện pháp trừng phạt về cung ứng công nghệ. Chúng ta ít nói về chúng, bởi vì những biện pháp trừng phạt này, trực tiếp và ngay lập tức không làm tổn thương những gì đang có, đang tồn tại và làm việc ở Nga. Nhưng chúng lại đụng chạm đến tương lai của chúng ta. Và trong tương lai, chúng ta có thể phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Nga là một quốc gia vô cùng phụ thuộc vào công nghệ và kỹ thuật nhập khẩu. Chúng ta buộc phải mua hầu hết mọi loại công nghệ. Bao gồm các ngành công nghiệp quan trọng nhất, chẳng hạn như khai thác các loại dầu khí phức tạp, công nghệ thông tin, năng lượng và những lĩnh vực khác.

Vì vậy, bất kỳ lệnh cấm nào cũng là một thất bại cho nền kinh tế nước Nga, nhưng một thất bại vào ngày mai. Sẽ khó khăn hơn nhiều để chúng ta phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu và hóa dầu của mình. Sẽ khó khăn hơn gấp bội để chúng ta phát triển công nghiệp dược phẩm, công suất tính toán computer phức tạp, công nghệ thông tin và ngành hàng không. Sẽ rất khó để phát triển ngành công nghiệp quân sự, trước hết là định hướng xuất khẩu vũ khí. Ấn Độ, chẳng hạn, hiện đã hủy hợp đồng mua máy bay của Nga.

Ngay cả dầu hỏa mà chúng ta đang bán cho phương Tây, hiện cũng đang khai thác ở các khu mỏ cũ được phát hiện từ trước đây khá lâu. Đồng thời, dễ dàng cảm nhận được nhiều bất ổn công nghệ trong công tác thăm dò dầu khí. Riêng về dầu đá phiến tình trạng càng tồi tệ hơn. Nước Nga vốn không có công nghệ khai thác dầu đá phiến và bây giờ trong lĩnh vực này, việc hợp tác với chúng ta lại bị cấm. Vì vậy, sau 15 năm nữa, nước Nga sẽ sản xuất dầu bằng cách nào là một câu hỏi rất lớn để ngỏ.

Thậm chí, nếu lệnh trừng phạt được gỡ bỏ sau 10 năm, thì có thể đã quá muộn, bởi vì công tác thăm dò cần có thời gian. Tóm lại, có thể nói rằng tất cả mọi biện pháp trừng phạt, mà cả hai phía Mỹ và Nga đang hô hoán, nói chung không đáng sợ. Ngược lại, những gì họ nói một cách lặng lẽ, khẽ khàng có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho kinh tế nước Nga.

PV: Nhân tiện xin hỏi về những gì họ đang hô hoán. Việc cấm các ngân hàng Nga giao dịch bằng dollar, được coi là một trong những biện pháp Mỹ có thể áp đặt.

MOVCHAN: Về mặt lý thuyết, đây là một biện pháp rất khó chịu, vì 40% các giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng dollar. Và giả sử lệnh cấm Nga thanh toán bằng dollar và euro được áp đặt (tất nhiên người Mỹ sẽ yêu cầu người Châu Âu phối hợp hành động. Tôi không thể hình dung một quyết định như vậy thiếu sự phối hợp của Châu Âu). Lúc đó chúng ta có thể mất rất nhiều đối tác, bởi vì họ sẽ không thoải mái, khi phải thanh toán thông qua đồng tiền thứ ba.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng, đây là một biện pháp hãn hữu của Mỹ. Biện pháp này trong lịch sử, người Mỹ chỉ sử dụng vài lần. Chẳng hạn, để chống chế độ hoàn toàn điên cuồng như Iran, một quốc gia từng công khai tuyên bố mong muốn tiêu diệt nước Mỹ của mình.

Nga dù sao cũng hành xử thận trọng hơn. Ngoài ra, Nga còn là nhà cung cấp dầu khí chính cho Châu Âu. Đồng thời, là khách mua hàng hóa Châu Âu lớn. Nếu Nga ngừng mua ở châu Âu, những gì chúng ta đang mua, đó sẽ là một đòn nặng nề đối với kinh tế Châu Âu. Châu Âu sẽ mất 10-15% giá trị xuất khẩu của mình. Một điều rất khó chấp nhận, vì không một chính trị gia Châu Âu nào có khả năng biện minh trước cử tri những tổn thất như vậy.

Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể đơn phương, không có châu Âu, cấm Nga giao dịch bằng dollar. Nhưng Nga hiện đang nắm giữ hơn 200 tỷ USD dự trữ dưới nhiều hình thức và nhiều người dân Nga cũng giữ một lượng tổng cộng USD tương tự. Liệu Mỹ đã sẵn sàng đối mặt với việc, một khối lượng USD như vậy được tung lên thị trường ngay một lần chưa? Người Mỹ không dám cấm bán máy bay cho Nga, bởi vì điều này không có lợi cho Boeing. Vậy chẳng lẽ họ cho phép một cơn bão như vậy xảy ra trên thị trường Mỹ?.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BIẾN ĐI ĐÂU

PV: Vâng, giả sử như chúng ta đã nói, các biện pháp trừng phạt thực tế không gây ảnh hưởng. Tại sao không có tăng trưởng kinh tế? Thậm chí giá dầu lại khá cao. Nhưng tất cả chúng ta vẫn sống trong cuộc khủng hoảng. Thu nhập của người dân hầu như không tăng, tiền cho các nghị định “Tháng Năm” (chương trình phát triển nước Nga đến 2024) và các chương trình xã hội khác đều rất khó thu vén. Chúng ta liên tục tìm kiếm liệu thứ gì có thể cắt giảm nhỉ…

MOVCHAN: Hãy nhìn vào tình trạng nước Nga vào đầu năm 2014. Khi đó tình hình kinh tế Nga nói chung tốt hơn hiện nay nhiều, cán cân thanh toán của Nga rất tốt, giá dầu cũng cao hơn. Và chúng ta đang chuẩn bị tổ chức Thế Vận hội Sochi, và dường như yêu quí tất cả mọi người. Nhưng dù là như vậy, dòng đầu tư vào Nga vẫn không đáng kể.

Nếu chúng ta nhìn vào biến động GDP thời kỳ đó, Nga đã bắt đầu rơi vào trì trệ. Trong bối cảnh chi phí sản xuất và lương ngày càng tăng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, thậm chí không đáng nói về ảnh hưởng của những lệnh trừng phạt. Ảnh hưởng này đương nhiên là có, nhưng hiện nay lại không hề quyết định tình trạng kinh tế Nga.

Tại sao kinh tế Nga lại tăng trưởng chậm hơn ba lần so với thế giới? Đây là một vấn đề riêng biệt. Câu trả lời ngắn gọn là những sai lầm trong điều hành. Trước hết, những sai lầm này đã dẫn đến một thực tế rằng, ở Nga ở mức độ tin cậy giữa tất cả mọi người, những ai tham gia tạo dựng nền kinh tế Nga cực kỳ thấp. Và rủi ro rất cao.

Tại sao điều này lại xảy ra? Bởi vì ở Nga không có những thiết chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản, và hệ thống luật pháp không hoạt động. Hệ thống luật pháp Nga không phải là tồi tệ nhất thế giới. Và nếu hệ thống này có hiệu lực, thì đó sẽ là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế được vận hành bên dưới các tòa án bình thường, có khả năng bảo vệ quyền sở hữu tư nhân.

CHÚNG TA CÓ THỂ DUY TRÌ NHƯ VẬY BAO LÂU NỮA?

MOVCHAN: Trong một thời gian dài. Tại sao? Nước Nga, xét một cách đơn giản, là một tập đoàn dầu khí lớn với một bộ máy quản lý và một khu vực xã hội dân sinh phình rất to. Vấn nạn chính của tập đoàn dầu khí này, là nó không khai thác được dầu khí đủ nhiều. So với Nga tính bình quân đầu người, Na Uy sản xuất dầu khí nhiều hơn 5 lần, và Arab Saudi nhiều hơn 6 lần. Nếu sản lượng dầu khí Nga cao hơn hiện nay 5 lần, chắc hẳn chúng ta không phải quan tâm đến việc, hiện nay nền kinh tế Nga ra sao. Bởi vì mọi khiếm khuyết của nó sẽ được lấp đầy bằng tiền dầu khí.

Tuy nhiên, nước Nga đang ở nhóm các quốc gia có mức sản xuất dầu khí trên đầu người thuộc loại trung bình. Thu nhập đủ sống, dù chúng ta có hành hạ nền kinh tế kiểu gì, bằng cách nào đó nó vẫn mang lại cho chúng ta tạm đủ tiền, và một cuộc sống không thể gọi là tốt, bởi vì để sống tốt tiền dầu khí là không đủ. Hiện tại, nước Nga có GDP trên đầu người gần 10 nghìn USD. Tương đối nghèo, nhưng không bi đát.

Thu nhập này là bình thường để duy trì đất nước, theo cách chúng ta hiện đang làm. Nghĩa là đủ kinh phí để xây dựng các sân vận động mới. Nhưng ở những thành phố trung bình, trong các bệnh viện không có bác sĩ và trang thiết bị chất lượng.

Mặt khác, tỷ lệ phần trăm người nghèo nước Nga chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc, và ba lần ít hơn ở Ấn Độ. Chúng ta bảo đảm cho người dân một nền giáo dục đầy đủ, không giống như Brazil hay Ấn Độ, nơi điều này rõ ràng là tồi tệ hơn nhiều. Đồng thời, chúng ta vẫn bảo đảm cho người dân một sự hỗ trợ lúc ốm đau. Tuy thô sơ, kém cỏi nhưng đó vẫn là hỗ trợ y tế. Dù sự hỗ trợ này, tất nhiên, hoàn toàn không phải đẳng cấp Châu Âu và thậm chí không bằng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn chưa đến mức bi đát.

Điều mà chúng ta hoàn toàn không thấy, đó là sự phát triển. Và điều này được phản ánh trong các số liệu về GDP. Việc GDP Nga tăng thêm 1% – 1,5%, trong bối cảnh giá dầu thực tế đã tăng lên, là một sự suy thoái thực sự. Giá dầu có thể giảm và mỗi khi nó sập, nước Nga sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Còn khi giá dầu tăng trở lại, chúng ta sẽ quay về tình trạng trì trệ (còn tiếp).

Trần Công Tâm


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề