Chính trường Mỹ nổi sóng

Giữa lúc phân nửa nước Mỹ đang bao phủ bởi tuyết trắng, tuyên bố tiếp tục xúc tiến dự luật nhập cư mới của Tổng thống Barack Obama đã phần nào xua đi bầu không khí giá lạnh của đợt rét kỷ lục kể từ năm 1976.

Quyết tâm hiện thực hóa dự luật của Tổng thống thì có thừa nhưng để làm được điều đó, ông Obama sẽ phải đi một chặng đường dài và đầy khó khăn.Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sáng 21/11 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Obama thừa nhận khả năng dự luật nhập cư có thể bị các nghị sĩ đối lập bác bỏ nhưng ông sẵn sàng sử dụng quyền hành pháp của mình để giúp hàng triệu người không có giấy tờ ở lại nước Mỹ.


Bước đi của Tổng thống Obama cũng mở rộng chương trình cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp hạng ưu tại các trường đại học Mỹ có thể làm việc tạm thời tại nước này. Ngoài ra, chính sách mới cũng xem xét cho vợ/chồng hoặc con cái của lao động có tay nghề đi theo đến Mỹ làm việc với điều kiện là những người ở tuổi lao động và có việc làm ở Mỹ. Dù ông Obama không nói rõ bao nhiêu người nhập cư sẽ được hưởng chính sách mới. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây, có khoảng 4,5 triệu người nhập cư đủ tiêu chuẩn trong tổng số 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp hiện ở Mỹ.

Dự luật này nếu được thực hiện sẽ giúp cuộc sống của hàng triệu người dân nhập cư trở nên “dễ thở” hơn, góp phần cải thiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống nhưng các nhà quan sát cho rằng, động thái này là bước đi liều lĩnh của ông Obama. Tuyên bố của Tổng thống được cho là mang tính biểu tượng, phát đi tín hiệu về sự quyết tâm và thái độ cứng rắn của ông trước áp lực từ Quốc hội khi Đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát từ ngày 3/1 năm tới. Chỉ có điều, tuyên bố này không khác gì một sự tuyên chiến, khiến mâu thuẫn đảng phái ngày càng gia tăng. Trên thực tế, ngay sau khi bài phát biểu của ông Obama kết thúc, Đảng Cộng hòa lập tức phát đi tuyên bố chỉ trích hành động của Tổng thống là cách kéo dài quyền lực và họ sẵn sàng làm mọi cách để ngăn chặn kế hoạch này. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, người sẽ lãnh đạo đa số tại Thượng viện đã cảnh báo về một cuộc chiến pháp lý với Tổng thống Obama trong năm tới. Ngay cả trong nội bộ Đảng Dân chủ, không phải ai cũng đồng tình với quyết định của Tổng thống khi chưa thực hiện các tuyên bố và hành động thỏa hiệp với Đảng Cộng hòa.

Sóng gió chắc chắn sẽ nổi lên trên chính trường nước Mỹ trong thời gian sắp tới, nhưng Tổng thống Obama có thể an tâm khi các chính sách đối ngoại góp phần củng cố, gia tăng vị thế của cường quốc số một thế giới vẫn sẽ được Quốc hội thông qua. Bên cạnh những tranh luận ồn ào về dự luật nhập cư, dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL…, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, vốn đang thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa hôm 20/11 (theo giờ địa phương) đã thông qua Nghị quyết H.Res-714 tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết H.Res-714 do Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế. Đồng thời kêu gọi ASEAN, các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề