Tị nạn hay đương đầu với Kremli: Thế lưỡng nan của đối lập Nga

Sau khi nhà đối lập Nga nổi tiếng Boris Nemtsov bị ám sát tại trung tâm Matxcơva tháng 2/2015, đối lập chính trị Nga dường như sực tỉnh, một số hoạt động phản kháng chống lại hệ thống Putin đã được tổ chức.Tuy nhiên, phong trào đối lập ngay lập tức bị đàn áp, biến cố mới nhất là đảng của ông Nalvany không được phép hoạt động. Nhiều người cho rằng đối lập Nga đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan : tị nạn để bảo tồn, hay tiếp tục đương đầu với chính quyền Putin, với không mấy hy vọng thành công.

Theo AFP, một số nhà đối lập và nhà báo độc lập đã chọn con đường ra đi, một ví dụ tiêu biểu là tờ báo mạng độc lập Meduza, hiện đặt trụ sở tại Estonia. Trước đó, một trong những nhà tranh đấu môi trường nổi tiếng nhất của nước Nga, Evguenia Tchirikova, cũng chọn sống lưu vong tại Estonia. Evguenia Tchirikova là người đã thành công trong việc buộc chính quyền phải ngưng thi công một xa lộ ngang qua một khu vực gần thủ đô Matxcơva, tuy nhiên, do sợ các con bị ảnh hưởng, nhà tranh đấu đã buộc phải chọn giải pháp này.

Trả lời AFP, nữ tổng biên tập Open Russia – tờ báo mạng của phong trào cùng tên do nhà đối lập, cựu tỉ phú Mikhail Khodorvski lập ra – cho biết : ra đi « là một lựa chọn cá nhân, rất đau đớn » đối với một số nhà đối lập.

Theo người đứng đầu Quỹ Fondation Freiheit (một tổ chức phi chính phủ Đức vì các quyền tự do chính trị, thân cận với với đảng Tự do Dân chủ Đức), ông Julius Freytag, « ngày càng có nhiều nhà đối lập rời nước Nga hoặc có dự định như vậy, do đợt đàn áp mới của chính quyền ».

Trong ít tuần gần đây, xảy ra một loạt vụ khám xét nhắm vào các cơ sở đối lập, cũng như thành viên tranh đấu. Ngày 16/04, ít phút trước khi Tổng thống Vladimir Putin khẳng định « đối lập có quyền và có thể tham gia vào đời sống chính trị đất nước » (trong buổi trả lời trực tuyến khán giả truyền hình thường niên), cảnh sát vũ trang đã lục soát cơ sở của phong trào Open Russia và mang đi nhiều đồ vật trong đó có các máy tính.

Hôm sau, đến lượt căn hộ của bà Natalia Pelevina, một thành viên của liên đảng RPR-Parnas bị khám xét. Nói chuyện với AFP, nhà tranh đấu này cho biết từ ít lâu nay, chính quyền « không chỉ nhắm vào các nhà đối lập nổi tiếng, mà cả những thành viên bình thường ». Tuy nhiên, đảng viên liên đảng RPR-Parnas có lập trường quả quyết, bà khẳng định cho dù « sợ », vì những hành động đe dọa, khủng bố của chính quyền, nhưng « sẽ không bao giờ từ bỏ » tranh đấu. Sau vụ khám xét này, nhà tranh đấu bị chính quyền tình nghi tham gia vào « vụ Bolotnaia » (đụng độ trong cuộc biểu tình của đối lập, hồi tháng 5/2012, vì « một nước Nga không Putin »). Bà Natalia Pelevina có nguy cơ bị phạt từ 8 năm đến 16 năm tù.

Đối lập đoàn kết lại

Trong bối cảnh chính quyền đàn áp, ngày 17/04/2015, đảng RPR-Parnas (RPR-Parnas là tên viết tắt của đảng Cộng hòa của nước Nga và đảng Tự do của Nhân dân – do ông Nemtsov đồng sáng lập) và đảng Tiến bộ của ông Alexei Nalvany, nhà đối lập số một với điện Kremli, vừa tuyên bố thành lập một phong trào mới : Liên minh Dân chủ. Liên minh do ông Nalvany và cựu Thủ tướng Mikhail Kassianov lãnh đạo – ra tuyên bố chung lên án hệ thống chính trị độc đoán của Tổng thống Putin, tiêu diệt đối lập, phá hủy nền kinh tế Nga và đưa đất nước vào xung đột với Ukraina. Hiện tại liên minh mới của hai đảng đối lập được thêm sự ủng hộ của sáu đảng phái và phong trào tranh đấu khác.

Liên minh chính trị mới của đối lập dự định sẽ tham gia các cuộc tranh cử địa phương vào mùa thu và bầu cử lập pháp năm 2016. Theo nhà chính trị học Nga Konstantin Kalatchev, đối lập Nga sau khi đã thoát khỏi tình trạng phân tán do « tham vọng cá nhân » của các lãnh đạo, có thể thuyết phục được « tối thiểu từ 15% đến 20% » cử tri Nga, và như vậy đủ để có chân trong Hạ viện.

Chính quyền ngay lập tức có phản ứng. Hôm qua, thứ Ba 28/04, Bộ Tư pháp Nga thông báo rút tên của đảng Tiến bộ của ông Navalny ra khỏi danh sách các đảng chính trị được phép hoạt động tại Nga, với lý do đảng này không tuân thủ các quy định trong việc đăng ký.

Về việc này, lãnh đạo đảng Tiến bộ giải thích « một đảng phái như thế này dường như quá nguy hiểm đối với điện Kremli, vì vậy họ muốn loại trừ chúng tôi và gửi đi một thông điệp đến tất cả mọi người : hãy lánh xa các phần tử cực đoan này ». Ông Navalny tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tranh cử sắp tới dưới mầu cờ của đảng RPR-Parnas, và khẳng định ông rất hiểu những trở lực từ phía chính quyền, đặc biệt là các thủ đoạn reo rắc sợ hãi, phân hóa trong hàng ngũ đối lập.

Nhìn từ bên ngoài, nhà phân tích Julius Freytag đưa ra một nhận định khác : « Tương lai của đối lập (Nga) không phụ thuộc vào họ, mà vào Kremli », « nếu chính quyền quyết định tiến hành một cuộc trấn áp mới, thì đối lập không có lựa chọn nào khác, mà buộc phải lưu vong ».

RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề