5 vụ ám sát chấn động lịch sử thế giới

Không chỉ có Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F. Kennedy bị ám sát vì mục đích chính trị mà trước đó, Tổng thống Abraham Lincoln, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi… đều là nạn nhân của các vụ mưu sát nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới.

1. Tổng thống Abraham Lincoln

Cùng với đồng bọn, John Wilkes Booth, một diễn viên nổi tiếng nhưng bất mãn với bộ máy chính quyền Mỹ thời đó, đã lên kế hoạch bắt cóc và ám sát 3 nhà lãnh đạo quyền lực nhất là Tổng thống Abraham Lincoln, Phó Tổng thống Andrew Johnson và Ngoại trưởng William H. Seward.

Sau nhiều lần bắt cóc hụt, nắm được tin Tổng thống Abraham Lincoln và người vợ Mary sẽ tới xem vở hài kịch “Our American Cousin” được tổ chức tại nhà hát Ford (Washington D.C.), Both đã lên kế hoạch tiếp cận. Ngồi cùng khán đài với Tổng thống ngày 14/4/1865 hôm đó còn có sĩ quan trẻ tuổi Henry Rathbone và vị hôn thê Clara Harris, vốn là con gái của Thượng nghị sỹ thành phố New York Ira Harris. Theo các nhân chứng kể lại, tuy đến muộn nhưng ông Lincoln đã thư giãn thoải mái.

Khi vở kịch chuẩn bị kết thúc, Booth đã tiếp cận được khán đài và nổ súng bắn Tổng thống Lincoln từ phía sau. Vụ việc chỉ được phát hiện khi mọi người trong rạp hát nghe thấy tiếng phu nhân Mary thét lên sợ hãi.

2. Nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi

Ngày 30/1/1948, trên đường đến điểm làm lễ ở Delhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đã bị một tín đồ cực đoan có tên Nathuram Godse bắn chết. Ngày đưa tang, hơn 1 triệu người dân đã đổ ra đường khóc thương và tiễn đưa linh cữu của ông Gandhi đến bờ sông Jumna để hoả thiêu sau đó.

Toà án đã xử tử Godse và đồng bọn là Narayan Apte vào ngày 15/11/1949. Trong khi đó, chủ tịch hội tôn giáo Hindu Mahasabha, Vinayak Damodar Savarkar, người bị cáo buộc chủ mưu vụ ám sát này, được trả tự do vì thiếu bằng chứng buộc tội.

3. Thượng nghị sỹ Robert F. Kennedy

Thượng nghị sỹ Robert F. Kennedy từng là Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ thứ 64 từ năm 1961-1964, phục vụ dưới quyền anh trai mình là Tổng thống John F. Kennedy và người kế nhiệm Lyndon B. Johnson. Biểu tượng của chủ nghĩa tự do Mỹ hiện đại, Kennedy là một ứng cử viên tổng thống hàng đầu trong cuộc tranh cử năm 1968.

Tuy nhiên, không may mắn cho vị ứng cử viên đảng Dân chủ này, ông đã bị trúng 3 phát đạn sau khi có buổi vận động bầu cử với các công nhân tại thành phố Los Angeles, ngày 5/6/1968. Hung thủ nhanh chóng được xác định là Sirhan Sirhan, người Palestine.

Do vết thương quá nặng, ông Robert F. Kennedy đã qua đời ngày hôm sau tại bệnh viện, khi mới 42 tuổi. Ngày 8/6/1968, ông được mai táng tại nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi cũng là chốn an nghỉ cuối cùng của người anh trai, cố Tổng thống John F. Kennedy.

4. Nhà hoạt động Martin Luther King

Dư luận Mỹ những ngày đầu tháng 4/1968 đã dấy lên làn sóng đau thương khi nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị sát hại. Bạo động đã nổ ra tại hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ.

Ngày 4/4/1968, tại ban công khách sạn Lorraine ở Memphis (bang Tennesse), vị mục sư Baptist này đã bị tên tội phạm James Earl Ray bắn vào cổ từ một nhà nghỉ nhỏ cách đó khoảng 60 mét. Ông qua đời tại bệnh viện St. Joseph một tiếng sau đấy. Ngày 7/4/1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã tuyên bố một ngày quốc tang để bày tỏ sự tiếc thương cho cái chết của nhà lãnh đạo phong trào dân quyền. Ba trăm ngàn người đã tìm đến để tham dự tang lễ của ông.

5. Thái tử Áo-Hungary Franz Ferdinand

Vụ sát hại Thái tử Áo-Hungary Franz Ferdinand được biết đến là một nguyên nhân chính khiến Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra. Ngày 28/6/1914, người kế nhiệm của đế chế Áo-Hung cùng vợ là nữ bá tước Sophie Chotek, đã bị bắn chết trong chuyến thăm vùng Sarajevo, Bosnia bởi nhà hoạt động người Serbia, Gavrilo Princip. Sau khi vụ ám sát xảy ra, người Áo-Hung quyết định đem quân tuyên chiến với Serbia, quốc gia vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng trong tranh giành lãnh thổ.

Với sự hậu thuẫn từ phía Đức, ngày 28/7/1914, Áo-Hung chính thức tuyên chiến với Serbia, đồng minh của Nga ngày đấy. Chỉ chờ có thế, mối quan hệ “mong manh” giữa các nước châu Âu bắt đầu được cớ rạn nứt. Trong một tuần lễ, các nước Nga, Bỉ, Pháp, Anh và Serbia đã đồng loạt tham chiến, đáp trả lại cuộc chiến do Áo-Hung và đồng minh Đức phát động. Đại chiến Thế giới thứ nhất chính thức bắt đầu.

Vũ Văn (Theo Báo Tin tức)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề