“Nạn dịch” án mạng trong lòng nước Mỹ

Vừa qua tại thành phố Baltimore, lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5h sáng được ban ra từ đêm 28/4 và kéo dài một tuần. Vệ binh quốc gia được triển khai đông đảo. Ngoài ra, bang Maryland còn yêu cầu chi viện thêm 5.500 người. Nước Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ biểu tình và bạo loạn sau khi vài người da màu không vũ khí bị cảnh sát da trắng giết hại. Trong đa số trường hợp, pháp luật quyết định không truy cứu.
* Ngày 30/4/2014, Dontre Hamilton, 31 tuổi, nằm ngủ trong công viên. Các nhân viên của một quán càphê gần đấy thấy chướng mắt nên báo cảnh sát. Viên cảnh sát Christopher Manney đến nơi, sau đó 2 người gây gổ và ẩu đả nhau. Cuối cùng viên cảnh sát rút súng bắn 14 phát vào Hamilton. Sự việc đã gây ra những cuộc biểu tình.

Ngày 22/11, tòa án quyết định không truy tố Christopher Manney vì cho rằng anh ta đã dùng súng trong tình trạng tự vệ chính đáng, do vậy “không đủ yếu tố để cấu thành tội ác”. Thế là những cuộc xuống đường lại tái diễn.

* Eric Garner, 43 tuổi, chết sau khi bị cảnh sát bắt giữ ngày 17/7/2014. Người cha của 6 đứa con đó bị nghi ngờ buôn lậu thuốc lá và nhiều cảnh sát da trắng đã đè ông xuống đất do ông không chịu để bị bắt. Trong một video của một người nghiệp dư, người ta thấy viên cảnh sát Daniel Pantaleo kẹp cổ và vật Eric Garner xuống đất, một hành động bị cấm trong giới cảnh sát New York. “Tôi không thể thở được” – Garner rên rỉ nhiều lần trước khi bất tỉnh. Ông bị béo phì và hen suyễn. Ông chết ít lâu sau đó, bác sĩ pháp y kết luận là án mạng.

Ngày 3/12, một ban bồi thẩm đoàn quyết định không buộc tội viên cảnh sát, điều này làm khơi lại những cuộc biểu tình và “Tôi không thể thở được!” đã trở thành khẩu hiệu của những người xuống đường tưởng nhớ Eric Garner.

* Ngày 24/11/2014, một ban bồi thẩm đã quyết định không truy cứu trách nhiệm của viên cảnh sát da trắng Darren Wilson, người đã nổ 12 phát đạn vào anh thanh niên da đen 18 tuổi Michael Brown không có vũ khí.

Trước đó khoảng 20 phút, Brown bị thu hình đang trộm 1 hộp xìgà trong siêu thị. Thi thể của Brown bị để ngoài đường phố giữa trưa trong suốt nhiều giờ làm nỗi giận dữ của mọi người càng tăng cao vì cho đấy là dấu hiệu của sự khinh bỉ của cảnh sát đối với người da đen. Cộng với phán quyết của bồi thẩm đoàn đã làm dấy lên những cuộc biểu tình và bạo loạn tại thành phố Ferguson đó với đa số là người da đen.

* Anh thanh niên da đen Akai Gurley, 28 tuổi, hoàn toàn vô tội khi bị một cảnh sát da trắng bắn chết tại một chung cư ở New York ngày 21/11/2014. Anh không mang vũ khí và bị bắn vào ngực. “Đây là một thảm kịch đáng tiếc. Akai Gurley vô tội và không hề tham gia một hoạt động phi pháp nào” – Cảnh sát trưởng Bill Bratton tuyên bố với báo chí. Đầu tháng 2/2015, viên cảnh sát đã bị kết tội ngộ sát.
Biểu tình tại Mỹ.
* Tại Cleveland bang Ohio, cậu bé da đen Tamir Rice, 12 tuổi, bị một cảnh sát bắn chết khi đang chơi đùa với khẩu súng đồ chơi tại một khu vui chơi. Sau đó cảnh sát phát hiện ra món đồ chơi của cậu bé là một khẩu súng giả giống như thật, với dấu hiệu màu cam cho biết là đồ chơi đã bị cạo mất.

Bang Ohio đã từng chứng kiến một bi kịch tương tự vào tháng 8/2014 khi các cảnh sát viên được cấp báo đã đến và bắn chết một người da đen trong một siêu thị khi anh ta đang cầm một khẩu súng đồ chơi được bán tại đấy.

* Một cảnh sát da trắng đã bắn chết một người da đen không vũ khí tại Phoenix của bang Arizona vào đầu tháng 1/2014. Rumain Brisbon, 34 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ vì nghi ngờ anh ta bán ma túy. Báo cáo của cảnh sát cho biết anh cố tẩu thoát và cãi lại lệnh của viên cảnh sát da trắng. Người này “cảm thấy trong túi quần của Brisbon cộm lên báng một khẩu súng nên đã nổ súng 2 lần vào người anh”. Thật ra trong túi của Brisbon là một hộp thuốc viên.

* Ngày 6/3/2015, chàng thanh niên da đen Tony Terrell Robinson, 19 tuổi, bị 1 cảnh sát da trắng bắn chết tại Madison (Wisconsin). Vụ việc diễn ra 1 ngày trước lễ kỷ niệm 50 năm cuộc diễu hành đòi quyền dân sự của người da đen tại Selma (Alabama) đã làm nổi lên nhiều cuộc biểu tình.

Ba ngày sau, Cảnh sát trưởng Michael Koval đã ngỏ lời chia buồn của cảnh sát với gia đình nạn nhân. Ông cho biết rằng cảnh sát được cấp báo Robinson đã “gây rối loạn giao thông và đánh ai đó”. Khi viên cảnh sát mở cửa vào căn hộ của anh, anh đã tấn công nên người này rút súng bắn. Cảnh sát trưởng cũng thừa nhận Robinson không có vũ khí.

* Ngày 9/3, Anthony Hill, một người da đen 27 tuổi mắc bệnh tâm thần đã bị 1 cảnh sát da trắng bắn 2 phát đạn vào người. Anh lõa thể ngoài đường phố và có nhiều hành vi lạ lùng. Theo lời cảnh sát, anh đã chạy đến viên cảnh sát mà không dừng lại khi được cảnh báo đứng yên. Nhưng theo các nhân chứng, Anthony đã giơ tay lên trước khi viên cảnh sát nổ súng.

* Ngày 7/4/2015, Walter Scott, một người da đen không vũ khí đã bị bắn 8 phát vào lưng bởi 1 viên cảnh sát da trắng tại Bắc Charleston (Carolina Nam) khi ông bỏ chạy trong một cuộc kiểm tra thông thường. Một nhân chứng đã quay lại cảnh đó và gửi cho tờ New York Times.

Trên băng ghi hình người ta thấy viên cảnh sát bình thản bước đến gần người đàn ông 50 tuổi, yêu cầu ông này đưa tay ra sau lưng để còng. Ít lâu sau đó ông ta đã chết. Viên cảnh sát bị bắt và bị cáo buộc giết người. Viên cảnh sát có thể bị tử hình hoặc chung thân nếu điều tra kết luận anh ta có tội.

Lan Hương (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề