20/08/1968: Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc

Đêm 20 tháng 8 năm 1968, khoảng 200.000 lính khối hiệp ước Warszawa cùng 5.000 chiếc xe tăng đã tiến vào xâm lược Tiệp Khắc để dập tắt “Mùa xuân Praha” – một giai đoạn tự do hóa diễn ra trong thời gian ngắn tại quốc gia cộng sản này. Người dân Tiệp Khắc đã phản đối cuộc xâm lược bằng các cuộc biểu tình và các chiến thuật bất bạo động khác, nhưng họ đã bị áp đảo trước những chiếc xe tăng Liên Xô. Những cải cách tự do của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Alexander Dubček đã bị bãi bỏ và một giai đoạn “bình thường hóa” được bắt đầu dưới thời người kế nhiệm ông là Gustáv Husák.

Phe cộng sản thân Liên Xô đã chiếm quyền kiểm soát chính phủ dân chủ Tiệp Khắc từ năm 1948. Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin đã áp đặt ý chí của ông lên những nhà lãnh đạo cộng sản nước này, và Tiệp Khắc đã được điều hành như một quốc gia theo chủ nghĩa Stalin cho đến năm 1964, khi một khuynh hướng tiệm tiến đến tự do hóa bắt đầu.

Tuy nhiên, chỉ cải cách kinh tế khiêm tốn thôi là chưa đủ đối với nhiều người Tiệp Khắc, và bắt đầu từ năm 1966 giới sinh viên và tầng lớp trí thức bắt đầu lên tiếng ủng hộ cải cách giáo dục và chấm dứt kiểm duyệt. Tổng Bí thư Antonín Novotný đối mặt với nhiều vấn đề tồi tệ hơn trước sự phản đối từ các nhà lãnh đạo người Slovakia, trong đó có Alexander Dubček và Gustáv Husák với cáo buộc rằng chính quyền trung ương của Tiệp Khắc đang bị người Séc thống trị.

Tháng 1 năm 1968, Alexander Dubček được bầu lên giữ chức Tổng Bí thư thay cho Novotný với sự nhất trí của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Để bảo vệ nền móng quyền lực của mình, Dubček kêu gọi công chúng lên tiếng ủng hộ cho những dự định cải cách của ông. Đa số hưởng ứng lời kêu gọi của ông, và những nhà cải cách người Séc và Slovakia đã giành được quyền kiểm soát chính quyền cộng sản này.

Đến tháng 4, nhà lãnh đạo mới công bố “chương trình hành động” của mình, hứa hẹn các cuộc bầu cử dân chủ, đem lại quyền tự chủ lớn hơn cho Slovakia, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, bãi bỏ kiểm duyệt, chấm dứt hạn chế đi lại, và cải cách lớn trong nông nghiệp và công nghiệp. Dubček tuyên bố rằng ông đang mang lại “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt con người.” Công chúng Tiệp Khắc hân hoan chào đón các cuộc cải cách, và nền văn hóa dân tộc trì trệ trong thời gian dài của Tiệp Khắc đã bắt đầu nở rộ trong suốt thời gian được gọi là “Mùa xuân Praha.” Cuối tháng 6 năm 1968, một bản kiến nghị nổi tiếng có nhan đề “Hai ngàn từ” được công bố, kêu gọi tiến nhanh hơn tới nền dân chủ toàn diện. Liên Xô và các quốc gia vệ tinh của nó là Ba Lan và Đông Đức đã lo sợ trước sự sụp đổ sắp đến của chủ nghĩa cộng sản ở Tiệp Khắc.

Lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã cảnh báo Dubček phải chấm dứt các cuộc cải cách của ông, nhưng nhà lãnh đạo Tiệp Khắc đang được dân chúng ủng hộ đã lờ đi các lời đe dọa. Dubček từ chối tham dự một cuộc họp đặc biệt của khối Warszawa vào tháng 7, nhưng đến ngày mùng 2 tháng 8 ông đã đồng ý gặp Brezhnev tại thị trấn Čierny ở Slovakia. Ngày hôm sau, đại diện đảng cộng sản của các nước châu Âu đã nhóm họp tại thủ phủ Bratislava của Slovakia, và một thông cáo được ban hành cho thấy áp lực đối với Tiệp Khắc sẽ được nới lỏng nếu nước này kiểm soát báo chí chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, vào đêm 20 tháng 8, gần 200.000 quân lính các nước Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Hungary, và Bungary đã xâm lược Tiệp Khắc trong cuộc điều động quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Sự phản kháng bằng vũ lực với cuộc xâm lược là không đáng kể, nhưng những người biểu tình đã lập tức tràn ra các con phố, đập bỏ các tấm biển chỉ đường để cố gắng cản trở quân xâm lược. Ở Praha, quân đội khối hiệp ước Warszawa đã nắm quyền kiểm soát các đài truyền hình và phát thanh. Các nhà báo ở đài phát thanh Radio Praha đã từ chối đầu hàng và khoảng 20 người đã bị sát hại trước khi đài bị chiếm. Một số đài khác đã chuyển sang hoạt động ngầm và phát sóng thành công trong nhiều ngày trước khi vị trí của họ bị phát hiện.

Dubček và các nhà lãnh đạo chính phủ khác đã bị bắt giữ và đưa tới Moskva. Trong khi đó, các cuộc biểu tình trên diện rộng tiếp tục diễn ra trên các con phố, hơn 100 người biểu tình đã bị quân đội khối hiệp ước Warszawa bắn chết. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nam Tư, và Romania, đã lên án cuộc xâm lược, nhưng không có hành động quốc tế lớn nào được thực hiện. Phần lớn các tầng lớp trí thức và doanh nhân của Tiệp Khắc đã cùng chạy trốn sang phương Tây.

Ngày 27 tháng 8, Dubček trở lại Praha và thông báo trong một bài diễn văn đầy cảm xúc rằng ông đã đồng ý chấm dứt công cuộc cải cách của mình. Những người cộng sản theo đường lối cứng rắn được bổ nhiệm vào chính quyền của ông, và Dubček bị buộc phải dần sa thải những người trợ lý cấp tiến của mình. Ông ngày càng bị cô lập trước cả công chúng và chính phủ của ông. Sau một số cuộc bạo động chống Liên Xô nổ ra vào tháng 4 năm 1969, Dubček bị bãi nhiệm chức Tổng Bí thư và lên thay thế ông là Gustáv Husák, một người “thực dụng” sẵn sàng làm việc với Liên Xô. Dubček bị khai trừ khỏi Đảng và trở thành một cán bộ kiểm lâm ở Bratislava.

Năm 1989, khi các chính phủ cộng sản sụp đổ trên khắp Đông Âu, Praha một lần nữa trở thành nơi diễn ra những cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ. Tháng 12 năm 1989, chính quyền Gustáv Husák chấp thuận đề nghị lập nghị viện đa đảng. Husák từ chức, và lần đầu tiên sau gần hai thập niên Dubček trở lại hoạt động chính trị với tư cách chủ tịch nghị viện mới, nơi sau đó bầu nhà viết kịch và cựu bất đồng chính kiến Václav Havel lên làm tổng thống Tiệp Khắc. Havel trở nên nổi tiếng trong thời gian diễn ra Mùa xuân Praha, và sau cuộc đàn áp của Liên Xô, các tác phẩm kịch của ông đều bị cấm còn bản thân ông thì bị tịch thu hộ chiếu.

Biên dịch: Phạm Văn Chính | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng (nghiencuuquocte.org)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề