Cuộc chiến pháp lý bủa vây Putin

Khi chỉ đọc tin trên những trang truyền thông quốc tế, ai đó có thể nghĩ rằng hai năm vừa qua là hai năm tốt đẹp đối với tổng thống Nga Vladimir Putin. Chiến dịch của ông tại Ukraina hầu như đã đạt được mục đích chính; Nga đã giành được quyền kiểm soát Crimea và làm bất ổn phần lớn các khu vực còn lại của đất nước này. Giá dầu sụt giảm có thể đã tàn phá nền tài chính của Nga, nhưng cho đến nay uy tín (trong nước) của Putin dường như vẫn không hề bị ảnh hưởng.

Thế nhưng hàng loạt những vụ thua kiện ít được bình luận đến có thể tác động đáng kể đến vận mệnh của Putin. Ví dụ, vào năm 2014, Tòa án Nhân quyền Châu Âu ( ECHR) đã đưa ra 129 cáo buộc chống lại Nga, và vào tháng Giêng, Hội đồng Châu Âu đã tước quyền bỏ phiếu của Nga vì sự vi phạm luật pháp quốc tế của nước này. Khi những phán quyết ngày càng chồng chất, chúng bắt đầu đe dọa vị thế trên trường quốc tế của Nga, tình hình tài chính của đất nước và cả bản thân Putin.

Những phán quyết không đơn thuần chỉ mang tính biểu tượng. Vào tháng Bảy năm 2014, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague đã yêu cầu Nga trả 50 tỷ đô la cho các cổ đông cũ của công ty dầu mỏ Yukos vì cho phá sản trái phép công ty này và chuyển tài sản của nó sang cho Rosneft, một nhà sản xuất dầu thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Vào thời kì đỉnh cao của mình năm 2003, Yukos được định giá 30 tỷ đô la. Đây là phán quyết (có giá trị) lớn nhất từng được đưa ra bởi tòa trọng tài, và nó không thể bị kháng cáo. Pháp và Bỉ đã bắt đầu tịch thu tài sản của Nga để thi hành phán quyết.

Trong một trường hợp khác, vào tháng Sáu năm 2014, ECHR đã yêu cầu Nga trả cho những cổ đông của Yukos hơn 2 tỷ đô la “để bồi thường cho những thiệt hại tài chính”. Đây cũng là bản án (có giá trị) lớn nhất trong lịch sử tòa án này. Nga, đất nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng thanh khoản, sẽ phải vật lộn để có được một số tiền lớn như vậy; và nếu không tuân thủ các bản án này sẽ đe dọa đến những khoản đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Trường hợp của công ty Yukos có thể là dấu hiệu cho thấy những điều sắp xảy ra. Vào tháng Tư, Ủy ban Châu Âu đã ban hành một Bản tuyên bố Phản đối chống lại công ty khí đốt khổng lồ của Nga là Gazprom, cáo buộc tập đoàn này vi phạm luật chống độc quyền của Châu Âu khi phân đôi thị trường khí đốt Trung và Đông Âu, cấm hoạt động bán lại xuyên biên giới, và đóng đường ống dẫn khí của tập đoàn này đến các bên thứ ba. Gazprom phải đối mặt với mức phạt lên đến 10% doanh thu của tập đoàn này vốn lên tới 177 tỷ đô la trong năm tài khóa vừa qua. Đã phải vật lộn với giá khí đốt giảm, sự cạnh tranh ngày càng tăng và nay là sự tụt giảm sản lượng, Gazprom sẽ phải chịu áp lực lớn nếu muốn kiếm đủ số tiền cần thiết mà không phải hy sinh các dự án cơ sở hạ tầng cấp bách.

Nga cũng đang phải chịu những sức ép gia tăng liên quan đến những hành vi bị cáo buộc phạm tội. Thực ra, Nga gần đây đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, được yêu cầu bởi Malaysia, Ukraina, Hà Lan, Australia, và Bỉ, để thành lập một tòa án hình sự nhằm truy tố những người chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia vào tháng Bảy năm 2014 trên vùng lãnh thổ do phiến quân chiếm đóng ở miền đông Ukraina.

Bằng chứng thu được bởi năm nước này tập trung vào một quả tên lửa được bắn đi từ một hệ thống tên lửa BUK của Nga do một nhóm binh sĩ Nga vận hành.

Nếu Nga bị chứng minh là đã bắn hạ chuyến bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia, miêu tả của Putin về việc đất nước ông là một người đứng ngoài cuộc trong xung đột Ukraina sẽ bị chứng minh chỉ là một lời nói dối. Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an là một sự nhận tội ngầm, mở đường cho Hà Lan – nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong cuộc tấn công – thúc đẩy các biện pháp chế tài bổ sung.

Trong khi đó, vào tháng Bảy năm 2014, Anh đã mở lại một cuộc điều tra pháp lý về vụ đầu độc bằng polonium vào tháng Mười một năm 2006 đối với Alexander Litvinenko, một cựu sỹ quan an ninh quốc gia, người đã trở thành công dân Anh. Những cuộc điều trần công khai đã được tổ chức ở London nhằm xác định “trách nhiệm cho cái chết nằm ở đâu”. Các cuộc điều tra đặc biệt chú ý đến một đạo luật của Nga được thông qua vào tháng Ba năm 2006 cho phép nhà nước thủ tiêu những người được cho là đe dọa đến an ninh quốc gia, như Litvinenko.

Một phán quyết của một tòa án Anh cho rằng chính phủ Nga đã ra lệnh hoặc tiếp tay cho vụ ám sát Litvinenko sẽ có thể đưa đến những hậu quả sâu rộng. Phán quyết sẽ khiến các lời cáo buộc Nga phạm tội khác đáng tin cậy hơn, như cáo buộc về vụ đánh bom 4 tòa chung cư của Nga vào năm 1999 và các vụ sát hại các phóng viên điều tra. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố lời kêu gọi của Nghị viện Châu Âu yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ sát hại nhà lãnh đạo chính trị đối lập Nga, cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov, và hậu thuẫn thêm cho kiến nghị của gia đình ông yêu cầu cần có một cuộc điều tra quốc tế.

Cuối cùng, dù Nga đã thiết lập sự kiểm soát trên thực tế lên Crimea, thì có khả năng Nga sẽ thấy bản thân họ lún sâu vào những thách thức pháp lý đối với sự hiện diện của mình ở đó. Không một nhà nước hay tổ chức quốc tế đáng tin cậy nào chấp nhận mô tả của Nga về việc sáp nhập như là một hành động mang tính dân chủ hợp pháp của người Crimea. Liên Hợp Quốc, nhóm G-7, Liên minh Châu Âu và Mỹ đều coi đó là một hành động bất hợp pháp. Vào tháng Năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã miêu tả hành động này – ngay trước mặt Putin – là “tội phạm và bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế”.

Vào tháng Sáu, Ukraina giao cho Nga một bản tính toán gồm 17 tập tài liệu cho thấy những thiệt hại của nước này sau khi Nga sáp nhập Crimea, tổng cộng gần 90 tỉ đô la. Những thiệt hại bổ sung có thể được tính cho cuộc chiến do Nga hỗ trợ ở đông nam Ukraina, cuộc chiến đã khiến 6.000 người chết và gây thiệt hại trên diện rộng cho cơ sở hạ tầng. Nga chắc chắn sẽ còn sa lầy nhiều năm kéo dài liên quan đến những cuộc chiến pháp lý ở những nơi như ECHR và Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư. Những thách thức pháp lý không hồi kết này sẽ xua đuổi các nhà đầu tư khỏi Crimea, đòi hỏi Nga phải trợ cấp cho sự chiếm đóng của mình trong nhiều năm tới.

Putin đã ra tay quá liều. Bên cạnh việc đặt bản thân mình vào thế phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà cuộc xung đột ở Ukraina gây ra, Nga còn phải đối mặt với những án phạt pháp lý tổng cộng gần bằng 4% GDP của nước này- gần bằng số tiền họ chi tiêu cho ngành giáo dục.

Putin đã có thể kiểm soát được hệ thống pháp lý của đất nước ông, nhưng ông vẫn dễ bị tổn thương trước những phán quyết quốc tế. Với việc Nga hội nhập vào hệ thống tài chính và pháp lý quốc tế sâu đến mức không thể cắt đứt các mối quan hệ và trở thành một đất nước biệt lập, tổng thống của họ ngày càng có khả năng phải đối mặt với những hậu quả gây ra bởi những hành động của ông.

Paul R. Gregory, nghiên cứu viên tại Viện Hoover và giáo sư nghiên cứu tại Học viện Đức về Nghiên cứu Kinh tế ở Berlin, là giáo sư ở Đại học Houston.

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Quốc tế)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề