Nước Nga sau 15 năm dưới thời Putin: Kinh tế xứ bạch dương (Kỳ 1)

Năm 2000, cả thế giới sửng sốt khi Nga có GDP tăng trưởng đến 10%. Đây là kỳ tích không thể phủ nhận đối với một quốc gia mà chỉ chưa đầy 10 năm trước đang phải ngụp lặn trong khủng hoảng kinh tế toàn tập. Năm 2000 cũng là năm trọn vẹn đầu tiên mà Vladimir Putin giữ vai trò thủ lĩnh nước Nga. Cụ thể, ngày 31.12.1999, Boris Yeltsin – Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Liên Xô – tuyên bố từ chức, và Putin đang là thủ tướng trở thành tổng thống tạm quyền rồi chính thức trở thành tổng thống vào giữa năm 2000. Chính vì thế, kết quả đầy tích cực của nền kinh tế Nga năm 2000 như một điểm cộng để Putin chứng minh tài lãnh đạo.

Thế nhưng, khi ấy, nếu quá hào hứng với kết quả ấy, dường như không nhiều người nhớ về một nguyên tắc cơ bản rằng các chính sách kinh tế luôn có độ trễ. Vào năm 1999, GDP của Nga đã tăng trưởng 6,4% giúp tạo ra nền tảng sẵn có. Do đó, năm 2000, ai tự tin rằng Putin là “đấng cứu thế” giúp Nga tăng trưởng 10% thì có lẽ đó là niềm hân hoan vội vã, bởi nếu xét cả một quá trình thì dường như đó là kết quả có được nhờ vào Boris Yeltsin.

10% cũng là mức tăng trưởng cao nhất mà nước Nga đạt được trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Nhiệm kỳ đầu tiên của Putin, nền kinh tế Nga đã tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 4,7-7,3%. Tuy vậy, nó cũng ẩn chứa một sự yếu ớt, thiếu ổn định trong phát triển. Bằng chứng là từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính dần lan rộng, Nga đã bắt đầu khó khăn thực sự. Nếu GDP năm 2008 tăng 5,2% thì một năm sau lại giảm đến 7,8%. Cũng năm ấy, Mỹ – cái rốn của khủng hoảng – sụt giảm 2,8%, Đức – nền kinh tế số 1 châu Âu – giảm 5,6%, Trung Quốc – nền kinh tế đang lên nhanh nhất của thế giới – tiếp tục tăng trưởng với mức 9,2%.

Không khó để giải thích khi thị trường tài chính Nga vốn dĩ lèo tèo trên thế giới, nhưng sao kinh tế nước này lại bị ảnh hưởng nặng nề như thế trong cơn khủng hoảng. Bởi đơn giản, đó là hậu quả của việc nhiều năm liền phát triển kinh tế dựa trên nền tảng “mang đồ nhà đi bán”. Cụ thể là chủ yếu dựa trên xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cùng một số khoáng sản. Cùng thời điểm, giá dầu thô từ mức 145 USD/thùng vào đầu năm 2008 đã rớt thảm hại còn 32 USD/thùng vào cuối năm. Qua đến năm 2009 thì đỡ hơn chút, qua tháng 2.2009 leo lên được khoảng 35USD/thùng. Trong cả năm 2009, giá dầu có lúc vượt qua 60 USD/thùng. Tuy nhiên, dù năm 2009 có vớt vác được chút thì kinh tế Nga vẫn ảm đạm do quá lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ-khí đốt và một vài loại khoáng sản. Suốt hơn 10 năm qua, xuất khẩu dầu mỏ-khí đốt vẫn chiếm tỷ lệ hơn 16% GDP, chiếm hơn 50% nguồn thu ngân sách và chiếm khoảng 60-70% xuất khẩu của Nga. Chi tiết hơn, vào giai đoạn 2009-2010, cứ giá dầu thô giảm đi 1 USD mỗi thùng thì ngân sách Nga mất đứt 2-3 tỉ USD.

Vì thế, việc giá dầu giảm cả trăm USD mỗi thùng vào năm 2008 rồi đỡ hơn chút ít vào năm 2009 khiến Nga thâm hụt cỡ nào cũng là điều dễ hiểu. Kết quả, một số chính sách an sinh xã hội mà Putin từng đưa để thu phục dân chúng đã không thể duy trì vào năm 2009 và 2010. Đầu năm 2010, hàng loạt vụ biểu tình chống Putin đã nổ ra trong giai đoạn này.

Thực sự, khi thời điểm cực đỉnh khó khăn, việc Nga phải kỳ cùng chọn xuất khẩu tài nguyên cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu là một lãnh đạo giỏi lèo lái kinh tế, Putin phải dần đưa nước Nga ra khỏi vũng lầy đó. Nhất là trong bối cảnh nước Nga thời hậu Liên Xô đã hình thành một lực lượng tài phiệt đầu sỏ lũng đoạn chính trị, mà người ta hay gọi là oligarch, thâu tóm phần lớn của cải nước Nga tạo được sau những ngày tháng khó khăn. Putin đã trừng trị các oligarch như cách để chứng minh quyết tâm đem công bằng đến cho xã hội Nga. Thế nhưng, danh sách bị trừng trị chỉ là những người chống đối Putin. Nổi bật trong số này phải kể đến Boris Abramovich Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky. Hiện nay, may mắn lắm thì Khodorkovsky mới thoát khỏi nhà tù Nga để sống đời lưu vong ở Thụy Sĩ. Berezovsky đã qua đời một cách đầy bí ấn ở Anh sau bao năm chống đối Putin. Ngược lại, những oligarch biết thuần phục như Roman Abramovich lại an nhàn đi đây đi đó, làm chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Chelsea và từng 8 năm liên tục làm tỉnh trưởng của Chukotka (Nga).

Nguy hiểm hơn, dù phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ – khí đốt nhưng Putin nhiều lúc “làm liều” lại dùng đó như vũ khí. Ai khéo léo thì không khỏi buồn cười về việc mỗi lần đụng chuyện với các nước châu Âu, Nga lại hăm dọa ngưng bán dầu và khí đốt. Nếu không bán, Nga lấy gì sống: Châu Âu chết cóng (do thiếu khí đốt để sưởi ấm) thì Nga cũng chết đói (do không bán khí đốt). Ngược lại, giải pháp năng lượng thay thế dầu khí bằng cách khai thác đá phiến đang được Mỹ nhân rộng cho các nước châu Âu. Không những vậy, trong khi Nga chưa dùng công cụ năng lược thực sự hiệu quả để chiếm ưu thế, thì chỉ vài đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã khiến Moscow không ít phen khốn đốn. Chỉ hơn nửa năm trước, rubble đã rớt giá thảm hại, kinh tế Nga lao đao. Vào tháng 10 năm nay, GDP của Nga giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Những năm vừa qua, tình hình cũng chả khá khẩm gì hơn khi liên tục tăng trưởng dặt dẹo mức 3,4% (năm 2012), 1,3% (năm 2013) và 0,6% (năm 2014).

Không những thế, những manh mún về một nền kinh tế dựa trên sáng tạo của xứ sở Bạch Dương dường như đang bị xói mòn theo năm tháng. Tháng năm 2011, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Yandex của Nga đã IPO thu về 1,3 tỉ USD trên sàn chứng khoán Mỹ. Khi đó, Yandex đầy tự tin bởi đang chiếm hơn 60% thị phần tìm kiếm ở Nga, còn Google chỉ quanh quẫn mức dưới 20% ở xứ sở Bạch Dương. Thế nhưng, sau 4 năm, Yandex giảm còn dưới 50% thị phần tại Nga còn Google thì lên mức hơn 30%. Tương tự, Mail.ru vẫn không phát triển gì bức phá suốt mấy năm qua.

Về công nghiệp, lời hứa của Putin vực dậy các tên tuổi xe Nga vẫn chỉ là lời hứa. Liên tục các năm qua, nhờ Putin cầm lái và báo chí Nga rầm rộ chụp hình đưa tin thì người ta ít nhiều nhớ đến xứ sở bạch dương từng có thương hiệu xe hơi Lada. Thế nhưng, sau những bức ảnh ồn ào đúng kiểu showbiz, thương hiệu Lada vẫn chưa rõ khi nào đủ sức tái xuất trước thế giới. Những hình ảnh ấy tạo hy vọng cho một số người ủng hộ Liên Xô ngày nào, vốn thỉnh thoảng vẫn tấm tắc ca tụng Lada, Volga. Tiếc thay, đổi lại những ý tưởng bay bổng đó là một thực tế rằng thế giới chỉ có xe Nhật, Mỹ, châu Âu đủ sức làm mưa làm gió.

Tất cả những thực tế đó chứng minh nước Nga sau 15 năm do Putin lãnh đạo vẫn chỉ là một nền kinh tế mà lĩnh vực dịch vụ không gì nổi trội, công nghiệp vẫn chỉ dựa trên chiếc bóng ngày xưa, công nghệ ăn xổi ở thì… Điều đó, khiến người ta tự hỏi kinh tế Nga đang phát triển thế nào!?

Trí Lê (Theo NB Ngô Minh Trí/Báo Thanh Niên)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề