Lý do Ukraina không nhận máy bay F-18 của Canada

Trong khi chính phủ Ukraine có kế hoạch mua vũ khí phương Tây thì nước này lại tuyên bố không đủ tiền để sửa chữa 20 chiến đấu cơ Canada trao tặng.

Ngày 23/11, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Leonid Polyakov khẳng định trên Kênh truyền hình 24 rằng do chi phí bảo dưỡng và thiếu phi công được huấn luyện bài bản, nên Chính phủ Ukraine đã từ chối tiếp nhận tới 20 máy bay cường kích F-18 của Canada.

Điều này đã được thông báo trong mùa Hè năm 2014 như một phần của kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân, theo đó Chính phủ Canada đã đề nghị chuyển giao miễn phí cho Ukraine tới 20 máy bay cường kích F-18 không sử dụng trước đó.

ukraine-muon-mua-vu-khi-khung-khi-khong-du-tien-sua-chua_241147432

Chiến đấu cơ F-18 của Không quân Canada

Hiện là cố vấn cho Ủy ban an ninh quốc gia và quốc phòng thuộc Quốc hội Ukraine, ông Polyakov cho hay Chính quyền Kiev đã từ chối đề nghị này của Canada vì một vài lý do. Ông dẫn giải: “Trước hết là những lý do tài chính, vì mỗi một phi công cần phải được vài nghìn nhân viên đặc biệt phục vụ cho các chuyến bay.”

Trước khi tuyên bố thiếu tài chính để nâng cấp lô chiến đấu cơ Canada trao tặng, Kiev đã hé lộ kế hoạch khủng trang bị vũ khí có nguồn gốc từ phương Tây.

Trang tin quân sự Vpk dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại cuộc họp Quốc hội Ukraine hôm 14/10 cho biết: “Sáng nay, tôi đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của hai đối tác rất quan trọng của Ukraine. Tôi khẳng định rằng, việc cung cấp các công nghệ thông minh mới sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả của các lực lượng vũ trang của Ukraine”.

Ông Poroshenko lưu ý rằng, một số các loại vũ khí do đối tác cung cấp “vượt quá sự kỳ vọng của Kiev”. Việc thiết lập những quan hệ đối tác hiệu quả sẽ cho phép Kiev tiếp cận với các loại vũ khí tối tân, ông Poroshenko nhấn mạnh.

“Ukraine đang tiến hành mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế cơ bản, bao gồm quân sự – kỹ thuật, trong đó việc hợp tác quân sự đã được đẩy mạnh với các đối tác của chúng ta, bao gồm các quốc gia NATO, EU, Mỹ, Canada…”, Tổng thống Poroshenko nói.

Được biết, kế hoạch trang bị vũ khí phương Tây nằm trong chương trình chi tiêu quốc phòng được Tổng thống Ukraine công bố hồi cuối tháng 9. Theo kế hoạch, Ukraine sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên gấp 5 lần (tương đương 5% GDP). Số lượng binh lính thuộc lực lượng vũ trang của nước này cũng được tăng gấp đôi.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Tổng thống Petro Poroshenko đã nêu ra trong “Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020” mới được công bố. Một khi được thực hiện, Ukraine sẽ là một trong những quốc gia bạo chi nhất cho quân sự trên thế giới.

Trên thực tế, chi tiêu quốc phòng của Ukraine đã cán mức 5% GDP của nước này và là một trong những chỉ số cao nhất trong số các nước từng thuộc Liên Xô trước đây. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, trong năm 2015, Ukraine sẽ chi khoảng 775 triệu USD (chiếm gần 20% tổng chi phí quốc phòng) để mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự mới.

Trong khi thiếu tiền mua vũ khí, Ukraine phải dành ra tới 62% tổng ngân sách quốc phòng để duy trì quân đội, trong đó phần lớn được dùng để chi trả lương, nuôi quân và đào tạo tân binh. Ngoài ra, muốn nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang, Ukraine phải tiến hành tập trận với chi phí rất lớn, nhất là trong bối cảnh từ khi Liên Xô tan rã, Ukraine chưa tổ chức bất cứ cuộc tập trận nào.

Thượng tướng quân đội Ukraine Yuri Netkachev cũng phải thừa nhận ngay cả với mức chi 5% GDP thì Ukraine cũng chỉ đủ kinh phí để duy trì các lực lượng hiện nay và khuyến khích binh lính không đào ngũ vì khó khăn kinh tế, chứ không đủ sức thay đổi diện mạo cỗ máy quân sự vốn đã quá rệu rã.

 Theo baodatviet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề