Cô bé 6 tuổi không tay chân viết chữ đẹp lạ thường

Cô bé Nguyễn Hoài Thương (ngụ tổ 6 – ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM) sinh ra đã không có tay chân. Bù lại, em có đôi mắt long lanh, khuôn mặt bầu bĩnh và nụ cuời rất đáng yêu.

Bé Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 2008), con anh Nguyễn Văn Lợi và chị Trần Thị Cẩm Giang. Ngay từ khi lọt lòng do ảnh hưởng của chất độc da cam, Thương đã không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Chân tay của cô bé bị cụt, không hề có bàn tay, bàn chân. Bố mẹ đặt tên bé là Hoài Thương với niềm hi vọng sau này bé sẽ luôn được sống trong niềm yêu thương, đùm bọc của mọi người. Dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng Thương có một gia đình hạnh phúc, luôn đùm bọc yêu thương nhau.

Cô bé đáng yêu luôn sống yêu đời, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Hoài Thương luôn chinh phục người khác bằng nụ cuời và sự lém lỉnh của mình “Khi mới hai tuôi con bé theo mẹ đi bán vé số, cứ gặp ai nó cũng cười tít mắt, vui vẻ, ai cũng thấy thương. Vậy là ai cũng xúm vào mua giùm hai mẹ con”- mẹ bé kể.

Để tập sống độc lập, mỗi sáng thức dậy, Thương tự đánh răng, súc miệng, tự làm lấy những công việc vệ sinh cá nhân, kể cả việc cần sự khéo léo như vệ sinh tai. Cô bé tự xúc cơm ăn như một đứa trẻ bình thường khác. Chỉ những khi làm việc gì đó khó quá cô bé mới cầu cứu mọi người.

Cô bé tự đánh răng, vệ sinh cá nhân mỗi khi thức dậy. Hoài Thương đi bằng cách hươ hươ “đôi vây”. Phần thịt tiếp đất bao lần rỉ máu mà bé không hề khóc. Thương di chuyển chủ yếu nhờ vào chiếc xe gỗ có bánh. “Khi bé 3 tuổi, bé nói chị hai cho cái đĩa sau đó ngồi lên và lết đi. Thấy thế, tôi bàn với ba nó làm cái xe. Xe khi đó thô sơ lắm, còn cái xe hiện tại được ba nó xin gỗ từ công ty về làm. Làm nhiều lắm: cái để ở trường, cái để ở nhà bà ngoại, cái nhà bà nội”, chị Giang chia sẻ.

Thương thích cầm bút và tập viết bằng cách đưa bút áp vào má và cặp một phần cùi tay còn lại, úp mặt xuống trang giấy để viết. Thế rồi bé cũng viết khá thành thục. Làm được hầu như tất cả, nhưng chỉ có hai việc là Thương không tự mình làm được đó là mặc đồng phục của trường và gãi ngứa. “Áo quần của Thương đều được sửa dây có độ co giãn lớn, nên mặc rất dễ. Riêng đồng phục không có dây nên bé không tự mình mặc được. Nhiều lúc ngứa đầu không gãi được lại nhờ mọi người, khi không có ai là nó cứ ụi đầu vào cái gì đó, nghĩ mà thương”, Anh Lợi bộc bạch.

Thương con hiếu học, lại không muốn con học trường cho người khuyết tật, khi Thương 3 tuổi, chị Giang cho cháu học trường mẫu giáo. Năm nay, được sự giúp đỡ của Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Củ Chi, chị đã xin cho bé vào học Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (Tân An Hội, Củ Chi). Đón nhận học sinh đặc biệt của trường, thầy Trần Văn Riển, Hiệu trưởng Trường TH LMCN cảm thông:“Dù khó khăn cho giáo viên và cá nhân em Thương trong quá trình dạy và học, nhưng nhà trường và thầy cô sẽ luôn tạo điều kiện để em có thể hoà nhập tốt nhất”. Chia sẻ về cô học trò nhỏ, cô Trần Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 cho biết, “Thương học tốt đều tất cả các môn, rất đáng yêu và hòa đồng với bạn bè”

Không chỉ giỏi khi ở nhà, ở trường Thương cũng làm mọi việc một cách thành thục, nhiều khi còn giỏi hơn các bạn bình thường khác với sự cố gắng và nghị lực phi thường so với tuổi của mình. Cô bé viết với sự trợ giúp của tay giả mới được làm lỗ thông hơi. Trước đó tay giả không có lỗ nên Thương hay có cảm giác nóng và ngứa.

Cầm viên phấn với Thương cũng vô cùng vất vả. “Để viết tốt, Thương phải cầm phấn dài, gãy là mình phải thay mới cho bé. Viết chì cũng vậy, nhưng mỗi khi gãy mũi bút, cô bé có thể tự mình gọt bút chì mà không cần ai giúp”, cô Hải cho biết.

Khuyết hai tay, nhưng cô bé viết còn nhanh và đẹp hơn nhiều bạn cùng lớp khác và tự mình đưa bảng lên như các bạn

Tự mình xoá bảng

Cố gắng là vậy, nhưng lắm lúc Hoài Thương cũng cảm thấy mệt mỏi.

Vở tập viết của Thương. Nhìn vào có lẽ nhiều người không khỏi bất ngờ khi cô bé mới lớp 1, viết chữ bằng tay giả lại đẹp như thế. Ít ai biết rằng, vì viết chậm mà cô bé phải bỏ giờ ra chơi.

Dù bị khuyết tật, nhưng Hoài Thương vẫn rất hiếu động mỗi khi ra chơi. Với em, việc thiếu chân tay gần như không có trở ngại nào khi cô bé và bạn bè cứ vô tư chuyện trò cùng nhau. Trong lớp, cô bé rất được ưu ái khi được bạn mến cô thương.

Học bán trú nên bữa cơm trưa của Hoài Thương luôn ở trường. Thay vì ăn bằng khay như bao bạn học khác, Thương được cô Hải cho đồ ăn vào hai chén, một canh và một cơm cùng đồ ăn và ly nước uống. Thương tự mình ăn bằng cách lấy miệng chén làm đòn bẩy, tay đè vào cán chiếc muỗng. Ấy vậy Thương ăn vẫn nhanh và không làm rơi hạt cơm nào.

Một ngày, sau khi đi học về, Thương dùng miệng tự cắp cặp vào nhà, nhanh nhảu chào mọi người. Ngồi xe chơi, và vẫn hay đòi mẹ dạy đánh vần. “Thương buổi tối học ít, nhưng luôn dậy khi mới tờ mờ sáng để học bài với lí do: “Con học buổi sáng mới thông minh được”, mẹ cô bé cho biết.

Hoài Thương trong lần giao lưu với Nick Vucijic khi anh sang Việt Nam.

Theo Tri thức trẻ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề