Những bóng hồng trên chiến tuyến Ukraina

6 nữ tình nguyện viên tham gia cuộc chiến chống lực lượng ly khai ở Ukraina tâm sự về quyết định ra chiến trường, cùng những hy vọng về cuộc sống sau chiến tranh.

Mama Tanya: Đây không phải là cuộc chiến tranh đầu tiên đối với Mama Tanya.

Trong những năm 1990, khi cùng chồng sống ở Azerbaijan, cô là bác sĩ phục vụ trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Với kinh nghiệm sẵn có, cô tham gia vào cuộc chiến ở miền Đông Ukraina với nhiệm vụ cấp cứu thương binh: “Tôi chiến đấu cho sự tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước tôi. Đây là đất nước của chúng tôi. Chúng tôi đang bảo vệ lãnh thổ của mình”.

Cô kể mình cũng bị thương trên chiến trường, bị bắt làm tù binh và bị đánh đập, song vẫn quyết bám trụ. “Mỗi lần bắn hoả lực thật đáng sợ. Tôi là người đầu tiên chạy xuống tầng hầm để trú ẩn, và tôi giục mọi người khác. Thật ngu ngốc nếu phải chết vì đạn pháo. Nhưng hy sinh trên chiến trường khi một người có thể nhìn thấy kẻ thù lại là chuyện khác”. Với Tanya, điều khó khăn nhất là mất đi những người luôn chiến đấu cùng cô.

“Tôi quý những chàng trai trẻ và thường tự hỏi, vì sao họ lại đến đây”. Mặc dù luôn mơ ước về hoà bình, nhưng Tanya biết sẽ rất khó khăn để sống ở chiến tuyến. “Chúng tôi như một gia đình lớn. Chiến tranh sớm muộn sẽ kết thúc. Tôi hay đùa rằng, khi hết chiến tranh, tôi sẽ sang chiến đấu ở Iraq hoặc Georgia”.

Vitaminka: Cô nói rằng vấn đề lớn nhất là bạn trai không nói chuyện với cô. “Anh ấy ra mặt trận mà không có tôi. Anh ấy đi làm và nói tôi chờ ở Kiev. Nhưng sau đó anh ấy biến mất suốt 2 tháng tôi mới phát hiện là anh ấy tình nguyện ra trận”.

Cuối cùng, cô gái 24 tuổi cũng gia nhập chiến trường miền Đông để sát cánh bên người yêu. Năm ngoái, khi chiến trận leo thang, bạn trai Vitaminka nói cô về nhà.

Nhưng phụ nữ Ukraina không dễ đầu hàng như thế, nên thay vì về nhà, cô dấn thân vào chiến tuyến, gia nhập tiểu đoàn tấn công Aidar. “Điều khó khăn nhất là những người anh em thân thiết của tôi đang chết dần ở đây, những người còn lại chẳng mảy may quan tâm. Nhớ lại cuộc sống ngày trước ở quê nhà Zaporozhe, họ sống bình an, lái những chiếc xe ưa thích, mua sắm quần áo đắt tiền…”.

Vitaminka nói cuộc sống chiến trường không làm cô sợ, nhưng điều khó khăn nhất là chờ đợi mà không biết điều gì sẽ đến. Cô ước mong được lấy chồng và sinh con khi chiến tranh kết thúc. Còn hiện tại, cô vẫn ở chiến tuyến, vì “cuộc sống ở đây dường như sống động hơn”.

Anacoda: Anacoda (loại rắn lớn) là biệt danh được chỉ huy đặt cho cô gái 19 tuổi có khuôn mặt trẻ con. Cô gái kể, mẹ cô rất lo lắng, thường xuyên gọi điện mỗi ngày vài lần, và bà sẽ không ngừng gọi cho đến khi cô nhấc máy. Đối với bà, chiến tranh không dành cho bọn con gái. Nhưng bà cũng phải chịu thua trước lựa chọn của con.

Bố cô cũng muốn ra trận, nhưng sức khoẻ ông không cho phép, nên con gái là niềm tự hào của ông. Cô từng phục vụ gần Debaltseve, nhưng quyết định chuyển đến tiểu đoàn tình nguyện Aidar để tham gia cùng bạn bè.

Anacoda có thời gian làm y tá trong bệnh viện quân đội, nên cô không thể ngồi nhìn người bệnh hay người bị thương chết dần. Trên chiến trường không có nhiều phụ nữ, nhưng họ được đối xử rất tốt. Đối với cô, điều băn khoăn duy nhất trên chiến trường là “khó tìm được phòng để thay đồ!”.

Viktoria: Ở một nghĩa trang nhỏ ngoại ô Starobilsk, nơi có khoảng 30 ngôi mộ “hiện chưa xác định được danh tính những người anh hùng Ukraina”, Viktoria có một câu chuyện để kể về mỗi chiến sĩ vô danh, mặc dù cô chưa gặp bất kỳ ai trong số họ.

Cô gái 22 tuổi được phái đến Starobilsk sau khi bị thương trong trận chiến với quân ly khai. Trong khi chờ hồi phục, cô có nhiệm vụ chôn cất các binh sĩ tử trận, và giờ gửi mẫu đi xác nhận ADN ở Kiev, hy vọng tìm được thân nhân người chết. Nếu tìm được, cô liên lạc với họ để giúp tổ chức cải táng. Thỉnh thoảng, rời công việc ở nghĩa trang, Viktoria ra tiền tuyến, ít nhất 1 lần/ tuần.

Ngậm ngùi, cô kể đã chôn cất rất nhiều người tử tế, nhiều thanh niên mới 18 – 19 tuổi. Viktoria chỉ trích những người Ukraina chạy khỏi chiến trường thay vì ở lại chiến đấu.

Lesya và Dasha: Hai y tá tình nguyện sống và làm việc ở bệnh viện dã chiến duy nhất còn hoạt động ở Schastia. Thành phố này thường xuyên hứng pháo kích từ lực lượng ly khai cách đó vài cây số. Mặc dù bệnh viện có treo cờ của hội chữ thập đỏ, nhưng đạn pháo không buông tha. Pháo kích liên miên phá huỷ hệ thống điện của thành phố, buộc người dân phải chặt cây làm củi. Mất điện cũng là một vấn đề khó khăn đối với y tá.

“Sự im lặng là đáng sợ nhất. Khi bị dội bom, chúng tôi biết điều gì ở phía trước và phải làm gì. Nhưng khi im lặng mới kinh khủng” – Lesya bày tỏ. Cả hai y tá là người vùng Luhansk, và cùng kịch liệt phản đối một Ukraina chia cắt. Hai cô đều có con ở nhà, nhưng từ bỏ tất cả cơ hội để ra chiến trường.

Hùng Thái – theo Lao Động


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề