Cảnh sát Tokyo đang nỗ lực điều tra những cuộc gọi điện thoại đe dọa ám sát nữ Đại sứ Caroline Kennedy 57 tuổi, con gái của cố Tổng thống John F. Kennedy (bị ám sát năm 1963) và cháu gái của Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào vai trò đại sứ ở thủ đô Tokyo Nhật Bản năm 2013. Bước đầu, cảnh sát nghi ngờ âm mưu liên quan đến 2 tổ chức tội phạm yakuza Nhật Bản là Daikosha, đồng minh của Inagawa-kai – tổ chức Yakuza hùng mạnh hàng thứ 3 nước này.
Theo báo cáo từ Cảnh sát Tokyo, một lượng lớn những cuộc gọi điện thoại đến Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo được thực hiện từ tháng 2/2015. Thậm chí, Tổng lãnh sự Mỹ Alfred Magleby tại Naha ở đảo Okinawa miền Nam Nhật Bản, nơi đồn trú của khoảng một nửa trong số 50.000 binh sĩ Mỹ đóng tại nước này, cũng nhận được những cuộc gọi điện thoại tương tự đe dọa tính mạng.
Trước đó không lâu, Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc Mark Lippert cũng bị một người đàn ông bất ngờ dùng dao lam rạch mặt mà theo báo cáo của Cảnh sát Hàn Quốc là nhằm phản đối những cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn. Theo điều tra ban đầu, nghi phạm có thể là người Nhật do đe dọa qua điện thoại bằng tiếng Anh với dấu giọng của người trong nước. Cảnh sát Tokyo cũng cho rằng, những cuộc gọi đe dọa có lẽ có ý đồ tống tiền bà Caroline Kennedy hoặc Đại sứ quán Mỹ.
Theo một sĩ quan cảnh sát, cuộc điều tra đang tập trung vào một vài nhóm cánh hữu ở Nhật Bản, được mạng lưới tội phạm có tổ chức Yakuza nước này ủng hộ mạnh mẽ. Băng đảng hiện đang nằm trong vòng nghi ngờ của cảnh sát là Daikosha – nhóm được coi là nhánh chính trị của Inagawa-kai.
Bộ Tài chính Mỹ nhận định: “Dưới sự lãnh đạo của Jiro Kiyota (lãnh đạo tối cao) và Kazuya Uchibori (thủ lĩnh thứ hai của tổ chức), Inagawa-kai đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với tổ chức yakuza lớn nhất là Yamaguchi-gumi”.
Điều khôi hài là, Daikosha được coi là có mối quan hệ (cho dù không được mạnh lắm) với một số quan chức trong chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó bao gồm Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Hakubun Shimomura. Ông Shimomura đang gặp rắc rối với ám chỉ nhận tiền từ các nhóm ủng hộ chính trị không chính thức mà một trong số đó nằm dưới sự chỉ đạo từ một nhánh của Yamaguchi-gumi.
Mới đây, Daikosha đã lên tiếng đòi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức đồng thời hủy bỏ những sắc lệnh kiểm soát tội phạm có tổ chức hoạt động ở Nhật Bản. Vài lần, Daikosha tổ chức biểu tình phản đối gần tòa nhà Đại sứ quán Mỹ.
Yakuza nổi tiếng là mạng lưới tội phạm có tổ chức chặt chẽ lớn nhất thế giới với hơn 45.000 thành viên và dính líu đến mọi hoạt động phi pháp xuyên quốc gia – bao gồm buôn lậu vũ khí và hàng hóa, buôn người, tổ chức mại dâm, buôn ma túy, rửa tiền và lừa đảo.
Ngày 23/1/2013, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt một số biện pháp trừng phạt Jiro Kiyota và Kazuo Uchibori (cũng gọi là Kazuya Uchibori). Hãng tin tức Bloomberg cho biết: “Uchibori, người hiện khoảng 60 hay 61 tuổi, bị hủy sử dụng thẻ AmEx và đóng băng số tiền 42.575 USD trong tài khoản Ngân hàng American Express”. Một trong những phó chủ tịch của Daikosha cũng là cựu thành viên của nhóm Inagawa-kai.
Cảnh sát Tokyo từ chối tiết lộ lý do tại sao nhóm Daikosha đặc biệt quan tâm đến Đại sứ Carolina Kennedy. Daikosha chính thức đăng ký là một tổ chức chính trị ở Nhật Bản với khoản thu nhập hàng năm được tuyên bố là 550.000 USD từ quảng cáo trên các tạp chí của băng nhóm cùng với những khoản tiền quyên góp.
Một số nhà quảng cáo được cho là thuộc mạng lưới khách sạn lớn gọi là “Các khách sạn chính thức của Tokyo Disneyland” – mặc dù chuỗi khách sạn này phủ nhận việc trả tiền cho Daikosha. Còn theo nguồn Cảnh sát Tokyo, thu nhập thực của Daikosha phải xấp xỉ 6 triệu USD mỗi năm, một con số có được từ hoạt động tống tiền và ít nhất 1/5 trong số đó chảy vào túi của Inagawa-kai.
Do là một thực thể chính trị có đăng ký và số lượng cựu thành viên yakuza của nó tương đối thấp cho nên không được coi là một băng nhóm yakuza chính thức đồng thời thoát được nhiều lệnh trừng phạt dành cho các băng nhóm bạo lực chiếu theo luật pháp Nhật Bản. Tuy nhiên, nội bộ Cảnh sát Nhật Bản vẫn coi Daikosha là một bộ phận của Inagawa-kai.
Hiện tại, Cơ quan An ninh Ngoại giao (DSS) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cắt cử một số đặc vụ hợp tác với Cảnh sát Tokyo để bảo vệ cho nữ Đại sứ Caroline Kennedy nhưng mọi cuộc điều tra nằm dưới sự lãnh đạo của Sở Cảnh sát Tokyo. Trong khi đó, giới chức hành pháp trong Đại sứ quán Mỹ không được phép mang vũ khí.
Theo báo cáo của Cảnh sát Nhật Bản, đây không phải là lần đầu tiên việc đe dọa tính mạng nhằm vào chức vụ đại sứ ở nước này. Tháng 9/2011, Cảnh sát Tokyo bắt giữ một chính khách cánh tả 46 tuổi được Yamaguchi-gumi ủng hộ sau khi người này gửi một viên đạn đến Đại sứ quán Nga cùng với lời đe dọa tính mạng tới ngài đại sứ và toàn bộ nhân viên. Hành động đe dọa của chính khách nhằm bày tỏ sự giận dữ khi nước Nga từ chối trao trả Vùng lãnh thổ phương Bắc (mà phía Nga gọi là quần đảo Nam Kuril) cho Nhật Bản.
Cảnh sát Nhật Bản cũng bày tỏ mối nghi ngờ về sự dính líu của yakuza trong vụ Caroline Kennedy, bởi vì khi nhắm đến một mục tiêu nào đó thì thường là bọn chúng chỉ hành động ngay mà không gửi đi nhiều lời đe dọa tính mạng như vậy.
An Ninh
Trả lời