Hơn 820 ngân hàng Nga có nguy cơ bị Ngân hàng trung ương nước này xóa sổ để thanh lọc hệ thống, Bloomberg nhận xét.
Lãi suất cao và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đang gây khó dễ cho hơn 820 ngân hàng tại Nga. Cùng lúc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina mạnh tay xóa sổ các ngân hàng yếu kém với tốc độ nhanh kỷ lục.
“Nga đã cấp phép cho quá nhiều ngân hàng. Giảm thiểu con số xuống còn 200 – 300 là một bước đi hợp lý”, ông Christopher Weafer, chuyên viên cao cấp tại công ty tư vấn Macro Advisory của Nga, nhận xét.
Theo ông, thanh lọc các ngân hàng yếu kém sẽ cải thiện hoạt động cho vay, giảm tham nhũng và nâng cao minh bạch. Nó cũng củng cố quyền lực của các ngân hàng nhà nước lớn nhất như OAO Sberbank và VTB, khi khách hàng tìm kiếm sự an toàn nơi các định chế uy tín này.
Không thể tránh khỏi
Nền kinh tế Nga được dự đoán giảm 4,1% trong năm nay do lệnh trừng phạt và dầu giảm giá, theo khảo sát của Bloomberg. Dự phòng nợ xấu của các ngân hàng Nga leo dốc trong 2014, khi số công ty và cá nhân phá sản tăng vọt.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service dự báo nợ xấu trong nhà băng Nga sẽ nhảy từ 9,5% cuối năm 2014 lên 15% tính đến cuối 2015.
Chưa kể, hoạt động cho vay cũng giảm tốc sau khi Ngân hàng Trung ương tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 17%, trước khi giảm 2 lần xuống 14% như hiện tại.
“Sáp nhập là điều không thể tránh khỏi. Rất nhiều nhà băng hoạt động không hiệu quả, không thể cung cấp dịch vụ chất lượng, không đủ nguồn lực để cho vay”, ông Igor Vayn, Giám đốc điều hành ngân hàng Renaissance Capital, nhận định. Ông dự đoán số lượng ngân hàng tại Nga sẽ giảm xuống chỉ còn 100 trong thời gian tới.
Thu hồi giấy phép
Trong lúc các lãnh đạo xem xét khả năng sáp nhập, nữ Thống đốc Nabiullina đang đẩy mạnh thu hồi giấy phép hoạt động. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, khoảng 100 nhà băng đã bị đình chỉ hoạt động. Tính riêng trong 6 tuần vừa qua, Ngân hàng Trung ương đã thu hồi 8 giấy phép, nghi vấn các nhà băng này tiếp tay rửa tiền và lũng đoạn ngành tài chính.
Nga không phải là nước đầu tiên hô hào sáp nhập trong hệ thống ngân hàng. Trước đây, khi Thống đốc David Green lên cầm cương Ngân hàng Trung ương Anh, ông đã tinh gọn số ngân hàng trong cả nước xuống còn 2/3. Nhiều biện pháp được áp dụng, trong đó có rút giấy phép, cưỡng chế sáp nhập và tăng nhu cầu vốn.
“Tệ hơn năm 2009”
Năm 1998, hầu hết các ngân hàng lớn nhất xứ bạch dương đã phá sản khi Nga phá giá đồng Rúp, vỡ nợ công và tuyên bố hoãn thanh toán cho chủ nợ quốc tế.
Giờ đây, thậm chí cả ông lớn ngân hàng cũng thấm đòn sau một năm hứng trừng phạt. Lợi nhuận của Sberbank giảm 20% trong năm 2014 khi dự phòng nợ xấu tăng lên gấp 3 lần.
Lợi nhuận ngân hàng VTB bốc hơi tới 96% trong năm 2014. Tình hình chưa có dấu hiệu phục hồi trong năm nay, khi lãnh đạo nhà băng thừa nhận sẽ tiếp tục “lỗ lớn” nếu lãi suất không giảm vào tháng Ba vừa qua.
Chính quyền ông Putin cam kết sẽ chi 1 nghìn tỷ Rúp (tương đương gần 20 tỷ USD) để giải quyết vấn đề về vốn cho các ngân hàng, Standard & Poor’s báo cáo. Con số này ngang 1,5% tổng sản phẩm quốc nội, bằng mức cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
“Tình hình trong hệ thống ngân hàng Nga còn tồi tệ hơn hồi năm 2009. Thời đó, Nga bị hạn chế tiếp cận kênh tài chính quốc tế – nguồn vốn nước này lệ thuộc nặng nề, nhưng chỉ mang tính tạm thời. Còn lần này, tình trạng sẽ kéo dài hơn”, ông Tom Adshead, Giám đốc công ty Adshead Consulting tại Moscow chỉ ra.
BizLive
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- TẠI SAO ĐỐI VỚI NGA, UKRAINA NGÀY CÀNG “NẶNG GÁNH”?
- Tòa án Luân Đôn đã đưa ra một quyết định quan trọng là: Tịch thu tài sản của Gazprom
- Từ Arashukov, Kadyrov, Tuleev đến Putin và nước Nga như thời trung cổ
- Venezuela và bước ngoặt lịch sử ở Mỹ Latin?
- Cựu phó Thủ tướng LB Nga: Putin sẽ sớm ngừng quan tâm đến Ukraina
Trả lời