Vốn dĩ đây là một hành vi văn hóa, nên có lẽ ngoài chế tài, xử phạt, Hà Nội còn phải bắt đầu từ gốc giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Việc Hà Nội tuyên chiến với nạn nói tục chửi thề đang gây nhiều chú ý từ cộng đồng. Tuy nhiên, người dân đang chờ xem Hà Nội làm gì cho quyết tâm này đạt hiệu quả thực tế chứ không chỉ dừng ở lời nói suông.
Quy định thôi có đủ?
Báo chí mới đây đưa tin, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã ở Thủ đô kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Trước đó, giữa năm 2014, UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Quy chế này cũng có phần nội dung yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác với đồng nghiệp. Đồng thời quy chế cũng yêu cầu họ có ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt.
Như vậy, với sự nỗ lực từ các sở ngành Hà Nội, Thủ đô sẽ có thêm nhiều quy chế, quy định về cấm nói tục. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi các quy chế này ra sao thì phải chờ xem. Từ ngày Hà Nội ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố đến nay cũng đã một năm. Nhưng sau cả năm ròng này, dường như người dân vẫn chưa thấy được những biến chuyển cụ thể. Có thể vì quy định thì có nhưng cách kiểm soát lỗi, xử phạt cụ thể thì chưa thấy đâu.
Tại nhiều đô thị trên thế giới, để cấm hành vi chửi thề, nói tục tại nơi công cộng, chính quyền các nơi này đã đưa ra các chế tài rất rõ ràng thay vỉ chỉ khuyến cáo. Ví như tại Middleborough, một thị trấn gần thành phố Boston của Mỹ, cư dân sẽ bị phạt 20 USD cho mỗi lần chửi thề ở chốn công cộng.
Trong khi đó, phạt nặng hơn là tại Australia, hành vi chửi thề ở nơi công cộng tại nhiều đô thị ở đây sẽ bị phạt 500 đô-la Australia. Tất nhiên hệ thống thực thi luật pháp tại Mỹ hay Australia luôn có thể áp dụng các hình phạt theo quy định mà chính quyền đưa ra với người vi phạm. Và trong môi trường thượng tôn luật pháp, những người này không có cách nào khác ngoài việc chấp hành.
Để thực thi được quy định mới, phải chăng Hà Nội cần thiết lập cả một hệ thống thực thi từ A đến Z. Chẳng hạn, Hà Nội ít ra cần đầu tư hệ thống camera quan sát, hệ thống văn bản quy định sát thực tế và hệ thống xử phạt nghiêm minh… Chỉ khi nào hệ thống này được vận hành thì quyết tâm tuyên chiến của HN mới mong có hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng “bàn tay sắt” với hành vi chửi thề, nói tục ở nơi công cộng thì cũng chưa hẳn là sẽ giải quyết được vấn đề. Vốn dĩ đây là một hành vi văn hóa, nên có lẽ ngoài chế tài, xử phạt, Hà Nội còn phải bắt đầu từ gốc giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Đánh mất truyền thống khiêm cung?
Tại nhiều quốc gia châu Á, sự khiêm cung và nhún nhường trong ứng xử từ ngàn đời đã là nét đẹp của lễ giáo và đạo đức. Mặc dù các nước như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đã có sự phát triển vượt bậc trong kinh tế xã hội nhưng họ vẫn giữ được truyền thống đáng nể. Chẳng hạn như khi gặp mặt, người Nhật, người Hàn đền cúi đầu rất thấp để chào người mới gặp. Trong khi đó, người Thái hay người Indonesia vẫn chắp tay trước ngực để cúi chào một cách duyên dáng.
Cách chào hỏi theo truyền thống này nhìn bền ngoài có vẻ “cổ lỗ”, nhưng thực chất là để cho người ta giảm bớt bản ngã, bày tỏ sự tôn trọng với người khác. Khi bản ngã không bị đẩy lên quá cao, người ta không thể cư xử khinh thị và cất lời thô tục với mọi người.
So với cách chào hỏi kể trên, cách chào hỏi của người Việt trong truyền thống không khác biệt bao nhiêu. Bởi người Việt cũng chào bằng cách chắp tay xá nhẹ hoặc khoanh tay và cúi đầu. Điều này vẫn có thể tìm thấy ở một số gia đình Việt nỗ lực giữ lễ giáo.
Tuy nhiên, mấy chục năm nay, khi truyền thống bị phá vỡ, sự bình đẳng quá trớn xuất hiện khiến nhiều nơi trong xã hội xuất hiện cách ứng xử ngược lại. Và đáng buồn là điều này xuất hiện khá phổ biến tại Thủ đô ngàn năm văn hiến… Không ít thanh thiếu niên, thậm chí cả người trung niên ở ta bây giờ chào hỏi hay trò chuyện bằng cách chêm vào vô số lời chửi thề.
Khi gặp nhau, họ chỉ đua sao cho mình hùng hổ hơn, lớn tiếng hơn, có khả năng lấn át nhau nhiều hơn. Lời nói thô tục có thể trở thành nguồn cơn của những hành động bạo lực không thể kiểm soát đang là thực tế xảy ra trong xã hội.
Chính vì thế, muốn giảm thiểu được cách ứng xử thô tục, làm biến mất những câu chửi thề nơi công cộng, thì không chỉ Hà Nội mà người Việt cần phải thực sự hồi phục truyền thống lễ giáo. Nhất là khi tại nhiều gia đình hiện nay, việc chạy theo vật chất khiến các bậc cha mẹ bỏ quên nhiệm vụ giáo dục con.
Còn tại nhiều trường học hiện nay, khẩu hiệu “Tiên học lễ” đang bị các biển hiệu quảng cáo che lấp hoặc được để vị trí nổi bật nhất vẫn bị lãng quên. Bên cạnh đó, “bệnh” chạy theo thành tích học tập có thể khiến người ta xao lãng nâng cao nhân cách học sinh, trong khi đây mới chính là mục tiêu căn cốt của giáo dục.
Vũ Văn (Theo VietNamnet)
- "Kết quả không gây ngạc nhiên": thế giới đã phản ứng như thế nào với "bầu cử của Putin" ở Crưm
- Nga đệ đơn lên WTO kiện Ukraina vì liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt
- Pence về Bắc Triều Tiên: Giai đoạn "kiên nhẫn chiến lược" đã kết thúc
- G7 - Poroshenko và Chính phủ đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế Ukraina (Video)
- Hàn Quốc đã chuẩn bị cho cuộc tấn công phủ đầu vào Bắc Triều Tiên
- Putin đã đồng ý ngồi thỏa hiệp với Nhật Bản về quần đảo Kuril
Trả lời