Con gái duy nhất của Stalin và cuộc đào tẩu chối bỏ quê hương

Chuyến đi rải tro cốt của người bạn tri kỷ trên sông Hằng đã biến thành cuộc bôn tẩu bất ngờ của Allilueva Svetlana khỏi quê hương Liên Xô, nơi cha bà, Joseph Stalin được nhiều người coi là anh hùng dân tộc.

Mùa xuân năm 1967, Lana Peters, còn được gọi là Allilueva Svetlana, con gái duy nhất của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Tư lệnh Quân đội, hàm Đại Nguyên soái Liên Xô, Joseph Stalin quyết định bỏ trốn sang Mỹ. Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận thế giới và dấy lên sự căng thẳng trong bộ máy lãnh đạo Liên Xô. Cũng trong năm đó, Liên Xô chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại và sự cố này đã là một cú sốc lớn đối với những người vẫn trọng vọng Stalin như một anh hùng dân tộc. Mặc sự ồn ào của báo chí thế giới, bà Svetlana vẫn im lặng, không một lời bình luận nào về sự ra đi đột ngột.

Iosif Vissarionovich Stalin có ba người con, trên Allilueva Svetlana là hai anh trai. Anh trai cả, Yakov là con của Stalin và người vợ đầu, bà Ekaterina Svanidze. Ông Yakov vốn không hòa hợp với người cha nổi danh, thậm chí từng tự tử vì mâu thuẫn với Stalin nhưng may mắn sống sót. Trong chiến tranh thế giới, ông Yakov là một sĩ quan pháo binh phục vụ trong Hồng quân. Bị quân Đức bắt, mặc dù nước Đức đề nghị liên Xô trao trả tự do cho Thống chế Paulus Friedrich để đổi lấy Yakov nhưng Stalin từ chối và vì thế con trai cả của ông đã chết trong nhà trại giam của Đức vào năm 1943. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho hay, Yakov đã tự vẫn. Con trai thứ của Stalin là Vassili, là kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai và cùng một mẹ sinh ra với bà Svetlana. Vasily Stalin là sĩ quan hàng không của Liên Xô, từng tham gia chiến tranh thế giới và được phong hàm tướng. Sau cái chết của Stalin, Vasily đã bị bắt và trải qua nhiều năm sống trong tù. Ông qua đời vào năm 1962 do nghiện rượu. Riêng Svetlana Svetlana nghiên cứu lịch sử và khoa học chính trị, mặc dù niềm đam mê lớn của bà là văn học. Bà từng đứng tên dịch giả dưới nhiều cuốn sách.

12

 

Svetlana với cha, Josef Stalin năm 1935

Sinh năm 1926, Allilueva Svetlana là con thứ út của Stalin và con gái duy nhất của nhà lãnh đạo vĩ đại của Liên Xô, kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai của ông với bà Nadezhda Allilueva. Svetlana đã trải qua một thời thơ ấu bất hạnh khi người mẹ qua đời khi cô bé mới 4 tuổi. Thảm kịch nằm ở chỗ cái chết của bà Nadezhda Allilueva không rõ nguyên nhân và người ta thường đồn rằng bà đã tự vẫn vì không thể chịu đựng nổi cuộc sống chung khắc nghiệt với nhà lãnh đạo Liên Xô. Cũng từ đó, mối quan hệ giữa Stalin và con gái đã ngấm ngầm có những rào cản.

Thời thiếu nữ, ở tuổi bắt đầu yêu đương, Svetlana đã luôn gặp phải sự ngăn cấm của cha. Mối tình đầu của bà là với một nhà làm phim lớn tuổi và Stalin đã nói rằng nó sẽ nhanh chóng kết thúc. Ngay sau đó, tình yêu của con gái với một chàng trai khác, tên là Grigory Morozov lại tiếp tục khiến Stalin không hài lòng, không công nhận chàng rể, dù sau đó họ đã kết hôn và có chung một con trai. Sau khi ly hôn người chồng đầu tiên, Svetlana tái hôn với Yuri Zhdanov, con trai của một người bạn Stalin và lúc này nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô mới bằng lòng. Tuy nhiên, hôn nhân của Svetlana thêm một lần đổ vỡ khi đã có thêm một co gái với người chồng thứ hai.

Sinh thời, Svetlana đã luôn cảm thấy cô độc, như bà đã từng thú nhận, nhất là sau khi Stalin qua đời, tài sản cũng như những kỷ vật riêng tư của ông, đặc biệt là thư viện cá nhân đồ sộ của cha bị xâm phạm đã gây tổn thương cho một người rất yêu sách và ham mê đọc sách như Svetlana. Mặc dù không bao giờ phàn nàn về những quyền lợi bị cắt giảm sau cái chết của Stalin nhưng Svetlana đã luôn nói về sự cô đơn của mình. “Không còn ai quan tâm tới tôi”, bà từng nói. Những năm sau đó, bà làm công việc biên dịch sách tiếng Anh tại một nhà xuất bản ở Moscow một cách an phận.

3

Svetlana Svetlana nghiên cứu lịch sử và khoa học chính trị, mặc dù niềm đam mê lớn của bà là văn học

Tháng 10/1963, trong khi nằm viện, Svetlana đã có cơ hội quen biết Brijesh Singh, một người đàn ông Ấn Độ hiền lành, hài hước, làm công việc biên dịch tiếng Hin-ddi cho một nhà xuất bản. Lúc này, Svetlana 39 và Brijesh Singh 53 tuổi, cả hai từng trải qua đổ vỡ hôn nhân. Svetlana đã nói rằng: “Khi gặp anh ấy, một cuộc sống mới đã mở ra với tôi”. Bà rất khâm phục Brijesh Singh vì trong những cơn đau đớn dữ dội vì bệnh phổi, ông vẫn cắn răng chịu đau một mình, luôn kể chuyện về quê hương Ấn Độ, với một tình bạn hết sức vô tư với Svetlana dù biết bà là con gái của lãnh đạo tối cao Liên Xô.

Khi Brijesh Singh qua đời vào năm 1967, Svetlana đã tự nhận lấy trách nhiệm mang tro cốt của người bạn tri kỷ về sông Hằng quê hương ông để rải theo tâm nguyện của Brijesh Singh. Chính quyền Xô Viết từ chối làm hộ chiếu cho bà và Svetlana đã phải lao tâm khổ tứ, thậm chí cầu viện tới Thủ tướng Alexei Kosygin. Vị Thủ tướng thuyết phục con gái của nhà lãnh đạo quá cố từ bỏ ý định nhưng ý chí của Svetlana quá mạnh khiến ông phải ra quyết định cấp thị thực cho bà trong hai tuần.

Đến Delhi, Svetlana ở lại một vài ngày tại Đại sứ quán Liên Xô, bị đề nghị không dùng điện thoại và giám sát chặt chẽ. Sau đó, bà tới thị trấn Kalakankar, thăm nhà và dự tang lễ của Brijesh dưới sự giám sát của một nhân viên Đại sứ quán luôn như hình với bóng. Svetlana dễ dàng thích nghi điều kiện sống khiêm tốn của gia đình Singh. Mỗi sáng, họ đi chân trần trên bờ sông Hằng để tắm trong dòng sông, sau đó đi đến các đền thờ địa phương, chìm trong thiền định và sau đó trở về nhà, Svetlana giúp các chị em của Brijesh chuẩn bị bữa sáng. Khi visa đã hết hạn, các quan chức Đại sứ quán Liên Xô tại New Delhi đã gây áp lực nhằm ép Svetlana về nước nhưng bà liên tục trì hoãn. Dường như ở thời điểm đó, Svetlana đã ngầm có quyết định không trở lại Liên Xô.

4

Svetlana Svetlana từng đứng tên dịch giả dưới nhiều cuốn sách

Qua nhiều người quen biết, Svetlana thăm dò ý kiến của các nhà chức trách Ấn Độ về khả năng giúp bà tị nạn chính trị nhưng không thành công vì họ không muốn làm ảnh hưởng tới quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước. Con gái của nhà lãnh đạo lừng lẫy Liên Xô đã có một quyết định táo bạo trong chốc lát. Bà quay trở lại Đại Sứ quán Liên Xô, hoàn tất các thủ tục về nước và trên đường ra sân bay bằng taxi, Svetlana đã ghé lại Đại Sứ Quán Mỹ tại New Delhi, tha thiết xin được tị nạn chính trị. Ngay lập tức, được sự đồng ý của lãnh đạo cấp cao, Đại Sứ Quán Mỹ chấp thuận yêu cầu của con gái Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Để tránh những phản ứng nhạy cảm của Ấn Độ, người đứng đầu Đại Sứ Quán Mỹ tại Ấn Độ đã gửi bà Svetlana lên một chuyến máy bay đến Italia, từ đó sang Thụy Sĩ, nơi bà nhận được phê duyệt chính thức về trường hợp tị nạn chính trị.

Sau khi tin tức về trường hợp Svetlana Allilueva tị nạn chính trị đến Liên Xô qua đài Voice of America bằng tiếng Nga, nhiều người dân Moskva đã thốt ra câu hỏi bất ngờ: “Svetlana Allilueva là ai?”. Nguyên do là vì hầu hết mọi người đều không biết rằng con gái của Stalin lấy họ của mẹ, thay vì cái tên Svetlana Stalin như lẽ thường. Hành động “chạy trốn sang phương Tây” của bà Svetlana đã ngấm ngầm được coi là một sự phản bội. Vì thế, trong khi báo chí thế giới làm rùm beng, báo chí Liên Xô đã không đả động đến sự việc này và ác phóng viên được chỉ thị giữ im lặng

Thời gian ở Mỹ, Svetlana đã tiết lộ về mối quan hệ với người cha nổi tiếng. Ông được miêu tả là “Một người đàn ông bận rộn, không quan tâm chu đáo đến việc giáo dục con gái. Một người đàn ông ích kỷ, ngông cuồng, cuồng loạn, tàn nhẫn và giận dữ khi bị chỉ trích…”.

5

Svetlana cùng con gái Olga và người chồng Mỹ,Wesley Peters, năm 1971

Mùa xuân năm 1986, nghĩa là 9 năm sau khi Svetlana từ bỏ quê nhà, một bài báo trên tạp chí People đã kể lại câu chuyện của con gái Stalin sau khi  tới Mỹ. Bà đã kết hôn với một kiến trúc sư người Mỹ thành đạt tên là William Peters, đổi tên thành Lana Peters và có một con gái với người chồng mới, đặt tên là Olga. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, con gái của nhà chính trị tài ba Liên Xô thất bại trong hôn nhân. Bà ly hôn và chuyển tới nước Anh sinh sống từ năm 1982 với hi vọng bắt đầu một cuộc sống mới.

Mùa hè năm 1984, Svetlana nhận được một cú điện thoại thông báo rằng con trai đầu lòng, kết quả cuộc hôn nhân đầu tiên của bà, Joseph, đã trở thành một bác sĩ ở Liên Xô và lúc này đang mắc bệnh trọng. Bà nhanh chóng chuẩn bị hành lý và bay tới Liên Xô sau khi nhận được thị thực một cách dễ đàng và nhanh chóng đến kinh ngạc. Tuy nhiên, chuyến hồi hương đã gây cho Svetlana một thất vọng lớn. Joseph coi mẹ như một người xa lạ còn cô con gái Ekaterina, kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai thậm chí còn không muốn gặp bà. Svetlana về lại Tbilisi, Georgia, nơi sinh của Stalin nhưng rồi lại thất vọng vì chứng kiến những khó khăn của cuộc sống người dân quê hương. Bà trở lại phương Tây và từ đó không còn quay lại Liên Xô.

6

Allilueva Svetlana dưới cái tên Lana Peters những năm tháng cuối đời

Tháng 11/2011, Allilueva Svetlana qua đời do ung thư ruột kết trong một căn hộ ở Wisconsin. Những năm cuối đời, bà tránh tiếp xúc với công chúng và hầu hết thời gian chỉ dành để đọc sách. Đám tang của con gái người anh hùng dân tộc của Liên Xô được tổ chức khá riêng tư. Cô con gái Olga từ chối tiếp xúc và trả lời các phương tiện truyền thông, sau đó cô đã đổi tên để tránh phiền nhiễu.

 Theo kenh14


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề