Đang có nhiều nhận định và dự đoán khá trái ngược của các chuyên gia và tổ chức uy tín nhất về giá dầu và cục diện thế lực năng lượng trên thế giới.
Ngôi vua sẽ thay đổi?
Báo chí quốc tế mới đây có những nhận định trái ngược về giá dầu. Hãng tin Bloomberg thì dự đoán giá sẽ còn xuống thấp hơn, thậm chí đến mức 10 đô la Mỹ/thùng. Hãng năng lượng BP và một số nhà phân tích thì cho rằng giá sẽ tăng lên trở lại khoảng 70 hay 80 đô la/thùng, do đoán sản lượng dầu đá phiến của Mỹ rồi sẽ chững lại và giảm xuống.
Cũng mới đây, Giám đốc mới của Cơ quan Quản lý năng lượng toàn cầu (EIA), Fatih Birol, vừa làm xôn xao báo chí quốc tế khi tuyên bố rằng, cho dù Mỹ có sản xuất bao nhiêu dầu trong vài năm tới, đất nước này cũng không bao giờ có thể soán ngôi vua thế giới dầu mỏ của Ảrập Saudi được. Ông nói với báo chí rằng dù các nhà sản xuất Mỹ có “vũ khí dầu đá phiến”, OPEC, đặc biệt là vịnh Persian vẫn chiếm thế thượng phong trong cộng đồng các nhà sản xuất dầu mỏ. “Sản lượng dầu của Mỹ có thể làm thay đổi thị trường nhưng không thể giải quyết được vấn đề dầu của thế giới. Do đó, Mỹ không bao giờ trở thành một Ảrập Saudi mới được”, Birol nói.
Theo dự báo của Birol, ít nhất trong 10 năm tới, hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, Ảrập Saudi và Iraq vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cung năng lượng chủ chốt cho thế giới, đặc biệt khi sản lượng các nước không thuộc OPEC như Brazil, Canada và Mỹ dao động.
Điều thú vị là tuyên bố này trái ngược hẳn với những gì chính ông nói chỉ ba tháng trước, khi còn là kinh tế trưởng của EIA, và không cho biết lý do vì sao ông thay đổi quan điểm. Lúc đó, Birol giới thiệu báo cáo về năng lượng thế giới của EIA, với dự báo rằng sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt qua Ảrập Saudi, cụ thể là vượt 500.000 thùng so với Ảrập Saudi trong năm 2020 và 100.000 thùng trong năm 2025.
Cho dù dự báo nào về giá dầu hay về ngôi vua ngành dầu mỏ là đúng, thì Birol hay EIA không phải là nhà kinh tế hay cơ quan duy nhất ghi nhận về sự tăng trưởng đột phá trong sản lượng dầu của Mỹ thời gian gần đây hay ảnh hưởng của nó với giá dầu thế giới. Citi Group Inc. và một số tổ chức khác cũng đã dự báo Mỹ sẽ vượt qua Nga và Ảrập Saudi để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020. Và cục diện này là một thay đổi khá bất ngờ của thị trường chỉ trong vài năm gần đây.
Vào năm 2008, nhà kinh tế học người Canada, nguyên kinh tế trưởng CIBC World Markets, Jeff Rubin đã làm rúng động thế giới với tiên đoán chắc chắn rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới 5% mỗi năm, nhu cầu dầu sẽ tăng tương ứng, đưa giá dầu lên từ 147-200 đô la/thùng.
Lập luận của ông rất thuyết phục, khi cho rằng các công ty dầu mỏ sẽ luôn phải tìm kiếm nguồn dầu mới, do nguồn dầu dễ tái tạo đã hết hoặc đang cạn kiệt, ở mức 6,7% mỗi năm (dữ liệu của EIA). Nói cách khác, nguồn cung dầu không đủ đáp ứng nhu cầu.
Dĩ nhiên, Rubin nói đến dầu mỏ, bao gồm các mỏ trên đất liền lẫn ngoài khơi, cũng như dầu cát. Còn cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ lại chỉ phát triển sau khi cuốn sách về dự đoán của Rubin đã phát hành, đã làm thay đổi cục diện nguồn cung dầu, và sự tuột dốc giá dầu thời gian gần đây khiến cho các dự báo này của Rubin trật lấc. Với sản lượng dầu từ đá phiến khai thác ở Mỹ tăng từ 600.000 thùng/ngày năm 2008 đến mức 3,8 triệu thùng/ngày năm 2014, chỉ trong vài năm Mỹ đã làm ngập thị trường với dầu sản xuất từ đá phiến.
Theo EIA, tổng sản lượng dầu của Mỹ gồm cả dầu mỏ lẫn dầu đá phiến sẽ tăng lên 9,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, lớn nhất kể từ năm 1972.
Thế giới đang thừa hay thiếu dầu?
Thiếu, như lý thuyết của Rubin, hay thừa như nguyên nhân gây ra khủng hoảng giá dầu hiện nay? Những con số tổng hợp dưới đây có thể cho ta hình dung rõ hơn về trữ lượng dầu các loại của thế giới.
Theo báo cáo năm 2013 của Wood Mackenzie, thế giới có trữ lượng 1.400 tỉ thùng dầu, với các khu vực có trữ lượng lớn nhất là Trung Đông, Mỹ Latinh, Bắc Mỹ và châu Phi. Trong đó, 80% trữ lượng dầu của thế giới nằm ở các nước thành viên OPEC và trữ lượng của Trung Đông chiếm đến 65% tổng trữ lượng các nước OPEC này.
Hiện nay, năm mỏ dầu lớn nhất bao gồm Ghawar và Safaniya ở Ảrập Saudi, Burgan ở Kuwait, và Rumaila và West Qurna-2 ở Iraq. Chỉ riêng mỏ Ghawar, mỏ lớn nhất thế giới, có trữ lượng ước tính 70 tỉ thùng.
Trong tương lai, Forbes chỉ ra Majnoon ở Iraq, Khuzestan ở Iran, Kashagan ở Biển Caspian, Khurais ở Ảrập Saudi, Tupi ngoài khơi Brazil, Carabobo ở Venezuela, và North Slope của Alaska là trong nhóm những mỏ dầu lớn nhất thế giới.
Fortune cho rằng vành đai Orinoco ở Venezuela là một trong những mỏ dầu chưa khai thác lớn nhất, ở mức ước chừng 513 tỉ thùng dầu; so với mỏ Chicontepec Basin ở Mexico 10 tỉ thùng; hay Santos và Campos Basins ngoài khơi Brazil 123 tỉ thùng; và mỏ Supergiant ở sa mạc Iraq, từ 45-100 tỉ thùng…
Dầu cát của Canada cũng là một thế lực đáng kể trong các nguồn cung dầu, dù có chi phí khai thác và sản xuất cao hơn. Theo dữ liệu chính phủ, sản lượng dầu cát Canada khoảng từ 2-3,7 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và 5,2 triệu thùng/ngày năm 2030.
Trữ lượng các mỏ dầu vùng Arctic, chạy dài từ Nga, Alaska, Greenland, ước khoảng 166 tỉ thùng, cao hơn Iran và đủ cho toàn thế giới trong năm năm, theo tờ The Daily Telegraph.
Còn trữ lượng dầu đá phiến, nhân tố khiến Mỹ sắp trở nên độc lập về năng lượng và có thể đánh bại Ảrập Saudi để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất, là bao nhiêu? Năm 2013, EIA mới bắt đầu phân tích về trữ lượng dầu đá phiến của Mỹ. Cơ quan này ước lượng dầu đá phiến là khoảng 345 tỉ thùng ở khoảng 42 nước, tương đương 10% toàn bộ nguồn cung dầu thô toàn cầu, đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu trong cả một thập niên.
Theo EIA, Nga và Mỹ là nơi có các nguồn mỏ dầu đá phiến lớn nhất, tương đương 75 tỉ và 58 tỉ thùng theo thứ tự; kế đó là Trung Quốc, Argentina và Lybia. Danh sách 10 nước hàng đầu có nguồn dầu đá phiến có thể tái tạo lớn nhất còn có Úc, Venezuela, Mexico, Pakistan và Canada.
Tuy nhiên, dự báo hay những con số về trữ lượng dầu, rốt cuộc vẫn là dự báo, đôi khi thật cách xa so với những gì xảy ra trong thực tế như đã thấy. Thế nên thế cân bằng các nguồn lực sản xuất dầu, và giá dầu, sẽ vẫn hứa hẹn nhiều diễn biến bất ngờ.
TBKTSG
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Phía Zelensky đã nêu ra các điều kiện để đàm phán với Putin
- Ukraina đã tiết lộ "Kế hoạch B" trong trường hợp chấm dứt vận chuyển khí
- Ukraina đã chế tạo được vũ khí điện từ
Trả lời