Các lâu đài chính của người Carpathians Ukraina

Vùng đất Transcarpathia đã được lập nên từ thời Đế chế La Mã. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu như quận nào cũng có những di tích kiến trúc độc đáo. Các pháo đài – lâu đài của Transcarpathia rất đa dạng và đều có lịch sử và truyền thuyết riêng. Toàn bộ các pháo đài phòng thủ trải dài dọc theo sườn của Dãy núi Carpathian. Nổi tiếng nhất trong số đó là: Mukachevo Palanok, St. Miklos và lâu đài của Bá tước Schönborn. Kỳ nghỉ lần này nhóm mình đã đến được cả 3 pháo đài – lâu đài này và thăm thành phố Mukachevo và Uzhgorod.

  1. Pháo đài Mukachevo “Palanok” bất khả xâm phạm.

Pháo đài Pananok giống như bất kỳ pháo đài thời trung cổ nào, và nó thực sự rất giống pháo đài  Alcazar ở Segovia (Tây Ban Nha).

Theo lịch sử, pháo đài có từ thế kỷ thứ 11. Sau đó, pháo đài với toàn bộ lãnh thổ xung quanh thuộc quyền sở hữu của Vương quốc Hungary, từ đó, việc xây dựng lại đầu tiên đã được thực hiện và xây dựng thêm các tháp. Trong khoảng thời gian thế kỷ 13-14, pháo đài Pananok đã được chuyển giao cho quyền sở hữu của hoàng tử Podolsky- Fyodor Koriatovich. Ông đã đóng góp rất lớn vào việc củng cố pháo đài và tái thiết kỹ lưỡng nó.

“Palanok” là một trong năm pháo đài quân sự mạnh nhất ở châu Âu. Pháo đài được tạo ra trên ngọn núi lửa đã tắt cao gần 70 mét. Pháo đài Mukachevo “Palanok” nổi bật lên phía trên thành phố với sự hùng vĩ đến mức khó tin là con người đã  xây dựng nên nó.

Pháo đài có tên “Palanok” bắt nguồn từ tên gọi của những chiếc cọc gỗ sồi được dựng lên vào giữa thế kỷ 17. Đó là một tuyến phòng thủ đầu tiên dưới chân núi, nơi những người hầu sống, những người làm công việc gia đình, dọn dẹp chuồng trại… Tiếp sau đó là con hào rộng 17,5 m và sâu 6,5 m, chứa đầy nước. Pháo đài có diện tích gần 14.000 m 2 và có nhiều cấp độ bảo vệ. Pháo đài bao gồm 3 phần (Hạ, Trung và Thượng), xếp tầng cao dần, nếu cần thiết, có thể nhanh chóng cách ly với nhau và tiếp tục phòng thủ. Tất cả điều này đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực của những vị khách không mời mà đến.

Thành Hạ là nơi đầu tiên để vào pháo đài, nơi có chức năng phòng ngự chính. Một cây cầu gỗ bắc qua một con hào khô dẫn vào thành. Trong trường hợp bị tấn công, cây cầu sẽ được nhấc lên và các cánh cổng đóng chặt.

Việc thay thế các công sự gỗ thành làm bằng đá, cũng như việc đục một cái giếng trong đá sâu 85 mét trong sân của Lâu đài Thượng, được thực hiện bởi Hoàng tử Fyodor Koryatovich, và biến pháo đài thành nơi ở của mình. Ông có 7 người con.

Fyodor Koryatovich (tên khác là Teodor Koryatovich) là con trai của Đại công tước của Litva. Ông đã bị thua trận vào năm 1393 , bị bắt và sau đó bị giam giữ một thời gian trong ngục ở thành phố Vilnius. Rồi nhờ có những người hầu trung thành, ông đã trốn thoát được, sau đó quyết định đến Hungary với đồng minh cũ và người họ hàng của mình. Sau đó, vào năm 1396, ông được giao quyền thống trị vùng Mukachevo. Kể từ thời điểm đó, Mukachevo bắt đầu thực sự trở thành một trung tâm ảnh hưởng chính trị, tôn giáo và thương mại trong khu vực.

Là một nhà cai trị thông minh, Fyodor Koryatovich đã hoàn toàn xây dựng lại pháo đài, phù hợp với xu hướng mới của châu Âu trong nghệ thuật xây dựng pháo đài. Kể từ năm 1401, những bức tường, tháp và khu sinh hoạt mới đã xuất hiện trong pháo đài, chúng được kết nối với nhau bằng một hệ thống lối đi phức tạp, trong số đó được gọi là “hành lang tử thần” được bảo tồn cho đến ngày nay. Nó là một lối đi khá dài dẫn đến Pháo đài Thượng (tuyến phòng thủ cuối cùng), trên trần lối đi có nhiều lỗ nhỏ. Khi binh lính địch xông vào hành lang này, họ sẽ cho chặn lối vào và lối ra bằng những cửa sắt, và một cơn mưa chì, hắc ín nóng thực sự bất ngờ tràn xuống quân địch.  

Để phòng trường hợp lâu đài bị bao vây lâu dài, hoàng tử đã ra lệnh cho đục một cái giếng trong đá để cung cấp nước cho những người bảo vệ pháo đài. Cấu trúc thủy lực tuyệt vời này vào thời điểm đó đã được bảo tồn nguyên bản cho đến ngày nay. Độ sâu của giếng đạt 85 mét, với đường kính to nhất là 2,5 mét. Một cầu thang xoắn ốc có chiều rộng một mét rưỡi với 24 bậc được khoét sâu vào tường đến độ sâu 71 mét, và gần như ở dưới cùng có hai bể chứa nước dự phòng. Nước từ giếng được nâng lên bằng cách sử dụng một cổng với hai cái xô – khi một trong hai cái xô lên thì cái kia đi xuống. Tóm lại, đó là một điều kỳ diệu của công nghệ lúc bấy giờ…(Ngày nay, giếng này đã khô cạn).

Sau khi hoàn thành việc xây dựng lại lâu đài, Fyodor Koryatovich cũng bổ sung vào kho vũ khí của mình  70 thùng bột thuốc súng và 164 khẩu súng với nhiều cỡ nòng khác nhau. Vì vậy, đến đầu thế kỷ 15, lâu đài Mukachevo đã biến thành một pháo đài chiến lược – quân sự hùng mạnh ở biên giới phía đông bắc của Vương quốc Hungary.

Nhưng anh hùng của chúng ta không chỉ tham gia vào các cuộc chiến tranh, bởi vì nhiều chủ trương của ông gắn liền với công tác văn hóa và giáo dục ở trong vùng. Vào thế kỷ thứ XIV, một tu viện Thánh Nicholas khá lớn vào thời điểm đó đã mọc lên ở đây, và Hoàng tử Koryatovich, cùng với vợ là Olga đã nỗ lực rất nhiều để củng cố nó và đã tạo ra một hòn đảo của Chính thống giáo, ở giữa các khu vực Công giáo xung quanh Mukachevo. Ngoài ra, một trường học hoạt động ở đây, duy trì mối quan hệ với các trung tâm Chính thống giáo vùng Balkan và Đông Âu. Ông thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp và buôn bán trong vùng.

Hoàng tử Fyodor Koryatovich đã sống một cuộc đời dài và thú vị với nhiều biến cố sóng gió. Ông qua đời vào năm 1414 khi tuổi đã cao, để lại lâu đài Mukachevo cho vợ ông – Công chúa Olga. Bà đã mất vào năm 1418, và sau đó, pháo đài hùng mạnh một lần nữa trở về là tài sản của vua Hungary.

Nhiều thế kỷ trôi qua, những người cai trị thay đổi, nhưng cho đến ngày nay tên tuổi của Hoàng tử Fyodor Koryatovich vẫn không bị người Transcarpathians lãng quên. Tại một trong những sân của lâu đài Mukachevo, một bức tượng đồng của Hoàng tử đứng trên bệ trong nhiều năm. Trong tay phải của mình, Hoàng tử Fyodor Koryatovich nắm một cuộn giấy da, và ngón trỏ của tay trái duỗi thẳng hướng xuống, như thể nói với con cháu rằng chính tại đây, trên trái đất này, rằng ông đã củng cố Chính thống giáo và phát triển nền văn hóa Slav. Và người ta nói rằng, nếu bạn có một điều ước thì hãy nắm lấy ngón tay trỏ của hoàng tử Fyodor Koryatovich, thì trong vòng một năm, điều đó chắc chắn sẽ trở thành sự thật.

Và pháo đài còn có một câu chuyện sống động khác về người đẹp dũng cảm Ilona Zrini.

Từ năm 1629 đến năm 1711, pháo đài thuộc sở hữu của gia đình Rákóczi của các hoàng tử Transylvanian- (chư hầu của Thổ Nhĩ Kỳ). Gjord I Rakoczi  đã biến pháo đài thành thủ đô của Công quốc của mình. Năm 1666, hoàng tử Ferenc I Rakoczi  cưới công chúa Croatia là Ilona Zrini và họ có 3 người con, 2 trai và 1 gái. Sau một cuộc đảo chính thất bại, Ferenc I Rakoczi bị bắt và được mẹ đẻ chuộc bằng tiền, sau đó không tham gia chính trường nữa và chết khi mới 31 tuổi. Pháo đài Mukachevo được chuyển giao cho góa phụ Ilona Zrini.

Bị rơi vào vòng xoáy của những âm mưu chính trị gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng chống lại ách thống trị của Áo. Sau khi chồng mất, bà đã kết hôn với một thủ lĩnh khác của phong trào chống Áo – Bá tước Imre Tököli người Hungary (nhỏ hơn cô 14 tuổi), và tiếp tục chiến đấu cùng với anh ta. Không lâu sau, Imre Tököli bị bắt và nhốt trong ngục của Thổ Nhĩ Kỳ. Ilona Zrini một mình cùng các con phải chống lại đội quân Áo. Cuộc vây hãm kéo dài gần 3 năm (1685-1688). Công chúa Ilona Zrini đã đứng đầu chỉ huy một đội đồn trú gồm hai nghìn rưỡi binh lính được trang bị tốt đẩy lùi mọi cuộc tấn công của kẻ thù. Trong khi toàn bộ Hungary đã đầu hàng nhà Habsburgs -Áo, thì tin về nữ anh hùng kiên cường bảo vệ thành Mukachevo đã làm chấn động cả châu Âu. Sultan Mehmed IV của Thổ Nhĩ Kỳ đã tặng Huân chương dũng cảm cho công chúa, đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ trao Huân chương này cho một phụ nữ.

Năm 1687, tướng Áo Antonio Caraffa bắt đầu một cuộc bao vây Lâu đài Mukachevo lần thứ ba, kéo dài gần một năm. Đến thời điểm cuối năm, tình hình của những người bảo vệ lâu đài trở nên nguy kịch: hàng trong kho cạn kiệt, sự trợ giúp từ bên ngoài không thể đến được. Khi biết không thể kháng cự thêm nữa, Ilona Zrini đồng ý đàm phán và ngày 15 tháng 1 năm 1688 đã ký đầu hàng. Cùng với các con, công chúa được đưa đến Vienna và được đưa vào tu viện Ursuline, còn con trai của bà được gửi đến một trường cao đẳng Dòng Tên ở Cộng hòa Séc.

Năm 1692, Ilona Zrini được trao đổi tù binh với Tướng Siegbert Geister của Áo, và cô đến với chồng mình là Imre Tekeli ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bà sống lưu vong ở đây và qua đời ngày 18 táng 2 năm 1703. Vài tháng sau, con trai bà – Hoàng tử Ferenc II Rakoczi lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng của Hungary chống lại người Áo. Nhưng cuộc chiến thất bại, và một lẫn nữa, pháo đài lại thuộc về Vương quốc Áo. Tro cốt của Ilona Zrini và Ferenc II Rakoczi hiện được đặt trong Nhà thờ Thánh Elizabeth ở Slovakia.

Dần dần, pháo đài mất đi tầm quan trọng về mặt quân sự và vào năm 1782, theo sắc lệnh của  Hoàng đế Joseph II,   pháo đài trở thành nhà tù chính trị nhà nước trong khoảng hơn 100 năm, và bây giờ pháo đài là một viện bảo tàng.

Trong pháo đài, bạn có thể nhìn thấy “hành lang tử thần” và phòng tra tấn, các phát hiện khảo cổ và di tích dân tộc học, một bộ sưu tập độc đáo của các biểu tượng, bức tranh cổ và hiện đại trong các sảnh bảo tàng. Trong pháo đài còn có hình ảnh của Fyodor Koryatovich và Ilona Zrini cùng với con trai của họ là Ferenc II Rakoczi, được thể hiện bằng đồng, và một tác phẩm điêu khắc dài hai mét một con gà tây trên một cột hùng vĩ – một loài chim thần thoại thiêng liêng đối với người Hungary.

Lịch sử của lâu đài và thành phố được phản ánh qua tên các đường phố của Mukachevo – Ilona Zrini, Bá tước Shenborn, Kurutsev.

2. Pháo đài Saint Miklos – (Чинадиевский замок)

U ám, nhưng quyến rũ, đổ nát nhưng vẫn giữ được chủ nghĩa lãng mạn của thời Trung cổ. Đây là một di tích vô giá của kiến ​​trúc thời trung cổ xa xưa vẫn hiện diện trong thời đại chúng ta. Nó được xây dựng vào giữa thế kỷ 14, dưới thời Nam tước Pereni (người Hungary) và hoàn thành vào cuối cùng thế kỷ đó. Như vậy, ngày nay pháo đài Chinadievskaya đã hơn 600 năm tuổi!

Ý tưởng xây dựng một pháo đài cho Nam tước Pereni và người dân địa phương là bởi sự cần thiết để bảo vệ khỏi những kẻ luôn nhăm nhe chinh phục vùng này. Cái tên Saint Miklos là tên Hungary cổ của thị trấn và gắn liền với tên của Thánh Nicholas

Về hình dáng, pháo đài Saint Miklos có hai tầng giống như một chữ “P” rộng, những bức tường đồ sộ dày hơn một mét. Nhiều lỗ hổng dưới mái nhà dọc theo toàn bộ chu vi của tòa nhà và hai tòa tháp ba tầng ở góc nhấn mạnh tính chất phòng thủ của cấu trúc. Thêm vào đó là những tầng hầm và những lối đi bí mật… Sự bảo vệ được bổ sung thêm bởi các thành lũy bằng đất, hàng rào và mương tồn tại ở các thời kỳ khác nhau (đã không tồn tại cho đến ngày nay), cũng như khu vườn tráng lệ bao quanh lâu đài, được thành lập bởi Ferenc Bashind vào năm 1749.

 Từ năm 1703 đến năm 1711, Saint Miklos đã đóng vai trò trong cuộc chiến tranh giải phóng Hungary chống lại Vương quốc Áo do con trai của công chúa Ilona Zrini – Hoàng tử Ferenc II Rakoczi lãnh đạo.

Pháo đài Saint Miklos được nhiều thế hệ nhớ đến bởi câu chuyện tình trường tồn qua nhiều thế kỷ. Chính tại đây vào ngày 8 tháng 1 năm 1682, Nữ công tước Ilona Zrini đã gặp Bá tước Imre Tekeli, một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi dậy chống Áo. Cuộc gặp gỡ đã được lên kế hoạch như một cuộc đàm phán chính trị. Công chúa cần phải thuyết phục thủ lĩnh phiến quân từ bỏ vũ khí. Nhưng khi Tekeli bước vào phòng tiếp tân của Nữ bá tước, chỉ còn là một người đàn ông và một phụ nữ gặp nhau. Và tình yêu này đã thay đổi không chỉ cuộc sống cá nhân của họ, mà còn thay đổi cuộc sống của cả đất nước và có lẽ là cả Đông Âu. Căn phòng nơi họ gặp nhau cho đến ngày nay vẫn giữ được những rung động mà mọi người cảm nhận được khi bước vào lâu đài. Họ biết rằng họ đã đến lâu đài tình yêu, nơi sống và hân hoan.

Tình yêu của nàng công chúa quyến rũ dành cho thủ lĩnh trẻ tuổi của quân nổi dậy Kuruz đã trở thành sự kiện được tất cả giới quý tộc Tây Âu lúc bấy giờ theo dõi sát sao. Khi đến thăm pháo đài, bạn chắc chắn sẽ được cho biết: ở Mukachevo Ilona Zrini đã chiến đấu, và ở Saint Miklos đã được yêu đương.

Bây giờ, chủ sở hữu pháo đài là một họa sỹ nổi tiếng gốc Lithuania với tâm hồn Ukraina. Năm 2002, Joseph Bartosz và vợ đã yêu nơi này và thuê lâu đài gần như đã đổ nát, và tu sửa thành một phòng trưng bày các tác phẩm của Joseph Bartosz… Joseph Bartosz và vợ của ông, đã giúp quảng bá địa danh lịch sử và kiến ​​trúc này để cứu pháo đài khỏi sự phá hủy hoàn toàn. Họ đã kêu gọi sự hỗ trợ của các thợ xây dựng địa phương để cố gắng phục chế các tường, trần  và các phòng trong pháo đài. Họ tổ chức Hôn lễ trong pháo đài, nơi các cặp tình nhân tỏ tình với nhau. Họ cũng lên kế hoạch để khôi phục lại phòng ngủ của nữ bá tước Zrigny, để các cặp đôi mới cưới có thể trải qua đêm tân hôn đầu tiên của họ tại nơi này. Ngoài ra, vào tháng 5 hàng năm, pháo đài Chinadiyevsky “St. Miklos” tổ chức một lễ hội văn hóa thời Trung cổ được gọi là “Silver Tatosh”. Trên tầng đầu tiên được tân trang lại của pháo đài St. Miklos, sáu phòng và đại sảnh trưng bày các nền văn hóa Celtic và Scythia, cũng như chân dung của tất cả chủ nhân của pháo đài này.

Khi đến đây, chúng tôi thấy rằng, công việc tu sửa vẫn còn phải làm rất nhiều, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Trần Kim Thanh – Odessa – sưu tầm và biên soạn.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề