Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới ((WB), hiện Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách môi trường kinh doanh nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với 5 biện pháp, tiếp sau là Trung Quốc và Indonesia.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố trong báo cáo môi trường kinh doanh 2016 khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Nghiên cứu này của WB xếp hạng các quốc gia dựa trên 11 tiêu chí như mức độ dễ dàng để bắt đầu khởi nghiệp, hành trình xin giấy phép, tìm nguồn cung và nhận các dịch vụ thiết yếu (điện, nước,..), đăng ký sở hữu tài sản, giao dịch xuyên quốc gia, hợp đồng lao động…
Báo cáo của WB cho biết, Singapore tiếp tục duy trì vị trí thứ nhất trong 10 năm liền, là quốc gia dễ dàng nhất để hoạt động kinh doanh. New Zealand được xếp thứ hai, tiếp theo là Đan Mạch, Hàn Quốc, Hồng Kông, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan.
Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 90 trong tổng số 189 quốc gia được xếp hạng. Eritrea là quốc gia tồi tệ nhất xếp hạng, sau Libya, Nam Sudan và Venezuela.
Về cải cách hành chính tạo thuận lợi hóa kinh doanh cho doanh nghiệp, báo cáo WB cũng chỉ rõ, có 13 trong số 25 nền kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (52%) đã thực hiện ít nhất một biện pháp cải cách thuận lợi hóa kinh doanh năm vừa qua. Tổng số các biện pháp cải cách đã thực hiện cao hơn năm trước đó với 27 biện pháp.
Theo đó, khởi nghiệp đã được thực hiện nhiều nhất với 8 biện pháp, đóng thuế 6 biện pháp. Không có biện pháp cải cách nào được thực hiện trên lĩnh vực Cấp phép xây dựng, Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, và Thực thi hợp đồng.
Báo cáo cũng chỉ rõ, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách nhất trong khu vực với 5 biện pháp, sau đó là Đặc khu hành chính Hồng Công, Trung Quốc 4 biện pháp và Indonesia là 3 biện pháp.
Cũng theo báo cáo của WB, Việt Nam đã thực hiện thuận lợi hóa khởi nghiệp bằng cách giảm thời gian xin cấp và khắc con dấu. Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện cải cách nhằm đảm bảo cho người vay có thể kiểm tra được thông tin tín dụng của mình, và thành lập thêm văn phòng tín dụng mới để mở rộng diện cho vay. Nhờ đó diện đối tượng vay vốn đã được mở rộng tương đương một số nước thu nhập cao, và các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có quá trình trả nợ tốt sẽ dễ vay vốn hơn do các tổ chức tín dụng dễ xác minh độ khả tín của họ hơn.
Cùng với đó, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc cũng tăng cường tiếp cận tín dụng nhờ triển khai một hệ thống đăng kí tài sản thế chấp hiện đại. Khởi nghiệp cũng dễ dàng hơn do các đòi hỏi về làm con dấu doanh nghiệp đã bị xóa bỏ.
Chia sẻ về báo cáo này, bà Rita Ramalho, cán bộ quản lí dự án môi trường kinh doanh của WB cho biết, giới doanh nhân khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến hàng loạt các cuộc cải cách diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ giảm rào cản đối với doanh nghiệp mới tới giảm nhẹ gánh nặng tuân thủ thuế và hoàn thiện thị trường tín dụng và tiếp cận dịch vụ cung cấp điện.
Bằng chứng, Myanmar đã đạt tiến bộ cao nhất thế giới về khởi nghiệp thông qua xóa bỏ đòi hỏi về vốn tối thiểu, hợp lí hóa các thủ tục đăng kí doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong nước.
Brunei Darussalam, Cam-pu-chia, Mông Cổ, Myanmar, và Vanuatu, mỗi nước đều thực hiện 2 biện pháp cải cách trong năm vừa qua. Campuchia là một trong 2 nền kinh tế trên thế giới đã tăng cường độ tin cậy về cấp điện nhờ tăng công suất cấp phát điện.
Riêng Trung Quốc đã cải thiện môi trường pháp quy nhờ thực hiện cải cách tại Thượng Hải và trong lĩnh vực đóng thuế.
Trí Lê (Theo VNMEDIA)
- Cuộc bầu cử Quốc hội Ukraina - cơn sóng thần xóa sổ thể chế chính trị già cũ
- Ba kịch bản...tiếp theo và hết
- Ba kịch bản. Điều gì sẽ đến với đất nước Ukraina dưới thời của tổng thống Zelenski
- Dân và Nhà nước: Ai lo cho ai nhiều hơn?
- Người nước ngoài hưởng chiếc bánh TPP của Việt Nam?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh 'dốc ruột' trước Đại hội
Trả lời