Chủ nghĩa Putinism- đó là thứ lâu dài và khó tiêu

Trợ lý tổng thống Nga Vladislav Surkov* đã viết một bài viết dài cho tờ Независимая Газета (Nezavisimaya Gazeta) có tựa đề là “Nhà nước Putin – nhà nước lâu dài của cả trăm năm”. Trong đó, chủ nhân của học thuyết “Dân chủ có giới hạn” điện Kremlin khẳng định rằng, dân chủ là nguy hiểm đối với nước Nga và nhà nước Putin có sứ mệnh: truyền bá chủ nghĩa Putinism và hệ thống cai trị quân sự-cảnh sát của mình ra toàn thế giới.
Báo liga.net giới thiệu nội dung chính của bài báo:

1/ BAN ĐẦU LÀ DO ẢO TƯỞNG VỀ SỰ LỰA CHỌN. VÌ THẾ NÊN NƯỚC NGA SỤP ĐỔ
“Ảo tưởng về sự lựa chọn là ảo tưởng quan trọng nhất trong các loại ảo tưởng, là thủ đoạn lừa dối cao thủ của lối sống và nền dân chủ phương Tây. Việc từ chối ảo tưởng này đã đưa xã hội chúng ta đến chỗ mất hẵn nhu cầu tranh luận về đề tài: dân chủ là như thế nào, và về nguyên tắc, nước Nga có cần nền dân chủ hay không”.

2/ VÀ SAU ĐÓ THÌ SỰ SỤP ĐỔ BỊ CHẶN ĐỨNG
“Sự sụp đổ của nước Nga, cứ cho là muộn màng, nhưng đã được chặn đứng. Sau sự sụp đổ từ cấp Liên Xô xuống còn đến cấp LB Nga, nước Nga đã ngăn chặn được sự sụp đổ tiếp theo, bắt đầu phục hồi và trở lại trạng thái tự nhiên và duy nhất có thể của một cộng đồng các dân tộc – cộng đồng vĩ đại, càng ngày càng gia tăng và thu nạp thêm đất đai lãnh thổ.”

3/ BỞI VÌ XUẤT HIỆN PUTIN
“Lịch sử Nga được biết đến với bốn mô hình chính của nhà nước, có thể được gọi một cách nôm na theo tên của những người sáng lập ra chúng: nhà nước của Ivan Đệ tam (đại công quốc/sa quốc Moscow và toàn Nga, tk XV-XVII);
nhà nước của Peter Đại đế (Đế quốc Nga, thế kỷ XVIII – XIX); nhà nước Lênin (Liên Xô, thế kỷ XX); Nhà nước Putin (Liên bang Nga, thế kỷ XXI). Những bộ máy chính trị lớn này, tự thay thế nhau, tự sửa chữa và tự thích nghi trong quá trình phát triển, thế kỷ này qua thế kỷ khác đã đảm bảo cho thế giới Nga một chuyển động đi lên.”

4/ VÀ PUTIN LÀ LÂU DÀI, CẢ TRĂM NĂM
“Guồng máy chính trị vĩ đại của Putin mới bắt đầu vào ga, sẽ hoạt động hướng tới một chế độ làm việc dài lâu, khó khăn nhưng thú vị. Thời điểm đạt tốc độ cực đại hãy còn xa ở phía trước, do đó, sau nhiều năm, nước Nga vẫn sẽ là nhà nước Putin.”

5/ KHI MÀ “TƯƠNG LAI SÁNG LẠN” CHƯA XUẤT HIỆN
Cần phải mô tả hệ thống cai trị của Putin, toàn bộ hệ thống ý tưởng và ý đồ của chủ nghĩa Putinism như là một hệ tư tưởng của tương lai. Đích thị là cho tương lai… Nhưng điều này cần được thực hiện cho tất cả những người không phải là Putin, nhưng muốn được như ông. Cho khả năng phát sóng các phương pháp và cách tiếp cận của ông ấy trong tương lai tới. ”

6/ THÌ PUTINISM CÒN ĐƯỢC TRUYỀN BÁ TRÊN KHẮP THẾ GIỚI
“Hệ thống chính trị được sản sinh ra ở Nga thích hợp không chỉ riêng cho tương lai quê nhà, rõ ràng nó có tiềm năng xuất khẩu đáng kể. Nhu cầu về nó hoặc nhu cầu về các thành phần riêng lẻ của hệ thống này hiện đang cần, kinh nghiệm của nó đang được nghiên cứu và áp dụng một phần, người ta đang làm theo ở nhiều quốc gia”

7/ ĐỂ NHỒI NHÉT VÀO ĐẦU TẤT CẢ NHỮNG AI CHƯA ĐƯỢC NHỒI NHÉT
“Các chính trị gia nước ngoài gán cho Nga là can thiệp vào các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý trên tất cả hành tinh. Trên thực tế, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế – Nga can thiệp vào não bộ của họ và họ không biết phải làm gì với những cái ý thức đã bị đổi thay của chính mình. Đất nước… đã chuyển sang một cuộc phản công thông tin chống phương Tây.”

8/ DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG – LÀ MUA CHUỘC VÀ KHỐN NẠN
“Đằng sau các định chế dân chủ được trưng bày ra bên ngoài cho quảng cáo là một hệ thống tổ chức mạng lưới cứng nhắc, hoàn toàn phi dân chủ. Hệ thống này về thực chất là hệ thống quyền lực của các cơ cấu công lực. Cơ chế, trên thực tế, hoạt động thông qua bạo lực, hối lộ và thao túng.” “Khi chung quanh chỉ có toàn bọn khốn nạn, bạn buộc phải sử dụng bọn khốn nạn để khống chế bọn khốn nạn.”

9/ CHO NÊN Ở PHƯƠNG TÂY NGƯỜI TA MUỐN SỐNG NHƯ Ở NGA
“Người Tây phương bắt đầu quay đầu nhằm tìm kiếm các mô hình và cách thức tồn tại khác. Và họ nhìn thấy nước Nga. ”

10/ NƯỚC NGA QUÁI THAI, NHƯNG MỌI THỨ ĐỀU THỂ HIỆN RA BÊN NGOÀI, AI CŨNG CÓ THỂ NHÌN THẤY
“Hệ thống của chúng ta xem ra, tất nhiên là không thanh lịch hơn, nhưng nó trung thực hơn… Nhà nước ở chúng ta đang được xây dựng như một thể thống nhất hoàn toàn, với tất cả các bộ phận và các biểu hiện ra bên ngoài. Những cấu trúc tàn bạo nhất của cái khung nhà bạo lực của nhà nước này chạy thẳng dọc theo mặt tiền, không bị che phủ bởi bất kỳ sự thừa thãi kiến trúc nào.”

11/ VÀ CHIẾN TRANH – AI CŨNG CÓ THỂ HIỂN THỊ
“Sự căng thẳng của nội tình bên trong đất nước cao, liên quan đến việc duy trì các không gian không đồng nhất rộng lớn, và sự hiện diện thường xuyên trong chảo lửa của cuộc chiến địa chính trị làm cho các chức năng cảnh sát-quân sự trở nên thiết yếu và quyết định. Theo truyền thống, người Nga không che giấu những chức năng đó, mà ngược lại, họ chỉ cho cả thế giới nhìn thấy, bởi vì nước Nga hầu như không bao giờ bị cai trị bởi các thương nhân… Chẳng có ai để mà che giấu sự thật bằng ảo ảnh, ngại ngùng lẫn sang một bên và giấu cho thật kín cái chức năng của bất kỳ nhà nước nào – là công cụ bảo vệ và tấn công.”

12/ VÀ Ở ĐẤY CÒN CÓ MỘT ĐẴNG CẤP THƯỜNG DÂN. HỌ SỐNG BẰNG CUỘC SỐNG KHÁC Ở ĐỘ SÂU CỦA RIÊNG MÌNH
“Giới tinh hoa tỏa sáng trên bề mặt bóng loáng, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác (xin cám ơn họ) lôi cuốn thường dân vào các hoạt động của mình: các cuộc họp đảng đoàn, các cuộc chiến tranh, các cuộc bầu cử, các cuộc thí nghiệm kinh tế. Thường dân tham gia, nhưng họ không xuất hiện trên bề mặt nổi, mà họ sống bằng cuộc sống khác ở một độ sâu của riêng mình.”

13/ KHÔNG AI NHÌN THẤY HỌ, NHƯNG HỌ TỒN TẠI
“Thường dân dưới tầng đáy họ luôn đủ trí thông minh và sự khôn khéo. Các cuộc điều tra thăm dò xã hội, tuyên truyền, đe dọa, các phương pháp nghiên cứu và tác động trực tiếp khác… đều không mang lại kết quả. Vào những thời đại khác nhau lúc thì họ được coi là nông dân, lúc là giai cấp vô sản, lúc được gọi là những người ngoài đảng, lúc là hipster, lúc là công nhân viên diện ngân sách. Người ta tìm kiếm họ, người ta thâm nhập vào họ… Đôi khi người ta phán quyết rằng, họ là một chủ thể được hư cấu ra, và trên thực tế không tồn tại.”

14/ KHÔNG CÓ AI, TẤT NHIÊN, NGOÀI PUTIN
“Khả năng nghe thấy và thấu hiểu nhân dân, nhìn thấu họ, nhìn thấu hết cả chiều sâu của các tầng lớp xã hội và từ đó có các hành động phù hợp – đó là tính ưu việt chính nhất, độc đáo nhất của nhà nước Putin. Nó là hợp lý nhất đối với người dân Nga, và do đó, nhà nước này không phải chịu đựng những trọng lượng quá tải mang tính huỷ diệt từ các dòng chảy lịch sử ngược chiều. Vì thế cho nên, nó hiệu quả và bền bỉ vĩnh cữu.”

15/ DÂN TIN PUTIN NHƯ TIN THIÊN CHÚA
“Trong hệ thống mới, tất cả các định chế đều phục vụ cho một nhiệm vụ cơ bản – sự giao tiếp và tương tác trên cơ sở chữ “Tín” của người cai trị tối cao với các công dân. Các nhánh khác nhau của chính quyền nhà nước chung quy hội tụ lại ở tính cách của người lãnh đạo.” “Xã hội chỉ tin tưởng người lãnh đạo số một. Sẽ là quá giản đơn nếu chỉ đưa chủ đề về mỗi một lòng tin vào một vị sa hoàng tốt tính. Thường dân dưới tầng sâu hoàn toàn không ngây thơ và chưa chắc đã coi bản chất tốt tính là ưu điểm của sa hoàng. Có lẽ là, họ nghĩ về sa hoàng của mình đúng như Einstein đã nói về Chúa: “Tinh vi, nhưng không độc hại.”

16/ VÀ TÓM LẠI
“Nước Nga… sẽ hành động theo cách riêng của mình, được nhận và giữ vững các vị trí trên bục của những người giành giải ở Ngoại hạng của cuộc chiến địa chính trị. Sớm hay muộn thì tất cả những kẻ đòi nước Nga phải thay đổi hành vi xử sự sẽ buộc phải chấp nhận.”

**********
*Vladislav Jurevich Surkov sinh năm 1964 tại CH Chechen-Igushetia. Bố là người Chechen từng tham gia chiến tranh Việt nam năm 1967 trong lực lượng GRU- Tình báo quân đội Liên xô. Tốt nghiệp trường MGIMO. Đã từng làm phó thủ tướng, phó chánh văn phòng tổng thống. Hiện là trợ lý của Putin về các vấn đề chiến luộc quốc gia, kiêm nhiệm các vấn đề về Donbass, Nam Yusetia và Abkhazia.

VĐT (theo tin tức Ukraina và Thế giới)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Chủ nghĩa Putinism- đó là thứ lâu dài và khó tiêu”:

  1. Cao Nam viết:

    Chủ nghĩa dân chủ Phương Tây không hoàn hảo, nó có nhiều vết lõm. Nhưng, đó là chủ nghĩa đỡ tệ nhất trong các cấu trúc mô hình quản trị xã hội của lịch sử loài người. Vấn đề là chủ nghĩa dân chủ chỉ thực sự phát huy và tỏa sáng khi: i, nhận thức của đa số người dân hiểu khá sâu của bản chất, triết lý về nó, thậm chí coi như một loại đức tin, bởi đề cao con người, và tự do cá nhân; ii, giới lập pháp phải thoát ly khỏi đảng phái, cần đề cao giá trị chung, lợi ích cộng đồng địa phương và lợi ích quốc gia; iii, giới tư pháp cũng cần vượt qua tư duy giai tầng xã hội, bè nhóm đảng phái, và đặt công tâm, bình đẳng, độc lập, minh bạch, công khai lên hàng đầu. Tuy nhiên, để thấu hiểu sâu sắc về giá trị dân chủ, về giá trị văn minh và mặt trái nảy sinh của nó không phải là dễ dàng. Cần thấy rằng, thành quả Phương Tây hiện nay không có trong một đêm, mà là quá trình hàng trăm năm đau đớn hoàn thiện. Đúng: một nửa sự thật là giả dối; một nửa khoa học là phi khoa học. Đây chính điểm rắc rối của mô hình này. Nó quá phức tạp trong từng triết lý đơn lẻ được tích hợp trong hằng sa số đan xen giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, giữa ổn định và phát triển, giữa bình yên và phát triển, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa quyền lực chính phủ và quyền tự do cá nhân, giữa cá nhân và tập thể của một tổng thế các tương tác xã hội. Trong khi đó, xu hướng hời hợt, không đi sâu vào triết lý của nó để nghiên cứu và thực thi quản trị xã hội lại thuộc về đa số các quốc gia thứ cấp theo đuổi mô hình này. Do vậy, không khó để nhận thức, các quốc gia thứ cấp theo mô hình dân chủ thường là thất bại khi lãnh đạo của họ không đủ kiên nhẫn theo đuổi hay lại ưa quyền lực – chủ nghĩa phản của chủ nghĩa dân chủ – để cai trị quốc gia. Đây chính là họ chưa đủ thấu triệt tính khoa học – nhân văn của chủ nghĩa dân chủ. Mặt khác, chính quyền dân chủ đương đại cũng đầy xảo trá, dẫn đến quan điểm đả phá chủ nghĩa dân chủ có cơ hội được lắng nghe. Trong một tiếp cận khác, chủ nghĩa dân chủ thế giới đã rất phát triển nhưng chưa thực sự trưởng thành. Ngay như Mỹ – đất nước dân chủ phát triển như vậy mà lập pháp, tư pháp chưa thoát ly khỏi đảng phái, người dân bầu Tổng thống cũng loanh quanh trong phạm vi ứng cử thuộc hai đảng quen thuộc. Điều này có thể bổ sung năng lượng cho các mô hình phi dân chủ. Nước Nga dưới thời Putin là một chủ thể điển hình của chủ nghĩa quyền lực. Hãy xem hiến pháp Nga được thay đổi ra sao, có phải theo hướng kéo dài quyền lực cá nhân? Chủ nghĩa tự tôn dân tộc có làm lu mớ chủ nghĩa dân chủ không, nhất là qua vụ khủng hoảng Crime. Do vậy, mô hình quản trị của nước Nga hiện nay không phải là chủ nghĩa dân chủ, và chắc chắn nó tệ hại hơn rất nhiều. Không cần chờ lâu, nó đang thất bại trong từng khắc thời gian trôi đi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề