Ngân hàng AIIB trước những thách thức

Ngày 29/6/2015, Trung Quốc triệu tập đại diện 57 nước thành viên sáng lập “Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á” (AIIB) để ký kết “Bản ghi nhớ” chuẩn bị đưa vào vận hành AIIB thời gian tới. Dư luận cho rằng AIIB đang đứng trước không ít thách thức.

Ngày 25/6/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ngày 29/6/2015 tại Bắc Kinh, đại diện của 57 nước thành viên sáng lập “Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á” (AIIB) sẽ để ký kết Văn kiện “Bản ghi nhớ” để chuẩn bị đưa AIIB vào vận hành.

Chủ trương thành lập AIIB lần đầu tiên được đưa ra vào ngày 3/10/2013 khi ông Tập Cận Bình thăm Indonexia. Trong buổi hội kiến với Tổng thống Indonexia Bambang Susilo, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra kiến nghị thành lập Ngân hàng của Châu Á. Tiếp đó, ngày 10/10/2013, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi dự “Hội nghị 10+1” ASEAN – Trung Quốc tiếp tục đưa ra kiến nghị này và được các nước ASEAN ủng hộ. Kể từ đó, công tác trù bị cho việc ra đời AIIB được tiến hành.

Sau hai năm khẩn trương làm việc. Có tới 57 nước chẳng những ở Châu Á mà rải khắp Châu Âu, Mỹ Latinh, châu Phi đã đăng kỳ tham gia kể cả các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Đức, Pháp, Italia… Riêng Mỹ và Nhật Bản vẫn từ chối.

Ngày 29/6/2015 tại Bắc Kinh, đại diện của 57 nước tới tham dự Lễ ký kết Văn kiện “Bản ghi nhớ” của AIIB. Theo chương trình, vốn pháp định của AIIB là 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 29,8 tỉ USD, nên quyền phát ngôn của Trung Quốc trong AIIB chiếm khoảng 25% – 30%. Tiếp đó là các nước Ấn Độ, Nga, Đức, Oxtraylia…Theo quy định mọi vấn đề trọng đại của AIIB phải được 75% số phiếu tán thành. Bắc Kinh có được một phiếu quyền phủ quyết.

Tổng thư ký lâm thời của AIIB là Kim Lập Quần cho biết: Phương châm chủ yếu của AIIB là “tinh cán, liêm khiết, mầu xanh”. Ông Kim Lập Quần giải thích: “Tinh cán” tức là làm việc đơn giản hóa nhưng hiệu quả cao. Mầu xanh là ưu tiên phát triển kinh tế xanh bền vững. AIIB sẽ hết sức tránh lặp lại tình trạng thao tác quạn liêu, rườm rà, chậm chạp trong kinh doanh nghiệp vụ hiện nay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Bởi vậy, AIIB sẽ xem xét việc giao nhiều quyền lực hơn cho các quan chức cấp cao trong việc phê chuẩn các khoản cho vay nhằm nâng cao hiệu quả quyết sách đồng thời cũng bảo lưu quyền phủ quyết cho Hội đồng quản trị. Ông cũng cho biết, các ủy viên Hội đồng quản trị sẽ không nhất thiết phải làm tại Trụ sở chính ở Bắc Kinh.

Bình luận về việc này, báo chí Hồng Công cho rằng AIIB dù vận hành theo cách nào, rõ ràng Trung Quốc muốn thông qua AIIB để tăng cường ảnh hưởng và quyền phát ngôn của mình trên thế giới. Như vậy, một cơ quan tiền tệ ngân hàng lấy Trung Quốc làm trung tâm liệu có lợi cho bản thân Trung Quốc?

Một số nhà phân tích cho rằng từ những thành viên sáng lập ra AIIB cho tới các thành viên tham gia sau này thì phạm vi dịch vụ của AIIB sẽ rất rộng lớn. Nó sẽ bao gồm toàn bộ lục địa châu Á kể cả những nước ở vùng sâu vùng xa, ngoài ra còn những nước ở Châu Âu các châu lục khác thì sao? Bởi vậy, Trung Quốc không thể và cũng không nên chỉ giới hạn và nhấn mạnh lợi ích riêng cho mình trong AIIB.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều nước phàn nàn về tình trạng không minh bạch, không rõ ràng của Trung Quốc khi viện trợ và cho vay đối với các nước thế giới thứ ba. Từ trước tới nay, Trung Quốc hầu như không xem xét, chú ý tới môi trường chính trị và xã hội của các nước nhận viện trợ và được vay tiền mà chỉ chú trọng nhiều hơn đối với việc mở rộng không gian lợi ích của mình trên thế giới thông qua công tác nhận thầu khoán và mở đường cho hàng hóa của Trung Quốc tràn vào các nước đó. Điều này khiến không ít nước phản cẩm và phản đối, nhất là một số nước ở Châu Phi.

Năm 2013, Trung Quốc bị tẩy chay ở Châu Phi cũng do những nguyên nhân trên. Ông Lamio Sanusi, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nigieria nói: “Cách làm thời gian qua của Trung Quốc ở Châu Phi hoàn toàn theo hình thức của chủ nghĩa đế quốc kiểu mới. Tại Zambia, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2011 phe đối lập chống Trung Quốc kịch liệt đã thắng cử vang vội. Chính vì vậy, AIIB phải xác lập và kiện toàn nguyên tắc quản lý và thực hiện độ minh bạch cao chứ không như nhiều cơ quan tiền tệ ngân hàng hiện nay ở Trung Quốc. Đây cũng là thách thức lớn đối với AIIB khi Trung Quốc chủ trì. Bản thân các quan chức Trung Quốc cần phải hiểu rõ điều này để không biến AIIB thành công cụ phục vụ cho lợi ích của bản thân cũng như là công cụ để mở rộng thế lực ảnh hưởng của mình.

Ngoài ra, dư luận thời gian qua cũng cho rằng việc thành lập AIIB rõ ràng là hành vi “phi Mỹ hóa” của Trung Quốc trong hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Bởi vậy, làm thế nào thúc đẩy AIIB vận hành một cách lành mạnh không bị ám ảnh bởi tư tưởng “phi Mỹ hóa” cũng là thách thức lớn đối với AIIB thời gian tới.

Ký kết văn bản “Ghi nhớ” hay khi đi vào vận hành, AIIB mới chỉ là bắt đầu một chặng đường dài đầy gian nan. Thời gian tới AIIB có đơm hoa kết trái tới đâu và liệu có đạt được mục đích đã dự định hay không thì còn phải chờ xem./.

Trí Lê (Theo Tầm Nhìn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề