Trung Quốc ngày càng lộ rõ bộ mặt của kẻ giang hồ

Trung Quốc đang ngày càng lộ rõ bộ mặt “giang hồ” của họ, bởi chỉ có những kẻ giang hồ mới hành xử theo cái thứ luật riêng của họ mà bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận xã hội.

Những phát ngôn của Bắc Kinh trong vụ Hải quân Mỹ đưa khu trục hạm USS Curtis (DDG 54) tiến vào và di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 30/1/2016 theo thủ tục “đi qua vô hại”, nhằm thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy lối hành xử “giang hồ” của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng tuyên bố: “Tàu chiến nước ngoài tiến vào (cái gọi là) lãnh hải Trung Quốc, bắt buộc phải có sự phê chuẩn của chính phủ Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ đã vi phạm các quy định của pháp luật Trung Quốc, tự ý tiến vào lãnh hải Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp giám sát, phản đối bằng loa phát thanh… theo quy định”.

Còn Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thì vênh vang cho hay quân đội nước này đã cảnh báo và xua đuổi tàu khu trục của Mỹ khi nó tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn.

Khoan hãy bàn về chuyện Trung Quốc có thực đã cảnh báo và xua đuổi khu trục hạm USS Curtis của Mỹ như lời Bắc Kinh nói hay không, vì dù sao cũng chưa thể kiểm chứng thông báo của Mỹ rằng, không có tàu chiến của quân đội Trung Quốc trong khu vực khi tàu khu trục của Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra.

Tuy nhiên, qua lời lẽ của Bắc Kinh, có thể thấy họ chẳng coi “quyền tự do hàng hải” hay “quyền đi qua vô hại” trong lãnh hải được quy định trong Điều 17, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ra gì.

Phản ứng của Bắc Kinh trong sự kiện USS Curtis cũng tương tự như cách họ đã nói, đã làm trong vụ khu trục hạm USS Lassen của Hải quân Mỹ thực thi tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của bãi Đá Su Bi, thuộc quần đảo Trường Sa; hay như các vụ đe dọa các máy bay của Australia, Philippines hồi năm ngoái ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Có thể hình dung kiểu đáp trả của Trung Quốc chẳng khác gì kiểu một tên giang hồ đang chiếm cứ một phương, tưởng bầu trời này, mặt đất này, mặt biển này là của riêng hắn, hắn muốn làm gì thì làm, hắn cho ai qua mới được qua, bỗng một ngày bị một kẻ từ nơi khác tới “thách thức” sự chiếm đóng của mình, liền giãy nảy lên và hăm dọa đòi xử kẻ thách thức theo “luật” của riêng hắn.

Trong khi đó, bản thân Trung Quốc lại là kẻ chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển từ tay người khác bằng vũ lực, bằng thủ đoạn. Và những sự thật này, cả thế giới đều biết, cho dù Trung Quốc muốn phủ nhận, chối bỏ cũng không được.

Trung Quốc vẫn khơi khơi nói họ có cái gọi là “chủ quyền” với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho nên họ làm gì ở trên các đảo, rạn san hô hữu quan ở 2 quần đảo này cũng là hoàn toàn chính đáng, từ việc nạo vét đất, cát bồi đắp, xây đảo nhân tạo đến ngăn cản, hăm dọa tàu thuyền, máy bay, bất kể dân sự, quân sự của các nước khác hoạt động trong những khu vực này.

Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc đến nay vẫn không thể đưa ra bất cứ bằng chứng lịch sử, cũng như tài liệu pháp lý nào được công nhận để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nếu không muốn nói là Bắc Kinh còn đang “cứng họng” trước những chứng cứ hoàn toàn chống lại luận điệu của họ.

Cơ sở mà Bắc Kinh luôn trưng ra để yêu sách đòi chủ quyền với gần 2/3 diện tích Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”). Mà tấm bản đồ này thì từ giới học giả cho đến chính phủ các nước trên thế giới đều cho rằng nó thiếu một cơ sở chắc chắn về khía cạnh luật pháp. Nguồn gốc và ý nghĩa của “đường lưỡi bò” hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cho đến nay cũng không thống nhất được một giải thích hợp lý nào.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa.

Lịch sử thì còn xa xôi, nhưng những thủ đoạn và hành động đê hèn, tàn bạo mà Trung Quốc đã làm để có được quyền kiểm soát với quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam như bây giờ thì rất gần và không khó để kiểm chứng: nhân chứng vẫn còn, vật chứng vẫn còn, hình ảnh và thậm chí cả video vẫn còn đó. Chỉ cần vào Internet, gõ “Hải chiến Trường Sa”, sẽ thấy video và vô số hình ảnh quân đội Trung Quốc xâm lược, tàn sát đẫm máu các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang canh giữ chủ quyền Tổ quốc ở bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. Những hình ảnh về việc Trung Quốc lợi dụng tình hình Việt Nam đang gấp rút thống nhất đất nước, cho tàu chiến đánh cướp trắng trợn phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 cũng không gì có thể xóa bỏ được trong các kho lưu trữ vô tận trên Internet.

Rõ là Trung Quốc đã “vừa ăn cắp” lại “vừa la làng”.

Bộ mặt của kẻ giang hồ cơ hội của Trung Quốc còn bộc lộ rõ qua cách hành xử của Bắc Kinh trong vụ kiện của Philippines.

Trung Quốc hiện thời cũng không dám “ló mặt” tham dự các phiên tòa xử vụ kiện liên quan đến tranh chấp Biển Đông mà Philippines đã khởi kiện lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye từ năm 2013.

Không những vậy, Bắc Kinh còn cáo buộc Philippines đã “lạm dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để cưỡng chế cơ chế giải quyết tranh chấp, đơn phương đưa ra và cố ý thúc đẩy trọng tài tranh chấp Biển Đông, là khiêu khích chính trị đội lốt pháp lý”. Bên cạnh đó, Trung Quốc khăng khăng cho rằng, là quốc gia chủ quyền và nước ký UNCLOS 1982, Trung Quốc có quyền tự chủ lựa chọn phương thức và trình tự giải quyết tranh chấp và giải pháp mà Bắc Kinh lựa chọn là đàm phán và thương lượng.

Không những cáo buộc Philippines, mà Trung Quốc còn ngang ngược tố cáo Tòa án Trọng tài Thường trực PCA đã bất chấp thực chất vụ án trọng tài là vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hoạch định đường biên giới trên biển, cùng vấn đề liên quan, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc, với tư cách là nước ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, làm tổn hại đến tính hoàn chỉnh và tính thẩm quyền của Công ước này.

Ngay trong cái lý lẽ của Bắc Kinh khi “tố cáo” Philippines lạm dụng UNCLOS 1982 đã có lắm điều nực cười, bởi Trung Quốc tự cho họ có quyền lựa chọn phương thức, trình tự giải quyết tranh chấp là đàm phán và thương lượng còn Philippines thì lại không được cậy nhờ đến một cơ chế trọng tài theo luật pháp quốc tế, trong khi giải pháp này là rất hợp pháp, hợp lý, hợp tình và rất văn minh.

Rõ ràng, Bắc Kinh luôn tìm cách biến tấu, diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ và sẵn sàng không đếm xỉa đến các quy định luật pháp nếu như thấy bất lợi cho họ.

Trí Lê (Theo Petrotimes)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề