Ông Tập Cận Bình và chiến lược ngoại giao mới của Trung Quốc

Việc Trung Quốc có thể hoàn thành những mục tiêu chiến lược của mình hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu những sáng kiến và chính sách mới của ông Tập có được hỗ trợ hay không. Tuy nhiên, ảnh hưởng không xuất phát từ những cái két của một nước, mà từ việc thúc đẩy cùng chia sẻ những giá trị sức mạnh mềm.

Trung Quốc vừa có điều chỉnh chính sách đối ngoại lớn nhất của nước này trong 25 năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn khiến các chuyên gia về Trung Quốc bận rộn kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Ông Tập đã tạo ra những thay đổi lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Những chính sách này tương đối khác so với những chính sách của những người tiền nhiệm của ông, làm cho các học giả về Trung Quốc bận rộn giải thích ý nghĩa và những ảnh hưởng của chúng. Điều này đặc biệt rõ trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Những người theo dõi tình hình Trung Quốc ra sức tìm kiếm những chi tiết về những sáng kiến và đề xuất mới mà ông Tập đã đưa ra gần đây, như “Một vành đai, một con đường” và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Cho dù những sáng kiến mới này vẫn đang trong quá trình xây dựng, thực tế đây là sự thay đổi về chính sách đối ngoại lớn nhất ở Bắc Kinh kể từ năm 1989. Câu hỏi lớn hơn ở đây là đại chiến lược phía sau những kế hoạch của Tập Cận Bình là gì?

Tác giả bài này gọi nó là “ngoại giao thay thế” của Trung Quốc. Chiến lược của ông Tập là một chiến lược tinh vi và cấp tiến. Thay vì trực tiếp thách thức những thể chế quốc tế đang tồn tại hiện nay, người Trung Quốc đang tìm cách tạo ra những diễn đàn mới mà Bắc Kinh có thể kiểm soát hay gây ảnh hưởng đáng kể. Thông qua những sáng kiến mới này, Bắc Kinh nhằm mục đích tạo ra một môi trường quốc tế mới có lợi hơn cho Trung Quốc, một môi trường sẽ hạn chế những áp lực chiến lược từ Mỹ. Bắc Kinh muốn dần dần thực hiện các bước tiến bộ trong những nỗ lực này, nhưng không khiêu khích. Bề ngoài, những bước này chỉ nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển kinh tế, và Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy chúng như những sáng kiến kinh tế và thương mại thuần túy. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt, Bắc Kinh đang tìm cách làm việc vì an ninh lớn hơn và những mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Trong hội nghị APEC vào tháng 11/2014, Bắc Kinh đã đưa ra những đề xuất về sự hội nhập khu vực. Những đề xuất này bao gồm việc tạo ra Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và AIIB. FTAAP về cơ bản là một lựa chọn của Trung Quốc thay cho Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); thay vì làm việc trực tiếp chống lại và làm xói mòn TPP, đó là một phiên bản Trung Quốc của khối thương mại được đề xuất này. Tương tự, AIIB là một phiên bản Trung Quốc của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới. Trong khi những thể chế mới sẽ mở cửa với tất cả các nước và mang tính đa phương, chúng sẽ được đặt ở trung tâm bên trong Trung Quốc. Bắc Kinh muốn duy trì ảnh hưởng và sự kiểm soát trong các tổ chức này, và đưa ra các sáng kiến cho các nước khác tham gia. Thay vì rút khỏi những thể chế và hệ thống hiện đang tồn tại, Trung Quốc đang cố gắng tiến từng bước một. Để tạo ra những lựa chọn thay thế của riêng mình, Trung Quốc duy trì kiểm soát nhiều hơn và có thể tạo ra một ảnh hưởng lớn hơn.

Các học giả từ lâu đã tranh luận về việc liệu Trung Quốc là một nhà nước nguyên trạng hay một nhà nước theo chủ nghĩa xét lại. Dù vậy, theo một quan điểm của Trung Quốc, câu hỏi then chốt dành cho một quốc gia mới nổi là làm thế nào xử lý mối quan hệ của nó với các thể chế và hệ thống toàn cầu hiện nay. Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất ở châu Á, song Nhật Bản chi phối ADB. Cổ phiếu có quyền biểu quyết của Nhật Bản hơn gấp đôi so với của Trung Quốc, và chủ tịch ngân hàng này luôn là người Nhật Bản. Nhìn vào bối cảnh này theo quan điểm của Bắc Kinh, đây không còn nghi ngờ gì là một tình huống mang hơi hướng thiên vị. Ngay cả với IMF, những cải cách mang lại cho Trung Quốc một tiếng nói lớn hơn đã bị trì hoãn trong nhiều năm. Để đáp trả, chiến lược mới của Trung Quốc là tìm cách thiết lập những thể chế và diễn đàn mới như những công cụ để Bắc Kinh đóng kiểu vai trò mà Trung Quốc không thể có trong ADB và IMF. Tuy nhiên, Trung Quốc thận trọng không để phá vỡ hệ thống toàn cầu hiện nay và thực hiện cách tiếp cận hai lộ trình trong nỗ lực này. Một mặt, nước này đang tạo ra các thể chế mới, và mặt khác vẫn tích cực tham gia những thể chế hiện nay như Ngân hàng Thế giới, WTO, IMF và ADB.

Trong các lĩnh vực an ninh và chính trị, Trung Quốc cũng làm việc chăm chỉ để củng cố hay tiếp sức cho một vài tổ chức, như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hội nghị về các biện pháp phối hợp hành động và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Với một chiến lược thay thế tương tự, Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng những tổ chức này để đối trọng với NATO và các liên minh quân sự của Mỹ ở châu Á. Cho dù không thể kiểm soát 3 tổ chức này, Bắc Kinh vẫn đang tìm cách thúc đẩy quyền lãnh đạo của mình bên trong chúng.

Một vành đai, một con đường: Sự xoay trục châu Á của Trung Quốc

Bề ngoài, “một vành đai, một con đường” đơn giản là đề cập đến kế hoạch phát triển kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng và tập trung vào cải thiện thương mại, cơ sở hạ tầng và sự kết nối trong khu vực này. Vành đai Con đường tơ lụa mới sẽ nối liền Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á và Tây Á, và cái được gọi là Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 nhằm mục đích kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu. Tuy nhiên, mục đích thực sự của sáng kiến này là an ninh. Trung Quốc đang sử dụng kế hoạch này như một nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng châu Á. Trong khi đó, các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á hy vọng sáng kiến này sẽ giúp hàn gắn các mối quan hệ sau nhiều bất hòa về Biển Đông trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường các quan hệ hữu hảo với các nước ở Trung Á và Tây Á. Có hai lý do. Thứ nhất, nước này đơn giản muốn có sự tiếp cận lớn hơn với các nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu lửa và khí đốt. Lý do thứ hai liên quan đến rắc rối của Trung Quốc với dân số theo đạo Hồi ở phía Tây Trung Quốc, đặc biệt là những kẻ ly khai người Duy Ngô Nhĩ có mối liên hệ với các nước Trung Á và Tây Á. Bắc Kinh hy vọng sáng kiến này sẽ giúp đối phó với những thách thức an ninh này bằng việc đạt được sự ủng hộ và cộng tác tốt hơn từ chính phủ các nước Trung và Tây Á.

“Một vành đai, một con đường” cũng có thể được xem là sự đáp trả chính thức đầu tiên của Trung Quốc trước sự xoay trục châu Á của Mỹ. Kể từ khi Mỹ công bố chính sách tái cân bằng châu Á của mình, Trung Quốc coi nó như một mối đe dọa lớn đối với an ninh nước này. Trong khi làm cho Trung Quốc rất khó chịu, trong vài năm không có phản ứng trực tiếp nào dưới hình thức chính sách hay hành vi từ Bắc Kinh. Trên thực tế, “một vành đai, một con đường” là sự xoay trục châu Á của Trung Quốc. Trung Quốc đang hành động để che giấu ý định thực sự của đề xuất này nhằm tránh một cuộc đối đầu trực tiếp và tránh thách thức sự tái cân bằng của Mỹ. Bắc Kinh đã thông minh mượn cái tên Con đường tơ lụa để đặt tên cho sáng kiến này, làm giảm tính nhạy cảm của những ý nghĩa địa chính trị, và Chính phủ Trung Quốc đã không đồng ý rằng sáng kiến này là Kế hoạch Marshall của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng muốn dùng “một vành đai, một con đường” để sử dụng một cách tốt nhất những sức mạnh mà nước này có được. Với những sáng kiến này, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng các đường cao tốc, các đường sắt cao tốc, các đường ống dẫn và các cảng, và sử dụng những phương tiện mới này để ràng buộc Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Đây là khu vực nơi Trung Quốc có các sức mạnh. Thứ nhất, Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn và tìm kiếm các cách hiệu quả sử dụng thặng dư đó. Hơn nữa, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đầu tư vào châu Âu và Mỹ trở nên mạo hiểm hơn, do đó đưa thặng dư của nước này vào cơ sở hạ tầng châu Á-Thái Bình Dương giống một lựa chọn tốt cho Bắc Kinh. Thứ hai, công suất dư thừa là một vấn đề đối với Trung Quốc với tất cả những dự án kinh doanh phát triển của nước này trong những năm gần đây, và tất cả những điều này đã tạo ra các vấn đề lớn về môi trường, như khói từ những nhà máy luyện thép ở phía Bắc nước này gây ra. Bằng việc thúc đẩy “một vành đai, một con đường” và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, Trung Quốc có thể gửi những nhà máy và trung tâm sản xuất này đến các nước khác trong khu vực. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu thấy chế biến thép của Trung Quốc chuyển sang Kazakhstan hay Campuchia trong vài năm tới. Tuy nhiên, Trung Quốc có vốn con người và kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng dường như bất tận, khiến nước này trở thành độc nhất về khả năng đưa kế hoạch này vào hành động và xuất khẩu những dự trữ lớn này sang các nước láng giềng, hoàn toàn cho phép các đại kế hoạch này diễn ra.

Bằng việc xuất khẩu các công nghệ và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và thương mại với các khu vực xung quanh, Trung Quốc cũng hy vọng tìm ra những thị trường mới và lớn hơn cho các sản phẩm “chế tạo tại Trung Quốc”. Sự phát triển này sẽ cải thiện giao thông vận tải và hội nhập giữa Trung Quốc và các khu vực châu Á, điều cũng có thể khuyến khích các nước láng giềng Trung Quốc tăng sự phụ thuộc của họ vào các thị trường và vốn của Trung Quốc. Cuối cùng, việc này sẽ giúp Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo trong khu vực, cho phép nước này làm cân bằng một cách thành công hơn sự xoay trục của Mỹ sang châu Á.

Từ “kẻ ăn theo” sang nhà cung cấp

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào tháng 8/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi Trung Quốc là “một kẻ ăn theo” trong 30 năm qua và đổ lỗi cho nước này vì không đảm nhận nhiều nghĩa vụ quốc tế hơn nữa. Sự buộc tội này không phải là không có cơ sở. Từ lâu, Bắc Kinh chủ yếu là một bên tham gia và người đi theo trong các công việc toàn cầu, thay vì là một nhà lãnh đạo tích cực, một người khởi xướng và là một nhà cung cấp hàng hóa công. Tuy nhiên, với những sáng kiến mới này, việc Trung Quốc chuyển sang vai trò lãnh đạo tích cực hơn có thể thấy rõ. Đối với Bắc Kinh, đây quả thực là sự biến đổi lớn. Phản ứng trước những bình luận của ông Obama, ông Tập đã công khai nói về việc Trung Quốc đón chào những nước láng giềng là “những kẻ ăn theo” dựa trên sự phát triển của Trung Quốc thông qua các sáng kiến mới này. Sự thay đổi thái độ này là tích cực và đó là một sự thay đổi cần được khuyến khích. Cộng đồng quốc tế nên hoan nghênh một Trung Quốc đang nổi lên sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm và sự lãnh đạo toàn cầu lớn hơn, cho dù Trung Quốc có bất cứ động cơ chiến lược đặc biệt nào đi nữa đằng sau những kế hoạch đầu tư của nước này. Cũng quan trọng là trong thế giới toàn cầu hóa này, chúng ta tránh nhìn nhận mọi sự việc theo quan điểm được mất ngang nhau.

Vẫn còn quá sớm để dự đoán sự thành công của những sáng kiến mà Trung Quốc đã lên kế hoạch này. Nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc các nước láng giềng của Trung Quốc phản ứng như thế nào. Bắc Kinh vẫn có một số trở ngại lớn phải loại bỏ. Có thể các láng giềng của Trung Quốc sẽ chào đón dòng tiền và tài nguyên đến các bờ biển của họ, nhưng sẽ không đền đáp lại bằng việc đảm bảo cho Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn hay các mối quan hệ chính trị và an ninh gần gũi hơn. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tình cảm chống Trung Quốc ngày càng tăng ở nhiều nước láng giềng, một tình cảm có thể tăng lên với những sáng kiến mới này. Người dân ở các nước khu vực này đã trở nên cảnh giác và không hài lòng về sự hiện diện lớn của Trung Quốc ở quê hương họ. Đầu tư mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ mang theo cùng với nó sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc, và việc này cuối cùng thậm chí gây ra những căng thẳng mới. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây ở Sri Lanka đã chứng kiến việc Tổng thống Mahinda Rajapaksa thân Trung Quốc đã bị loại, sau khi Tổng thống được bầu Maithripala Syriasena chỉ trích mạnh mẽ Rajapaksa về chính sách Trung Quốc của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống này, buộc tội ông biến Sri Lanka thành thứ gì đó kiểu như một thuộc địa mới của Trung Quốc.

Kịch bản tồi tệ nhất dành cho Bắc Kinh là tất cả những đề xuất và kế hoạch mới trở thành việc Bắc Kinh phân phát tiền ra các nhà nước khu vực mà không nhận lại được ảnh hưởng mà nước này tìm kiếm. Nhiều trong số những nước này sẽ vẫn lựa chọn làm việc với Mỹ về các vấn đề an ninh trong khi hợp tác với Trung Quốc về vấn đề phát triển. Như chứng tỏ trong các mối quan hệ quốc tế, tiền không thể mua được lòng trung thành. Ảnh hưởng không xuất phát từ những cái két của một nước, mà từ việc thúc đẩy những giá trị được chia sẻ và sức mạnh mềm. Việc Trung Quốc có thể hoàn thành những mục tiêu chiến lược của mình hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu những sáng kiến và chính sách mới của ông Tập có được hỗ trợ hay không bởi khả năng của Trung Quốc truyền cảm hứng cho các nước láng giềng để chia sẻ tầm nhìn của họ. Sự hội nhập của châu Á sẽ không tự thực hiện chỉ thông qua đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn, mà sẽ phụ thuộc vào việc liệu các nước châu Á có thể xây dựng bản sắc và các giá trị chung hay không.

Ngoài ra, đảm nhận vai trò lãnh đạo mới cũng là một thách thức đối với Bắc Kinh. Luôn luôn dễ dàng làm một người đi theo hơn là làm một nhà lãnh đạo. Sự lãnh đạo xây dựng trên các khả năng về nghiên cứu chính sách, thông tin và thực thi, cũng như sức mạnh mềm. Để Trung Quốc giữ được vai trò lãnh đạo này, nước này cần củng cố các công cụ định hình những ý tưởng này, cải thiện nghiên cứu chính sách và đội ngũ cố vấn. Việc phục vụ với tư cách một nhà lãnh đạo mà không được chuẩn bị tốt cho vai trò đó có thể là nguy hiểm. Xét cho cùng, việc mở rộng sức mạnh cứng cũng sẽ phụ thuộc vào sức mạnh mềm.

Trí Lê (Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / THE DIPLOMAT)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề