Khi gia nhập TPP, nhiều ngành hàng Việt Nam có mức thuế về 0. Song, nhiều ý kiến lo lắng sẽ là nguy cơ bởi hàng ngoại đang lấn át hàng nội ngay trên sân nhà.
Hàng hóa, sản phẩm các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Đặc biệt, hàng loạt những dấu hiệu cho thấy hàng Thái đang chiếm thị phần ngay trên sân nhà Việt Nam.
Tiêu biểu như trong ngành hàng bán lẻ, đại gia BJC đã mua lại Metro Cash & Carry, Central Group ngoài việc mở hai trung tâm mua sắm Robins đã mua thêm 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim và sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện lợi B’smart. Tới đây, nhiều khả năng Big C sẽ về tay người Thái.
Trong khi đó, Thái Lan không thuộc nước tham gia TPP. Vậy liệu chiếc bánh TPP của Việt Nam có bị các quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam gián tiếp hưởng lợi?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thương mại AIDA Việt Nam, Viện Quản trị Kinh doanh FSB cho biết, ngoài lĩnh vực bán lẻ, Thái Lan còn có ý định mua lại du lịch của Việt Nam. Trong khi đó, nước này làm du lịch rất giỏi.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực như thị trường đồ uống của Việt Nam hiện đang lớn nhất, nhưng nhiều đơn vị nước ngoài đã nhăm nhe muốn chiếm lĩnh thị trường này.
“Khi các nước đầu tư lớn vào Việt Nam, chúng ta không chỉ mất đi phần lợi nhuận của miếng bánh TPP. Các ông chủ người Thái, người Hàn, Nhật Bản… một khi đã tham gia vào điều hành, chắc chắn hàng hóa nước họ sẽ xâm nhập, đẩy hàng Việt ra bên ngoài. Cơ hội hàng Việt Nam xuất hiện trong siêu thị là rất mong manh. Nếu như vậy, các nước lớn đầu tư vào Việt Nam sẽ được lợi đơn, lợi kép”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Thái Lan là một trong những nước đầu tư lớn vào Việt Nam thuộc bộ phận của cộng đồng kinh tế Asean. Việc này là tất yếu bởi là cộng đồng hàng hóa, dịch vụ chung.
Song theo ông Doanh, thực chất, các nước ồ ạt đầu tư vào Việt Nam vì nước ta ít đầu tư, đặc biệt như ngành như dệt may. “Chúng ta có chiếc bánh TPP song phần lớn người nước ngoài được hưởng. Việc này tạo thách thức lớn đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước buộc phải liên kết lại để hưởng lợi từ TPP”, ông Doanh lưu ý.
Ông Mr. Alex Maskiell, Bí thư thứ hai – Bộ phận Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội cho biết, tình trạng này cũng đang xảy ra ở một số quốc gia lớn khác chứ không riêng Việt Nam. Song, với tác động này, nếu Việt Nam hợp tác các nền kinh tế thì tiềm năng sẽ rất lớn.
Ông Alex cho rằng, Việt Nam nên lấy lợi ích từ đầu tư nước ngoài chứ không thể hạn chế. Bởi việc các nước đầu tư vào Việt Nam mang lại nguồn lợi rất lớn để phát triển cũng như học hỏi về khoa học và công nghệ.
“Cũng vì thế, trước khi muốn cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải hiểu đầu tư của chính mình. Vì lẽ đó, không thể hạn chế đầu tư mà cần học hỏi sau đó mới cạnh tranh được”, ông nhấn mạnh.
Trí Lê (Theo Zing News)
Trả lời