Hiệu kèn thu quân của Moscow dưới góc nhìn Ả Rập

 

Tính bất ngờ của tuyên bố rút phần lớn binh lực Nga khỏi Syria được các nước “trong cuộc” nhìn nhận theo cách riêng tại khu vực lợi ích đối kháng chồng chéo,nơi ‘bạn của bạn anh’ có thể là kẻ thù của anh.

Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngại

Hãng tin Orient Net Agency[1] cho hay Ankara thận trọng đón nhận tin Putin lệnh rút một phần quân viễn chinh Nga ((mà khi đưa vào không hề công bố, hẳn là để tránh “vênh” với mặt trận “đàm”) khỏi chiến trường Syria, sau 5 tháng tiến hành không kích và trợ chiến. Các chính khách được phỏng vấn cho rằng việc này không hẳn là thiện chí, mà là một “nước đi chính trị” (political maneuver) nhằm gây sức ép lên các nước phương Tây, khi bàn đàm phán hòa bình dưới sự đạo diễn của Liên hiệp quốc tái diễn tại Geneva, theo báoUlusalses.Báo Haber nhắc nhở Nga vẫn duy trì hệ thống phòng không nước này tại Syria.

Các tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu. Nước này đã không đóng góp nhiều vào khối này về mặt máy bay phản lực, kể từ khi bắn hạ một khu trục cơ của Nga tháng 11, 2015, theo Hurriyet[2]. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ dĩ nhiên có lợi ích sát sườn ở Syria hơn Ả Rập Saudia – nước đang tác chiến cả trên chiến trường Yemen.

Do Thái: quan ngại, chất vấn Putin

Đưa ra những cảnh báo đanh thép khi Kremlin nhập cuộc chiến trường Syria, nhưng Tel – Aviv lại tỏ ra rất quan ngại với việc Nga thình lình rút quân. “Giới quan chức Israel liên tục bày tỏ lo âu”, báo Người quan sát Trung Đông (Middle East Monitor)[3] nhận định. Đài phát thanh Israeli Radio cho hay tổng thổng nước này, ông Reuven Rivlin, sang Moscow gặp tổng thống Putin hôm 16/3, để chuyển một thông điệp mạnh mẽ của thủ tướng Benjamin Netanyahu, rằng Israel sẽ không để cho Iran và Hezbollah dựng một chỗ đứng chân tại vùng thuộc Syria của cao nguyên Golan. Đài này cho hay ông Rivlin có sứ mạng yêu cầu Putin tính đến các lợi ích của Israel trong bất kỳ bước đi nào trong tương lai tại Syria. Kênh Channel 2 của Tel – Aviv đêm 14/2 cho hay quân đội và tình báo Israel đã cung cấp cho Rivlin rất nhiều câu hỏi để đặt ra cho Putin về các điều kiện đã tạo nên quyết định của tổng thống Nga trong quyết định rút khỏi Syria, cũng như những ý đồ ngầm trong quyết định này.

Hãng Jpost của Israel đưa tin về cuộc hội đàm này[4], cho hay tống thống Israel vận động Putin ủng hộ cho sự trở lại của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc trên cao nguyên Golan. Israel nhân dịp này nhắc lại lập trường: “không cho phép Iran và các dân quân Hezbollah đứng chân (entrench) trên cao nguyên Golan”. Dù Israel là trung lập trong nội chiến ở Syria, nhưng nước này đang tiến hành những vụ không kích ở Syria nhằm vào các đường vận chuyển vũ khí của Hezbollah, và đã diệt một tướng Iran và hai chiến đấu viên cao cấp của Hezbollah, bài cho hay. (Quân Iran và Hezbollah tác chiến cùng với quân Assad được Nga yểm trợ trong chiến dịch can thiệp vào Syria của Nga vừa qua).

Các nguồn khác cho hay Israel hiệp trợ cho mặt trận Al Nusra (Al Qaeda Syria), cùng với IS là đối tượng tác chiến của Nga và đồng minh trong xung đột ở Syria.

Al Nustra cho rằng chiến dịch không kích hẳn đã không cứu nổi đồng minh. Một chỉ huy Al Nustra  nói với AFP,  việc Nga rút đi chứng tỏ Nga “đã không còn muốn hy sinh cho một chế độ đã sụp đổ vể căn bản”[5].

Iran vô lo?

Các quan chức và các nhà quan sát chính trị Iran dùng quyết định bất ngờ của Putin để thỏa mãn những tham vọng trên truyền thông của từng người, báo Al – monitor[6] viết. Nhưng đa số trong họ đều cho quyết định này là “tích cực”, hoặc ít nhất, chẳng cần phải lo phiền làm gì.

Vấn đề là quyết định như thế ảnh hưởng ra sao tới số phận của cuộc ngừng bắn. Theo Akbar Velayati, cố vấn của lãnh tụ tối cao của Iran (Supreme Leader) Khamenei, trong cuộc gặp thứ trưởng ngoại giao Syria Faisal Mekdad tại Iran, hai ông đã bàn bạc về “bảo tồn tính toàn vẹn lãnh thổ” của Syria[các nguồn đề cậpkhả năng liên bang hóa [chia tách] Syria mà Nga cũng có lợi vì thu hẹp được phạm vi ‘bảo hộ’, và tiếp tục chơi con bài “Kurdish” – cộng đồng người Kurd ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc chơi từ thời Nga Hoàng[7]], cũng như bảo vệ cuộc bầu cử nghị viện Syria diễn ra vào 13/4 tới. Khi được hỏi liệu quân Iran có lấp chỗ trống mà quân Nga để lại ở Syria, Velayati cho hay nước đi của Moscow “không ảnh hưởng đến sự hợp tác toàn diện (overall cooperation) giữa Iran, Nga, Syria và các lực lượng đồng minh như Hezbollah”.

Báo Iran cũng tiết lộ ngoài một căn cứ không quân và một căn cứ hải quân Nga, vẫn còn khoảng một ngàn lính bộ Nga đồn trú tại ở Syria.

Mehdi Mohammadi, cố vấn của nhà thương lượng cứng rắn bên bàn đàm phán hạt nhân Iran là ông Saeed Jalili, cho rằng Nga quyết định rút bớt quân vì tiếp tế quân vụ đắt giá. Ông cho rằng các lực lượng tại chỗ vẫn đủ để giáng đòn tiến công vào các nhóm khủng bố nếu cần. Các nguồn của Iran có vẻ không loại trừ khả năng quân Nga can thiệp trở lại khi cần.Nhưng (một khi các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đã “cài thế trận” ở Syria) các diễn đàn Nga cho rằng việc triển khai quân lực trở lại dễ gây tổn thương cho quân Nga[8].

Một số nguồn cho rằng việc rút thình lình chiếc “khiên che” của Nga, các lực lượng mặt đất của Iran và Herbollaz bị bộc lộ dưới đe dọa không kích, nhất là của Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, và đây có thể là một sức ép ngầm của Nga lên các đồng minh “rắn” của phe mình, như Iran[9].

Ả Rập Saudi chào mừng

Ả Rập Saudi, một đối thủ của Nga trên chiến trường Syria, mới đây đã giúp Nga đạt được một thỏa thuận với một số nước OPEC về “đóng băng” sản lượng dầu (Iran không nhất trí). Báo Người quan sát Trung Đông[10] cho hay Saudi (trái với tâm trạng của đồng minh “đa nghi” trên chiến trường Syria là Thổ Nhĩ Kỳ) đã chào mừng cuộc rút quân của Nga. Báo cho rằng Nga đã gặt hái được nhờ làm ấm lên được quan hệ với nước Ả Rập có đa số dân cư dòng Sunny, vốn hận Moscow vì đã hỗ trợ “sống còn” với Assad, cụ thể, Riyadh (thủ đô Ả Rập Saudi) vừa đồng ý “nhường cơm sẻ áo” trong “cuộc chiến” giá dầu máu lửa.

Ngoại trưởng Saudi, Adel Al-Jubeir, phát biểu hôm 14/3, mô tả quyết định Nga rút một phần quân lực khỏi Syria là  “một bước đi tích cực”, và Vương quốc Ả rập này hy vọng quyết định như thế sẽ buộc được tổng thống Bashar Al- Assad phải nhượng bộ cần cho tiến trình “chuyển giao quyền lực chính trị” (political transition).

Lập trường quốc tế

Báo Người quan sát Trung Đông (Middle East Monitor/MEMO) đã có bài “Quyết định rút quân khỏi Syria của Moscow có nghĩa gì?”[11] của Feras Abu-Helal.

Báo này cho rằng nếu việc Nga đưa quân vào đối đầu trực diện ở Syria hè trước từng gây kinh ngạc, thì quyết định rút ra vừa rồi cũng gây ngạc nhiên, tạo nên tranh cãi cả ở Trung Đông và trên thế giới tại điểm giữa tháng 3 này. Nhưng ngạc nhiên mới này theo MEMO, lại là (trong tiến trình chiến dịch ở Syria) Moscow đã luôn nhấn mạnh luận điểm rằng họ sẽ không rời đây trước khi đạt được mục tiêu, là tiêu diệt Daesh (“nhà nước Hồi giáo” IS). Vậy nênkhi tuyên bố đột ngột rút quân, ngay cả hệ thống truyền thông nhà nước Nga cũng phải căn chỉnh mục tiêu của chiến dịch Nga, từ chỗ tiêu diệt phe lực lượng bố (terrorism) xuống, chỉ còn tiêu diệt các phần tử “khủng bố người Nga” ở Syria, và vài mục tiêu mập mờ (marginal) khác, để còn thể hiện (nguyên văn portray – tô vẽ) cuộc rút quân như kết quả  việc Nga đã hoàn thành sứ mệnh về quân sự của mình. Ý của MEMO là chiến dịch của Nga, tuy không dài ngày, vẫn mang đặc tính của một số cuộc “lạc nước” trong lịch sử, đó là sa lầy, bế tắc và phải bỏ lửng do chiến phítốn kém.

MEMO viết tiếp, “đọc kỹ các tình huống chiến sự và động thái chính trị ở Syria và trên toàn khu vực (Trung Đông) cho thấy quyết định (rút quân) của Nga rơi vào khuôn khổ của tiên liệu được công luận quốc tế về cuộc khủng hoảng Syria. Lập trường này đã được tuyên bố từ trước đây, nhưng được củng cố vài tháng gần đây, và được nhấn mạnh trong các cuộc trù bị cho Hội nghị Geneva. Lời tiên tri này là không có giái pháp nào về quân sự cho cuộc khủng hoảng này trong một thời hạn dài hơi, phải có một giải pháp chính trị, đồng thời các bên còn đang khác nhau về chi tiết của giải pháp này”.

Tới đây người đọc có thể nhớ đến một “vị tiên tri” – Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông này cách đây vài năm từng khẳng định: cần có một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, và việc bóc gỡ các vũ khí giết người hàng loạt của nước này sẽ làm cho vùng này trở nên an toàn hơn. Điều trớ trêu là tuyên bố của John Kerry được đưa ra trong dịp Mỹ và Nga hăm hở công bố đã nhất trí được về một thỏa thuận khung cho việc tiêu hủy các vũ khí hóa học ở Syria[12]. Vậy mà chỉ hai năm sau, chính Nga lại là nước đột ngột mở chiến dịch không kích. Kết quả là nhiều vùng có dân thường sinh sống đã bị hủy diệt bằng “bom ngu”, gây căm hận trong đông đảo cộng đồng Ả rập, như các diễn đàn như Tiếng vang Moskva đang lo ngại[13] hôm nay. “Lập trường quốc tế” mà báo MEMO nói có thể ngụ ý các sự kiện, chẳng hạn Thủ tướng Pháp, tại hội nghị an ninh Munich tháng trước[14], trực diện đòi Nga chấm dứt ném bom vào dân thường ở Syria, khẳng định “việc Nga chấm dứt không kích là cốt yếu để đạt được hòa bình ở Syria”.

Từ đó, tờ MEMO cho rằng với người dân sống ở Trung Đông, quyết định rút quân của Nga đã bị áp đặt bởi sức ép của đồng thuận quốc tế về nguyên tắc (giải quyết khủng hoảng, xung đột bằng con đường chính trị, không phải bằng leo thang xung đột). Báo này cho rằng Moscow đã rút ra được bài học sau đây từ chiến sự ở Syria:

Thứ nhất, Nga đã phải chấp nhận sự đồng lòng (consensus) của quốc tế và khu vực về sự bất lực trong giải quyết vấn đề Syria bằng biện pháp quân sự. Từ đó, Nga đã không còn lòng dạ nào tiếp tục chịu đau đớn về kinh tế và chính trị gây bởi sự hiện diện của mình trên một chiến trường mà nước này không thể thắng về quân sự.

Thứ hai, nước Nga đưa quân vào Syria để cải thiện vị thế của chế độ Assad cả về cán cân chiến lược và quân sự, và đã làm được. Tuy nhiên, nước này hẳn đã không muốn thay đổi cán cân tới mức Assad không còn quan tâm đến triến trình chính trị, hoặc tới mức chế độ của Assad sẽ áp đặt những phức tạp và những hoàn cảnh gây trở ngại cho tiến trình chính trị. Nga cũng chẳng muốn sẽ đưa chế độ Assad lên một vị thế mà họ (phái Assad) sẽ “nổi loạn” (rebel) chống Moscow, vị cứu tinh cho họ khỏi những tổn thất liên tiếp trong chiến trận.

Thứ ba, Moscow nhận thấy rằng sự có mặt về quân sự mãnh liệt của mình ở Syria đã biến Nga thành kẻ thù của nhiều nước, nhiều dân tộc trong khu vực này, và đây là sự thù địch chưa có tiền lệ đối với Nga ở đây. Nhìn chung, quan niệm đại chúng (trong khu vực này) hiện nay về Nga là nước này ngang ngửa với siêu cường là Hoa Kỳ – một thế lực bị hầu hết các dân tộc Ả rập căm ghét.

Nga đã phải trả giá về chính trị cho cuộc can thiệp quân sự mà họ từng cho rằng có ý nghĩa chiến lược, nhằm khẳng định nước này đóng vai trò một người chơi chính ở Trung Đông. Tuy nhiên, nước này đâu có muốn trở thành đối tượng bị căm ghét của cộng đồng Ả rập vì (đã phục vụ cho) lợi ích của chế độ ở Syria và cho (cải thiện) bộ mặt của Iran trong dàn xếp chính sự ở Syria, điều mà Nga không thể mong muốn… [hết trích bài báo của MEMO].

Cán cân trên chiến trường

Trong lời bình bài báo trên của MEMO có ý kiến đến từ người đọc Abraham Eu, như sau: “Khi Nga đi ngủ với tin liên minh Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đang vũ trang cho phiến quân Syria các đồng bộ tên lửa phòng không, nửa đêm ‘phụ thân’ Liên Xô hiện lên trong giấc mơ và nhắc nhở nước Nga về những gì đã xảy ra với Liên Xô (ý nói đồng bộ tên lửa Stinger mà Mujahideen được trang bị đã gây tổn thất nặng nề cho không lực Liên Xô). Vì thế hôm sau Putin đã quyết định rút quân ra”.

Tờ báo chuyên bình luận quan sát slon.rucủa Nga, trong bài “Vì sao Nga lại rút quân đúng vào lúc này?”[15] cũng tiết lộ tin tình báo, là “những đồng bộ tên lửa vác vai thu được từ trong các kho vũ khí của Libya (và một tên lửa như vậy từng bắn rơi một MiG – 21[16] của quân đội Syria vào 12/3/2016 – 2 ngày trước hiệu kèn lui quân của Kremli)”đã được trang bị cho phiến quân, và các phân đội lực lượng đối lập với Assad vừa được bổ sung vào lính đặc nhiệm Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc tiếp tục chiến tranh không tốt lành gì, và “hình bóng”  chiến tranh Afganistan và Iraq đang hiện lên ngày một rõ”.

Nói rằng Nga đã thay đổi được cán cân quân sự sang hướng có lợi cho Assad, nhân vụ tên lửa phòng không trang bị cho phiến quân này, cũng có thể còn ở dạng nghi vấn. Ả Rập Saudi, nước vừa chào mừng cuộc rút quân của Nga, chỉ một tháng trước thôi đã thẳng tưng về vụ họ giao đồng bộ tên lửa phòng không cho các lực lượng phiến quân. Ngoại trưởng Saudi, Al – Jubei, đã khẳng định việc này là có, “chúng tôi tin rằng sự xuất hiện của hỏa tiễn đất đối không ở Syria đang làm thay đổi cán cân lực lượng trên chiến trường”[17]. Nhân dịp Al – Jubei, đã nói thẳng là chiến tranh thế giới thứ ba không có cơ xảy ra ở Syria. Thông điệp này của Ngoại trưởng Saudi hẳn là lời đáp lại cảnh báo của thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Hội nghị an ninh Munich, rằng sẽ có Chiến tranh thế giới thứ III, nếu một quốc gia khác đưa quân vào Syria.

Đáp lại câu hỏi của báo Đức Spiegel về sự suy giảm vai trò của Mỹ ở Trung Đông dưới thời Obama (đã tạo nên những mất ổn định khu vực, cũng như một khoảng trống khiến Nga “nhảy vô”), Ngoại trưởng Al – Jubei khẳng định ông nhìn thấy xu hướng ngược lại: đó là sự hiện diện về quân sự và kinh tế (vốn đầu tư) của Mỹ tại khu vực này đang tăng lên.Không rõ Ngoại trưởng Ả Rập Saudi có ngụ ý việc Obama gọi điện cho tổng thống Putin yêu cầu chấm dứt chiến dịch không kích ở Syria (13/2/2016)[18].

Trung Đông từng là vùng chịu ảnh hưởng của cả Sa Hoàng và Liên Xô, chiến dịch vừa qua của Nga tìm về quá khứ (và giữ “cửa ra Địa Trung Hải”…) đã làm biến động trật tự thế giới, thay đổi bộ mặt của Nga ở Trung Đông. Nó còntrở thành một cuộc phiêu lưu kỳ quặc, khó hiểu cả trong tâm thức dân Nga, với giá phải trả chưa thể định lượng.

Dù mối lo Nga ném bom các nhóm phiến quân mà Mỹ cần cho cuộc chiến ủy nhiệm chống IS đã ngớt, Ngoại trưởng Mỹ Kerry “vội vàng” thăm Nga tuần sau…Dân thường, cả ở Nga, e ngại về “cuộc chơi địa chính trị” nào nữa của Moscow, hậu Syria.

LÊ ĐỖ HUY


[1]http://orient-news.net/en/news_show/106345/0/Turkey-cautious-on-Russias-withdrawal-from-Syria

[2]http://www.hurriyetdailynews.com/turkey-cautious-on-russias-withdrawal-from-syria-.aspx?pageID=238&nID=96506&NewsCatID=352

[3]https://www.middleeastmonitor.com/news/middle-east/24531-israel-concerned-over-russian-withdrawal-from-syria

[4]http://www.jpost.com/Israel-News/Politics-And-Diplomacy/Rivlin-lobbies-Putin-for-help-in-redeploying-UN-peacekeepers-on-Golan-448232

[5]http://www.dailymail.co.uk/wires/afp/article-3492876/First-Russian-planes-fly-Syria-base-ministry.html

[7]https://www.stratfor.com/weekly/ruthless-and-sober-syria

[8]http://echo.msk.ru/blog/milov/1730508-echo/

[9]http://www.zerohedge.com/news/2016-03-17/rationale-behind-russias-withdrawal-syria

[10]https://www.middleeastmonitor.com/news/middle-east/24532-saudi-welcomes-russian-withdrawal-from-syria

[13]http://echo.msk.ru/blog/milov/1730508-echo/

[14]http://www.reuters.com/article/us-mideast-crisis-france-russia-idUSKCN0VM09K

[15]https://slon.ru/posts/65213

[18]http://edition.cnn.com/2016/02/14/politics/obama-vladimir-putin-syria/


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề