Tuần rồi, trong phiên thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có những phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ về nhu cầu cấp bách đổi mới hệ thống chính trị và kinh tế.
Bộ trưởng nêu ra ba nguyên nhân cho thấy nếu không cấp bách đổi mới hơn thì Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu so với thế giới và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Đó là: (1) cơ hội phát triển từ cơ cấu dân số vàng sẽ chỉ còn đến năm 2025; (2) những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đã dần hết phát huy tác dụng, trong khi dư địa tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên không còn nhiều; và (3) Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới (nên buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị tụt lại).
Thực ra cả ba nguyên nhân trên đều có quan hệ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau nên cũng khó tách bạch như vậy. Hãy bắt đầu với nguyên nhân thứ 2. Một trong những công dụng lớn nhất của công cuộc đổi mới lần thứ nhất, từ năm 1986, là nó đã cởi trói, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội vốn bị kìm kẹp bởi những rào cản chính trị và hành chính lúc đó. Nhờ đó, hai trong ba yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế – là vốn, nhân lực và năng suất tổng hợp (TFP) – đã có sự tăng trưởng nhảy vọt.
Về vốn, bên cạnh nguồn vốn chủ yếu đến từ Nhà nước, thông qua khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như trước, còn có vốn của khu vực tư nhân và đặc biệt là FDI. Về lao động, do sự phát triển mạnh của khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài, một lực lượng lớn lao động đã được thu hút từ khu vực nông nghiệp và phi chính thức vào khu vực công nghiệp và dịch vụ, với năng suất cao hơn, tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn.
Sau 30 năm đổi mới lần thứ nhất, hai yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế đang tiệm cận đến ngưỡng giới hạn.
Quay trở lại với phát biểu của Bộ trưởng Vinh. Quả là sau 30 năm đổi mới lần thứ nhất, hai yếu tố đầu vào nói trên đang tiệm cận đến ngưỡng giới hạn. Về vốn, tổng vốn đầu tư (sử dụng chỉ tiêu gross fixed capital formation của ADB) trong giai đoạn 1997-2014 đã đạt đỉnh điểm 35,1% GDP vào năm 2007 là năm đầu tiên sau gia nhập WTO. Từ đó trở đi, tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP đã giảm dần và chỉ còn 23,8% năm 2014.
Về lao động, song song với đà giảm tăng trưởng dân số và sự phát triển của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong mấy năm gần đây đã tụt xuống mức thấp, đạt bình quân 1,8% trong giai đoạn 2011-2014 so với mức bình quân 3,1% trong giai đoạn 1998-2010 (số liệu ADB). Điều này chứng tỏ lực lượng lao động của Việt Nam không còn dồi dào như trước đây, khó lòng hậu thuẫn cho một giai đoạn tăng trưởng kinh tế dựa trên các ngành thâm dụng lao động như trước nữa. Do đó, nguyên nhân thứ nhất (về dân số vàng) mà Bộ trưởng Vinh nêu ra là một bằng chứng chứng tỏ rõ thêm về sự đến hạn của những động lực tạo ra bởi công cuộc đổi mới lần thứ nhất.
Riêng về TFP, kết quả của một số ít nghiên cứu thực chứng dường như không cho thấy có sự cải thiện đều và mạnh của yếu tố này trong 30 năm qua, trừ một số giai đoạn như trong những năm gần đây, khi vốn đầu tư giảm mạnh trong khi tăng trưởng GDP vẫn được duy trì ở mức khả dĩ (trên 5%). Điều này có thể lý giải một phần bởi sự lấn át của việc gia tăng mạnh vốn và lao động trong những năm bùng nổ tăng trưởng trước đây.
Điều này cũng liên quan đến nguyên nhân thứ ba, về sức cạnh tranh trong hội nhập, mà Bộ trưởng Vinh nêu ra ở trên. Theo đó, để không bị tụt hậu và đuổi kịp được khu vực và thế giới, bắt buộc Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình của khu vực và thế giới. Nhưng trong bối cảnh cả vốn và lao động đều không thể gia tăng mạnh hơn được nữa thì Việt Nam buộc phải thúc đẩy tăng trưởng TFP nếu muốn duy trì được tăng trưởng kinh tế cao.
Tóm lại, công cuộc đổi mới lần thứ nhất mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng vốn và sức lao động, chứ chưa tạo được một cú hích mạnh cho tăng trưởng TFP, là yếu tố sống còn để tạo ra và duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong những năm tới. Đây chính là nguyên nhân cần có một cuộc đổi mới lần thứ hai, và đồng thời là định hướng chính sách cho cuộc đổi mới lần này.
Liên quan đến điều này, Bộ trưởng Vinh cũng nêu ra ba trụ cột chính làm trọng tâm cho công cuộc đổi mới (thể chế kinh tế) lần thứ hai. Đó là: (1) tăng năng suất lao động; (2) tăng cường bình đẳng (cơ hội) cho mọi người; và (3) nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Trên thực tế, cả ba trụ cột nêu trên đều là những biện pháp trong số nhiều biện pháp gia tăng tăng trưởng TFP. Tăng năng suất lao động có nghĩa là tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn trên một đơn vị lao động. Để làm được việc này thì phải làm nhiều việc lớn mang tầm vĩ mô như mở rộng công nghiệp hóa, phát triển ngành dịch vụ… đến những việc nhỏ hơn như cải cách môi trường lao động, môi trường kinh doanh, hợp lý hóa sản xuất… Những việc lớn nhỏ này đều trực tiếp hay gián tiếp nâng cao tăng trưởng TFP.
Tương tự như vậy, tăng cường bình đẳng (cơ hội) cho mọi người sẽ nâng cao khả năng đóng góp nhân lực và trí lực của những nhóm người thiệt thòi trong xã hội trong sản xuất kinh doanh, và tức là cải thiện được TFP nhờ nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực (human capital).
Kể cả việc nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước cũng có thể quy chiếu về TFP. Khi Nhà nước minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn thì việc hoạch định và thi hành chính sách sẽ được cải thiện đáng kể về chất, giúp cho các nguồn lực kinh tế được phân bổ và sử dụng có hiệu quả hơn, nâng cao được TFP mặc dù tổng lượng đầu vào vốn và lao động vẫn không đổi.
Nói như trên để thấy rằng ngoài ba trụ cột mà Bộ trưởng Vinh nêu ra ở trên, Việt Nam còn cần phải xây dựng một loạt trụ cột khác để nâng cao TFP nhằm đạt được mục tiêu tổng quát trong công cuộc đổi mới lần thứ hai là không bị tụt hậu, dần thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới.
Những trụ cột, giải pháp này được nghiên cứu và khái quát thành mấy nhóm chính sau: đầu tư nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật (thông qua cả kênh FDI và thương mại); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; xác định và phân bổ nguồn lực đến khu vực có năng suất và hiệu quả cao nhất, phát triển hệ thống tài chính để trợ giúp sự phân bổ này; xây dựng và nâng cao chất lượng thể chế chính trị (ví dụ, đảm bảo dân chủ), thể chế kinh tế (ví dụ, đảm bảo quyền tư hữu); và xây dựng, tạo lập một môi trường đảm bảo cạnh tranh bình đẳng…
Đến đây thì chúng ta lại đối mặt với một vấn đề lớn hơn. Đó là việc biến nhận thức thành hành động. Rõ ràng là việc thực hiện cùng lúc nhiều trụ cột như trên, và thực hiện đến nơi đến chốn không phải là dễ. Nhưng hy vọng rằng với nhận thức mạnh mẽ trong nội bộ Đảng được thể hiện qua nhiều phát biểu tâm huyết như của Bộ trưởng Vinh lần này, có thể lại một lần nữa Đảng đã thấy rõ nhu cầu “đổi mới hay là chết” như trong lần đổi mới lần thứ nhất, và sẽ có những hành động quyết liệt hơn để không chỉ tránh cho đất nước khỏi nguy cơ tụt hậu mà còn tạo cho mình cơ hội tiếp tục tồn tại và song hành cùng với dân tộc.
Trí Lê (Theo TBKTSG)
- Vì sao Việt Nam chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn như Samsung, Toyota,...?
- Người nước ngoài hưởng chiếc bánh TPP của Việt Nam?
- Làm gì để hàng Việt vào chuỗi bán lẻ toàn cầu ?
- Giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng
- Kỳ vọng vào một Việt Nam phát triển hơn
- Kinh tế Việt Nam: Điểm sáng giữa các thị trường mới nổi
Trả lời