Ai là người thực sự gây ra vụ thảm sát tại trường học ở Pakistan

Theo Reuters, vụ việc các tay súng Taliban thảm sát hơn 130 trẻ em tại một trường học của Pakistan làm người ta nhớ lại lời cảnh báo của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đối với Islamabad hồi năm 2011 rằng “không thể nuôi rắn trong sân nhà và mong nó chỉ cắn hàng xóm của mình.”

Hiện nay, khi người dân Pakistan đang sống trong sợ hãi sau vụ thảm sát đẫm máu tại một trường trung học của quân đội ở thành phố Peshawar ngày 16/12, sức ép sẽ ngày càng lớn đối với các chính trị gia và các tướng lĩnh quân đội – những người từ lâu vẫn nhân nhượng các tay súng Taliban mà họ coi là một “tài sản chiến lược” nhằm đối phó với Ấn Độ và giúp cạnh tranh ảnh hưởng tại Afghanistan.

Sherry Rehman, một cựu đại diện ngoại giao tại Washington và là một chính trị gia đối lập có tiếng, nói: “Các nhà lãnh đạo quốc gia đã bày tỏ sự hối tiếc về vấn đề Taliban. Mọi người sẽ phải chấm dứt việc nói lập lờ và đối diện với thảm kịch quốc gia này.”

Sự bất bình của người dân đối với vụ thảm sát kinh hoàng vừa qua chắc chắn sẽ làm xói mòn nghiêm trọng sự cảm thông đối với các tay súng Taliban tại Pakistan – nơi nhiều người từ lâu đã nghi ngờ về “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ đi đầu, và thúc đẩy quân đội tăng cường cuộc tấn công đã được tiến hành trong năm nay nhằm vào hang ổ của các tay súng ở vùng rừng núi dọc theo biên giới với Afghanistan. Tư lệnh Lục quân Raheel Sharif đã phát đi tín hiệu rằng quân đội sẽ trả đũa.

Vali Nasr, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins, nói: “Taliban có thể đang nỗ lực làm giảm quyết tâm của quân đội bằng cách đe dọa rằng sẽ có rất nhiều người phải thiệt mạng nếu quân đội tấn công và tạo ra sức ép dư luận đối với quân đội, buộc quân đội phải dừng cuộc tấn công này.”

Ông Nasr, từng là một cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Afghanistan và Pakistan, nói thêm: “Tuy nhiên, điều này thực sự có thể phản tác dụng.” Lực lượng Taliban tại Pakistan hoàn toàn tách biệt với lực lượng Taliban tại Afghanistan. Tuy nhiên, hai lực lượng này có chung mục tiêu là lật đổ các chính phủ sở tại thiết lập nên một nhà nước Hồi giáo trên khắp khu vực.

Mở rộng cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Taliban tại Pakistan có thể dẫn tới việc quân đội sẽ “đuổi sát” theo các phiến quân dọc theo đường biên giới bị canh gác lỏng lẻo vào lãnh thổ Afghanistan, nơi nhiều tay súng Pakistan đang trú ẩn. Điều này sẽ khiến mối quan hệ mới được khôi phục gần đây giữa Islamabad và Kabul gặp nguy hiểm.

Báo Bình minh của Pakistan dẫn một nguồn tin nói rằng những kẻ tấn công trường học hành động theo lệnh của những kẻ huấn luyện chúng ở Afghanistan. Saifullah Mehsud, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu FATA ở Islamabad, nói: “Pakistan có thể không còn lựa chọn nào khác – tính tàn bạo của vụ tấn công này buộc Pakistan phải đáp trả.”

Bất chấp những mối nguy hiểm, sự bất bình của dân chúng đồng nghĩa với việc quân đội sẽ càng được tự do truy đuổi Taliban, bảo vệ ưu thế của mình đối với chính phủ vốn đã theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình không mang lại kết quả với những tay súng Taliban và không thực tâm ủng hộ cuộc tấn công của quân đội nhằm chống lại lực lượng này.

Chính phủ dân sự Pakistan đang ở thế bất lợi, bị suy yếu sau nhiều tháng phải đối phó với các cuộc biểu tình trên đường phố do những nhà lãnh đạo đối lập đi đầu kêu gọi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức. Hiện nay, chính phủ Pakistan sẽ phải chịu nhiều sức ép và buộc phải nghe theo quân đội.

Bruce Riedel, cựu quan chức cấp cao của CIA và từng là quan chức phụ trách vấn đề chống khủng bố của Nhà Trắng, đang làm việc tại Viện Brookings, nói: “Giới lãnh đạo chính trị Pakistan cần đưa ra sự lựa chọn rõ ràng để dứt khoát chống lại Taliban, chứ không phải bằng các biện pháp nửa vời. Gánh nặng đang đặt trên vai Thủ tướng Sharif nhằm thể hiện rằng ông có thể đoàn kết đất nước để bảo vệ trẻ em Pakistan.”

Trong nhiều năm qua, Pakistan đã “nuôi dưỡng” các tay súng với niềm tin rằng chúng có thể trở thành những tay súng có ích trong trường hợp xảy ra chiến tranh với quân đội Ấn Độ – một lực lượng lớn mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, một số phe phái đã bất ngờ tấn công các lực lượng chính phủ sau khi Islamabad đồng ý tham gia một chiến dịch do Mỹ lãnh đạo nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Cho dù quân đội và chính phủ siết chặt hàng ngũ nhằm tấn công trả đũa Taliban và thắt chặt an ninh tại các thành phố, song quân đội và lực lượng tình báo hùng mạnh của Pakistan chắn chắn vẫn giữ quan điểm rằng Taliban là lực lượng “tốt.”

Một quan chức Ấn Độ, người nhiều năm phụ trách các chính sách của New Delhi đối với khu vực, nói rằng sau khi quân đội NATO rút khỏi Afghanistan, quân đội Pakistan sẽ để mạng lưới Haqqani tự do tấn công vào bên trong Afghanistan từ Pakistan và để cho tổ chức Lashkar-e-Taiba chống lại sự cai trị của Ấn Độ tại Kashmir.

Vivek Katju, một cựu Đại sứ Ấn Độ tại Afghanistan, nói: “Quân đội Pakistan luôn tuân theo học thuyết lâu nay của họ về việc phân biệt giữa các tổ chức khủng bố – những tổ chức có các hành động thù đích với Pakistan, và những tổ chức sẵn sàng hành động như những lực lượng được ủy nhiệm của Pakistan cho dù là tại Afghanistan hay tại Ấn Độ”. Ông viết trên tờ Thời báo Kinh tế Ấn Độ: “Pakistan không thể chơi với cả hai phe đang đối địch nhau”./.

Theo TTXVN.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề