Đánh giá tín nhiệm: “Làm dở, báo cáo hay càng dễ mất điểm”

Cuối tuần này, thứ Bảy (15/11), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Lần thứ hai tiến hành, tiêu chí đánh giá không thay đổi, ba mức tín nhiệm cũng vẫn giữ nguyên, vậy “áp lực” cả với người được lấy phiếu và người bỏ phiếu có tăng lên?

Với người được lấy phiếu thì chắc chắn là có. Bởi cho dù mức độ “an toàn” được cho là vẫn khá cao khi lá phiếu vẫn thể hiện ba mức tín nhiệm, nhưng cơ hội để cải thiện vị trí có thể sẽ không còn trong nhiệm kỳ Quốc hội này.

Còn với người được nhân dân trao quyền đánh giá mức độ tín nhiệm thì cũng không ít tâm tư.

Điểm mới của việc lấy phiếu lần này, theo người phát ngôn của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là báo cáo công tác của những người được lấy phiếu làm theo mẫu rõ ràng hơn cả về hình thức, cấu trúc, quy định số trang trình bày, để tránh tình trạng người thì viết quá dài như một bản báo cáo thành tích của ngành, người thì lại ghi quá ngắn, khó cho phần đánh giá của đại biểu như ở lần thứ nhất.

Đổi mới này đã được nhiều đại biểu ghi nhận khi cùng có chung nhận xét là các báo cáo không chỉ dược gửi sớm mà thông tin cũng đầy đặn hơn.

Các báo cáo chất lượng tốt hơn nhiều, lần trước sơ sài, chỉ thấy ưu điểm không thấy khuyết điểm, lần này báo cáo của nhiều vị được lấy phiếu, trong đó có cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng có cả ưu điểm, hạn chế và hướng khắc phục, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, đại biểu Nguyễn Thái Học nhận xét.

Báo cáo của người được lấy phiếu năm nay chi tiết hơn, rõ ràng hơn, nhiều báo cáo trung thực khách quan, là nhận định của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM).

Tuy nhiên, cả hai vị đại biểu này và nhiều vị khác đều cho rằng, các bản báo cáo đó chỉ là một kênh thông tin để tham khảo, chứ không phải yếu tố có tính quyết định.

Báo cáo là chủ quan còn để khách quan là phải nhìn toàn diện bức tranh của lĩnh vực mà từng người được lấy phiếu đó phụ trách, đó mới là yếu tố quyết định sự đánh gía của đại biểu. Chứ báo cáo càng khen nhiều về mình mà thực tế mâu thuẫn, làm dở mà báo cáo hay thì lại càng dễ mất điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân bình luận.

Làm dở mà báo cáo hay thì càng dễ mất điểm cũng là quan điểm chung của nhiều vị đại biểu khác.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học thì yếu tố quyết định chính là hiệu quả điều hành của từng người được lấy phiếu.

Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Việc lấy phiếu chỉ có thể thực chất khi mỗi đại biểu có cái nhìn toàn diện, khách quan về người lấy phiếu, là điều được ông Học nhấn mạnh.

Bình luận về kết quả của cuộc lấy phiếu lần đầu tiên tại Quốc hội với số phiếu tín nhiệm cao của khối lập pháp nhiều hơn hẳn khối hành pháp, ông Học phân tích: các vị được lấy phiếu bên hành pháp cọ xát va chạm nhiều thì sẽ mất lòng nhiều, nhưng vì mất lòng nhiều mà lại đánh giá họ ở mức tín nhiệm thấp thì không công bằng.

Phải nhìn nhận xem cái mất lòng đó là vì cái chung hay vì cái riêng. Nếu vì cái chung mà phải va chạm, phải mất lòng thì mình phải đánh giá các bộ trưởng đó tốt hơn chứ, vì các vị đó là sâu sát, quyết liệt vì cái chung, ông Học thể hiện góc nhìn.

Trong cuộc trao đổi với VnEconomy, vị đại biểu Phú Yên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến “chất” của các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

“Chất” theo đại biểu Học chính là sự vững vàng trước những tác động có thể có trong quá trình bỏ lá phiếu để đánh giá tín nhiệm. Tác động có thể là từ ý kiến cử tri, từ công luận, đôi khi chỉ cần một bài báo phản ánh hiện tượng của ngành nào đó cũng có thể tác động đến đại biểu.

Và dù chưa có vị đại biểu nào đề cập đến yếu tố “vận động hành lang”, song những xì xầm khi có vị đại biểu đọc gần như y nguyên văn bản của một ngành ở phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội vẫn còn là chuyện thời sự.

Tuy nhiên, buồn vui còn ở góc nhìn. Có thể, vị bộ trưởng nào đó khi nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng vẫn thấy thoải mái, vì thực sự đã luôn hành động vì việc chung, quyết liệt thì đương nhiên có va chạm và mất lòng, như phân tích của đại biểu Nguyễn Thái Học.

Nhưng, bản thân người đại biểu được trao quyền đánh giá, nếu không thực sự công tâm thì không hẳn đã không phải chịu phán xét. Bởi, lấy phiếu tín nhiệm chính là cuộc bỏ phiếu kép. Cử tri sẽ đánh giá “tín nhiệm” các vị đai diện cho mình, cũng từ đây.

Theo VnEconomy


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề