Hai cuộc chiến tranh, những hồi ức và suy tư của nhà báo Nga Evghenhi Kiselev

Евгений Киселев

Evgheni Kiselev
nhà báo Nga, nhà nghiên cứu lịch sử phương Đông

Tôi sẽ bắt đầu với một nhận định là trong cả hai cuộc chiến tranh, trên thực tế,  việc triển khai quân đội  đều được bắt đầu trước khi ra thông báo chính thức về nó.

Vào mùa thu năm 1979, tôi đã  được điều động tới  Kabul. Tôi, một sinh viên 23 tuổi mới tốt nghiệp Học Viện Nghiên cứu  Á – Phi thuộc trường Đại học tổng hợp Moscow Lômônôxốp,   sau khi tốt nghiệp  phải  phục vụ  quân đội hai năm,  được điều động làm trong nhóm thông dịch viên cho  các cố vấn quân sự của Liên Xô (thông dịch tiếng Nga- tiếng Farci). Tôi lưu ý rằng các cố vấn quân sự Liên Xô đã từng làm việc trong quân đội Afghanistan kể từ thời xa xưa – dưới thời vua Zahir Shah, và cả dưới thời ông Mohammed Daoud, người đã lật đổ nhà vua sau đó và   tuyên bố Afghanistan là một nước cộng hòa. Rồi họ vẫn tiếp tục đóng vai trò cố vấn quân sự ngay cả sau khi Mohammed Daoud bị những người thuộc  Đảng Dân chủ Nhân dân cánh tả  lật đổ và sát hại. Vì vậy, cả tôi  cũng như các đồng nghiệp hơn tuổi đều không hay biết gì về  việc  quân đội của chúng ta  đã được đưa vào Afganistan. Chiến dịch đó đã được chuẩn bị trong một sự bí mật hoàn hảo – và chúng tôi đã là nhân chứng gián tiếp. Nhưng trên thực té, kể từ mùa hè, ở Kabul  đã có tin đồn về một sự can thiệp của quân đội  Liên Xô. Sau đó, có người nói rằng ở đâu đó đã có những nhóm lính vũ trang của chúng ta, có những bộ phận đặc biệt   được Moscow trực tiếp điều khiển, được bảo vệ bởi quân đội Liên xô, rằng tại căn cứ không quân Bagram có những  chuyến bay đổ  lính dù từ Pskov, hoặc từ  Tula  xuống…

Vào một ngày đẹp trời, khi đang  đi dạo  ở thủ đô Kabul, tôi bỗng  nhìn thấy một đoàn xe bọc thép lạ mắt, trên các xe  không thấy có các dấu hiệu và phù hiệu  thông thường của quân đội  Afghanistan. Bỗng một nắp cửa của một trong những chiếc xe được mở ra, và tôi có thể thề rằng, mặc dù tốc độ cao, tôi đã kịp nhận ra khuôn mặt khá Nga của người lái xe. Đó là  những chiếc xe bọc thép đời mới, không giống như nhũng chiếc bọc thép khác mà tôi từng thấy.  ” Sau này  tôi mới được  rõ rằng rằng đó  thực sự là những chiếc BMD – xe bọc thép chiến đấu chuyên dụng trong quân đội Xô Viết,  (không phải xe của Afghanistan). Khoảng một tháng sau đó, những ngày tháng Mười Hai năm 1979,  trên bầu trời Kabul đã liên tục phát ra tiếng gầm rú của máy bay vận tải quân sự Liên Xô…

Giống như  Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin vào năm 1979, ngày hôm nay TT Syria Basar Asad đã yêu cầu “người bạn phía bắc vĩ đại ” viện trợ quân sự.

Bảo hiểm  cho “trò hề”

Trong cả hai lần (Hiện tại, quá khứ)  Moscow đã nhận được  chính thức yêu cầu hỗ trợ quân sự. Thật sự  ra, trong quá khứ, chính  Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin, người mà đã chính thức xin  viện trợ quân sự của Liên Xô, đã bị những người bạn Xô viết sát hại, và thay vào đó dựng lên nhân vật bù nhìn – ông Babrak Karmal.

Hiện tại các ông chủ Moscow chưa có ý loại bỏ Assad. Ngược lại, họ sẽ làm tất cả mọi thứ để hỗ trợ  chế độ đang chao đảo  để chứng tỏ với  thế giới rằng “chúng tôi không bỏ rơi những người của mình.”

Ở đây có một sự khác biệt đáng kể. Nhưng điều này không có nghĩa rằng, TT Putin sẽ không bao giờ loại bỏ Assad. Đặc biệt là nếu ông ta sẽ có  được (hay tưởng tưởng tượng ra) những nghi ngờ về sự trung thành của nhà độc tài Syria này.

Xin nhắc lại rằng lịch sử của sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào  Afghanistan đã xuất phát từ mong muốn của Moscow  nhằm thay thế lãnh đạo Afghanistan ở thời điểm đó. Moscow đã không tin tưởng Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin vì Amin có vẻ quá độc lập, quá khôn ngoan. Một kẻ xảo quyệt, quỷ quái, tàn nhẫn – một bạo chúa phương Đông điển hình. Hùng biện chủ nghĩa Mác trong miệng của ông ta trông không mấy thuyết phục. Tương đối trẻ, tràn đầy năng lượng, đầy tham vọng, ông đã thề nguyện tình yêu  và lòng trung thành của mình với Liên Xô, nhưng mà hơn ai hết,  vì vị trí quyền lực của mình, ông ta  có thể hy sinh bất cứ điều gì. Và sau “sự phản bội của Sadat” – sau khi Tổng thống thời đó của Ai Cập lần đầu tiên  trục xuất các cố vấn Liên Xô, rồi đột ngột thay đổi  các chính sách đối ngoại, định hướng hợp tác với Hoa Kỳ, tham gia vào các cuộc đàm phán với Thủ tướng Israel Begin, đã có chuyến thăm bất ngờ tới  Jerusalem, ông đã ký một Hiệp ước hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, thì khả năng tái diễn  một kịch bản như vậy từ một người nào đó là  đồng minh thân cận nhất của Moscow trong “thế giới thứ ba” thực sự đã là một cơn ác mộng đối với Điện Kremly. Ngăn chặn sự tái phát của một kịch bản như vậy đối với các lãnh đạo Liên Xô đã trở thành một nỗi ám ảnh và ưu tiên hàng đầu.

Trong thế giới của mình

Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin đã bị lật đổ và bị giết. Sau đó có công bố rằng  Amin đã từng là một điệp viên CIA, nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để khẳng định kết luận này, chắc hẳn không thể có được những bằng chứng như thế. Nhưng ở Moscow, có vẻ như, người ta đã thành thực tin vào những gì mà họ tự nghĩ ra ban đầu, rằng dường như  Amin làm việc cho Mỹ, hoặc ít nhất là đã cộng tác với với USA.

Những gì đã xảy ra ở Afghanistan rõ ràng có một điểm chung với tình hình ngày hôm nay. Các nhà lãnh đạo Kremlin,  đứng đầu là  Vladimir Putin,  có vẻ như cũng  thực dụng hoài nghi như vậy. Họ sống,  hành động và quan trọng nhất là  ra quyết định trong thế giới riêng của riêng mình.

Trong cả hai giai đoạn lịch sử,  lãnh đạo điện Kremli đều tự trở thành tù nhân trong thế giới quan  giáo điều của riêng mình, vô cùng xa rời thực tế. Các nhà lãnh đạo Liên Xô già nua thật sự tin tưởng vào một điều giả dối vô nghĩa rằng các nước châu Á và châu Phi,  được giải thoát khỏi chế độ thuộc địa hay bán thuộc địa, sẽ lựa chọn “con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa”,  mà cuối cùng sẽ dẫn họ đến với Chủ nghĩa xã hội trên toàn  thế giới. Và điện Kremli  sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD để hỗ trợ các chế độ này. Tuy nhiên, lãnh đạo một số nước, đến thời kỳ nào đó bỗng nhiên trở đầu đuôi,  chuyển đổi sang một con đường phát triển hoàn toàn khác  và tìm thấy chính mình trong một xu hướng xã hội khác. Chính vì vậy các trưởng lão Kremlin phải luôn tiếp tục gò họ vào con đường của mình.

Nhưng trong trường hợp của Afghanistan, Kremli có lợi ích và mốt quan tâm đặc biệt  lớn. Dù sao thì đất nước này giáp với Liên Xô, và tại sao lại không mơ ước là sẽ có được một nước cộng hòa Xô Viết  thứ mười sáu với tương lai có đường thông ra biển Ấn độ dương ấm áp… Không giống như Afghanistan, Syria không có chung đường biên giới với Nga. Cho nên từ đất nước này không thể tìm được những đồng dạng  kiểu như  Abkhazia, Nam Ossetia hay LNR-DNR.

Với sự kỳ thị  “kẻ xâm lược”…

Giống như cách đây 36 năm tại Afghanistan, hiện nay ở Syria, nước Nga đứng về phía một thể chế không  được ưa chuộng, một thể chế  mà phần lớn xã hội đều căm ghét. Nói cách khác, quân đội Nga tại Syria sắp tới sẽ được tiếp đón một cách  tương tự như các “shuravi” ở Afghanistan, sẽ bị coi là kẻ xâm lượс, những tên đồ tể. Tệ hơn nữa – là “những người không đáng tin tưởng”

Hơn thế nữa – Điều này không có ở Afghanistan ! – Nga đã thọc hai chân chân vào cuộc xung đột mang tính tôn giáo rõ ràng. Nga đứng về phe   Alawite (Shiite) thiểu số cầm quyền, dựa vào sự hỗ trợ của người Shiite Iran, người Shiite Iraq và Lebanon chống lại phần lớn người Sunni là phần còn lại của thế giới Ả Rập. Tôi không chắc chắn rằng điện Kremlin biết những gì họ làm – ít nhất là từ quan điểm này.

… Và không có đồng minh

Liên Xô, không nghi ngờ gì, đã là một siêu cường. Liên Xô đã có nhiều đồng minh – vệ tinh: các quốc gia – thành viên của khối SEV, Hiệp ước Warsaw, vv.. Nhìn chung, thế giới đã được sắp xếp theo một trình tự khác nhau. Liên Xô có thể đủ khả năng để cùng một lúc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, và tham gia cuộc chiến tranh ở Afghanistan, và hỗ trợ bằng tiền và vũ khí cùng một lúc cho các chế độ thân Liên Xô  để họ  chiến đấu với các đối thủ chính trị của họ, ở những chân trời khác nhau của thế giới – ở Ethiopia, Nicaragua, Angola, Campuchia.

Tuy nhiên, kết cục thì Liên Xô đã vỡ và chết. Ở Mức độ nào đó thì chính Afghanistan đã đóng một vai trò của mình trong chuyện mà đến nay vẫn tồn tại  những cuộc tranh cãi lớn. Ví dụ, cố cựu thủ tướng Yegor Timurovich Gaidar,  trong cuốn sách tuyệt vời của mình “Sự sụp đổ của Đế chế” thận trọng bày tỏ ý tưởng rằng các chi phí quân sự và chính trị lớn không phải là một yếu tố quyết định cho sự sụp đổ của Liên Xô.

Nhưng ngày nay, ngay cả khi không ai có thể đưa ra một câu trả lời tự tin với câu hỏi liệu Nga trong  hoàn cảnh kinh tế khó khăn hien nay có thể kham được cả cuộc chiến tranh ở Syria, và sự tiếp tục của một cuộc chiến hybrid với Ukraina, thì có một cảm giác rằng điện Kremli không thể đủ khả năng để tiến hành những cuộc phươu lưu đó một cách lâu dài.

Cuộc đối đầu như là niềm vui

Cuối cùng, một điều nữa, cũng rất đáng báo động! – Sự khác biệt giữa Afghanistan và Syria vào năm 1979, 2015.

Ba mươi sáu năm trước, trong điện tại điện Kremlin, có nhiều người, theo khẳng định của tôi, bất chấp tất cả những cản trở, đã  chân thành mong muốn hòa bình, không muốn có một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Trước hết, vì bản thân họ đã trải qua chiến tranh thế giới II, họ đã từng trải và thấu hiểu rằng thế nào là chiến tranh. Vì thế,  để làm giảm ngưỡng căng thẳng quốc tế,  họ luôn sẵn sàng tìm mọi cơ hội,  lời giải để làm nguội  vấn đề nóng đó trên các đấu trường quốc tế – từ quân sự cho đến ngoại giao.

Các lãnh đạo hiện nay của Nga chưa có được những  kinh nghiệm  cá nhân  về chiến tranh vô giá này. Và đôi khi có vẻ như họ  rất thích thú trước ý nghĩ về khả năng chiến thắng trong cuộc đối đầu quân sự với phương Tây. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong tình huống với Syria – không giống như Afghanistan-79 – nơi mà tồn tại  một xác suất thực sự của một pha va chạm với lực lượng Mỹ hoặc các đồng minh của họ, tham gia vào các hoạt động chống lại IS. Những hậu quả nào có thể sẽ xảy ra?  Thực sự  đáng sợ khi nghĩ về điều đó.

Nguyễn Hoàng Lân dịch (theo obozrevatel)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề