Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra thách thức rất lớn cho nền thịnh vượng và an ninh quốc gia, lớn hơn cả các đe dọa truyền thống về quân sự
Cộng đồng tình báo và an ninh Mỹ hàng ngày đang phải đau đầu trước thực tế ngày càng cấp bách: sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu đang là mối nguy hại trực tiếp đối với sự thịnh vượng và nền an ninh của quốc gia này.
Có lẽ không có ví dụ nào dễ hiểu hơn thực tế trong 5 năm qua Trung Quốc đang liên tục sử dụng lực lượng tàu hải quân, tàu đánh cá và dàn khoan dầu để thâm nhập vào các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với những vùng lãnh thổ trên dựa vào cái gọi là “đường chín đoạn” ban hành năm 1947 theo sau sự sụp đổ của Quốc Dân Đảng. Tấm bản đồ đó đã nằm trong im ắng suốt 65 năm dài, mãi cho đến khi nhu cầu nội địa về hải sản và dầu mỏ ngày càng cao, đã thôi thúc chính phủ nước này bắt đầu lên tiếng. Các xung đột liên tiếp trong khu vực hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cùng với những tranh cãi liên quan đến hàng hải với 7 quốc gia khác, đã thể hiện được Trung Quốc cảm thấy cấp thiết như thế nào. Nó đã khiến tổng thống Obama phải tuyên bố chính sách “xoay trục Thái Bình Dương” hướng đến Châu Á để bảo vệ các đồng minh và lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực này.
Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra thách thức rất lớn cho nền thịnh vượng và an ninh quốc gia Mỹ, lớn hơn cả các đe dọa truyền thống về quân sự. Thêm vào đó là khủng hoảng lương thực đã châm ngòi cho bạo loạn ở Ả Rập hay nạn hạn hán làm nghiêm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Syria. Những thách thức trên được tôi phân tích chi tiết trong quyển sách gần đây nhất, “Theo đuổi thịnh vượng” (In Pursuit of Prosperity), trong đó nghiên cứu về thực tế khan hiếm nguồn tài nguyên–tại những khu vực gần và xa–đã hình thành và ảnh ưởng đến vị thế nền kinh tế và an ninh của chúng ta như thế nào.
Xung đột gia tăng
Ở trong nước, một bộ các thỏa thuận về quản lý nguồn nước bề mặt (như sông, suối, hồ, đại dương) tồn tại suốt một thế kỷ nay giữa Mê-hi-cô và các bang phía Tây Nam nước Mỹ đã đáp ứng được hầu hết các nhu cầu về nước của cả hai quốc gia trong hoạt động nông nghiệp, khai khoáng và phát triển đô thị. Tuy nhiên hiện nay những thỏa thuận liên quốc gia này đang gặp phải áp lực ngày càng lớn, khi nạn hạn hán ở khu vực này đang khiến các khu tự trị và doanh nghiệp ở cạnh biên giới hai nước phải cắt giảm lượng nước dùng ở các hồ chứa nước và tầng nước ngầm nhằm bù đắp lượng nước mưa bị suy giảm.
Trong tương lai sự căng thẳng sẽ còn trầm trọng hơn: các nhà khoa học khí tượng gần đây đã cảnh báo rằng “các đợt siêu hạn hán” dự báo kéo dài trong 35 năm có 90% khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực này cùng với vùng trung Mỹ phía Tây. Viễn cảnh ấy sẽ dẫn đến đời sống sinh hoạt của người dân và cộng đồng bị đảo lộn, và hơn thế nữa nó gây ra các thách thức nghiêm trọng hơn bao giờ hết cho quan hệ đồng minh vốn đã mong manh giữa hai quốc gia. Không khó để hình dung ra sự thay đổi như vậy đối với điều kiện môi trường ở khu vực này sẽ châm ngòi cho một đợt người tị nạn ồ ạt di chuyển từ Trung Mỹ về phía Bắc và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho tình hình chính trị của nước Mỹ.
Các đánh giá nghiên cứu về tình hình 9 quốc gia và khu vực trong quyển sách của tôi bao gồm cả Biển Đông và biên giới Mỹ–Mehico xác định 5 lộ trình mà qua đó sự cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu sẽ đe doạ đến sự thịnh vượng và nền an ninh quốc gia Mỹ:
- Việc giảm sản lượng nông nghiệp sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nổi bật là tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên ở lưu vực sông Amazon chảy qua Brazil;
- Sự cạn kiệt và xuống cấp nặng nề về tài nguyên sẽ châm ngòi cho tình trạng bất ổn định ở trong nước mà ví dụ điển hình là các vụ biểu tình phản đối của hàng chục ngàn người xảy ra mỗi năm ở Trung Quốc, rất nhiều trong số đó có nguyên nhân liên quan đến tình trạng môi trường;
- Trữ lượng cá suy giảm đi đôi với tình trạng hạn hán ở khu vực mũi Châu Phi đã làm bất ổn các mối quan hệ trong khu vực như tình trạng cướp bóc và nổi loạn tăng lên nhanh chóng;
- Sự sụt giảm năng suất nông nghiệp, hạn hán và các chính sách thất bại đã châm ngòi cho các đợt di dân nội bộ ở Ấn Độ, điều đó đe dọa đến sự ổn định quan hệ hợp tác trong khu vực với Mỹ;
Mạng lưới tội phạm quốc tế và các mối hiểm họa xuyên quốc tăng lên nhanh chóng – ví dụ như ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo sự bất lực của bộ máy quản lý chính phủ đã làm gia tăng tình trạng loạn lạc ở các nước và tình trạng mất kiểm soát chính phủ.
Kết luận tổng quan trong cuốn sách Theo đuổi Thịnh vượng đưa ra là: sự thịnh vượng và an ninh quốc gia Mỹ trực tiếp phụ thuộc vào sự thịnh vượng và ổn định của những nước vừa là đồng minh vừa là đối tác của nước này như Brazil và Ấn Độ, cũng như của các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Nga.
Sự đánh đổi và khả năng phục hồi môi trường
Không có biện pháp giải quyết nào đơn giản hoặc đồng nhất cho các thách thức trên. Tuy nhiên thông qua hai cách—xác định điều gì cần phải đánh đổi và làm thế nào để gia tăng khả năng phục hồi môi trường—có thể là kim chỉ nam chiến lược cho các chính phủ, công ty hay nhóm dân sự.
Rồi đây chúng ta sẽ phải thường xuyên đưa ra các quyết định khó khăn giữa một số các lựa chọn mà mỗi lựa chọn đều có cái giá của nó. Để cùng một lúc đáp ứng được tất cả các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường thì sẽ làm tăng chi phí và có phần nan giải hơn, nếu không muốn nói là không thể làm được. Đồng thời chúng ta phải lưu ý đến khả năng phục hồi môi trường trước khi đưa ra quyết định của mình, bởi vì những chiến lược kinh doanh và phát triển thành công sẽ tạo ra lợi thế cho các công ty và nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu khi đương đầu với một tương lai không rõ ràng. Các chiến lược thành công nhất sẽ được tạo dựng từ nguyên tắc thích nghi với các điều kiện ngoại cảnh đang thay đổi liên tục.
Trong tình thế bị động về chính trị nói chung đang làm trì trệ đất nước chúng ta, chúng ta không thể trông chờ vào sự lãnh đạo liều lĩnh của chính phủ liên bang trong quá trình họ đang tìm giải pháp, mặc dù các hoạt động điều hành gần đây của tổng thống về tình trạng biến đổi khí hậu có thể có chút khích lệ nho nhỏ trong điều kiện khí hậu bất lợi như hiện nay.
Song song với đó, các tập đoàn hàng đầu có ảnh hưởng toàn cầu nhận ra rằng họ khó có lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận các thay đổi lớn trong khâu quản lý chuỗi cung ứng, sự hiệu quả của công nghệ cũng như các yêu cầu về sự thông suốt nguồn tài nguyên và thiết kế sản phẩm, để luôn giữ được vị trí dẫn đầu trong cạnh tranh. Bằng cách tăng cường hiệu quả thông qua cải tiến cách quản lý và có những tiêu chuẩn môi trường cao hơn, các công ty lớn có thể buộc các công ty ít hiệu quả hơn hay những công ty tụt hậu hay những kẻ làm ăn chộp giật phải ngừng các phương thức kinh doanh tốn kém và gây tác hại lên môi trường.
Người cộng sự trung gian làm cầu nối giữa chính phủ và doanh nghiệp trong nỗ lực giải quyết thực tế nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt ngày càng sâu rộng chính là các tổ chức xã hội dân sự ở cả phía Bắc và phía Nam. Với lợi thế có mối liên hệ trực tiếp với các cộng đồng, khả năng huy động quần chúng gây sức ép lên các chính quyền ngoan cố và sự sẵn sàng khảo nghiệm các phương thức khoa học cải tiến làm cho các tổ chức này trở thành những cộng sự không thể thay thế được trong quá trình đi tìm giải pháp cho sự cạn kiệt tài nguyên.
Cuộc chiến tranh chống nhà nước khủng bố Hồi giáo ISIS
Tình hình trầm trọng của các cuộc xung đột hiện nay ở khu vực Trung Đông khiến cho việc giải quyết vấn đề cạn kiệt nguồn tài nguyên càng thêm phức tạp, giữa bối cảnh mà tình trạng khủng bố và bạo loạn đang bủa vây một quốc gia hoặc cả khu vực.
Vai trò của nguồn tài nguyên thiên nhiên trở thành vấn đề có tính ảnh hưởng trọng yếu trong cuộc xung đột với tổ chức ISIS khi mà tháng 8 năm 2014 tổ chức này chiếm giữ và đe dọa cho nổ tung đập Mosul Dam trên sông Tigris, khiến cho cuộc sống và sinh kế của hàng ngàn người Iraq sống ở hạ nguồn sông rơi vào cảnh nguy khốn. Sau cuộc chiến dai dẳng với ISIS thì lực lượng Kurdish dưới sự hỗ trợ của các cuộc không kích của Mỹ đã chiếm lại được con đập sau vài tuần.
Tuy nhiên, cuộc xung đột bạo lực đó đã nêu lên một thực tế, khu vực này đã phải chịu đợt hạn hán kéo dài nhiều năm gần đây và là đợt nghiêm trọng nhất của thiên niên kỷ.
Không thể sinh tồn được thậm chí ở các vùng nông nghiệp có năng suất cao nhất của đất nước, hơn một triệu người Syria đã rời bỏ quê hương bản quán và từ bỏ kế sinh nhai để di dời đến thành phố Aleppo, Damascus và các thành phố khác. Tình trạng nguy khốn đó vừa góp phần vào, lại vừa bị làm cho trầm trọng thêm, bởi cuộc nội chiến bùng phát. Bị rơi vào tình trạng thất nghiệp và điều kiện cuộc sống bấp bênh, những cư dân mới chuyển đến các thành phố lớn đặc biệt là thanh niên dễ bị dao động bởi lời hứa hẹn của quân ISIS về một trật tự xã hội mới và các cơ hội làm ăn kinh tế.
Dù cho cuộc xung đột quân sự hiện nay diễn ra thế nào thì sự ổn định xã hội ở Syria, Iraq và khu vực Trung Đông sẽ vẫn còn là niềm hi vọng xa vời, nếu như các bên không thiết lập biện pháp quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng và bền vững làm trọng tâm phát triển một xã hội mới và ổn định hơn.
Thật vậy, chính sách ngoại giao của Mỹ phải biến sự sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững thành nỗ lực trọng tâm trong các cam kết ngoại giao. Nếu các thách thức cơ bản về môi trường không được giải quyết thì Mỹ có nguy cơ bị lôi kéo vào các biến động thường xuyên ở các khu vực khác nhau trên thế giới, là những nơi mà tình trạng thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên cũng như các điều kiện môi trường ít thuận lợi sẽ khiến cho những hi vọng để đạt được các kết quả khả quan là điều rất xa vời.
Hơn thế nữa chỉ có các quan hệ hợp tác đa phương mới có thể phối hợp và phát huy được đầy đủ các công cụ ngoại giao và các chương trình hỗ trợ phát triển nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra các cuộc xung đột khác và cung cấp khả năng kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục môi trường.
David Reed là cố vấn chính sách cao cấp của tổ chức World Wildlife Fun (WWF) và là tác giả của cuốn sách “Theo đuổi thịnh vượng: Chính sách của Mỹ trong kỷ nguyên của sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên” (US Foreign Policy in the Era of Natural Resource Scarcity), ông còn là người đóng góp cho chương trình Foreign Policy In Focus. Bài báo này đăng lần đầu trên trang FPIF.org.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times
- Các nhà khoa học cảnh báo về mùa hè “kinh khủng” nhất trong lịch sử
- Các nhà khoa học cảnh báo về mùa hè “kinh khủng” nhất trong lịch sử
- THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG NÊU THÔNG ĐIỆP CỦA VIỆT NAM TẠI COP 21
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG DỰ PHIÊN KHAI MẠC COP 21
- Không thể tăng GDP bằng cách tàn phá đất nước
- Phát triển đồng bằng sông Cửu Long: ‘Bát cơm vàng’ của Việt Nam đang biến mất
Trả lời