Chiếm 12,3 % diện tích và 20% dân số cả nước, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tới 27% GDP cả nước. Với một đất nước nông nghiệp như VN, ĐBSCL có vị trí quan trọng sống còn. Tuy nhiên nhiều phần của ‘bát cơm vàng’ này đang có nguy cơ biến mất.
‘Bát cơm’ đang chìm
80% diện tích Cà Mau có nguy cơ chìm trong nước, toàn tỉnh có gần 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Nếu nước biển dâng khoảng 85 – 105 cm thì phần lớn tỉnh Kiên Giang sẽ chìm trong nước.
Đi hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác, cùng có đặc điểm giống nhau: màu nước hơi vàng lợ, lúa lưa thưa, anh Bùi Văn Sim, nông dân tại ấp Lê Giáo, huyện Thới Bình, Cà Mau giải thích: “Vùng này năm nay mất trắng mùa lúa. Toàn nước mặn, không có mưa, gần như 100% lúa chết”.
Thới Bình là một trong những khu vực của Cà Mau chịu tác động của hai dòng thuỷ triều và bán nhật triều, do ba mặt là biển, hai phía giáp Biển Đông và Biển Tây, nước ở đây có độ mặn cao do triều cường từ hai phía. Cà Mau là vùng đất thấp, nhiều vùng nằm ngang hoặc thấp hơn mực nước biển, ngập lụt và nước biển tràn vào thường xuyên. Đặc biệt những năm gầy đây, dưới tác động của sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, 40% diện tích Cà Mau đang bị đe doạ sẽ chìm trong nước biển.
Người dân trong vùng như anh Bùi Văn Sim đã quá quen với hai mùa nước mặn – ngọt. Từ tháng 6 đến tháng 11 là mùa mưa, nước từ đầu nguồn các con sông tràn về, người dân rửa mặn cánh đồng trồng lúa, gặt xong lại phơi ruộng khô, bơm nước mặn vào nuôi tôm. Tuy nhiên kịch bản này đang thay đổi. Bà Trần Thị Điệp, cũng ở ấp Lê Giáo nói bình thường khoảng giữa tháng 7 – 8 là nước ngọt tràn về dồi dào, năm nay đã sắp sang tháng 11 vẫn không có. Điều này có nghĩa ‘bát cơm vàng’ của Việt Nam đang gặp nhiều biến động.
Trong số 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 80% diện tích Cà Mau có nguy cơ chìm trong nước, toàn tỉnh có gần 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Tuyến đê biển bị xuống cấp nghiêm trọng. Kiên Giang nằm ở đầu nguồn của triều biển Tây (Vịnh Thái Lan) nên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, lũ lụt hàng năm. Nếu nước biển dâng khoảng 85 – 105 cm thì phần lớn tỉnh Kiên Giang sẽ chìm trong nước.
Thêm nữa, theo tính toán của các nhà khoa học, bên cạnh vấn đề nước biển dâng, nền đất của các khu đồng bằng sông Cửu Long cũng sụt lún nghiêm trọng, càng đẩy nguy cơ ‘biến mất’ của cánh đồng phì nhiêu nhất đất nước lên cao. Mức độ sụt lún trung bình đo được ở huyện Cần Giờ, TP HCM là 26,3mm/năm, tại cửa Sông Hậu (Mekong) tại Cần Thơ là 14,2mm/năm và 23,4mm/năm tại Mũi Cà Mau.
Bên cạnh đó, hiện tượng xói lở ở các bờ sông, các cù lao và dải đất ven biển khiến người dân và chính quyền địa phương đều lâm vào cảnh khó khan. Cách đây vài năm, cả cù lao Long Khánh, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị nước cuốn xói lở gần như hoàn toàn, nước tấn công vào khu dân cư khiến cuộc sống của người dân rơi vào thế nguy hiểm. Hàng trăm hộ dân cần phải di dời, đẩy chính quyền vào tình thế lúng túng tìm quỹ đất.
Ở những vùng đất thấp như hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, nước biển dâng cao cộng hiện tượng sụt lún khiến hệ thống kênh rạch chằng chịt ở đây rối loạn, nhiều dòng sông có hiện tượng ‘chảy ngược’ mang nước từ biển về gây xói lở đất và các cù lao.
Đầu tháng 9 vừa rồi, gia đình bà Tạ Thiết Phương tại ấp Chà Và được phen hoảng hồn vì sau một đêm ngủ dậy, ngôi nhà của con gái bà ngay bên cạnh biến mất hoàn toàn. Đêm đó nước triều cường từ biển dâng đột ngột, ngập sâu, kéo luôn ngôi nhà xuống sông. May mắn gia đình chủ nhà đi vắng đêm đó nên không thiệt hại về người.
Đi dọc sông Gành Hào và sông Năm Căn của Cà Mau, dễ dàng thấy những ngôi nhà đã hoặc mấp mé đổ sụp xuống sông, kể cả nhà xây bê tông. Phần đất nền bị nước “ăn” sâu. Hầu hết hộ dân ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, là hai huyện cực nam thuộc đất mũi Cà Mau đều sống bằng hoặc thấp hơn mực nước biển. Những con đê đất người dân tự đắp chỉ là giải pháp tạm thời để ngăn nước biển vào nhà vào ngày khô. Đến ngày và mùa nước nổi thì cuộc sống lại “nổi” dập dềnh theo.
Sống giữa biển nước, nhưng người dân lại khát nước – theo đúng nghiã đen. Nước biển xâm vào nội đồng, những con sông, ngòi, ao hồ ngập nước mặn. Hệ thống nước ngầm nhiễm mặn và phèn không thể uống. Những vùng như xã Biển Bạch, Thới Bình (Cà Mau) hay một số huyện như An Biên, An Minh (Kiên Giang) thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước ngọt. Gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở ấp Lê Giáo, Thới Bình may mắn có được giếng khoan nhiều nước ngọt hiếm hoi. Người trong vùng cũng khoan giếng “nhưng hầu hết phải bỏ” vì nhiễm mặn.
Vào mùa mưa, nước ngọt có thể hứng mưa hoặc cả khu dùng chung giếng ngọt, nhưng mùa khô thì nước thực sự là vấn đề. Nước ngọt được chở từ nơi khác về bán, có khi cả 100 nghìn/khối.
Tuy nhiên, nguồn nước ngầm cũng ngày càng cạn kiệt. Ông Cường nói cây nước của ông mấy năm trước “lấy thoải mái, bơm bằng tay cũng lên, nhưng mấy năm nay là khó rồi, bơm tay không lên nữa, phải hút bằng máy. Nước ngọt cạn đi đâu mất”. Độ sâu của giếng khoan cũng ngày càng tăng lên. Trước đây khoan vài chục m là đến nước ngọt, giờ khoan hơn 100 m mới có, nếu khoan nông hơn chỉ có nước mặn và phèn.
22 triệu người sẽ đối mặt nguy cơ mất nhà cửa, ruộng đồng
Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình ở ĐBSCL có thể tăng thêm 1,3 – 2,8 độ C, mưa có thể tăng 4-8%, nước biển dâng theo kịch bản thấp là 66cm, cao là 99cm. Nước biển dâng cao 1m có thể làm 39% diện tích ở ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị ảnh hưởng. Đây là một trong những khu vực bị tổn thương nặng nề nhất của Việt Nam do tác động của BĐKH. Báo cáo của tổ chức phát triển LHQ (UNDP) nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10% GDP.
Rất nhiều nghiên cứu, hội thảo và dự án về vấn đề khí hậu tại được đưa ra. Trong đó, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) khuyến cáo các quốc gia mấy biện pháp chính để ứng phó: nâng cấp hệ thống đê điều và các công trình ven biển; thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân để ‘chung sống’ và di dời dân.
Trong năm 2014, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án 390 tỷ đồng xây hệ thống đê biển qua TP Rạch Giá. Đây là một phần trong dự án nâng cấp hệ thống đê từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo quyết định của Thủ tướng.
Ngoài ra, sự can thiệp vào các dòng chảy trên sông Mekong cũng làm ĐBSCL đứng trước nhiều nguy cơ. Trong đầu tháng 9 vừa qua, Quốc hội Lào đã chính thức thông qua dự án thuỷ điện Don Sahong trên song Mekong, dự định sẽ bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2015. Sẽ có nhiều hệ lụy từ đây.
Một khu vực lớn dân cư bị tác động, đồng nghĩa với việc một nhóm người lớn cần di cư hoặc hỗ trợ. Đây thực sự là vấn đề lớn cho việc quản lý quỹ đất và an sinh xã hội mà ĐBSCL đang phải đối mặt.
Lan Hương (Theo VietNamnet)
- Các nhà khoa học cảnh báo về mùa hè “kinh khủng” nhất trong lịch sử
- Các nhà khoa học cảnh báo về mùa hè “kinh khủng” nhất trong lịch sử
- THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG NÊU THÔNG ĐIỆP CỦA VIỆT NAM TẠI COP 21
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG DỰ PHIÊN KHAI MẠC COP 21
- Nghịch lý hạt gạo Việt: 70% lợi nhuận thuộc về thương lái, cò lúa và doanh nghiệp
- Chuyện lạ đời, nước nông nghiệp mà người dân phải lo rau sạch!
Trả lời