Những năm gần đây an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề toàn cầu, cần tới nỗ lực giải quyết của chính phủ các nước cũng như đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng thực phẩm trên toàn cầu. Do đó, “Ngày Sức khoẻ Thế giới” (07/4) năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn với chủ đề là “An toàn thực phẩm”. Việt Nam cũng hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt sẽ cùng đọc giả xem vì sao.
Riêng đối với Việt Nam thì an toàn thực phẩm lại được coi trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì thực phẩm bẩn đang tran lan, bủa vây người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn đến từ Trung Quốc, và chính từ tại Việt Nam. Bẩn, không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong tất cả các loại thực phẩm từ thịt, cá, rau, củ và các loại hoa quả, trái cây..; từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; từ nông thôn đến thành phố, từ chợ bình dân cho đến các siêu thị cao cấp.
Thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan trên các phương tiện truyền thông khiến mọi người rất hoang mang. Từ rau phun thuốc trừ sâu sát ngày thu hoạch, sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kích phọt, trồng rau bằng nguồn nước bẩn; thông tin về dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt lợn, cá của Việt Nam; thông tin về bơm thêm hóa chất vào tôm để tăng trọng lượng; về bơm nước bẩn vào bò, lợn để tăng cân khi mổ bán; thông tin về sử dụng hóa chất để nhúng các loại trái cây cho nhanh chín và không bị thối; thông tin về làm gà nướng bằng đèn khò hàn; thông tin về sử dụng mỳ chính hết hạn để chế biến món ăn; thông tin về thịt thối đưa vào cho các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp cung cấp cho các trường học…
Hậu quả của thực phẩm bẩn
Tỷ lệ tử vong do ung thư của người Việt Nam cao nhất thế giới, với 75.000 người chết vì ung thư hàng năm. Theo thống kế gần đây tốc độ tăng số bệnh nhân ung thư 5,4%/năm, mỗi năm chúng ta có thêm 150.000 ca ung thư mới. Trong đó, 30% số ca mắc ung thư là do ăn phải thực phẩm bẩn. Nếu như tình trạng thực phẩm bẩn còn tràn lan như hiện nay, con số kinh hoàng này sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đều đưa tin về ngộ độc thực phẩm, đôi khi xảy ra với hàng trăm người, đau xót hơn là ngộ đọc xảy ra với trẻ nhỏ, với học sinh khi ăn các suất ăn công nghiệp và ăn quà vặt ở cổng trường.
Hậu quả sâu xa là, năm 2014 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng đến gần 40%, trong đó, nhẹ cân chiếm 14,5%, thấp còi chiếm 25%. Sau mấy chục năm, người Việt Nam đã thấp còi đi rất nhiều so với người Nhật (trước đây gọi là Nhật lùn), người Hàn quốc, Trung Quốc…
Mỗi năm chúng ta có thêm 150.000 ca ung thư mới. Trong đó, 30% số ca mắc ung thư là do ăn phải thực phẩm bẩn.
Hậu quả làm mất lòng tin, suy thoái đạo đức, chỉ vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà chính người Việt tự giết mình, giết chết lẫn nhau. Không biết những người sản xuất, người bán hàng họ thờ ơ hay vì thiếu hiểu biết? Rõ ràng là họ đang tự giết mình, giết xã hội, làm thui chột nòi giống người Việt mình.
Về kinh tế, hậu quả là sức mua các sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước hiện nay giảm đi rất nhiều. Vì người tiêu dùng hoang mang lo sợ tác hại của thực phẩm bẩn, rau bẩn, hoa quả bẩn nên đã hạn chế tiêu dùng để hạn chế độc hại. Mặt khác người tiêu dùng chuyển hướng sang mua hàng ngoại, mua trong các siêu thị, mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ an toàn, nên thực phẩm ngoại có cơ hội tràn vào Việt Nam. Điều này, làm cạnh tranh, giảm cầu đối với sản xuất nông nghiệp trong nước. Là một nước nông nghiệp mà không chiến thắng về sản phẩm nông nghiệp ngay thị trường trong nước thì làm sao tiến được ra ngoài?
Người dân phải tự lo rau sạch
Với nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều người dân thành phố đã tìm đến siêu thị để mua rau, củ với mong muốn được dùng rau “sạch”. Tuy nhiên, do lượng rau an toàn có hạn nên một số siêu thị đã nhập rau từ nhiều nguồn, không đảm bảo chất lượng, thậm chí có cả hàng Trung Quốc. Mà giá trong siêu thị thì phải đắt, giá bán ra ở đây đắt gấp đôi các chợ truyền thống.
Những gia đình giàu có, có điều kiện, thì giống như các khách sạn 5 sao, họ nhập toàn bộ thực phẩm, gồm thịt, cá, rau, hoa quả từ nước ngoài về qua đường hàng không.
Những gia đình có ít điều kiện hơn thì tự trồng lấy rau sạch ở quê, thuê đất hay trồng trên sân thượng. Không còn chuyên môn hóa là người chuyên trồng rau nữa. Không chỉ giáo sư, tiến sĩ mà ông Lê Khả Phiêu cũng phải tự trồng rau sạch, với các thiết bị trồng rau hơn 100.000 đô. Nếu vào các trang web thì chúng ta sẽ thấy đủ các cách trồng rau, làm vườn trên sân thượng.
Thế là một đất nước nông nghiệp mà rất nhiều người, kể cả giáo sư, tiến sĩ cũng phải tự trồng lấy rau sạch.
Còn đối với dân nghèo thì sao? Họ lo bữa ăn còn chưa đủ thì cần gì phải nghĩ đến sạch. Đây mới thật sự là hiểm họa lớn cho 70% nông dân chủ yếu là nghèo của Việt Nam.
Cần phải giải quyết triệt để vấn nạn thực phẩm bẩn
Vì sao một đất nước nông nghiệp, có truyền thống văn hóa hàng ngàn năm lịch sử, với đạo đức thuần phong mỹ tục đáng tự hào mà người dân lại phải khổ sở với việc rất nhỏ là rau sạch, đặc biệt là người dân nghèo, có cái ăn đã là khó, còn để được ăn sạch thì là quá khó?
Chúng ta cần chung tay ngăn chặn việc nuôi trồng, chế biến, sản xuất và buôn bán thực phẩm bẩn này. Các cơ quan chức năng liên quan phải thực sự xem đây là một vấn nạn nghiêm trọng, để nghiên cứu tìm ra giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thực phẩm bẩn từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ. Không chỉ lên án, kiểm tra thường xuyên, phạt nặng, mà còn phải cung cấp kiến thức và giảng giải rõ cho người dân – những người tham gia vào dây chuyền cung ứng thực phẩm, hiểu được tác hại của việc chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả mà họ đang vô tình hoặc cố ý tham gia. Một mặt giúp nâng cao trình độ hiểu biết, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người sản xuất thực phẩm, một mặt kiểm tra rà soát và phạt nặng những trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết là nhà nước và cả người dân phải quyết tâm cải thiện tình trạng thực phẩm bẩn này một cách thật dứt điểm.
Thiết nghĩ, chúng ta có giờ Trái đất, kêu gọi mọi người tiết kiệm năng lượng, chúng ta có những chương trình vì môi trường xanh, có những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã… Vậy mà đối với thực phẩm là thứ tác động trực tiếp lên sức khỏe của bản thân, gia đình, xã hội, tác động đến giống nòi của dân tộc thì lại đối đãi lỏng lẻo và chưa xứng tầm với sức nặng của nó.
Cũng mong rằng các cơ quan quản lý, người sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm còn có thiện tâm, biết nghĩ đến người khác vì thật sự, những gì chúng ta làm trong cuộc sống này cũng giống như tiếng vọng, nó sẽ quay lại với bản thân và người nhà của chúng ta.
Trí Lê (Theo Đại Kỷ Nguyên)
- Phát triển đồng bằng sông Cửu Long: ‘Bát cơm vàng’ của Việt Nam đang biến mất
- Nghịch lý hạt gạo Việt: 70% lợi nhuận thuộc về thương lái, cò lúa và doanh nghiệp
- Nỗi đau của một nền nông nghiệp đánh mất chính mình
- Nông nghiệp chính là tương lai
- Bài học phát triển từ Israel - đất nước không có 'rừng vàng biển bạc'
- Bầu Đức - khi đại gia bất động sản đi bán thịt bò
Trả lời