(bộ nhớ đệm: 06:08:48 19/03/2024)
Kygia
Tư lệnh Lục quân Mỹ đến Ukraina: Sẽ lại có “biến”?

Ngày 30/10, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Mỹ do tướng Mark Milley, Tư lệnh Lục quân Mỹ đã đến Ukraina để “trao đổi các hướng và hình thức hợp tác quân sự”. Tuy nhiên, các chuyên gia lại đặt ra những nghi vấn khác nhau về mục đích chuyến đi này.

Mặc dù hiện có rất ít thông tin chi tiết về chuyến thăm Ukraina lần này của Tư lệnh Lục quân Mỹ nhưng các phương tiện truyền thông Ukraina đã khẳng định ông Mark Milley đã có các cuộc gặp gỡ với giới chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraina để thảo luận về “các phương hướng và hình thức hợp tác quân sự”, tình hình Donbass, cũng như các kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới.

Những nhận định “lạc quan”

Dường như với mục đích trấn an dư luận, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng (chưa được công nhận) Donetsk Aleksandr Zakharchenko đã vội vàng nhận định rằng ông Mark Milley đến Ukraina để “ra sắc lệnh” không cho Kiev tiếp tục chiến sự ở Donbass. Theo ông Zakharchenko, chuyến thăm Ukraina của Tư lệnh Lục quân Mỹ sẽ không thể làm phức tạp thêm xung đột ở Donbass vì “bối cảnh chính trị đã có rất nhiều thay đổi”.

“Phương Tây đã có sự đồng thuận về vấn đề thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk: Không chỉ châu Âu mà cả Mỹ đều yêu cầu thực hiện nghiêm thỏa thuận này”,- Zakharchenko nhấn mạnh.

Theo Zakharchenko, việc Tổng thống Mỹ B.Obama không ký sắc lệnh cung cấp cho Ukraina hỗ trợ quân sự trị giá 300 triệu USD là “minh chứng” cho khả năng này.

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị Nga lại cho rằng ông Zakharchenko đã quá lạc quan hoặc đang cố “tự trấn an” mình. Giới phân tích Nga đang nghiêng về khả năng Mỹ đang thực hiện những thay đổi chiến thuật nhất định và sẽ tiếp tục hành động “không minh bạch” tại Ukraina.

Theo phân tích của giáo sư Andrey Manoilo thuộc Khoa Chính trị trường đại học tổng hợp Moscow (MGU), chắc chắn người Mỹ đang thay đổi chiến thuật của mình. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ sẽ thực hiện chính sách giải quyết hòa bình cuộc xung đột hiện nay ở Donbass mà chỉ tạm thời “đóng hộp” xung đột trong một khoảng thời gian nhất định vì Ukraina là phương tiện chính để gây mất ổn định tình hình Nga.

Mỹ đã đổ khá nhiều tiền để kích động cuộc khủng hoảng này và đây là dự án đã tiêu tốn của Mỹ khá nhiều công sức, tiền bạc. Do đó, Mỹ sẽ không thể từ bỏ nó đơn giản như vậy.

Ông Manoilo cho rằng, hiện Mỹ phải tạm thời ngừng hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraina là do muốn tập trung vào mặt trận ở Syria vì Nga đang ngày càng có nhiều ưu thế tại đất nước Trung Đông này.

Người Mỹ muốn lập lại cân bằng về chiến lược để đối trọng với Nga ở Syria. Đồng thời bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đang đến gần. Ông Obama chắc chắn sẽ rời nhiệm sở nhưng sẽ muốn rời cương vị với tư cách là người chiến thắng và yêu hòa bình nên vấn đề Ukraina sẽ bị gác lại tạm thời.

Để có thể rời nhiệm sở với tư cách trên, ông Obama đã có rất nhiều nỗ lực trong thời gian qua. Mỹ đã ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, khôi phục quan hệ với Cuba. Hiện ông Obama sẽ tiếp tục nỗ lực để Thỏa thuận Minsk được thực hiện để thêm được một điểm “+” nữa.

Một lý do nữa khiến vấn đề Ukraina bị xếp hàng “thứ yếu” là do châu Âu hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư. Do đó, châu Âu đã gửi tín hiệu cho Mỹ về việc cần phải tạm “đóng băng” cuộc xung đột Ukraina vì họ không thể cùng lúc hoạt động trên nhiều “mặt trận”.

Đánh giá về khả năng tướng Mark Milley đến Ukraina để bàn về mở căn cứ quân sự hoặc đưa quân đến Ukraina, ông Manoilo cho rằng khả năng này hầu như không thể xảy ra. Việc lập căn cứ quân sự ở Ukraina là nước cờ cực kỳ mạo hiểm và nhiều rủi ro đối với Mỹ. Hơn nữa, khả năng NATO đưa quân vào Ukraina cũng có thể được loại trừ vì nhiều lý do khác nhau.

Liệu sẽ có “biến”?

Khác với ông Manoilo, Phó Giám đốc nghiên cứu Ukraina và Belarus thuộc MGU Bogdan Bezbalko lại cho rằng chuyến đi đến Ukraina lần này của ông Mark Milley là nhằm chuẩn bị gây “biến” ở Ukraina. Cụ thể, chuyến đi này là nhằm chuẩn bị cho các điều kiện để Kiev dùng vũ lực giải quyết xung đột hiện nay.

Người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Aleksandr Zakharchenko.

Theo ông Bezbalko, mặc dù Tổng thống Mỹ Obama không ký dự thảo nghị quyết ngân sách quân sự Mỹ năm 2016 với kinh phí 612 tỷ USD, trong đó có 300 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraina nhưng “ê kíp” vạch ra kế hoạch này sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên Tổng thống Mỹ để dự thảo được thông qua.

Một trong số thành viên “ê kíp” này là bà Hillary Clinton, một ứng cử viên nặng ký sẽ có thể đại diện cho phe Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới.

Chính vì vậy, theo Bezbalko, nhận định về việc Mỹ sẽ không hỗ trợ Quân đội Ukraina, không thúc đẩy giới lãnh đạo Ukraina giải quyết xung đột bằng vũ lực là quá lạc quan. Mỹ có thể sẽ không thúc đẩy giải quyết xung đột ở Donbass bằng vũ lực vào thời điểm này, thay vào đó là thúc đẩy thực hiện thỏa thuận Minsk nhưng chắc chắn sẽ cài một số “mặc cả” vào đó. Điều này có thể sẽ có lợi hơn nhiều so với giải quyết xung đột bằng vũ lực.

Mỹ luôn quan sát kỹ tình hình Ukraina và sẽ có những hành động mang tính chiến thuật để thực hiện các chiến lược của mình là duy trì sự thống trị trên toàn cầu. Do đó, việc ông Obama không phê chuẩn dự thảo ngân sách quân sự Mỹ không có nghĩa là kịch bản lại bùng phát xung đột quân sự ở Donbass đã được loại trừ. Đây có thể chỉ là bước đi phục vụ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của phe Dân chủ.

Hiện vẫn chưa có bất cứ cơ sở nào để nhận định rằng Ukraina sẽ từ bỏ kịch bản quân sự đối với Donbass. Người châu Âu đã cố gắng gây áp lực lên Ukraina nhưng hiện Ukraina không chịu áp lực của châu Âu mà chịu áp lực của Mỹ vì châu Âu hiện cũng phụ thuộc vào Mỹ.

Điều này được thể hiện không chỉ qua vấn đề Ukraina mà cả ở trong vấn đề ký kết Hiệp định đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương. Mặc dù hiệp định này bị đa số người dân châu Âu phản đối nhưng nó sẽ tiếp tục được thực hiện.

Do đó, sẽ không có bất cứ cơ sở nào để khẳng định Mỹ sẽ thay đổi chính sách với Ukraina. Ngược lại, chuyến đi Ukraina lần này của Tư lệnh Lục quân Mỹ có thể lại là sự chuẩn bị để gây “biến” nào đó trong thời gian tới.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995. Và tờ Svpressa.

 Theo infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề