FDI tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện nay, FDI đang có tác động hai chiều đến Việt Nam. Bên cạnh việc góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, nó cũng tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam và dần chiếm ưu thế trong thị trường nội địa.

Thông tin trên được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước – ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam”, vừa diễn ra hôm qua (9/4) tại Hà Nội.

FDI tác động quan trọng đến Việt Nam

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến hết quý I/2015, có 267 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD, chỉ bằng 59,4% so với cùng kỳ. Việt Nam đã thu hút được 1,837 tỷ USD vốn FDI trong đó, lĩnh vực xây dựng, bất động sản dẫn đầu với 203 triệu USD đăng ký mới.

Theo dự báo năm 2015, vốn đăng ký FDI khoảng 18 tỷ USD, thậm chí tốt hơn và vốn giải ngân kỳ vọng đạt 12 tỷ USD chưa tính đột biến với trào lưu hội nhập và cải cách thủ tục có thể còn hơn thế.

Chia sẻ về FDI tại Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, FDI đang có tác động hai chiều đến Việt Nam. Bên cạnh việc góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, nó cũng tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam và dần chiếm ưu thế trong thị trường nội địa.

Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng cho biết, hiện nay, FDI có vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Theo đó, tạo công ăn việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong hoạt động xuất khẩu, hoạt động FDI cũng giúp Việt Nam đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, cũng như mở rộng và chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. “Không có đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhưng không thể như hôm nay”, ông Hoàng tái khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Mai Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cũng cho biết, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, dòng vốn FDI được khơi thông nhanh chóng đã làm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, thông qua huy động nguồn vốn cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, thúc đẩy quáy trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Hoàng Dương – Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, FDI có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tăng trưởng của Việt Nam.

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Hiện nay, FDI đang được xem là một kênh đầu tư có tác động khá tích cực và làm thay đổi hoạt động kinh doanh, cũng như tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước vẫn cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút thêm FDI.

Theo bà Mai Thị Thu, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, FDI cần được nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan để có những chính sách phù hợp, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, phát huy được tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của nguồn vốn này, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cũng như mai lại lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.

Trước những ảnh hưởng của FDI đến Việt Nam như vậy, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, dưới góc độ quản lý Nhà nước, cần sự hỗ trợ đầu tư, quản lý đầu tư để doanh nghiệp nước ngoài đi đúng hành lang. “Quản lý không phải săm soi, gây khó dễ cho doanh nghiệp mà hỗ trợ bằng chính sách, tháo gỡ khó khăn của các cơ quan, các cấp các địa phương”, ông Hoàng chia sẻ.

Ông Hoàng cũng cho rằng, các chính sách thu hút FDI cần được rà soát, tập trung hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao. Đặc biệt, thu hút FDI cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực, và các tác động lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng theo chia sẻ của ông Hoàng, tới đây Việt Nam nên ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực…như tập trung đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho công nghiệp phụ trợ, thay vì nghị định công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo cần có Luật Công nghiệp hỗ trợ.

“Thủ tướng đặt mục tiêu tạo nguồn lực cho phát triển và mục tiêu phải có tác động lan tỏa, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên tập trung thu hút những doanh nghiệp lớn nhưng cũng chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa với tính lan tỏa cao, dẫn dắt trung gian”, ông Hoàng cho biết.

VnMedia


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề