Sao không dùng thang điểm 100?

Bộ GD-ĐT vừa có ý kiến sẽ mở rộng thang điểm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 thành thang điểm 20, với quan điểm cho rằng thang điểm này sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một ý tưởng tích cực bởi càng chấm điểm chi tiết thì càng đánh giá chính xác bài thi. Nhất là với các bài thi tự luận (của các môn xã hội) thì thang điểm càng cụ thể, càng chi tiết sẽ tránh được trường hợp chấm sót các ý, đặc biệt là những ý chưa bám trực tiếp vào đáp án.

Không chỉ vậy, với thang điểm 10 hiện tại, các bài thi thường được chấm đến mức 0,25 điểm, như vậy sẽ có nhiều bài thi khó có thể chấm chính xác.

Từ ý tưởng về thang điểm 20, tôi nghĩ rằng tại sao không dùng thang điểm 100 để sự chi tiết được nâng cao hơn thì tính chính xác sẽ cao hơn?

Trước hết, thang điểm 100 hiện được dùng ở khá nhiều nước trên thế giới, ngay trong nước ở các kỳ thi ngoại ngữ cũng thường dùng thang điểm này.

Nhưng quan trọng hơn, thang điểm 100 sẽ đánh giá sự chính xác có thể cao hơn ít nhất bốn lần so với thang điểm 10, bởi vì nếu mức cho điểm hiện nay thường đến mức 0,25 (trên 10) thì với thang điểm 100, mức cho điểm đến mức 1,0 (trên 100) cũng đã chi tiết hơn đến bốn lần.

Dĩ nhiên, việc đánh giá bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia bằng thang điểm 20 hay 100 mà việc đánh giá trong quá trình học vẫn dùng thang điểm 10 là có sự khập khiễng, ít nhất trong nhận thức và thói quen của cả giáo viên lẫn học sinh.

Do đó, Bộ GD-ĐT nên lấy ý kiến rộng rãi giáo viên, học sinh và các chuyên gia trước khi chọn một phương án thang điểm phù hợp, sớm nhất vào kỳ thi năm 2016, để cho mọi người có thể làm quen với thang điểm, cách đánh giá, cách cho điểm và cách tích lũy điểm theo thang điểm mới.

Thang điểm mới hoàn toàn có thể trở thành một điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, nếu thang điểm đó hợp lý, có tác dụng động viên, kích thích sự học tập của học sinh cũng như tăng thêm sự thận trọng, chi tiết trong cách cho điểm của giáo viên.

Đồng thời, từ thang điểm mới còn tác động đến việc ra đề kiểm tra, đề thi cũng như cách chấm điểm; chẳng hạn, với bài kiểm tra toán có 10 câu chấm theo thang điểm 100 thì cần thiết phải chấm đến chi tiết từng bước, từng lời giải, chứ không chỉ dựa vào kết quả và phương pháp đúng.

Từ đó có thể nói, nếu có phương án thay đổi thang điểm thì nên dùng thang điểm 100 sẽ tốt hơn cho cả người dạy lẫn người học, tức là tốt hơn cho giáo dục!

Theo Tuổi trẻ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề