Chướng mắt với cách nuông chiều con quá đà

Kinh tế phát triển, nhiều người tự cho phép bản thân sống cuộc sống sung sướng, đôi khi vượt quá hoàn cảnh…. Trong đó, cách nuông chiều con cái quá đà của một số phụ huynh hiện đã xuất hiện nhiều vấn đề, đáng để quan tâm và suy ngẫm.

Câu chuyện của gia đình chị Hà (Đồng Nai) có lẽ là một điển hình cho việc “chiều con quá hóa hư”. Vì chị ngoài 35 mới có đứa con đầu lòng, mà lại là cậu ấm….nên nhất cử nhất động của con chị đều nâng niu thái quá. Dù đã gần 4 tuổi, nhưng vì là cháu đích tôn nên được cưng chiều hết mực. Vì thế, con trai chị Hà càng lớn càng quái tính.

Những lúc không hài lòng bé sẵn sàng ném bất cứ thứ gì vào người đối diện, bất kể ba mẹ hay ông bà, khi ấy chị Hà không tỏ thái độ… mà lại thương con hơn. Và mặc nhiên coi những hành động đó của con không sai nên ra ngoài bé vẫn một cách ứng xử như vậy. Ai làm bé khóc chị lập tức nạt nộ trước mặt…khiến bé càng được đà lấn tới. Lập luận của chị chỉ là sợ bé khóc nhiều ảnh hưởng đến thần kinh còn yếu.

Chướng mắt, anh Quyết chồng chị nhiều lúc ý kiến không nên chiều con quá như vậy sẽ làm con hư nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện.

Khổ nhất là những bữa cơm, bé giành hết cả mâm không cho ai ăn – chị cũng bảo “cháu còn nhỏ để từ từ dạy”. Dần dà không ai trong nhà dám động vào “cục cưng” vì chị đã “áp đặt” cách nuông chiều con không giống ai.

Khi thằng bé thích nghịch điện thoại (mới 4 tuổi nhưng nó đã làm hỏng của chị Hà 3 chiếc điện thoại đắt tiền) – nó đòi bằng được điện thoại anh Quyết để trên đầu giường. Anh chị dỗ thế nào bé cũng không chịu, nên anh Quyến chịu thua “ông con”. Vì đòi lâu mới được đáp ứng, cu cậu phản ứng bằng cách cầm chiếc điện thoại thả vào xô nước. Điện thoại hư, nhưng anh chị cũng lấn bấn không biết bắt đầu từ đâu khi con được sống trong vỏ bọc nuông chiều từ lúc lọt lòng?

Cách chiều con thái quá của không ít gia đình đã tạo ra những đứa trẻ bất trị ngay từ trong nôi, nhất là những gia đình trẻ có điều kiện kinh tế – họ sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con cái. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc, bất cứ khi nào cũng có thể “ra lệnh” cho bố mẹ khi chúng cần.

Chính vì không chịu sự quản lý hay bất cứ ràng buộc nào bởi thiết chế gia đình nên phần lớn số trẻ được nuông chiều thái quá. Khi đã ngoài 18 tuổi mà thường có lối sống buông thả, thích tụ tập ăn chơi, đàn đúm hoặc chơi game thâu đêm suốt sáng… Nam (Bình Dương) là một trường hợp như vậy.

N. may mắn hơn tất cả những người bạn cùng thời khi được sinh ra trong một gia đình giàu có nhất vùng. Bố mẹ là những doanh nhân điều hành công ty lớn có tiếng, nhưng không có thời gian cho con. Bởi vậy, Nam lớn lên trong nhung lụa và sự yêu thương của người giúp việc….

Vì nghĩ, không thể dành nhiều thời gian cho con nên ba mẹ Nam chiều con vô tội vạ. Tiền Nam muốn xin bao nhiêu cũng có. Vật dụng gì nếu cần Nam chỉ gọi điện thoại sẽ có người mang đến, ngoài việc ngồi một chỗ và đòi hỏi Nam không thể nấu nổi bữa cơm hay tự giặt áo quần cho mình.

Mặc dù có thừa điều kiện nhưng Nam không thể nào tốt nghiệp nổi phố thông vì học lực quá kém. Nhưng không biết xoay xở thế nào ba mẹ cậu cũng “lo” được suất… du học ngon lành. Học hành không thấy đâu chỉ thấy Nam tháng nào cũng về nhà xin tiền. Hết mấy năm du học ba mẹ Nam mới tá hỏa khi biết con mình chỉ vào Sài Gòn thuê khách sạn ăn chơi đàn đúm.

Sai lầm của hầu hết ông bố bà mẹ là chỉ biết giáo dục cho con cái mình sự sung sướng mà quên rằng cuộc sống đâu phải khi nào cũng êm ả màu hồng, rồi đây những đứa trẻ ấy sẽ hòa nhập với cộng đồng như thế nào nếu trong đầu óc chúng không có khái niệm về sự gian nan, cực khổ…?

Cách giáo dục con cái một cách “vô trùng” mà hiện nay nhiều gia đình đang áp dụng sẽ tạo ra một thế hệ “gà công nghiệp” ít hiểu biết về xã hội, kém khả năng tự lập nhưng có thừa những lý do để dựa dẫm. Thậm chí có nhiều gia đình “sắp đặt” sẵn tương lai cho con mình, ăn gì, học gì, đi đâu…tất tần tật đều do bố mẹ định hướng thay.

***

Đất nước còn nghèo nhưng nghịch lý rằng có một thế hệ đang được giáo dục rằng mình giàu, mình đầy đủ, mính sung túc, vì “nhiễm” lối sống dùng tiền để quản lý người khác nên nhiều trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã coi ba mẹ, ông bà, người giúp việc là đối tượng để sai khiến, từ đó dần nảy sinh thói trịnh thượng, thích người khác phải phục vụ mình.

Vậy nên, khi ra ngoài đời nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng thì dễ nảy sinh mâu thuẫn, sức “đề kháng” và kỹ năng sống thường kém hơn so với những đứa trẻ được giáo dục đúng cách, nên dĩ nhiên dễ sa ngã và lệch lạc về quan điểm sống.

Đề cập tới vấn đề chiều con thái quá không ít nhà tâm lý cho rằng, với từng lứa tuổi cần có sự quan tâm và chiều chuộng đúng mực. Phải hiểu rõ trẻ cần gì và điều gì là thực sự phù hợp với con mình, chính những người làm cha mẹ phải luôn sáng suốt để phân định rõ ràng giữa việc cần, đủ và thừa thãi, để có cách yêu thương con phù hợp.

Nuôi dưỡng con trẻ bằng tình yêu thương, chiều chuộng không bao giờ là sai trái nhưng“Thương cho roi cho vọt/ ghét cho ngọt cho bùi”, quả thực ông bà ta nói không sai. Những ai đang nuông chiều con mình quá đáng là đang hại chúng. “Hy sinh đời bố củng cố đời con” cần hiểu đúng, làm đúng chứ không phải là lý do để làm hỏng những đứa trẻ.

Trương Khắc Trà
(* Tên nhân vật đã thay đổi)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề